Bổ sung canxi đúng cách

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BS Lương Võ Quang Đăng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Khi thiếu canxi, cơ thể xuất hiện các triệu chứng cấp tính như: khó thở, mệt mỏi. Về lâu về dài, người bị thiếu canxi sẽ gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe của xương. Trẻ em sẽ không đạt được chiều cao tối ưu khi trưởng thành. Còn đối với người lớn, thiếu canxi sẽ dẫn tới khối lượng xương thấp, tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương.

1. Bổ sung canxi đúng cách cho cơ thể

Theo BS Lương Võ Quang Đăng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, cơ thể người không thể tự sản xuất canxi nên chỉ có thể được bổ sung từ bên ngoài. Cách tốt nhất để nạp canxi tự nhiên chính là ăn các loại thực phẩm như: Phomai, sữa, sữa chua và các chế phẩm khác của sữa, các loại rau, đặc biệt là rau có màu xanh đậm như bông cải xanh, cải xoăn. Các loại cá xương mềm, cá hồi và các loại ngũ cốc nguyên hạt, đỗ tương cũng chứa hàm lượng canxi cao. Để hấp thụ tối đa canxi, chúng ta nên bổ sung thêm vitamin D bằng cách đơn giản như tắm nắng, ăn cá hồi, lòng trắng trứng,...

Chúng ta cũng có thể bổ sung thêm canxi dưới dạng dược phẩm hoặc thực phẩm chức năng trong các trường hợp cần thiết

Hai loại canxi chính thông dụng nhất là canxi Cacbonat và canxi Citrate. Canxi Cacbonat là canxi vô cơ, thường có trong đá vôi, nguồn khai thác lớn nên trở nên phổ biến. Tuy nhiên đây là canxi vô cơ nên sẽ khó tan, khó hấp thu, dễ gây cặn lại có vị tanh, khó ăn, vì vậy việc sử dụng canxi hữu cơ như Citrate được khuyến khích hơn vì có nguồn gốc từ thực phẩm, động - thực vật, dễ tiêu hóa, tránh lắng đọng, dễ ăn.

Thừa canxi hạn chế khả năng hấp thu kẽm và sắt khiến cơ thể có nguy cơ thiếu 2 khoáng chất này. Thừa canxi cũng gây quá tải cho thận, tăng nguy cơ sỏi thận, sỏi niệu quản, vôi hóa khớp vai, canxi hóa động mạch. Dùng canxi liều cao có thể gây rối loạn canxi máu, rối loạn nhịp tim.

2. Lượng canxi nên được bổ sung và những lưu ý

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mỗi độ tuổi sẽ cần bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể :

  • Trẻ em 0 - 1 tuổi: Cần 400mg – 600mg /ngày.
  • Trẻ em 1 - 10 tuổi: Cần 800mg /ngày.
  • Người lớn 11 - 24 tuổi: Cần 1200mg /ngày.
  • Người lớn 24 – 50 tuổi: Cần 800mg – 1000mg /ngày.
  • Phụ nữ có thai, người cao tuổi: Cần 1200mg – 1500mg /ngày.

Trong quá trình bổ sung canxi, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:

  • Có thể gặp phải triệu chứng như táo bón, chướng bụng. Tác dụng này hay gặp hơn đối với canxi carbonat, vì vậy nếu xảy ra tác dụng này, bạn có thể thay thế bằng các loại canxi khác.
  • Hầu hết các loại canxi bổ sung tốt hơn khi hấp thu lượng nhỏ (500mg hoặc thấp hơn). Tùy thuộc loại canxi bạn lựa chọn mà có thể uống trước bữa ăn hoặc giữa bữa (như canxi citrate).
  • Nếu đang sử dụng các thuốc hạ huyết áp, hormon giáp, bisphosphonate, một số thuốc kháng sinh, thuốc ức chế canxi thì có thể xảy ra tương tác giữa canxi và các thuốc đó. Trong trường hợp này, bạn có thể ngưng dùng canxi, hoặc vẫn muốn sử dụng thì cần có sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn để tránh gặp phản ứng ngược hoặc sử dụng thuốc lãng phí, vô ích, không mang lại tác dụng mong muốn.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan