Rò bàng quang âm đạo: Bệnh khó nói

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Rò bàng quang âm đạo là căn bệnh khó nói vì thường có biểu hiện tiểu tiện không tự chủ, gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Vì vậy, bệnh cần được điều trị sớm.

1. Nguyên nhân gây rò bàng quang âm đạo

Rò bàng quang âm đạo là sự hiện diện của một lỗ thông giữa bàng quang với âm đạo. Kích thước lỗ thông có thể rất bé, phải dùng tăm thông mới thấy được hoặc có thể lớn ngang đầu ngón tay.

Ở các nước chậm phát triển, sang chấn lúc sinh do chuyển dạ kéo dài là nguyên nhân thường gặp, còn ở các nước phát triển thì nguyên nhân thường gặp là trong phẫu thuật cắt tử cung

Các nguyên nhân thường gặp, cụ thể là:

  • Bẩm sinh;
  • Biến chứng sau một cuộc sinh khó kéo dài: Đầu thai nhi đè ép vách ngăn bàng quang - âm đạo vào mặt sau xương mu, gây thiếu máu cục bộ tạo ra mảng mục và dẫn đến thủng bàng quang - âm đạo;
  • Tai biến trong sinh mổ;
  • Biến chứng sau phẫu thuật cắt u xơ tử cung;
  • Ung thư bàng quang và ung thư trực tràng (ung thư tại chỗ hoặc di căn từ nơi khác đến) xâm lấn vào các vách ngăn bàng quang - trực tràng - âm đạo, gây thủng;
  • Do đặt kim phóng xạ để điều trị các tế bào ung thư vùng chậu hông. Các tia phóng xạ tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời làm thủng vách ngăn giữa bàng quang, trực tràng và âm đạo.
ro-bang-quang-am-dao-benh-kho-noi-1
Rò bàng quang âm đạo có triệu chứng gì?

2. Triệu chứng rò bàng quang âm đạo

Rò bàng quang âm đạo là bệnh khó nói bởi triệu chứng của bệnh khiến bệnh nhân khá ngại ngùng khi đề cập hoặc đi khám. Triệu chứng phụ thuộc vào kích thước và vị trí đường rò.

Dấu hiệu luôn có của người bệnh là nước tiểu từ bàng quang theo lỗ rò bàng quang - âm đạo làm ướt bẩn quần áo của bệnh nhân liên tục. Trong thời gian đầu, đôi khi người bệnh không để ý vì một phần nước tiểu sẽ thoát ra con đường bình thường, một phần qua lỗ rò hoặc lẫn với sản dịch sau khi sinh.

Rò bàng quang âm đạo dễ nhầm lẫn với bệnh tiểu không tự chủ vì triệu chứng rỉ nước tiểu. Tuy nhiên, khác với bệnh tiểu không tự chủ chỉ rỉ nước tiểu khi ho hoặc hoạt động mạnh, rò bàng quang âm đạo làm bệnh nhân rỉ nước tiểu ngay cả khi nghỉ ngơi.

Bệnh nhân rò bàng quang âm đạo thường đến bệnh viện sau một thời gian bị bệnh. Khi đó, quần áo họ thường có mùi nước tiểu, có thể có dấu hiệu nhiễm trùng, sẩn đỏ, ngứa ngáy hai bên đùi và âm hộ.

3. Các xác định rò bàng quang âm đạo

  • Triệu chứng rò bàng quang - âm đạo thường xuất hiện sau khi đẻ hay sau khi phẫu thuật khoảng 2 -14 ngày. Lượng nước tiểu chảy ra nhiều hay ít phụ thuộc vào kích thước và vị trí lỗ rò;
  • Thử nghiệm màu: Bác sĩ bơm dung dịch xanh methylene vào bàng quang qua một ống thông niệu đạo. Sau đó, đặt 3 tampon vào âm đạo sau khi bàng quang được bơm đầy nước, nếu thấy tampon ngấm màu xanh thì có thể xác định có lỗ rò bàng quang - âm đạo;
  • Nội soi bàng quang: Đánh giá số lượng, kích thước, vị trí lỗ rò và mức độ viêm nhiễm của bàng quang để có phương hướng điều trị phù hợp nhất;
  • Chụp hệ niệu có cản quang: Phát hiện rò niệu quản âm đạo hay đi kèm với rò bàng quang âm đạo sau phẫu thuật vùng đáy chậu.

4. Điều trị rò bàng quang âm đạo

Trong trường hợp lỗ rò nhỏ, có thể sử dụng phương pháp đốt điện đường rò, kết hợp đặt dẫn lưu bàng quang để đường rò hóa sẹo, không rò rỉ nước tiểu nữa.

Các trường hợp khác sẽ phải phẫu thuật. Tốt nhất bệnh nhân nên phẫu thuật sớm khi các phần bàng quang - âm đạo tiếp giáp lỗ rò còn mềm mại, chưa bị xơ cứng do viêm kéo dài. Từ lỗ rò, bác sĩ phẫu thuật sẽ bóc tách tổ chức bàng quang khỏi tổ chức âm đạo trên một diện tích đủ rộng để khâu đóng kín lỗ rò bàng quang, tiếp theo sẽ khâu lỗ rò âm đạo.

ro-bang-quang-am-dao-benh-kho-noi-2
Phẫu thuật điều trị rò bàng quang âm đạo

5. Biện pháp phòng bệnh

  • Thai phụ cần đi khám thai định kỳ để được theo dõi sát thai kỳ và tiên lượng trước sinh;
  • Thai phụ cần có kiến thức ăn uống khoa học để đảm bảo sinh sản an toàn, chuyển dạ tránh mất sức, tránh can thiệp những thủ thuật có nguy cơ gây rò bàng quang - trực tràng - âm đạo sau sinh;
  • Nên sinh tại những cơ sở y tế uy tín, cần theo dõi các dấu hiệu sau sinh, đặc biệt với những thai phụ chuyển dạ kéo dài;
  • Phụ nữ nên đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh lý như u xơ tử cung, ung thư bàng quang và trực tràng để từ đó có phương án điều trị sớm, tránh biến chứng rò bàng quang - âm đạo.

Tuy là bệnh khó nói nhưng khi bị rò bàng quang âm đạo, bệnh nhân không nên giấu bệnh mà nên sớm đi thăm khám để được điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan