Xử trí khi thai nhi ngôi mặt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Ngôi mặt là ngôi đầu với mặt thai nhi ngửa tối đa. Mặc dù khám bụng thấy thai ngôi mặt cũng có trục dọc tương tự như ngôi chỏm nhưng kỹ thuật đỡ sinh khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều.

1. Thai nhi ngôi mặt là gì?

Thai nhi
Ngôi mặt sẽ có bốn kiểu thế là cằm chậu trái trước, trái sau, phải trước và phải sau

Ngôi mặt là ngôi đầu với mặt thai nhi ngửa tối đa, có thể xuất hiện ngay từ ban đầu hay là hệ quả của ngôi chỏm khi trẻ không cúi đầu tốt.

Thai nhi có ngôi mặt chiếm 0,2% các loại ngôi trong quá trình chuyển dạ.

Điểm mốc dùng để xác định thế và kiểu thế của thai khi vào chuyển dạ đối với thai ngôi mặt là cằm thai nhi. Do đó, đường kính lớn nhất của thai khi lọt là đường kính hạ cằm – thóp trước với chiều dài trung bình là 9,5cm. Thế của ngôi mặt sẽ xác định dựa vào lưng thai nhi, lưng bên nào thì thế là ở phía bên đối diện. Theo đó, về kiểu thế, ngôi mặt sẽ có bốn kiểu thế là cằm chậu trái trước, trái sau, phải trước và phải sau. Tuy nhiên, vì đầu đã ngửa tối đa nên ngôi mặt chỉ có một kiểu sổ là sổ kiểu cằm vệ.

2. Nguyên nhân của thai nhi ngôi mặt

Nguyên nhân hình thành ngôi mặt bao gồm các yếu tố khiến đầu ngửa ra hay ngăn chặn không cho đầu cúi tốt:

Về phía mẹ, nguyên nhân có thể là do bất tương xứng giữa đầu thai và khung chậu khi hẹp eo trên hay thai nhi to là đặc điểm quan trọng nhất. Ngoài ra, còn kể đến là do đa sản, mẹ có các khối u trong tiểu khung như u xơ tử cung...

Về phía thai, thai nhi có cổ to, bướu cổ, ngực to, thai dị tật sọ... chiếm phần lớn trong các trường hợp ngôi mặt.

Ngoài ra, thai ngôi mặt còn do phần phụ như dây rốn quấn cổ, nhau bám thấp, đa ối...

U xơ cổ tử cung
U xơ tử cung khiến thai nhi ngôi mặt

3. Chẩn đoán thai nhi ngôi mặt

Trong lúc mang thai, khám bụng thấy thai ngôi mặt tương tự như ngôi chỏm với tử cung nằm theo trục dọc. Nắn thấy cực mông nằm ở đáy tử cung. Cực dưới là đầu, rắn, tròn và có hai ụ là ụ chẩm cao, tròn và ụ cằm thấp hơn, có hình móng ngựa. Lưng sờ được một phần và sẽ khác với ngôi chỏm khi còn sờ được rãnh sâu giữa lưng và đầu, đó là rãnh gáy hay còn gọi là dấu hiệu “nhát rìu”. Ổ tim thai nghe được ở hướng đối diện với lưng, phía dưới rốn của mẹ.

Trong lúc chuyển dạ, nếu đầu ối còn cao, thăm âm đạo sẽ khó sờ được mặt. Khi màng ối đã vỡ, cổ tử cung mở rộng, thăm khám âm đạo có sờ thấy miệng, mũi, xương gò má, vòm mắt sẽ giúp xác định ngôi mặt.

4. Cơ chế sinh và cách xử trí khi sinh thai nhi ngôi mặt

Trong thì lọt, dưới tác dụng của các cơn co tử cung, trán bắt đầu lọt vào tiểu khung, đầu ngửa thêm tối đa để giúp cho đường kính hạ cằm – thóp trước lọt vào đường kính chéo của eo trên, lọt theo kiểu đối xứng.

Trong thì xuống và xoay, nếu kiểu thế cằm trước, dưới tác dụng của cơ nâng hậu môn, cằm sẽ bị đẩy hướng về bờ dưới khớp vệ. Sau đó, cổ thai nhi cần vượt qua được mặt sau của khớp vệ cho vai lọt vào tiểu khung để sửa soạn cho đầu cúi dần. Ngược lại, nếu kiểu thế cằm sau, cổ thai nhi phải xoay thêm mới giúp lọt vai được.

Trong thì sổ, cằm và miệng thai nhi ra đến âm hộ của mẹ, vùng dưới cằm sẽ tựa vào khớp vệ cho đầu sổ bằng cách cúi đầu để lần lượt sổ mũi, mắt, trán, chẩm và sau cùng là cằm.

Chính vì những đặc điểm trên, điều đầu tiên khi đỡ đẻ ngôi mặt là phải xem khung chậu có bị hẹp hay không. Nếu nghi ngờ thì cần phải làm quang kích chậu. Chỉ định mổ lấy thai sẽ được đặt ra nếu có bằng chứng bất xứng đầu chậu.

Trong trường hợp khung chậu bình thường, cằm trước, bác sĩ hay nữ hộ sinh cần cố gắng giữ màng ối nguyên vẹn cho đến khi cổ tử cung mở trọn, chờ đợi sinh tự nhiên. Nếu chuyển dạ kéo dài, có thể hỗ trợ sinh giúp bằng forceps. Với vị trí cằm sau, thai nhi vẫn có thể sinh thường được nếu tự xoay thành cằm trước trong lúc chuyển dạ. Nếu xoay cằm thất bại và thai nhi còn sống, bắt buộc phải mổ lấy thai.

Đối với Y học hiện đại, các thủ thuật cổ điển để ứng phó khi đỡ đẻ ngôi mặt như biến ngôi mặt thành ngôi chỏm, dùng tay hay forceps xoay cằm sau thành cằm trước, thủ thuật xoay thai, kéo thai đều không còn được áp dụng vì gây ra quá nhiều sang chấn nặng nề và nguy hiểm cho cả hai mẹ con.

5. Tiên lượng của thai sinh ngôi mặt

Cuộc chuyển dạ sinh ngôi mặt nhìn chung là khó khăn và mất nhiều thời gian hơn so với ngôi chỏm. Đoạn dưới tử cung thành lập chậm hơn, cổ tử cung cũng xóa mở chậm và ối dễ bị vỡ sớm hơn.

Về phần mẹ, phần mềm dễ bị rách vì đường kính lọt của ngôi mặt lớn. Tình trạng vỡ ối sớm làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau đó.

Về thai nhi, trẻ sinh ra với ngôi mặt sẽ có gương mặt không tròn đẹp như với ngôi chỏm do bị phù nề, đồng thời đầu sọ cũng sẽ bị biến dạng nhiều, nhất là dài ra theo chiều dọc. Bên cạnh đó, nếu chuyển dạ quá lâu khiến thai bị ngạt sẽ khiến cho tiên lượng khá xấu, tỷ lệ tử vong khoảng 2,5 đến 5% cho dù thai nhi đủ tháng.

Tóm lại, ngôi mặt là một dạng ngôi thai bất thường, khiến cho thao tác đỡ sinh dễ gặp rủi ro cao. Chính vì vậy, cần phải nắm rõ các nguyên tắc xử lý khi có thai nhi ngôi mặt để cuộc đỡ sinh diễn ra thuận lợi và an toàn cho cả mẹ lẫn con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: emedicine.medscape; spinningbabies.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan