5 chấn thương thể thao thường gặp ở nữ vận động viên trẻ

Nữ vận động viên trẻ là những đối tượng dễ gặp phải chấn thương thể thao nhất. Điều này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó bao gồm cả cách tập luyện và chế độ ăn uống hàng ngày. Khi chấn thương xảy ra, bạn nên nhanh chóng tìm cách khắc phục và tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ nhằm tránh những thương tích nghiêm trọng hơn.

1. Tầm quan trọng của việc phòng ngừa chấn thương thể thao

Hiện nay, số lượng nữ giới tham gia các môn thể thao ngày càng tăng lên, kèm theo đó là số ca chấn thương cũng tăng đáng kể. Nếu không thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và thể dục điều độ, thậm chí ngay cả khi tuân theo các chế độ tập luyện lý tưởng, các nữ vận động viên trẻ vẫn có thể rơi vào tình trạng chấn thương tương tự như ở các vận động viên lớn tuổi. Khi chấn thương xảy ra, điều quan trọng là phải biết cách can thiệp nhanh chóng để đảm bảo hồi phục sức khỏe của bạn.

Một số nghiên cứu cho thấy, các chương trình phòng chống tai nạn thương tích (IPP) thực sự đem lại hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các chấn thương thể thao ở nữ vận động viên trẻ tuổi. Nhìn chung, những chương trình này thường rất khác nhau, tùy thuộc vào môn thể thao và độ tuổi của người tham gia, IPP tập trung chủ yếu vào phát triển và tăng cường các cơ quan trọng của cơ thể, cải thiện mô hình vận động, kỹ thuật thể thao, sự thăng bằng cũng như tránh những lỗi thường gặp khi bạn tập luyện. Tốt nhất, những nữ vận động viên trẻ tuổi nên trao đổi kỹ lưỡng với các huấn luyện viên về các IPP phù hợp với bạn.

Ngoài ra, dinh dưỡng tốt cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa chấn thương thể thao. Bên cạnh một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, các nữ vận động viên trẻ nên bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để duy trì trạng thái đỉnh cao của mình. Một số chất bổ sung dinh dưỡng dưới đây đã được chứng minh là có khả năng cải thiện hiệu suất thể thao của bạn, bao gồm:

  • Canxi: Một số nữ vận động viên trẻ cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng hoặc “gầy” bằng cách tránh ăn các sản phẩm từ sữa có hàm lượng calo cao. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt canxi. Các chuyên gia khuyến cáo rằng những vận động viên dưới 18 tuổi nên bổ sung khoảng 1.300 miligam (mg) canxi mỗi ngày, trong khi đó những người trên 18 tuổi nên bổ sung khoảng 1.000 mg canxi mỗi ngày. Các nguồn thực phẩm cung cấp canxi, bao gồm các sản phẩm từ sữa, hạnh nhân, cải xoăn, bông cải xanh, cá mòi, cá hồi đóng hộp và các sản phẩm từ đậu nành khác như đậu phụ.
  • Sắt: Khi đến chu kỳ kinh nguyệt, các chị em phụ nữ trẻ tuổi có thể có nguy cơ cao bị thiếu chất sắt hơn thông thường. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới sức bền và hiệu suất thể thao của bạn. Đặc biệt, nguy cơ này còn cao hơn ở những người ăn chay, vì thịt đỏ là nguồn cung cấp sắt hàng đầu. Ngoài ra, một số loại hạt, đậu, hải sản và các loại rau xanh lá như cải xoăn hoặc bina đều là những nguồn thực phẩm giàu chất sắt khác. Các nữ vận động viên trẻ tuổi nên được khám sức khỏe thường xuyên, thông qua một xét nghiệm máu đơn giản để phát hiện tình trạng thiếu sắt.
Dinh dưỡng đối với việc phòng tránh chấn thương thể thao
Dinh dưỡng tốt đóng vai trò quan trọng trong việc phòng tránh chấn thương thể thao

2. Hiện tượng “tam chứng” làm tăng nguy cơ chấn thương thể thao

Các nữ vận động viên trẻ là đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn phổ được gọi là “tam chứng”, tên tiếng Anh là Female athlete triad. Tam chứng bao gồm năng lượng sẵn có của cơ thể ở mức thấp, mật độ khoáng xương thấp và rối loạn chức năng kinh nguyệt. Những cô gái chỉ có một trong các thành phần của tam chứng sẽ có nguy cơ gặp phải chấn thương cơ và xương cao hơn; thậm chí rủi ro này sẽ tăng hơn nữa khi có hai hoặc cả ba thành phần của tam chứng. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng giúp bạn nhận biết tam chứng, bao gồm:

  • Rối loạn ăn uống, chẳng hạn như ăn uống vô độ hoặc chán ăn
  • Gãy xương do mệt mỏi
  • Ăn kiêng thường xuyên
  • Tập thể dục quá sức
  • Kinh nguyệt không đều
  • Có hành vi ám ảnh hoặc cầu toàn

3. Một số chấn thương thể thao phổ biến ở nữ vận động viên trẻ

Ngay cả khi một vận động viên thực hiện đúng động tác, chấn thương vẫn có thể xảy ra. Trong hầu hết các trường hợp chấn thương, sự bình tĩnh và điều trị đúng cách sẽ giúp tăng tốc độ hồi phục của bạn.

Dưới đây là 5 chấn thương thể thao thường gặp nhất ở các nữ vận động viên trẻ, bao gồm:

3.1.Bong gân mắt cá chân

Các nữ vận động viên vị thành niên sẽ dễ bị chấn thương nhất ở bàn chân và mắt cá chân. Trên thực tế, những chấn thương này chiếm tới gần 30% tổng số lần các vận động viên trẻ đến khám tại các phòng khám. Một trong những loại chấn thương phổ biến nhất là bong gân mắt cá chân ngoài, trong đó tỷ lệ nữ giới mắc phải cao hơn so với nam giới vị thành niên. Trong một nghiên cứu mới đây đã cho thấy, các cầu thủ bóng rổ nữ có nguy cơ bị bong gân mắt cá chân cao hơn 25% so với nam giới. Điều này là do tỷ lệ bàn chân của phụ nữ thường nhỏ hơn so với nam giới và có sự khác nhau về hình dạng, khiến cho họ dễ bị chấn thương ở mắt cá chân hơn.

Bong gân mắt cá chân là tình trạng rách một hoặc nhiều dây chằng ở mắt cá chân. Nó thường xảy ra khi mắt cá chân đột ngột bị xoắn hoặc gập trong khi bạn vận động tích cực. Dấu hiệu đầu tiên của bong gân là đau ngay lập tức, sau đó là sưng, đặc biệt là ở bên ngoài mắt cá chân. Khi bạn dồn trọng lượng cơ thể lên mắt cá chân thường khá đau. Để chẩn đoán tình trạng bong gân mắt cá chân, bạn nên đi chụp X-quang tại các phòng khám hoặc bệnh viện.

Tình trạng bong gân mắt cá chân thường được phân thành các mức độ sau:

  • Mức độ 1: Đây là cấp độ nhẹ nhất, chỉ biểu hiện sưng và rách nhẹ dây chằng.
  • Mức độ 2: Bao gồm sưng vừa phải và đứt hoàn toàn một dây chằng.
  • Mức độ 3 (nặng): Bao gồm sưng và đau đáng kể, bị rách ít nhất hai dây chằng.

Các bác sĩ thường điều trị bong gân bằng nẹp bảo vệ hoặc ủng đi bộ. Sau đó, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và áp dụng các phương pháp chườm được bác sĩ khuyên dùng. Khi tình trạng đau và sưng biến mất, bạn có thể chuyển sang áp dụng liệu pháp vật lý trị liệu. Bạn nên để mắt cá chân được nghỉ ngơi và phục hồi hoàn toàn trước khi tiếp tục tập luyện các bài tập sức mạnh hoặc bài tập thể thao cụ thể.

Dưới đây là một số mẹo chăm sóc bản thân khi bị bong gân mắt cá chân, bao gồm:

  • Giữ cho bàn chân và mắt cá chân bị thương khỏi áp lực của trọng lượng nặng.
  • Đeo băng quấn để giảm tình trạng sưng.
  • Bạn nên nâng mắt cá chân và bàn chân cao hơn tim để giảm đau và sưng.
  • Chườm đá vào khu vực bị thương trong vòng 20 phút khoảng 3 – 4 lần mỗi ngày.
  • Thực hiện các bài tập của bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu để phục hồi phạm vi chuyển động, sức mạnh cũng như sự ổn định của mắt cá chân.

3.2.Hội chứng đau bánh chè – đùi (PFPS)

Hội chứng đau bánh chè – đùi thường đề cập đến tình trạng đau ở vùng xương bánh chè. Điều này có thể do bạn hoạt động quá sức, tập luyện không đúng cách, các vấn đề về kiểm soát cơ hông và chân, hoặc bị lệch xương bánh chè. Hội chứng này thường gặp nhiều nhất ở các nữ vận động viên trẻ tuổi, đặc biệt là các vận động viên leo núi, chạy bộ hoặc chơi bóng chuyền.

Khi bị mắc hội chứng đau bánh chè – đùi, bạn sẽ thường cảm thấy đau âm ỉ ở mặt trước của đầu gối khi tập thể dục hoặc bất kỳ hoạt động nào làm cong đầu gối. Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm thấy đau sau khi ngồi gập đầu gối trong một thời gian dài, chẳng hạn như trong lớp học hoặc trên máy bay. Đặc biệt, bạn cũng có thể nghe thấy âm thanh kêu rắc ở đầu gối, hoặc cảm thấy đau khi leo cầu thang và đứng dậy sau khi ngồi xuống một lúc. Nếu những dấu hiệu và triệu chứng này xảy ra, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để tìm được biện pháp khắc phục phù hợp. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn chụp X- quang hoặc khám sức khỏe vùng hông, chân và bàn chân, đặc biệt tập trung chủ yếu vào đầu gối bị đau.

Chấn thương thể thao
Hội chứng đau bánh chè - đùi là chấn thương thể thao thường gặp ở vận động viên

Phương pháp điều trị thông thường cho hội chứng đau bánh chè – đùi là kiểm soát cơn đau và nghỉ ngơi phù hợp sau các hoạt động gây ra cơn đau. Vật lý trị liệu cũng giúp bạn cải thiện được các cử động ở chi dưới và theo dõi xương bánh chè trong rãnh của nó. Mục đích chính của phương pháp này là để bảo vệ đầu gối bằng cách tăng cường sức mạnh cho phần dưới của cơ thể và điều chỉnh các mô hình chuyển động khiến cho xương bánh chè không theo đúng vị trí. Ngoài ra, các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ cũng có thể cân nhắc việc chỉnh hình hoặc băng quanh xương bánh chè để giảm cơ đau trong quá trình hồi phục chức năng. Bác sĩ cũng có thể sử dụng nẹp để giảm đau và thúc đẩy chuyển động thích hợp của xương bánh chè.

Dưới đây là một số mẹo giúp bạn cải thiện các triệu chứng của hội chứng đau bánh chè – đùi, bao gồm:

  • Ngừng hoạt động gây đau đầu gối và chuyển sang các hoạt động ít gây va chạm, chẳng hạn như bơi lội hoặc đi xe đạp cho đến khi hết đau.
  • Chườm đá vào đầu gối trong vòng 20 phút vào nhiều lần mỗi ngày.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng một số loại thuốc chống viêm không kê đơn giúp giảm đau, chẳng hạn như ibuprofen (Motrin IB, Advil, những loại khác) và naproxen sodium (Aleve).

3.3.Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL)

Dây chằng chéo trước (ACL) là một trong 4 dây chằng chính ở đầu gối. Các chấn thương ACL thường liên quan đến tình trạng rách dây chằng (bong gân). Thông thường, chấn thương ACL sẽ xảy ra trong các chuyển động xoay, nhảy, hoặc khi bạn nhanh chóng thay đổi hướng. Những chấn thương này xuất hiện phổ biến ở những nữ vận động viên trẻ trong các loại hình thể thao như bóng đá và bóng rổ.

Các vận động viên nữ có nguy cơ bị chấn thương ACL cao hơn đáng kể so với vận động viên nam. Một số nghiên cứu cho rằng nội tiết tố nữ và giải phẫu cơ thể khiến cho các nữ vận động viên trẻ dễ bị mắc chấn thương này hơn.

Tại thời điểm chấn thương ACL, bạn có thể nghe thấy tiếng lục cục, sau đó đầu gối trở nên bị sưng và đau nhanh chóng. Đầu gối của bạn có thể mất toàn bộ chuyển động và cảm thấy mềm, không còn cố định khi bạn di chuyển.

Để chẩn đoán chấn thương ACL, bạn nên đi khám sức khỏe vùng bị thương. Trong một số trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể yêu cầu bạn chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc cả hai. Hầu hết các vết rách ACL không thể được sửa chữa bằng phương pháp khâu, do đó các bác sĩ sẽ phải tái tạo lại dây chằng bằng cách ghép mô. Tái tạo ACL thường được thực hiện bằng thủ thuật nội soi, ít xâm lấn và ít gây đau đớn hơn, mặt khác thời gian hồi phục cũng nhanh hơn. Các nghiên cứu cũng cho thấy, những nữ vận động viên trẻ sau khi phẫu thuật ACL cảm thấy đầu gối của họ trở nên ổn định hơn và có thể trở lại các hoạt động thể thao mạnh mẽ như trước.

Dưới đây là một số cách giúp bạn giảm nhẹ các triệu chứng do thương tích ACL gây ra, bao gồm:

  • Mang nẹp hoặc sử dụng nạng để không tác động trọng lượng nặng lên đầu gối bị thương.
  • Chườm đá theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm sưng đau.
  • Sau khi phẫu thuật, bạn có thể thực hiện một số bài tập giúp tăng cường cơ bắp chân và phục hồi chức năng của đầu gối. Các bài tập này nên được điều chỉnh phù hợp với môn thể thao cụ thể. Bạn cũng có thể mất khoảng 9 tháng để trở lại mức hoạt động bình thường như trước.

3.4. Gãy xương do mệt mỏi

Các môn thể thao có tác động mạnh như tenis, chạy, thể dục dụng cụ, bóng chuyền và bóng rổ có thể gây áp lực cho chân và bàn chân. Khi các cơ được sử dụng quá mức và mệt mỏi, chúng đôi khi có thể truyền áp lực đến xương, gây ra các vết nứt nhỏ hoặc quá tải căng thẳng nghiêm trọng trong xương. Những chấn thương này được gọi là gãy xương do mệt mỏi, thường xảy ra ở cẳng chân hoặc bàn chân.

Các nữ vận động viên trẻ tuổi là đối tượng dễ bị gãy xương do mệt mỏi nhất vì họ thường có xương mỏng và dễ gãy hơn. Ngoài ra, việc không bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi cũng góp phần làm tăng nguy cơ gãy xương do mệt mỏi. Triệu chứng chính của tình trạng này thường bao gồm đau tại một vùng nhất định khi bạn nghỉ ngơi, và cơn đau trở nên trầm trọng hơn khi bạn chạy, nhảy hoặc đi bộ.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường khuyến cáo các nữ vận động viên trẻ nên tránh bất kỳ các hoạt động mạnh trong vòng 6 – 8 tuần trong khi vết thương đang lành. Việc vội vàng hoạt động mạnh trở lại có thể gây ra gãy xương do mệt mỏi trầm trọng hơn, thậm chí dẫn đến các vấn đề mãn tính. Bác sĩ thường khuyên bệnh nhân bị gãy xương do mệt mỏi nên sử dụng nạng để nâng đỡ chân bị thương, sau đó mang giày hoặc nẹp khi vết gãy xương do mệt mỏi lành lại.

Để cải thiện các triệu chứng đau của gãy xương do mệt mỏi gây ra, bạn có thể thực hiện theo một số phương pháp sau đây:

  • Giữ cho vùng bị thương khỏi chịu sức nặng hay áp lực. Nếu xuất hiện sưng, bạn nên nằm xuống nghỉ ngơi và đặt chân nâng cao hơn tim.
  • Chườm đá trong vòng 20 phút khoảng vài lần mỗi ngày để giảm sưng và đau.
  • Khi có sự cho phép của bác sĩ, bạn mới được bắt đầu tập thể dục với các hoạt động ít tác động đến vết thương như bơi lội hoặc đạp xe.
  • Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo cung cấp đầy đủ canxi cũng như vitamin D cho cơ thể.
Chấn thương thể thao
Gãy xương do mệt mỏi là chấn thương thể thao thường gặp ở những môn có động tác mạnh

3.5. Mất vững khớp vai

Mất vững khớp vai thường liên quan đến một loạt các rối loạn, bao gồm:

  • Trật khớp: Đầu của xương cánh tay trên bị trật ra khỏi ổ trong khớp vai.
  • Trật khớp một phần: Xương cánh tay trên bị trật một phần ra khỏi ổ của khớp vai.
  • Sự lỏng lẻo: Mối nối khớp vai bị lỏng.

Khi bị trật khớp vai, trật một phần hoặc hoàn toàn, bác sĩ sẽ xác định hướng xương trên cánh tay bị trượt, phổ biến nhất là hướng về phía trước của vai và hướng xuống dưới. Mất ổn định ba hướng (MDI) là tình trạng lỏng lẻo chung của khớp theo mọi hướng, có thể khiến cho xương cánh tay trên bị trật hoặc trật một phần. MDI có xu hướng phổ biến hơn trật khớp một hướng ở các nữ vận động viên trẻ tuổi. Tình trạng mất vững khớp vai ngày càng xuất hiện nhiều ở nữ vận động viên trẻ chơi các môn thể thao như bóng chuyền, quần vợt và bơi lội.

Trật khớp vai là hiện tượng gây đau đớn và cần được điều trị ngay lập tức. Bệnh nhân cần bất động khớp ngay lập tức và được chườm đá, ngay cả khi đang đợi bác sĩ đến điều trị. Một số triệu chứng khác của trật khớp vai thường bao gồm sưng, tê và bầm tím.

Trật khớp có thể được điều trị bằng thủ thuật thu gọn khớp, giúp nhẹ nhàng đặt xương cánh tay trở lại với ổ khớp vai, từ đó ngăn cơn đau dữ dội. Mặc dù hầu hết các chấn thương do mất vững ở vai đều được điều trị không qua phẫu thuật, tuy nhiên các bác sĩ khuyên bạn nên phẫu thuật khi tình trạng mất ổn định trở thành mãn tính. Đặc biệt, ở những nữ vận động viên dưới 19 tuổi đã bị trật khớp vai thì tỷ lệ tái trật khớp thường rất cao. Với phương pháp phẫu thuật, các bác sĩ sẽ giúp bạn sửa chữa và thắt chặt các dây chằng giữ khớp tại chỗ.

Bạn có thể thực hiện theo một số cách sau đây để giảm nhẹ tình trạng trật khớp vai, bao gồm:

  • Phục hồi vai bị thương bằng cách giữ vai ở trạng thái bất động.
  • Chườm đá từ 15 – 20 phút sau mỗi vài giờ trong vài ngày đầu sau khi bị thương.
  • Sau khoảng 3 ngày, bạn có thể cân nhắc sử dụng một miếng đệm nóng không quá 20 phút mỗi lần để giúp thư giãn các cơ căng thẳng của vai.
  • Làm theo hướng dẫn của chuyên gia chăm sóc sức khỏe để kiểm soát các cơn đau.
  • Bạn có thể thực hiện một số bài tập vận động nhẹ nhàng ngay tại nhà, tránh các bài tác động mạnh đến vùng bị thương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

575 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan