Thai yếu nên ăn gì để an toàn?

Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai đóng một vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Thai yếu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, một trong số đó là chế độ dinh dưỡng. Nếu tình trạng thai yếu không được điều chỉnh kịp thời có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy thai yếu nên ăn gì?

1. Biểu hiện tình trạng thai yếu

Mỗi bào thai đều trải qua nhiều giai đoạn phát triển và mỗi giai đoạn đều sẽ có những cột mốc đáng nhớ. Lần đầu nghe thấy nhịp tim thai chính là một trong những cột mốc quan trọng đó. Khi phôi thai ở tuần thứ 5 – 6 của thai kỳ, trái tim sẽ bắt đầu đập khoảng 80 – 85 nhịp mỗi phút, đồng nhất với nhịp tim của mẹ. Trong suốt một tháng đầu tiên, tần suất đập của nhịp tim sẽ tăng lên khoảng 3 nhịp mỗi phút/ngày. Vì thế, việc đếm nhịp tim là cách giúp bác sĩ xác định tuổi thai khi siêu âm. Mức độ phát triển của tim kể từ khi nghe thấy nhịp tim:

  • Tuần thứ 5: Tim bắt đầu đập và có thể được phát hiện qua siêu âm thai.
  • Tuần thứ 6: Ống tim cơ bản đã tạo thành hình chữ S và tạo ra khu vực cho tâm thất.
  • Tuần thứ 7: Tâm thất và tâm nhĩ bắt đầu tách rời để phát triển.
  • Tuần thứ 8: Các van giữa tâm nhĩ và tâm thất của tim hình thành.
  • Tuần thứ 9 và tuần thứ 10: Động mạch chủ và tĩnh mạch phổi hình thành. Tuần thứ 10 cũng là tuần tim thai phát triển đầy đủ.

Từ tuần thứ 9 của thai kỳ, trung bình tim thai sẽ đập khoảng 175 nhịp/phút. Sau đó, nhịp tim sẽ bắt đầu chậm lại và ổn định dần với tần suất giao động từ 110–160 nhịp mỗi phút. Vì vậy, nếu trong từng giai đoạn phát triển mà thai nhi không đáp ứng có thể là biểu hiện của thai yếu như:

  • Nhịp tim đập thấp hơn mức trung bình, căn cứ vào từng giai đoạn thai kỳ.
  • Tim thai xuất hiện sau mốc 8 tuần, đập không rõ ràng.
  • Phôi thai phát triển chậm, kích thước không đạt đủ tiêu chuẩn.

Thai yếu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, một trong số đó là chế độ dinh dưỡng. Nếu tình trạng thai yếu không được điều chỉnh kịp thời có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, vì vậy mẹ bầu cần phải có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp cho thai nhi khỏe mạnh.

2. Thai yếu nên ăn gì?

2.1 Thực phẩm bổ sung canxi

Mọi người đều biết rằng canxi đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển bộ khung xương cho trẻ. Thế nhưng ít ai biết canxi cũng hỗ trợ để các dây thần kinh và tim hoạt động bình thường. Theo Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến nghị, phụ nữ mang thai nên bổ sung 1.000 miligam (mg) canxi mỗi ngày. Sau đây là các thực phẩm mẹ bầu nên bổ sung vào thực đơn để tăng cường canxi:

  • Rau xanh sẫm màu như: rau lang, rau dền, cải bó xôi, cải cầu vồng, đậu rồng, cải xoăn,...
  • Bánh mì nguyên cám
  • Các loại cá như: cá hồi tươi hay cá mòi
  • Cam
  • Các loại hạt như: hạt vừng (hạt mè), hạnh nhân
  • Đậu phụ
  • Sữa chua

2.2 Thực phẩm bổ sung axit folic

Axit folic được cơ thể sử dụng để duy trì hồng cầu khỏe mạnh và sản xuất lượng máu cần thiết cho thai kỳ khỏe mạnh. Ngoài ra, dưỡng chất này còn hỗ trợ quá trình phát triển của não và ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh. Theo khuyến cáo của ACOG, phụ nữ mang thai nên bổ sung 400 microgam (mcg) axit folic mỗi ngày. Các thực phẩm giàu axit folic mà mẹ bầu có thể thêm vào thực đơn dinh dưỡng, bao gồm:

  • Đậu lăng, đậu tây
  • Các loại rau lá xanh (như đã nêu ở trên), xà lách romaine, cải xoăn và bông cải xanh
  • Trái cây họ cam quýt
  • Các loại hạt và đậu

2.3 Thực phẩm bổ sung protein

Protein là chất dinh dưỡng cần thiết để xây dựng và phát triển nhiều cơ quan trong cơ thể của trẻ như não, cơ và máu. Mẹ bầu cần bổ sung lượng protein tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể, ví dụ như mẹ bầu cân nặng 68kg sẽ cần khoảng 75g protein mỗi ngày. Một số thực phẩm giàu protein, bao gồm:

  • Hải sản
  • Thịt heo, thịt bò và thịt gia cầm
  • Trứng
  • Đậu Hà Lan
  • Các sản phẩm từ đậu nành.

3. Thai yếu phải làm sao?

Ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết thì việc tránh các loại thực phẩm có hại có thể giúp phòng ngừa và cải thiện sức khỏe thai nhi. Vì vậy, một số thói quen ăn uống mà mẹ bầu cần thay đổi như:

  • Không ăn quá 3gram muối mỗi ngày, vì muối khiến cơ thể giữ nước và có thể dẫn đến tăng huyết áp.
  • Lượng cholesterol được nạp vào cơ thể qua thực phẩm không quá 300mg mỗi ngày.
  • Hãy bổ sung chất béo lành mạnh, hạn chế vượt quá 30% chất béo trong chế độ ăn uống hằng ngày.
  • Tránh tiêu thụ bột ngọt, vì có thể dẫn đến các vấn đề không tốt liên quan đến sự phát triển của thai nhi.
  • Hạn chế lượng cafein.
  • Các loại thực phẩm khác có nhiều nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe, bao gồm: rau sống, sushi, sữa chưa tiệt trùng, thực phẩm tái sống, đồ chưa nấu chín, trứng sống và sốt mayonnaise.

Bên cạnh đó, khi thai phụ tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi lần và tập 3 lần/tuần) thai nhi có nhịp tim thấp hơn và sự thay đổi nhịp tim lớn hơn so với những mẹ bầu không tập thể dục, đây đều là các biểu hiện của nhịp tim phát triển bình thường. Một số bộ môn mẹ bầu có thể tham khảo như đi bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu với các động tác nhẹ nhàng và đạp xe trên máy đạp xe đạp. Đồng thời, cần tránh vận động mạnh để không ảnh hưởng tới thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan