Sỏi tiết niệu hình thành qua các giai đoạn nào?

Sỏi tiết niệu là gì, sỏi đường tiết niệu hình thành thế nào, bệnh có nguy hiểm không,... là những câu hỏi được nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho chúng ta các thông tin cần thiết xung quanh vấn đề này.

1. Sỏi đường tiết niệu hình thành thế nào?

Sỏi tiết niệu là bệnh hay gặp, là nguyên nhân chính gây ra các cơn đau quặn ở thận. Quá trình hình thành, phát triển sỏi tiết niệu được chia thành 3 giai đoạn sau:

1.1. Giai đoạn sớm

Ở giai đoạn này, sỏi mới phát sinh, di chuyển và chưa gây ứ tắc đường niệu, chưa gây triệu chứng hay biến chứng. Giai đoạn này thường kéo dài trong khoảng 2 năm. Khi mới hình thành sỏi, người bệnh thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mờ nhạt nên thường bỏ qua. Tuy nhiên, nếu đi khám sỏi tiết niệu và phát hiện, điều trị nội khoa kịp thời trong giai đoạn khởi phát này thì hiệu quả điều trị sỏi tiết niệu sẽ lên tới 80%.

1.2. Giai đoạn cần can thiệp

Trong giai đoạn này sỏi tiết niệu đã bị tắc nghẽn, không di chuyển, gây ra triệu chứng và một số biến chứng như giãn đài bể thận nhưng chưa gây biến chứng nặng nên vẫn có thể phục hồi chức năng thận sau khi lấy sỏi ra.

Các triệu chứng rõ ràng của sỏi tiết niệu ở giai đoạn này là: đau và tiểu ra máu do sỏi có tắc nghẽn gây ứ niệu, biến chứng nhẹ. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn này, các y bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp ít sang chấn can thiệp để loại bỏ sỏi và không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của bệnh nhân.

1.3. Giai đoạn muộn

Ở giai đoạn này, sỏi tiết niệu đã gây ra những biến chứng nặng như nhiễm khuẩn, ứ niệu, ứ mủ thận, viêm thận bể thận xơ teo, mất chức năng thận,...

sỏi tiết niệu
Quá trình hình thành, phát triển sỏi tiết niệu được chia thành 3 giai đoạn

2. Tác động của sỏi đến hệ tiết niệu

Sỏi gây tổn thương trên hệ tiết niệu trên theo 3 phương thức cơ bản là: Phương thức chèn ép tắc nghẽn, phương thức cọ sát cắt cứa và phương thức nhiễm khuẩn.

2.1. Phương thức tắc nghẽn

Đây là phương thức tác động phổ biến nhất và cũng nguy hiểm nhất tới chức năng thận. Khi sỏi nằm ở những vị trí dễ gây ứ tắc như bể thận hay niệu quản, tùy kích thước và hình thể, sỏi có thể gây ứ tắc hoàn toàn hay không hoàn toàn, cấp tính hoặc mãn tính. Nếu tắc đột ngột hoàn toàn, thận sẽ ngừng bài tiết. Nếu hiện tượng này xảy ra ở 2 bên hệ tiết niệu thì bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng vô niệu do sỏi.

Còn nếu tắc nghẽn xảy ra không hoàn toàn và mãn tính thì nhu mô thận sẽ mỏng dần, dung tích đài bể thận tăng lên, gây teo đét nhu mô thận, mất chức năng thận. Đồng thời, niệu quản trên sỏi cũng bị giãn to, gây mất nhu động và xơ hóa niệu quản. Nếu sỏi ở đài thận thì dễ gây nghẽn cục bộ ở thận, dẫn tới ứ niệu, gây mất chức năng từng phần của thận.

2.2. Phương thức cọ sát cắt cứa

Phương thức này gặp ở những bệnh nhân có sỏi tiết niệu là loại sỏi cứng, gai góc (như sỏi urat, sỏi oxalat). Các viên sỏi có thể cọ sát, cứa rạch vào tổ chức thận niệu quản, gây chảy máu kéo dài trong hệ tiết niệu. Tình trạng tổn thương này vừa làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn niệu vừa khởi động cho quá trình phát triển xơ hóa ở nhu mô thận và thành ống dẫn niệu. Hậu quả là chức năng thận sẽ bị ảnh hưởng, làm nghiêm trọng hơn tình trạng tắc niệu.

2.3. Phương thức nhiễm khuẩn niệu

Chính 2 phương thức tắc nghẽn và cọ sát cắt cứa trên đã làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm khuẩn niệu. Nhiễm khuẩn niệu gây phù nề, loét sâu hơn, đẩy nhanh quá trình hoại tử tổ chức thận và thành ống dẫn niệu. Hậu quả là tổn thương chức năng thận và niệu quản.

Theo đó, những phương thức tác động của sỏi tiết niệu bên trên thường kết hợp với nhau và dẫn tới hậu quả cuối cùng là phá hủy chức năng thận, gây biến dạng hệ thống tiết niệu, thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân.

sỏi tiết niệu
Những phương thức tác động của sỏi tiết niệu bên trên thường kết hợp với nhau và dẫn tới hậu quả cuối cùng là phá hủy chức năng thận

3. Tầm quan trọng của việc khám sỏi tiết niệu

Sự hình thành, tiến triển của sỏi tiết niệu có thể gây ảnh hưởng tới chức năng thận hay thậm chí là dẫn tới tử vong. Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan trước sức khỏe của mình. Nếu có những triệu chứng bất thường như đau, tiểu ra máu, tiểu buốt,... thì bạn nên thực hiện thăm khám hệ thống tiết niệu để sớm phát hiện và điều trị bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan