Quản lý tâm trạng và sức khỏe trước đám cưới

Một số cặp vợ chồng gặp vấn đề về tâm trạng trước đám cưới. Họ có cảm giác bồn chồn, lo lắng trước hôn nhân. Đôi khi những vấn đề này trở nên nghiêm trọng đến nỗi có thể dẫn đến việc trì hoãn hoặc hủy bỏ việc tổ chức đám cưới. Bên cạnh đó, các cô dâu còn ăn uống thất thường trước đám cưới, làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Vậy làm thế nào để quản lý tâm trạng trước đám cưới với sức khỏe tốt nhất?

1. Những vấn đề thường gặp trước đám cưới

Hầu như các cặp vợ chồng đều gặp phải một vài vấn đề, từ nhỏ đến lớn, từ mức độ không đáng kể cho đến nghiêm trọng trước khi đám cưới diễn ra. Đó có thể là vấn đề về thể chất nhưng cũng có thể là sức khỏe tinh thần. Vậy nguyên nhân đằng sau những vấn đề này là gì?

1.1 Tâm trạng trước đám cưới

Thạc sĩ Jerilyn Ross - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hiệp hội Rối loạn Lo âu Hoa Kỳ cho biết, một số lo lắng giúp con người chúng ta có sự chuẩn bị, tập trung và cố gắng hành động để tránh khỏi nguy cơ bị tổn hại. Nếu sự lo lắng khiến bạn phải lên kế hoạch, sắp xếp và thực hiện các bước công việc cụ thể, đó là sự lo lắng cần thiết và tuyệt vời.

Tuy nhiên, khi lo lắng trở nên cực độ đến mức ám ảnh hoặc mất ngủ, ví dụ như lo lắng về trang phục hoặc địa điểm tổ chức lễ cưới có phù hợp với khách mời hay không, loại phiền muộn, tâm trạng trước đám cưới này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, xã hội và công việc của các cặp vợ chồng.

Sự lo lắng quá mức còn có thể là dấu hiệu của hội chứng rối loạn lo âu. Các dấu hiệu khác của chứng rối loạn này bao gồm cả sự né tránh lo lắng. Ví dụ, cô dâu có thể lo lắng về việc vấp ngã khi đi lên lễ đài đến mức từ chối đi trong buổi lễ. Hoặc chú rể sợ đi máy bay đến nỗi đề nghị kỳ nghỉ tuần trăng mật nên ở gần thay vì ở xa.

Khi tâm trạng trước đám cưới ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của cô dâu hoặc chú rể bởi sự sợ hãi, lo lắng của chính họ, lúc đó, họ cần được xem xét rằng liệu bản thân có đang mắc chứng rối loạn lo âu hay không. Mặc dù rối loạn lo âu có thể điều trị được nhưng nếu nghi ngờ mình hoặc người thân mắc hội chứng này, tốt nhất chúng ta nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Không chỉ rối loạn lo âu, Tiến sĩ Susan Heitler, nhà trị liệu hôn nhân - gia đình và cũng là nhà tâm lý học lâm sàng ở Denver, Hoa Kỳ cho biết, các cặp đôi cũng gặp một số vấn đề về tâm trạng trước đám cưới khi họ không có kỹ năng hợp tác tốt trong việc lập kế hoạch và chuẩn bị cho đám cưới, ngay cả khi họ thực sự yêu nhau.

Bởi vì kế hoạch tổ chức đám cưới bao gồm việc đưa ra các quyết định chung, nên có thể dẫn đến một số mâu thuẫn nếu như các cặp vợ chồng không có kỹ năng làm việc chung với nhau. Để giải quyết những bất đồng này, thậm chí một số cặp vợ chồng còn cảm thấy bực bội và có hành vi bạo lực khi đối tác quá cố chấp.

Tệ hơn nữa, nếu tâm trạng trước đám cưới căng thẳng cao độ có thể khiến mọi người sa vào những thói quen tệ hại nhất. Thay vì phối hợp và lắng nghe nhau, một hoặc cả hai người trở nên khắt khe hơn, phòng thủ hơn.

Cuối cùng, những bất đồng trước đám cưới có thể dẫn đến việc trì hoãn hoặc hủy bỏ tổ chức đám cưới. Đó là một quyết định tồi tệ mà những vấn đề tâm lý trước khi cưới có thể gây ra.

Tâm trạng trước đám cưới có thể căng thẳng cao độ nếu cặp đôi xảy ra mâu thuẫn
Tâm trạng trước đám cưới có thể căng thẳng cao độ nếu cặp đôi xảy ra mâu thuẫn

1.2 Ăn uống thất thường trước đám cưới và những nguy hại

Đối với một số phụ nữ, ngày cưới là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời và họ mong muốn mình trở nên xinh đẹp hơn trong ngày trọng đại này. Mong muốn này đã tạo ra một áp lực lớn cho các cô dâu. Để hoàn hảo trong chiếc váy cưới, họ đã thêm chế độ ăn kiêng vào trong danh sách những việc cần chuẩn bị trước đám cưới.

Flipse - Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, văn hóa quá đề cao “những cô dâu xinh đẹp” đã tạo ra áp lực rất lớn đối với những cô dâu sắp cưới, buộc họ phải thay đổi bản thân để có vẻ ngoài xinh đẹp và cá tính nhất trong ngày cưới. Một chế độ ăn kiêng có thể khiến họ ăn uống thất thường trước đám cưới.

Thậm chí, một số cô dâu còn có thể cảm thấy áp lực cần phải gầy trong ngày cưới. Điều này dẫn đến nguy cơ mắc phải hội chứng rối loạn ăn uống, Claire Mysko - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia (NEDA) chia sẻ.

Các cô dâu không chỉ bị áp lực việc phải trở nên gầy hơn trong ngày cưới đến từ các phương tiện truyền thông, mà còn đến từ gia đình và bạn bè mình, họ mong muốn và khuyến khích cô dâu giảm cân để 'trông đẹp nhất' vào ngày trọng đại.

Ban đầu, những cô dâu này chỉ định giảm một vài cân với chế độ ăn kiêng. Họ đã ăn uống thất thường trước đám cưới bằng cách thay đổi thói quen ăn uống của mình. Tuy nhiên, ăn kiêng lại là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng rối loạn ăn uống. Theo các nghiên cứu, có khoảng 35% người ăn kiêng bình thường tiến triển thành rối loạn ăn uống.

Trong số các rối loạn tâm thần, rối loạn ăn uống có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe như suy thận, đau tim, thậm chí còn dẫn đến tử vong. Do đó, những triệu chứng của rối loạn ăn uống cần được lưu ý và không được bỏ qua.

Ngoài ăn uống thất thường trước đám cưới, các cô dâu còn tập thể dục để đạt mục tiêu giảm cân của mình. Nhưng đôi khi họ đã tập luyện đến mức kiệt sức và bị chấn thương, thậm chí còn bớt thời gian gặp gỡ bạn bè và tham gia các hoạt động xã hội khác.

2. Quản lý tâm trạng trước đám cưới

Để giảm bớt áp lực cho các cặp vợ chồng, Tiến sĩ Susan Heitler khuyên các cặp vợ chồng nên chuẩn bị kỹ năng hợp tác hiệu quả, cụ thể:

  • Hãy tập trung vào những gì bạn muốn thay vì những gì bạn không thích: Những từ "không thích" thể hiện sự phòng thủ, trong khi những từ "muốn" mời gọi sự hợp tác. Ví dụ, khi bàn về việc sắp xếp cho gia đình và bạn bè của đôi bên đến từ ngoại tỉnh, thay vì nói “Tôi không thích gia đình anh/cô ở lại nhà chúng ta vào cuối tuần lễ cưới”, bạn có thể nói "Tôi muốn bạn bè, gia đình sẽ ở tại một khách sạn vào ngày cưới cuối tuần”. Kỹ năng giao tiếp này có thể giúp các cặp đôi có tâm trạng trước đám cưới tốt hơn vì tránh được những xích mích.
  • Hãy sử dụng từ “tôi” thay vì “anh/cô”: Việc này sẽ khiến cho đối tác của bạn ít phòng thủ hơn. Ví dụ, sau khi đi làm về và thấy lộn xộn trong bếp, thay vì nói “Anh/cô đã gây ra đống bừa bãi này”, hãy nói “Tôi đã rất lo lắng khi về nhà và nhìn thấy sự lộn xộn này”.
  • Hãy sử dụng từ “có thể” thay vì “nên”: Từ “nên” có xu hướng gây áp lực cho cả hai bên, trong khi từ “có thể” thúc đẩy việc đối thoại mang tính xây dựng và thảo luận hai chiều hơn. Ví dụ, câu nói “Chúng ta có thể mời tất cả bạn bè của mình” mang tính khuyến khích hơn câu nói “Chúng ta nên mời tất cả bạn bè của mình”. Việc lựa chọn từ ngữ trong giao tiếp rất quan trọng, có thể giúp tránh khỏi những bất đồng không đáng có, làm ảnh hưởng đến tâm trạng trước đám cưới của các cặp đôi.
  • Hãy lắng nghe để học hỏi thay vì lắng nghe một cách phiến diện: Hãy ghi lại những gì có ý nghĩa khi đối tác của bạn đang nói. Nếu sai hoặc chưa rõ ràng, hãy hỏi thêm thông tin cho đến khi những thông tin trở nên rõ ràng hơn.
  • Hãy sử dụng câu hỏi với từ “như thế nào (how)” thay vì câu hỏi “có/không (yes/no)” để tìm hiểu thêm thông tin từ đối tác.

Tất cả những kỹ năng giao tiếp này có thể thúc đẩy việc trao đổi thông tin giữa hai bên trở nên suôn sẻ hơn và là tiền đề để tạo nên một cuộc hôn nhân tốt đẹp, chứ không chỉ là giúp quản lý tâm trạng trước đám cưới. Khi đã kết hôn, hai người trở thành một nhóm, vì vậy chúng ta cần phải hiểu mối quan tâm của nhau trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và học cách đưa ra quyết định cùng nhau.

Các cặp đôi nên quản lý tâm trạng trước đám cưới
Các cặp đôi nên quản lý tâm trạng trước đám cưới thật tốt

Với những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc trì hoãn hoặc hủy bỏ đám cưới, Tiến sĩ Kate Wachs - Nhà tâm lý học Chicago, Hoa Kỳ cũng đưa ra lời khuyên rằng, cô dâu hoặc chú rể nên nói chuyện với ai đó đáng tin cậy trong gia đình, hoặc bạn bè thân thiết, tốt nhất là những người đã kết hôn, để chia sẻ về những khó khăn, tâm trạng trước đám cưới. Hãy chắc chắn rằng người mà bạn chia sẻ có đủ lý trí và không khiến tình huống trở nên tồi tệ hơn.

Bạn cũng có thể thảo luận về những nghi ngờ trước hôn nhân với một người bạn đáng tin cậy, linh mục, mục sư, hoặc bác sĩ trị liệu. Nói chuyện với đối tác cũng là một lựa chọn, nhưng hãy thận trọng và chắc chắn rằng đối tác của bạn hiểu rõ những nghi ngờ không nhất thiết. Nếu vẫn nghĩ đến việc hủy bỏ hoặc hoãn đám cưới, hãy cố gắng trung thực nhất có thể với đối tác của mình.

3. Chăm sóc sức khỏe cô dâu trước đám cưới

Các chuyên gia dinh dưỡng như Flipse khuyên rằng trước khi bắt đầu thực hiện chương trình giảm cân, các cô dâu nên tự hỏi bản thân rằng liệu họ có thể duy trì hoạt động giảm cân như vậy trong lâu dài mà vẫn đảm bảo an toàn hay không. Nếu không, tốt nhất là các cô dâu không nên bắt đầu.

Thay vào đó, các cô dâu nên đặt ra những mục tiêu thực tế hơn và chuyển trọng tâm sang việc ăn uống lành mạnh và tập luyện vừa phải và thường xuyên, sao cho có thể duy trì chế độ ăn uống, tập luyện trong thời gian dài. Tuyệt vời nhất là cả cô dâu và chú rể cùng nhau thực hiện để cam kết lối sống lành mạnh khi chung sống cùng nhau.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, để chăm sóc sức khỏe cô dâu trước đám cưới, họ nên lưu ý đến chế độ dinh dưỡng của mình. Bên cạnh đó, họ cũng cần linh hoạt hơn với những thói quen lành mạnh của mình để việc ăn kiêng không trở thành một áp lực có thể dẫn đến rối loạn ăn uống.

NEDA cũng đưa ra lời khuyên, bạn bè và gia đình nên thành thật và nói chuyện với cô dâu khi họ cảm thấy lo lắng về hình ảnh của mình trong ngày cưới, cũng như các khó khăn gặp phải trong ăn uống. Thay vào đó, gia đình và bạn bè nên dành những lời khuyên về tính cách, vẻ đẹp bên trong của tâm hồn đối với cô dâu, để làm giảm áp lực về ngoại hình.

Chăm sóc sức khỏe cô dâu và quản lý tâm trạng trước đám cưới là rất quan trọng và tạo tiền đề cho một cuộc hôn nhân tốt đẹp trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com; healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

569 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan