Đi bộ nhanh hơn có thể cải thiện sức khỏe của bạn

Nghiên cứu từ các nhà khoa học đã chứng minh rằng tốc độ đi bộ có mối liên hệ trực tiếp đến sức khỏe tổng thể và chức năng nhận thức của cơ thể. Theo đó tốc độ đi bộ nhanh giúp cải thiện sức khỏe một cách tích cực và mang lại nhiều lợi ích.

1. Nghiên cứu về ảnh hưởng của tốc độ đi bộ đối với sức khỏe

Để chứng minh vai trò và lợi ích của quá trình đi bộ nhanh đối với sức khỏe cơ thể, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu trên gần 1000 người tham gia. Những người tham gia nghiên cứu được thực hiện kiểm tra và trả lời các câu hỏi liên quan đến các hoạt động và tốc độ đi bộ mỗi ngày. Tiến sĩ Rasmussen – nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “Từ giai đoạn 3 tuổi trở lên sức khỏe não bộ của con người đã tạo được mối liên quan với tốc độ đi bộ khi bước vào tuổi trung niên. Điều này cho thấy chức năng đầu đời của não bộ có ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể, trong đó có tốc độ đi bộ”. Nghiên cứu cũng rút ra kết luận rằng con người có thể dự đoán tốc độ đi bộ ở tuổi trung niên bằng cách đánh giá chức năng nhận thức thần kinh ở độ tuổi lên 3. Có sự khác biệt trung bình là 12 điểm IQ giữa những đứa trẻ lớn có tốc độ đi bộ chậm nhất (khoảng 1,21 mét/giây) và người đi bộ nhanh nhất (khoảng 1,75 mét/giây). Tốc độ và dáng đi không chỉ là chỉ số của sự lão hóa mà còn phản ánh sức khỏe não bộ suốt đời.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người có tốc độ đi bộ chậm được chứng minh là có tốc độ lão hóa nhanh hơn trên thang điểm 19 được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu. Ngoài ra, các hệ cơ quan như phổi, răng và hệ thống miễn dịch ở những người này có xu hướng yếu hơn so với những người có tốc độ đi bộ nhanh.

Xem ngay: Đi bộ nhanh – Đơn giản mà tốt

đi bộ nhanh
Đi bộ nhanh mang lại những tác dụng như tăng tính linh hoạt của cơ và khớp

2. Đi bộ nhanh có tác dụng gì?

Tốc độ đi bộ từ lâu đã được sử dụng làm thức đo sức khỏe và quá trình lão hóa của cơ thể, đặc biệt là ở những người cao tuổi. Theo đó, tốc độ đi bộ nhanh mang lại những tác dụng như sau:

  • Tăng nhịp tim: Đi bộ nhẹ nhàng thường được thực hiện với cường độ nhẹ, trong khi đi bộ nhanh sẽ nâng nhịp tim của bạn vào vùng cường độ trung bình;
  • Cải thiện nỗ lực giảm cân: Tốc độ đi giúp giảm cân theo nguyên tắc đốt cháy lượng calo của cơ thể. Vậy đi bộ nhanh giảm bao nhiêu calo? Theo đó, lượng calo đốt chạy phụ thuộc vào tốc độ di chuyển của mỗi người, tuy nhiên việc đi bộ nhanh làm tăng tốc độ đốt cháy calo, tăng cường sức bền và thể lực của cơ thể;
  • Tăng tính linh hoạt của cơ và khớp: Tùy thuộc vào kiểu đi bộ, dáng đi và điểm xuất phát của bạn mà công dụng tăng độ linh hoạt của cơ, khớp sẽ khác nhau;
  • Tăng cường cơ bắp, đặc biệt là cơ bụng và cơ chân: Đi bộ giúp làm tăng phạm vi chuyển động của bạn cũng như chuyển áp lực từ các khớp đến hệ cơ, từ đó giúp tăng cường và làm săn chắc cơ bắp;
  • Giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe: Đi bộ khoảng 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải giúp bảo vệ, nâng cao sức khỏe và giảm nguy cơ rủi ro về sức khỏe.

Vậy làm thế nào để biết bạn đang có tốc độ đi nhanh hay chậm? Theo đó, bạn có thể sử dụng các ứng dụng đi bộ và chạy, máy theo dõi thể dục GPS hoặc đơn giản hơn là đi bộ trên một đoạn đường đã biết độ dài và tính khoảng thời gian đi hết đoạn đường đó, từ đó xác định được tốc độ đi bộ.

Từ những lợi ích mà việc đi bộ mang lại, các nhà khoa học khuyến cáo mỗi người nên xây dựng bài tập thể dục đi bộ với tốc độ phù hợp với cân nặng, chiều cao và tình trạng sức khỏe để giúp rèn luyện, bảo vệ và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Nguồn tham khảo: healthline.comm, verywellfit.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

194 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan