Nên ăn gì để an thai 3 tháng đầu?

Thời gian 3 tháng đầu của thai kỳ là một giai đoạn nhảy cảm, khiến các bà mẹ lo lắng, không biết nên ăn gì, uống gì để tốt cho cả mẹ và thai nhi. Đồng thời các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn hay ốm nghén càng làm nỗi lo này lớn dần lên. Tìm hiểu chế độ ăn hợp lý trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ giúp những mẹ bầu cùng thai nhi vượt qua giai đoạn khó khăn này.

1. Thông tin chung

3 tháng đầu của thai kỳ là 12 tuần đầu tiên mang thai của bà mẹ. Mặc dù có thể chưa biểu hiện ra bên ngoài rằng cơ thể đang mang thai, nhưng đây là thời điểm quan trọng đối với bà mẹ và thai nhi. Điều này là do trong 3 tháng đầu cả cơ thể của mẹ và em bé của bạn sẽ thay đổi nhanh chóng.

Phôi thai của bé sẽ bắt đầu bám vào tử cung và các cơ quan sau sẽ hình thành:

  • Túi ối: Đây là 1 túi chứa chất lỏng và bao quanh thai nhi. Túi ối bao bọc bên ngoài thai nhi trong suốt thai kỳ. Ngoài ra, túi ối còn giúp bảo vệ và cân bằng nhiệt độ cho thai nhi.
  • Dây rốn: Dây rốn kết nối thai nhi với nhau thai của mẹ. Nó cho phép máu của mẹ và thai nhi trao đổi với nhau qua 2 động mạch và tĩnh mạch, cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi.
  • Nhau thai: Cấu trúc này tách nguồn cung cấp máu của mẹ khỏi nguồn cung cấp máu cho thai nhi. Nhau thai rất quan trọng để vận chuyển các chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải.

2. Những chất dinh dưỡng cần thiết trong 3 tháng đầu thai kỳ

Dưới đây là 1 số chất dinh dưỡng thiết yếu mà mẹ bầu cần được cung cấp khi mang thai trong 3 tháng đầu:

  • Acid folic: Đây là vi chất cần thiết nhất trong dinh dưỡng 3 tháng đầu và cả giai đoạn trước khi mang thai. Đó là bởi vì Acid folic (còn được gọi là vitamin B9 hoặc folate) đóng 1 vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi. Các chuyên gia khuyến cáo nên bổ sung Acid folic khoảng 600 microgam mỗi ngày.
  • Chất đạm: Đó là 1 chất quan trọng để phát triển cơ bắp cho cả mẹ và thai nhi, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các mô tử cung. Mục tiêu cung cấp chất đạm cho mẹ bầu là khoảng 75 gram mỗi ngày.
  • Canxi: Chất khoáng rất quan trọng đối với sự phát triển răng và xương của em bé. Vì em bé đang lớn sẽ lấy canxi từ chính người mẹ, nên quá ít canxi trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến loãng xương sau này. Nhìn chung, mẹ bầu thường được khuyến cáo cung cấp khoảng 1000 miligam Canxi mỗi ngày.
  • Sắt: Sắt là 1 khoáng chất quan trọng khi nguồn cung cấp máu của mẹ tăng lên để đáp ứng nhu cầu của thai nhi đang lớn. Mục tiêu bổ sung 27 miligam sắt mỗi ngày là khuyến cáo dành cho những mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Vitamin C: Hoạt chất thúc đẩy sự phát triển xương và mô ở thai nhi đang lớn và tăng cường hấp thu sắt. Mục tiêu 85 miligam mỗi ngày là khuyến cáo dành cho những mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Kali: Nó kết hợp với Natri để giúp cơ thể mẹ duy trì sự cân bằng chất lỏng thích hợp và cũng điều chỉnh huyết áp. Mục tiêu 2900 miligam mỗi ngày là khuyến cáo dành cho những mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  • DHA: DHA là 1 axit béo Omega 3 quan trọng, đây cũng là một chất cần thiết mà mẹ bầu phải bổ sung trong 3 tháng đầu thai kỳ.

3. Ăn gì để an thai 3 tháng đầu?

Giai đoạn đầu của thai kỳ, nhiều bà mẹ thường thắc mắc về việc bầu 3 tháng đầu nên ăn gì hay bà bầu nên ăn gì để an thai. Dưới đây là một số loại thực phẩm mà các mẹ nên ăn để vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho bản thân và phù hợp cho sự phát triển của em bé trong giai đoạn đầu.

Rau lá xanh:

Các loại rau xanh như rau xà lách, cải xoăn, rau bina, bông cải xanh, cải ngọt, lá mù tạt... có lợi cho cơ thể mẹ và bé vì chúng có chứa các hoạt chất dinh dưỡng như Vitamin A, Vitamin B, Vitamin C, Vitamin EVitamin K, các chất chống oxy hóa, chất xơ, Sắt, Magiê, Kali, Canxi...Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, lợi ích đáng kể nhất của việc bổ sung rau xanh chắc chắn là Acid folic.

Rau lá xanh có tất cả những lợi ích và chất dinh dưỡng tuyệt vời này trong khi ít hàm lượng Carbohydrate, Cholesterol và Natri, những chất ảnh hưởng tiêu cực cho cả mẹ và bé. Vì vậy, hãy thêm rau xanh vào chế độ ăn vào chế độ ăn hằng ngày để con bạn được cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào.

Các loại rau củ khác:

Để cung cấp năng lượng cho cơ thể bằng các loại thực phẩm tốt nhất có thể, mẹ bầu nên được cung cấp càng nhiều chất dinh dưỡng càng tốt và tránh các thành phần khác ít có lợi hơn. Ngoài rau xanh, các mẹ cũng có thể bổ sung vào thực đơn hằng ngày của mình các loại rau củ quả như: Atisô, măng tây, súp lơ trắng, rau cần tây, dưa leo, bí đao, ngô và khoai lang...Tất cả các loại rau củ này đều chứa các chất dinh dưỡng và Vitamin quan trọng cho 3 tháng đầu của thai kỳ.

Protein lành mạnh:

Protein là nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể mẹ và bé. Protein giúp phát triển các cơ quan trong cơ thể của thai nhi, đặc biệt tim và não của em bé. Điều quan trọng là đảm bảo rằng tất cả thực phẩm đều an toàn và không bị ô nhiễm, đặc biệt đối với thịt và cá sống.

Một số nguồn protein tuyệt vời trong tam cá nguyệt đầu tiên của mẹ là từ cá, gà đặc biệt là thịt gà tây, thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, trứng, bơ đậu phộng, quả hạch, các cây họ đậu, đậu phụ...Các loại thực phẩm này, đặc biệt là thịt bò là nguồn cung cấp sắt, Vitamin B và Choline... cần thiết cho 3 tháng đầu thai kỳ.

Các loại ngũ cốc:

Ngũ cốc nguyên hạt là loại thực phẩm thiết yếu trong 3 tháng đầu thai kỳ. Thực phẩm chứa ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, mì ống làm từ lúa mì, ngũ cốc và bột yến mạch. Chúng cực kỳ giàu dinh dưỡng khi chứa một lượng lớn các chất xơ, sắt, Vitamin B, Acid folic...

Tất cả những chất dinh dưỡng này đều giúp ích cho sự phát triển và tăng trưởng của bé. Chúng cũng có thể giúp hỗ trợ hoặc ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ, là những triệu chứng phổ biến của thai kỳ.

Trái cây:

Một số người tin rằng trái cây có quá nhiều đường nên không nên sử dụng khi mang thai, điều này là sai sự thật. Trái cây có rất lợi ích dinh dưỡng và đồng thời giúp bà mẹ hạn chế cảm giác thèm ăn đường. Tuy nhiên, hãy chắc chắn không ăn quá nhiều trái cây đã được làm ngọt hoặc nước ép. Ngoài ra, hãy kiểm tra cân nặng hay tình trạng sức khỏe sau khi ăn trái cây. Nếu ăn quá nhiều, mẹ bầu có thể nhận thấy tăng cân hoặc tăng đột biến lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, ở mức độ vừa phải, những loại trái cây sau đây sẽ rất tốt cho cả mẹ và con như chuối, dâu tây, táo, cam quýt, xoài, lê, bơ, lựu, quả nho... Các loại trái cây là nguồn thực phẩm chứa nhiều Vitamin C, Vitamin B, Vitamin K và các chất béo lành mạnh phù hợp cho 3 tháng đầu thai kỳ.

Sữa và các sản phẩm từ sữa:

Sữa là một nguồn cung cấp Protein và Canxi tuyệt vời cho thai kỳ. Hai hoạt chất giúp cho sự phát triển toàn diện của bé và đặc biệt là sự phát triển của xương. Các nguồn tốt nhất là từ pho mát, sữa chua, sữa không đường. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng sữa đã được tiệt trùng trước khi sử dụng. Trong trường hợp các mẹ bầu không dung nạp được Lactose, hãy ưu tiên sử dụng các loại sữa chua không đường.

Dầu cá:

Dầu cá là nguồn cung cấp Omega 3, Vitamin D, Vitamin A... những chất cần cho sự phát triển trí não và xương của trẻ. Ngoài ra, các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp như cá trích, cá mòi... cũng sẽ giúp các mẹ bổ sung Omega 3 trong 3 tháng đầu thai kỳ.

4. Các loại thực ăn cần tránh trong 3 tháng đầu

Chế độ ăn cho bà mẹ trong 3 tháng đầu rất quan trọng và phải được thực hiện 1 cách nghiêm túc. Do đó, ngoài các loại thực phẩm khuyên dùng, các mẹ bầu hãy lưu ý một số loại thức ăn nên tránh sử dụng trong thời kỳ đầu của thai kỳ để tránh xảy ra những tác hại đáng tiếc.

  • Các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ như gà rán, khoai tây chiên, pizza... các loại đồ đóng hộp.
  • Các loại gan động vật chứa rất nhiều Vitamin A, tuy nhiên hàm lượng quá lớn gây các tác dụng có hai cho cả mẹ và bé. Ngoài ra, gan động vật cũng chứa nhiều Cholesterol, nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch, huyết áp cho mẹ.
  • Thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt hun khói, dăm bông, nem chua... có chứa nhiều loại vi khuẩn có hại và có khả năng gây ngộ độc thực phẩm cao.
  • Một số loại rau như rau răm, rau ngót, rau ngải cứu, rau sam... có thể gây ra những tác dụng có hại cho thai, ví dụ rau sam, rau ngót có thể làm co cơ trơn ở tử cung, dẫn đến sảy thai.
  • Các loại quả không nên sử dụng khi mang thai trong 3 tháng đầu như đu đủ xanh, quả nhãn... vì có khả năng gây co thắt tử cung, táo bón, nóng trong người... Thậm chí, có thể xảy ra những biến chứng nghiêm trọng hơn như dọa sảy thai, sảy thai và thai lưu...
  • Chất kích thích, rượu, bia, đồ uống có gas, đồ uống chứa nhiều đường...

Tóm lại, giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ là một thời gian nhạy cảm cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của bà mẹ. Áp dụng một chế độ ăn hợp lý là 1 trong những biện pháp thiết yếu giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bản thân và thai nhi. Để mẹ và bé được khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý:

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan