Tại sao phải dùng thuốc kháng sinh điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Thị Phượng - Bác sĩ Siêu âm sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung xảy ra khi các tế bào từ bên trong ống cổ tử cung di chuyển ra bề mặt bên ngoài, tạo thành vùng lộ tuyến và bị viêm. Mặc dù đây hoàn toàn là tổn thương lành tính, điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cần tích cực từ ban đầu, tránh nguy cơ ác tính về sau. Trong đó, thuốc kháng sinh đóng vai trò quan trọng nếu tác nhân gây viêm là vi sinh vật.

1. Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì?

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng viêm hoàn toàn lành tính, không phải ung thư, xảy ra khi các tế bào lót bên trong ống cổ tử cung, có bản chất là tế bào tuyến, di chuyển hướng ra ngoài và tạo thành “vùng lộ tuyến”. Do khả năng thích nghi với môi trường âm đạo có tính axit kém hơn các tế bào vảy, lót bề mặt cổ tử cung và thành âm đạo, vùng lộ tuyến rất dễ bị viêm hay các tác nhân kích thích nói chung.

Yếu tố giúp thúc đẩy hình thành vùng lộ tuyến cổ tử cung là khi nồng độ estrogen cao trong cơ thể. Điều này thường xảy ra khi người phụ nữ đã dậy thì hoàn toàn và bắt đầu có đời sống tình dục. Lúc này, viêm lộ tuyến cổ tử cung rất dễ có khả năng mắc phải, đặc biệt là trong giai đoạn rụng trứng, khi mang thai và ở phụ nữ uống thuốc tránh thai. Một nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến viêm lộ tuyến cổ tử cung là ở những người phụ nữ tiền mãn kinh và có điều trị bổ sung nội tiết tố.

Như vậy, khi vùng lộ tuyến cổ tử cung được bộc lộ, bất kỳ tác động nào từ bên ngoài cũng đều có thể dẫn đến viêm lộ tuyến cổ tử cung. Cụ thể là những nguồn chấn thương như quan hệ tình dục thâm nhập, sử dụng tampon, chèn mỏ vịt hoặc chèn các vật khác vào âm đạo. Các loại chấn thương vật lý khác nhau này đều gây ra nhiễm trùng và cuối cùng có thể dẫn đến bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Các tác nhân gây nhiễm trùng tại cổ tử cung đã được ghi nhận là vi khuẩn tụ cầu hoặc vi khuẩn streptococcus. Hơn nữa, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, giang mai và lậu cầu cũng là nguyên nhân đáng kể gây viêm cổ tử cung. Ngoài ra, còn có các tác nhân ít gặp hơn là virus herpes simplex, trichomonas và mycoplasma sinh dục.

Trong trường hợp viêm lộ tuyến cổ tử cung không kiểm soát đúng cách và tình trạng viêm mãn tính kéo dài dễ chuyển dạng loạn sản, nguy cơ ác tính có thể xảy ra.

2. Triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung như thế nào?

Đa phần phụ nữ bị viêm lộ tuyến cổ có biểu hiện ra nhiều khí hư. Tuy nhiên, những trường hợp viêm ở mức độ nhẹ thường không có biểu hiện rõ ràng. Một số dấu hiệu khí hư của phụ nữ mắc phải viêm lộ tuyến cổ tử cung là:

Các cấp độ của viêm lộ tuyến cổ tử cung
Triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung sẽ biểu hiện tùy theo diễn tiến của bệnh
  • Khí hư ra nhiều, có màu trắng đục hoặc màu sắc bất thường như màu vàng hoặc xanh.
  • Khí hư có mùi hôi tanh khó chịu, kèm theo có bọt và xuất hiện tình trạng ngứa, rát âm đạo.

Đối với những trường hợp viêm lộ tuyến cổ tử cung ở mức độ nặng, ngoài những dấu hiệu của khí hư ra còn có thể xuất hiện các biểu hiện sau:

  • Bị ra máu khi quan hệ tình dục.
  • Xuất huyết âm đạo không phải chu kỳ kinh.
  • Đau bụng dưới.
  • Rối loạn kinh nguyệt.
  • Không tự tin hoặc giảm ham muốn tình dục.

3. Chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng cách nào?

Tampon
Người bệnh có thể được chỉ định dùng tampon thấm dịch tiết để tìm tác nhân gây viêm nhiễm

Khi người bệnh có các triệu chứng kể trên và đi khám, chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung ở phụ nữ được phát hiện thông qua xét nghiệm phết tế bào tại cổ tử cung. Đồng thời, trước khi thực hiện phết, bác sĩ sẽ quan sát thấy khu vực này xuất hiện màu đỏ tươi, khác với lớp tế bào bên ngoài có màu nhạt hơn. Vùng này cũng có thể sưng nề, có thể hơi rỉ máu hay tiết huyết trắng đục, nặng mùi. Theo đó, việc dùng tampon thấm lấy dịch tiết đem nuôi cấy cũng có chỉ định để tìm tác nhân gây viêm nhiễm tại cổ tử cung và lựa chọn kháng sinh thích hợp.

Tuy nhiên, vì viêm lộ tuyến cổ tử cung là một bệnh lý xuất hiện âm thầm, đây là một trong các nội dung của những lần thăm khám sức khỏe định kỳ ở nữ giới, trong đó cần có xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung. Mặc dù viêm lộ tuyến cổ tử cung ban đầu có bản chất hoàn toàn là lành tính, trình trạng này vẫn cho thấy mối liên quan đến sự tăng nguy cơ phát triển của ung thư cổ tử cung hoặc các bệnh lý ác tính xảy ra tại tử cung về sau.

4. Tại sao phải dùng thuốc kháng sinh điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung?

Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung ban đầu là các biện pháp làm hạn chế nguồn estrogen trong cơ thể, nhất là khi có sử dụng nội tiết tố ngoại sinh từ bên ngoài.

Nếu có bằng chứng tác nhân vi sinh vật gây viêm nhiễm tại vùng lộ tuyến cổ tử cung, điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung lúc này đòi hỏi cần có sự tham gia của các loại thuốc kháng sinh theo tác nhân phát hiện. Các kháng sinh đường uống có hiệu quả chữa lậu cầu, chlamydia và T vaginalis. Trong khi đó, thuốc kháng vi-rút uống có thể giúp làm giảm thời gian của các triệu chứng, biểu hiện tổn thương và tiêu diệt vi-rút trong các đợt đầu tiên và tái phát của nhiễm trùng do herpes sinh dục.

Các kháng sinh được lựa chọn cho việc điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung phải có khả năng kháng khuẩn toàn diện và bao gồm tất cả các tác nhân có khả năng gây bệnh trong bệnh cảnh này, ví dụ:

  • Ceftriaxone và Cefixime là các cephalosporin thế hệ thứ ba có hiệu quả trong điều trị viêm sinh dục nói chung do lậu cầu. Bằng cách liên kết với một hoặc nhiều protein gắn penicillin, nhóm thuốc này ngăn chặn sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn và ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
  • Spectinomycin là một loại kháng sinh có thể thay thế cho cephalosporin trong điều trị lậu cầu. Thuốc kháng sinh này ức chế tổng hợp protein trong tế bào vi khuẩn. Sử dụng Spectinomycin nếu bệnh nhân bị dị ứng với penicillin và quinolone. Không sử dụng Spectinomycin nếu nghi ngờ mắc bệnh lậu ở hầu họng.
  • Azithromycin là liệu pháp đầu tiên cho viêm cổ tử cung do chlamydia. Thuốc kháng sinh này là một loại kháng sinh macrolide bán tổng hợp có hiệu quả trong điều trị chlamydia.
  • Doxycycline là một tetracycline tác dụng dài có nguồn gốc từ oxytetracycline. Thuốc ức chế tổng hợp protein trong vi khuẩn và có hiệu quả trong điều trị chlamydia.
  • Metronidazole là một chất kháng khuẩn và chống độc tổng hợp. Thuốc này là liệu pháp đầu tiên cho nhiễm trùng âm đạo và tử cung do T. vaginalis
  • Levofloxacin ức chế hoạt động của men gyrase trong DNA. Đây là một điều trị thay thế cho viêm cổ tử cung do chlamydia.
Tự mua thuốc kháng sinh uống sau khi hút thai
Các kháng sinh được lựa chọn cho việc điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung phải có khả năng kháng khuẩn toàn diện

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định các thuốc chống siêu vi dùng để điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung với Acyclovir, Famciclovir, Valacyclovir.

Ngoài ra, nếu người bệnh có viêm lộ tuyến cổ tử cung tái phát nhiều lần, khả năng kiểm soát bằng thuốc đơn thuần không kiểm soát được bệnh, bác sĩ sẽ cần xem xét kết hợp thêm các phương pháp điều trị chuyên sâu như bôi bạc nitrat hay phương pháp áp lạnh nhằm tiêu hủy các tế bào viêm tại chỗ.

Tuy nhiên, dù cho có thực hiện biện pháp nào, trong thời gian trị liệu, người phụ nữ cần hạn chế các sang chấn nhất định trên khu vực này, bao gồm cả việc dùng băng vệ sinh dạng tampon, vệ sinh vùng kín sâu vào âm đạo hay quan hệ tình dục thâm nhập. Những việc cần tránh này sẽ giúp vùng lộ tuyến cổ tử cung mau lành lặn, ngăn chặn sự chảy máu và tạo điều kiện cho các tế bào tăng sức đề kháng tốt hơn.

Tóm lại, thuốc kháng sinh điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung là cần thiết nếu không thể loại trừ sự hiện diện tại chỗ của các vi sinh vật gây bệnh. Tuy nhiên, để việc điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung hiệu quả, người bệnh cần khám và phát hiện bệnh sớm, lựa chọn thuốc phù hợp cũng như kết hợp các phương pháp can thiệp khi có chỉ định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan