Phòng ngừa sa tử cung sau sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Sa tử cung là tình trạng tử cung sa xuống, thập thò trong vùng âm đạo hoặc tử cung lộ ra ngoài âm đạo nhưng thân vẫn nằm trong, và mức độ nặng nhất là toàn bộ tử cung sa hẳn ra ngoài. Tuy đây không phải là một bệnh lý đe dọa đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy phụ nữ, đặc biệt là sản phụ sau sinh cần học cách trị sa tử cung tại nhà thông qua bài tập sa tử cung đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh.

1. Cách trị sa tử cung tại nhà trong trường hợp bị sa nhẹ

Sa tử cung có chữa được không? Nếu có sa tử cung rất nhẹ, không có triệu chứng hoặc triệu chứng không quá khó chịu, không cần thiết điều trị vì tử cung sau khi sinh bị sa rất nhẹ có thể tự co dần lên theo thời gian.

Đối với những bệnh nhân sa tử cung ở mức độ nhẹ, những dấu hiệu bệnh không gây quá nhiều ảnh hướng đến sinh hoạt thì điều trị không phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất, thích hợp với những người bệnh lớn tuổi hoặc sức khỏe kém không thể phẫu thuật. Cách chữa sa tử cung tại nhà đơn giản chỉ từ việc chú ý các thói quen sinh hoạt và đi kèm các bài tập cơ sàn chậu. Một số lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày cho bệnh nhân như sau:

  • Bệnh nhân cần chú trọng nghỉ ngơi, không hoạt động quá sức và luôn giữ tinh thần thoải mái. Đảm bảo cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống, không ăn quá nhiều dẫn đến thừa cân béo phì. Cần tăng cường chất xơ để chống táo bón;
Cách trị sa tử cung tại nhà
Bệnh nhân cần chú trọng nghỉ ngơi, không hoạt động quá sức và luôn giữ tinh thần thoải mái

  • Thực hiện các bài tập sa tử cung giúp nâng tử cung, trong đó phổ biến nhất là bài tập Kegel giúp tăng độ dẻo dai, khiến cơ quan sinh dục khỏe mạnh hơn và phòng ngừa bệnh rất tốt;
  • Ngưng hút thuốc lá là việc làm cần thiết vì việc khắc phục các vấn đề như bệnh phổi với ho có thể làm chậm sự tiến triển của sa tử cung;
  • Tránh nâng vật nặng và căng thẳng, để giảm áp lực bụng vào vùng cấu trúc chậu;
  • Sử dụng dụng cụ giữ tử cung bên trong âm đạo, được thiết kế để giữ tử cung tại chỗ, tuy nhiên có một số trở ngại đối với các thiết bị này. Dụng cụ giữ tử cung trong âm đạo được sử dụng rất ít cho phụ nữ bị sa tử cung nặng. Đồ dùng này có thể kích thích tế bào âm đạo đến mức gây lở loét. Phụ nữ sử dụng đồ giữ bên trong âm đạo nếu không được tháo thường xuyên để làm sạch có thể có mùi hôi, ảnh hưởng quan hệ tình dục.

2. Phòng ngừa sa tử cung sau sinh hiệu quả

Sa tử cung sau sinh nở là một tình trạng thường gặp nhưng cũng có thể dễ dàng ngăn ngừa nếu có phương pháp đúng. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh sa tử cung đó là tổn thương các cơ và dây chằng hỗ trợ tử cung. Vì vậy, để ngăn ngừa điều này, những thai phụ sau khi sinh cần thực hiện những lưu ý sau đây:

  • Đảm bảo chế độ nghỉ ngơi sau sinh;
  • Tuyệt đối không xuống giường vận động mạnh hoặc làm lao động quá sức ngay trong những ngày đầu khi sau sinh, phải đảm bảo việc giữ gìn sức khỏe sau sinh;
  • Sau khi đã phục hồi sức khỏe, sản phụ không nên nằm trên giường quá nhiều mà nên thực hiện vận động nhẹ nhàng để hạn chế tình trạng táo bón sau sinh;
  • Nếu sản phụ gặp khó khăn khi đi đại tiện, lưu ý không nên dùng sức để rặn mà nên thay đổi chế độ ăn với nhiều chất xơ, uống nhiều nước hoặc ăn các món ăn giúp hỗ trợ nhuận tràng;
  • Chú ý giữ ấm cho sản phụ sau sinh, đề phòng cảm ho trong tháng đầu sau sinh.

3. Bài tập sa tử cung đơn giản tại nhà

Cách trị sa tử cung tại nhà
Các bài tập tăng cường co bóp cơ hông và cơ hậu môn là rất cần thiết để phòng ngừa sa tử cung

Đối với những người phụ nữ sau khi sinh, các bài tập tăng cường co bóp cơ hông và cơ hậu môn là rất cần thiết để phòng ngừa sa tử cung. Những bài tập này giúp cải thiện sức khỏe người mẹ và còn có thể ngăn ngừa sa hậu môn rất hiệu quả. Trong đó bài tập Kegel là một bài tập phổ biến nhất, mang lại hiệu quả cao nhất cho các chị em phụ nữ.

Hướng dẫn thực hiện bài tập Kegel:

  • Có thể thực hiện bài tập khi ngồi trên ghế hoặc nằm dưới sàn;
  • Thả lòng vùng cơ phần mông và bụng, duỗi thẳng lưng, hai cánh tay đặt song song đồng thời hai đầu gối co lên;
  • Bắt đầu bài tập bằng cách thít chặt cơ sàn chậu và nâng hông lên, giữ trong vòng 2- 5 giây. Sau khi thít chặt cơ, thả lỏng xuống 10 giây nhằm giúp các cơ có thể thư giãn, sau đó lặp lại động tác thít chặt – thả lỏng;
  • Lặp lại các động tác 10 lần, có thể tăng số giây thít chặt khi đã quen với bài tập.

Sản phụ cần duy trì cân nặng hợp lý, ăn nhiều rau quả để tránh táo bón, không bê vác quá nặng, cần biết sử dụng các kỹ thuật nâng vác đúng.

Ngoài bài thể dục Kegel để luyện cho cơ đáy chậu khỏe còn nhiều cách thực hiện kín đáo khác. Ví dụ có thể tập bằng cách thít chặt cơ sàn chậu giống như khi đi tiểu thít chặt cơ để dừng dòng tiểu, tuy nhiên việc thít chặt cơ khi đi tiểu chỉ để xác định cảm giác thít chặt đúng cơ sàn chậu chứ không nên thực hiện khi đi tiểu. Thêm vào đó, cần tránh các tổn thương cơ đáy bụng khi sinh con, không để rách, vỡ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

44.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan