Mất ngủ tiền mãn kinh uống thuốc gì?

Tiền mãn kinh là giai đoạn cơ thể nữ giới xảy ra nhiều biến đổi có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày và một trong số đó là tình trạng mất ngủ. Vậy tình trạng này là gì và mất ngủ tiền mãn kinh uống thuốc gì?

1. Mất ngủ tiền mãn kinh là gì?

Để giải đáp thắc mắc mất ngủ tiền mãn kinh uống thuốc gì, chị em cần tìm hiểu sơ lược về khái niệm và những nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tiền mãn kinh là giai đoạn các nội tiết tố trong cơ thể xảy ra nhiều thay đổi, phổ biến ở nữ trong độ tuổi từ 45-53. Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp giữa thời kỳ sinh sản và thời kỳ mãn kinh, do đó thường xảy ra trước thời kinh mãn kinh khoảng 8-10 năm. Ngoài những ảnh hưởng đến đời sống tình dục, giai đoạn tiền mãn kinh còn có thể tác động đến nhiều vấn đề khác nhau, trong đó điển hình nhất là chứng mất ngủ tiền mãn kinh với các biểu hiện thường thấy như:

  • Cảm giác trằn trọc về đêm, dẫn đến khó đi vào giấc ngủ;
  • Thời gian ngủ mỗi đêm ít hơn 6 tiếng;
  • Giấc ngủ không sâu, thời gian ngắn và rất dễ tỉnh giấc giữa đêm;
  • Sau khi thức dậy chị em thường cảm thấy mệt mỏi, đau đầu;
  • Cả ngày luôn cảm thấy buồn ngủ, uể oải, lờ đờ, nhưng về đêm lại không ngủ được;
  • Mất ngủ tiền mãn kinh sẽ kéo theo nhiều vấn đề tâm lý bất thường, như lo lắng, căng thẳng hoặc dễ cáu gắt.

2. Nguyên nhân gây mất ngủ tiền mãn kinh

Để kiểm soát và điều trị mất ngủ tiền mãn kinh hiệu quả, bước đầu tiên chị em cần xác định những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

  • Nội tiết tố thay đổi nội: Giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng của 2 nội tiết tố nữ quan trọng là Estrogen và Progesterone. Chính sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các nơ-ron thần kinh, thân nhiệt cơ thể và một số quá trình của não bộ, hệ quả là dẫn đến mất ngủ;
  • Căng thẳng/stress: Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra nhiều biến động cả về thể chất và tâm lý của phụ nữ, kèm theo đó là vô vàng nỗi lo về công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ;
  • Đổ mồ hôi, khó chịu về đêm: Những dấu hiệu này rất thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh/mãn kinh với nguyên nhân vẫn là do sự thay đổi bất thường của các nội tiết tố nữ đã khiến thân nhiệt tăng lên hoặc hạ xuống đột ngột;
  • Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt: Những chị em có thói quen ăn quá muộn vào buổi tối có thể khiến cơ quan tiêu hóa làm việc không đúng nhịp sinh học, từ đó ảnh hưởng làm chị em khó đi vào giấc ngủ. Một số loại thức uống như cà phê, trà hoặc rượu bia cũng là một nguyên nhân kích thích hệ thần kinh và gây khó ngủ;
  • Tác dụng phụ của thuốc: Nhiều hoạt chất hoặc thực phẩm bổ sung mà chị em sử dụng có thể làm thay đổi nồng độ các nội tiết tố nữ nhiều hơn, từ đó gây rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh.

3. Mất ngủ tiền mãn kinh có nguy hiểm không?

Mất ngủ kéo dài ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh không những khiến phụ nữ lão hóa nhanh hơn hay làn da kém sức sống mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý, trong đó đặc biệt là tình trạng căng thẳng, dễ bị trầm cảm, suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ hoặc nghiêm trọng hơn là rối loạn tâm thần.

Ở một số trường hợp nghiêm trọng, nếu chị em không điều trị mất ngủ tiền mãn kinh kịp thời thì nguy cơ mắc một số bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư... sẽ tăng lên. Vậy câu hỏi đặt ra là mất ngủ tiền mãn kinh uống thuốc gì?

4. Điều trị mất ngủ tiền mãn kinh như thế nào?

Nguyên nhân gây mất ngủ tiền mãn kinh và mãn kinh vẫn là tình trạng rối loạn nội tiết tố trong cơ thể. Do đó các thuốc trị mất ngủ thời mãn kinh đúng cơ chế và nguyên nhân nhất vẫn là tái lập cân bằng nội tiết tố nữ. Bên cạnh đó, chị em mất ngủ giai đoạn này còn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để cải thiện cuộc sống:

4.1. Trị mất ngủ tiền mãn kinh không dùng thuốc

Để có một giấc ngủ chất lượng, chị em tuổi tiền mãn kinh có thể cải thiện tình hình bằng cách kết hợp một số thói quen lành mạnh và tốt cho giấc ngủ như:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất, trong đó ưu tiên bổ sung canxi, acid béo omega-3 và chất xơ trong mỗi bữa ăn hàng ngày;
  • Hạn chế tiêu thụ các loại chất béo xấu, giảm sử dụng đường và muối khi nấu ăn, đồng thời hạn chế hoặc từ bỏ các chất kích thích gây hại cho sức khỏe và giấc ngủ như rượu bia, cà phê, thuốc lá...;
  • Tập thể dục thường xuyên với các hoạt động vừa sức như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập yoga...;
  • Hạn chế tối đa thói quen ăn khuya và ăn quá no vì có thể gây tăng áp lực lên dạ dày, từ đó dẫn đến khó ngủ và tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch hoặc đơn giản là tăng cân không kiểm soát...;
  • Không sử dụng các thiết bị điện tử (như điện thoại, máy tính bảng...) trước khi đi ngủ khoảng 1 giờ;
  • Đảm bảo phòng ngủ luôn được sắp xếp gọn gàng, không khí thoáng mát với lượng ánh sáng và nhiệt độ phù hợp.

3.2. Trị mất ngủ tiền mãn kinh theo kinh nghiệm

Theo kinh nghiệm dân gian hiện có rất nhiều bài thuốc hay với khả năng hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ tiền mãn kinh. Những phương pháp dân gian này được khá nhiều chị em áp dụng bởi vừa an toàn, vừa hiệu quả mà còn rất dễ thực hiện. Tuy nhiên, những kinh nghiệm dân gian sẽ không làm thay đổi tình trạng mất ngủ ngay lập tức, do đó chị em cần kiên trì thực hiện mỗi ngày để phát huy hiệu quả cao nhất, đặc biệt là khi kết hợp với lối sống khoa học.

Một số bài thuốc dân gian trị mất ngủ tiền mãn kinh mà chị em có thể tham khảo bao gồm uống nước hạt táo chua, dùng canh cùi nhãn, sử dụng trà hoa cúc...

4.3. Thuốc trị mất ngủ thời mãn kinh theo Tây y

Sử dụng thuốc trị mất ngủ thời mãn kinh/tiền mãn kinh thường được bác sĩ áp dụng cho những trường hợp thể nặng. Một vấn đề quan trọng khi áp dụng biện pháp này là chị em cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng liều hay kết hợp thêm với bất kỳ loại thuốc nào.

Thuốc trị mất ngủ tiền mãn kinh được phân thành 3 nhóm chính là nhóm thuốc hoạt chất an thần, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống dị ứng:

  • Nhóm an thần: Có công dụng ức chế căng thẳng, giảm lo âu, bất an, từ đó tạo ra giấc ngủ dễ dàng và chất lượng hơn. Một số loại thuốc an thần phổ biến mà chị em tiền mãn kinh có thể sử dụng là Zolpidem hoặc Zaleplon;
  • Thuốc chống trầm cảm: Liệu pháp này làm giảm rõ rệt các dấu hiệu đau đầu hay các cơn bốc hỏa gây mất ngủ, trong đó 2 loại thuốc phổ biến được bác sĩ chỉ định là Sertraline và Paroxetine;
  • Thuốc chống dị ứng: Sản phẩm này được chỉ định cho những trường hợp lên cơn bốc hỏa kèm theo ngứa ngáy, phát ban và khiến chị em bị mất ngủ.

4.4. Thuốc trị mất ngủ tiền mãn kinh theo Đông y

Một số vị thuốc trong Y học cổ truyền mang lại tác dụng an thần, dưỡng tâm và thường được bác sĩ hướng dẫn cho người bị mất ngủ sử dụng, đó là tâm sen, lạc tiên, đinh lăng, nữ lăng, trinh nữ... Tùy vào thể trạng và tình trạng mất ngủ của mỗi người mà các vị thuốc trị mất ngủ thời mãn kinh được chọn lựa sao cho phù hợp.

5. Dự phòng mất ngủ tiền mãn kinh

Mất ngủ tiền mãn kinh và mãn kinh gây ra nhiều vấn đề khác nhau, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của phụ nữ. Do vậy, chị em nên chủ động thực hiện một số biện pháp sau để phòng tránh tình trạng này:

  • Xây dựng thói quen sinh hoạt điều độ và chế độ dinh dưỡng khoa học;
  • Không ăn tối quá muộn, không nên ăn quá no hoặc tập thể dục quá sức gần sát thời điểm đi ngủ;
  • Kiểm soát triệu chứng của một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ như dị ứng, sốt, trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày, viêm khớp...;
  • Kiểm soát căng thẳng và có biện pháp giải tỏa gánh nặng tinh thần;
  • Tập luyện thể dục thể thao vừa sức để nâng cao sức khỏe;
  • Đảm bảo không gian nghỉ ngơi luôn thông thoáng, sạch sẽ, yên tĩnh và đầy đủ lượng oxy tự nhiên.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc mất ngủ tiền mãn kinh uống thuốc gì? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ với bác sĩ Vinmec để được thăm khám, điều trị, giúp nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan