Mang thai nhưng không tăng cân, tăng cân ít: Nguyên nhân là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Việc bà bầu thiếu cân trong quá trình thai kỳ sẽ không đảm bảo đủ năng lượng cho thai nhi phát triển, giảm chức năng não của bé và có thể khiến mẹ đối mặt với dấu hiệu chuyển dạ sớm, bé sinh ra nhẹ cân, còi cọc, suy dinh dưỡng, suy hô hấp,...

1. Nguyên nhân mang thai nhưng không tăng cân, tăng cân ít là gì?

Tăng cân khi mang thai là dấu hiệu cho thấy em bé phát triển tốt. Tuy nhiên, tăng cân cũng cần phải phù hợp, không nhiều nhưng cũng không ít. Cụ thể, cả thai kỳ, mẹ bầu nên tăng cân như sau:

  • Trước khi mang thai mẹ bầu có cân nặng bình thường thì nên tăng khoảng 10 – 12kg là đủ.
  • Nếu trước khi mang thai mẹ thuộc dạng thiếu cân thì nên tăng khoảng 12-18 kg.
  • Những mẹ bầu bị thừa cân trước khi mang thai thì chỉ cần tăng khoảng 6 -11 kg.

Tùy vào từng giai đoạn của thai kỳ mà mẹ bầu cũng cần tăng cân thích hợp như sau:

  • 3 tháng đầu tăng khoảng 1 – 2 kg.
  • 3 tháng giữa tăng khoảng 4 – 5 kg
  • 3 tháng cuối nên tăng khoảng 5 – 6 kg.

Trong khi rất nhiều bà bầu có thể dễ dàng tăng cân thì cũng có những bà bầu thiếu cân do không tăng cân nặng hoặc tăng rất ít. Điều này có thể do:

  • Ốm nghén: Là nguyên nhân chủ yếu khiến mẹ bầu không thể tăng cân trong 3 tháng đầu.
  • Căng thẳng, mệt mỏi: Tâm trạng bất ổn là nguyên nhân khiến cơ thể gầy mòn, khó hấp thu dinh dưỡng và không thể tăng cân.
  • Không có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bà bầu cần bổ sung nguồn dinh dưỡng đa dạng, nếu ăn uống thất thường, không đủ chất sẽ khiến cơ thể không đủ năng lượng, càng không thể tăng cân.
  • Có bệnh lý: Nếu mang thai không tăng cân hoặc mang thai tăng cân ít dù ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần thoải mái thì có thể mẹ bầu đang mắc phải bệnh lý nào đó.
  • Cơ địa: Một số mẹ bầu sẽ có cơ địa, tạng người thon gọn sẵn nên khi mang thai khó tăng cân hoặc tăng rất ít.

2. Mẹ bầu không tăng cân, tăng cân ít trong thai kỳ ảnh hưởng thế nào đối với em bé?

Việc bà bầu thiếu cân trong quá trình thai kỳ sẽ có ảnh hưởng nhất định đến em bé như:

  • Không đảm bảo đủ năng lượng cho thai nhi phát triển: Việc này sẽ khiến thai nhi dễ bị chậm tăng trưởng trong tử cung hoặc mắc các dị tật bẩm sinh.
  • Giảm chức năng não của bé: Chế độ ăn uống thiếu hụt các loại vitamin có liên quan đến chứng thiếu máu khi mang thai. Việc thiếu máu ở mẹ bầu sẽ gây giảm chức năng não của bé.
  • Chuyển dạ sớm: Bên cạnh đó, việc mang thai không tăng cân hoặc mang thai tăng cân ít trong thai kỳ sẽ khiến mẹ đối mặt với dấu hiệu chuyển dạ sớm và bé sinh ra nhẹ cân. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe khác ở bé, như chứng còi cọc, suy dinh dưỡng, suy hô hấp,.... sau này.
Ốm nghén là nguyên nhân chủ yếu khiến thai phụ không tăng cân
Ốm nghén là nguyên nhân chủ yếu khiến thai phụ không tăng cân

3. Làm thế nào để tăng cân đủ trong quá trình thai kỳ?

Để tăng cân trong thai kỳ đúng chuẩn, mẹ bầu cần thực hiện các chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể thao cũng như tâm lý thoải mái theo các cách sau:

  • Chế độ dinh dưỡng: Khẩu phần ăn của mẹ bầu cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm chất bột (gạo, mì, ngô, khoai, sắn...); Nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu đỗ...); Nhóm chất béo (dầu, mỡ, vừng, lạc...); Nhóm vitamin chất khoáng và chất xơ (rau xanh và quả chín) để tăng cân hiệu quả trong thai kỳ. Không dùng thực phẩm ăn kiêng gây kích thích ruột dẫn tới tiêu chảy, ảnh hưởng xấu sức khỏe của mẹ và bé.
  • Hoạt động thể chất: Vận động vừa phải, có thể làm những công việc nhẹ nhàng, mỗi ngày nên đi bộ khoảng 20-30 phút,tập Yoga , tùy vào giai đoạn mang thai. Trước khi lập kế hoạch vận động cần xin ý kiến bác sĩ xem có phù hợp với sức khỏe hiện tại của bản thân và thai nhi không.
  • Tránh căng thẳng stress: Để tránh nguyên nhân này, mẹ bầu có thể trò chuyện với người thân trong gia đình hoặc gặp gỡ bạn bè để tâm sự. Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể tận hưởng các sở thích của bản thân như nghe nhạc, đọc sách,....
  • Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của mẹ và bé. giấc ngủ tạo điều kiện cho cơ thể nghỉ ngơi giúp bạn và thai nhi khỏe mạnh. Mẹ bầu nên ngủ ít nhất 8-9 tiếng mỗi ngày.
  • Uống đủ nước: Lượng nước cần thiết cho mẹ bầu hàng ngày là từ 2 – 2,5 lít. Nước có vai trò quan trong việc nuôi dưỡng cơ thể mẹ và bé. Thỉnh thoảng, mẹ cũng nên bổ sung một ít đồ ngọt như bánh chuối, bánh quy.
Để tăng cân khi mang thai, mẹ bầu nên có chế độ dinh dưỡng đa dạng
Để tăng cân khi mang thai, mẹ bầu nên có chế độ dinh dưỡng đa dạng

Tuy nhiên, đối với những mẹ bầu nếu đã ở nửa cuối tam cá nguyệt thứ 2, đầu tam cá nguyệt thứ 3 mà vẫn không tăng cân thì tốt nhất nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra lời khuyên chính xác nhất. Dựa vào chỉ số phát triển của thai nhi, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng thai nhi có bị ảnh hưởng gì không. Còn những bà bầu không tăng cân, hoặc tăng cân ít nhưng có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động hợp lý và em bé vẫn phát triển tốt thì không cần quá lo lắng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

139.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan