Sốt mò ở trẻ em: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sốt mò ở trẻ em (sốt ve mò hoặc sốt phát ban rừng), là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn lây lan sang người. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, ở những nơi có nhiều bụi cây và khá nguy hiểm nếu không được điều trị đúng.

1. Đặc điểm dịch tễ

Tại Việt Nam, vật chủ ký sinh của ấu trùng mò đỏ, bao gồm các loài chuột và thú nhỏ, có mặt đông đúc và phân bổ rộng rãi nhiều nơi. Trong những năm gần đây, các bệnh viện tuyến tỉnh phía Bắc tiếp nhận nhiều ca mắc sốt ve mò, thậm chí có trường hợp đã tử vong. Không ít bệnh nhi bị sốt mò nhập viện trong tình trạng nguy kịch, xuất huyết, phù toàn thân và nhiễm trùng nhiễm độc.

  • Tên gọi khác: Sốt bờ bụi, sốt rừng rú, sốt ve mò, sốt phát ban bụi rậm hoặc sốt phát ban rừng.
  • Địa điểm: Sốt mò lưu hành nhiều nhất ở khu vực Châu Á và Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Các ổ dịch nhỏ xuất hiện rải rác tại những vùng có rừng và nhiều cây con bụi rậm, bãi cỏ ven sông suối, trên nương rẫy hoặc những điểm có bóng mát râm và đất ẩm.
  • Thời gian: Bệnh sốt ve mò xảy ra quanh năm nhưng phổ biến là vào mùa mưa (từ tháng 5 - 10) trong đó tháng 6 và tháng 7 là cao điểm.
  • Đối tượng: Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh, song chủ yếu là trẻ em, đặc biệt các bé sinh sống ở vùng rừng núi cao, gần biên giới hẻo lánh.

2. Nguyên nhân gây bệnh

  • Tác nhân gây bệnh

Là vi khuẩn ký sinh nội bào bắt buộc, có tên Orientia tsutsugamushi, thuộc họ Rickettsia. Chúng không có hệ men hoàn chỉnh nên bắt buộc phải sống ký sinh trong tế bào của động vật khác.

  • Nguồn truyền bệnh

Ấu trùng con ve mò bị nhiễm vi khuẩn O. tsutsugamushi.

  • Phương thức lây truyền

Ấu trùng mò bị nhiễm sẵn O. tsutsugamushi sẽ bò lên ngọn cỏ và đốt hút máu con người trong 2-3 ngày. Con người chỉ bị nhiễm bệnh qua nước bọt của ấu trùng mò, căn bệnh này không có khả năng lây truyền từ người sang người.

Dựa vào đặc điểm sinh sống của con mò, người có thể bị nhiễm bệnh khi sinh hoạt lao động trong ổ dịch, ví dụ như: làm nương rẫy, đào quặng khai thác, đi qua các vùng ven sông suối, vào các hang đá, đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ trên bãi cỏ...

sot-mo-o-tre-em-1
Đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ trên bãi cỏ... có thể là nguyên nhân nhiễm bệnh

3. Triệu chứng lâm sàng

3.1. Nốt loét đặc trưng của sốt mò

Sau khi đi qua da, vi khuẩn O. tsutsugamushi sẽ nhân lên tại chỗ và tạo thành nốt sần. Từ đây, chúng tiến triển thành nốt phỏng nước bằng hạt đỗ và vết loét hoại tử có vảy, cụ thể như sau:

  • Ban đầu là nốt phỏng nước có dịch đục, xung quanh đỏ sẩn.
  • Xuất hiện ở vùng da mềm và ẩm (bộ phận sinh dục, bẹn, nách, cổ) hoặc ở vị trí khác như trong vành tai, rốn hay mi mắt.
  • Nốt loét thường không đau nhưng đôi khi có thể gây ngứa.
  • Không giống như phát ban hay thủy đậu, người bệnh sốt mò thường chỉ có một nốt loét.
  • Khoảng 4 – 5 ngày sau, nốt phỏng vỡ ra thành vết có vảy nâu nhạt hoặc đậm.
  • Sau khi vảy bong để lộ vết loét đáy cạn.
  • Khi hết sốt thì nốt loét cũng liền dần.

Mặc dù là dấu hiệu điển hình song một số bệnh nhân mắc bệnh sốt ve mò cũng có thể không tìm thấy nốt loét đặc trưng này.

3.2. Hạch và ban dát sẩn

Từ vết loét bên ngoài, tác nhân gây bệnh Orientia tấn công vào hệ bạch huyết, khiến hạch bị viêm tại chỗ. Sau đó, bệnh tiến triển hơn dẫn đến viêm hạch toàn thân, gây sưng và đau hạch với một số đặc điểm như:

  • Trong vòng 2-3 ngày sốt đầu hạch sẽ nổi tại khu vực có nốt loét.
  • Nếu bệnh nhân không có nốt loét thì vị trí nổi hạch này sưng và đau này là chỉ điểm.
  • Đôi khi hạch sẽ nổi toàn thân nhưng mức độ sưng đau nhẹ hơn.
  • Sau 5-8 ngày từ lúc mới sốt, đa số xuất hiện ban dát sẩn khắp người, ngoại trừ lòng bàn tay và bàn chân.
  • Thời gian tồn tại của phát ban là từ vài giờ cho đến 1 tuần.
  • Hồng ban không ngứa, không đau, nhưng có trường hợp đốm ban bị xuất huyết và sau đó tự khỏi.

3.3. Tổn thương đa tạng

Orientia tiếp tục theo đường máu, tới cư trú và phát triển trong tế bào nội mạc của các mạch máu nhỏ ở một số cơ quan, bao gồm phổi, gan, lách, thận, não, tim và gây tổn thương đa tạng. Triệu chứng cụ thể qua từng giai đoạn là:

  • Tuần sốt đầu tiên: Bệnh nhân có thể ho nhiều.
  • Cuối tuần thứ hai: Thường xuất hiện viêm phổi.
  • Trường hợp nặng có thể tổn thương đa tạng: Viêm cơ tim, trụy tim mạch, đông máu nội mạc rải rác, viêm phổi nặng, suy hô hấp...

3.4. Các biểu hiện lâm sàng khác

Thời gian ủ bệnh sốt mò ở trẻ em kéo dài trung bình 10 -12 ngày, có thể ngắn hơn hoặc dài đến tối đa là 21 ngày. Giai đoạn này thường chỉ thấy nốt mò đốt và sưng hạch gần đó. Khi sốt ve mò diễn tiến dần, người bệnh còn có một số triệu chứng như sau:

  • Rét run 1-2 ngày đầu;
  • Sốt khởi phát đột ngột, ban đầu sốt nhẹ, rồi dần cao liên tục ≥ 38 – 40°C nhưng mạch không đập nhanh;
  • Chóng mặt và nhức đầu nặng;
  • Môi khô, lưỡi bẩn;
  • Đau mỏi cơ toàn thân;
  • Hôn mê li bì, mê sảng hoặc kích động;
  • Tụt huyết áp;
  • Rối loạn tiêu hóa;
  • Xuất huyết (nôn, ho và đại tiện ra máu).

4. Chẩn đoán và điều trị

4.1. Chẩn đoán phân biệt

Việc nhận biết và chẩn đoán sốt mò ở trẻ em thường rất khó khăn bởi vì các triệu chứng ban đầu của bệnh không điển hình, dễ bị nhầm lẫn với sốt rét, sốt phát ban, sốt xuất huyết và sốt thương hàn. Thêm vào đó, hầu hết bệnh nhân nhập viện khi đã vào giai đoạn muộn, các triệu chứng diễn tiến nghiêm trọng tương tự như bệnh nhiễm xoắn khuẩn vàng da, nhiễm virus cấp, nhiễm trùng huyết, nhiễm não mô cầu...

Do đó, để chẩn đoán xác định bác sĩ phải dựa vào vết đốt của mò (nếu có) và các tiến hành làm các xét nghiệm, bao gồm:

  • Tìm kháng thể đặc hiệu trong máu.
  • Công thức máu cho kết quả bạch cầu bình thường hoặc tăng, đa nhân trung tính ưu thế, tiểu cầu thường giảm.
  • Men gan tăng rất cao.
  • Phân tích hóa sinh phản ứng ELISA dương tính.

4.2. Điều trị

Can thiệp điều trị sớm và đúng kháng sinh sẽ cho kết quả tích cực, bệnh nhân thường hết sốt sau 3 ngày, có thể hồi phục nhanh chóng. Ngược lại, khi không được điều trị, sốt có thể kéo dài từ 2 tuần trở lên rồi hạ dần dần. Thông thường, sốt mò ở trẻ em có thể tự khỏi sau 6 tuần, nhưng nếu bệnh nghiêm trọng mà không được điều trị thì tỷ lệ tử vong là khá cao. Miễn dịch của sốt mò không bền vững nên vẫn có khả năng tái mắc bệnh sau khi đã được điều trị khỏi.

Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh đặc hiệu như chloramphenicol, tetracycline hoặc doxycycline để chữa sốt ve mò. Đối với trẻ em và phụ nữ có thai, azithromycin hoặc chloramphenicol thường được chỉ định. Nhìn chung, kháng sinh sẽ phát huy hiệu quả khá tốt, bệnh nhân nhanh chóng hạ sốt, triệu chứng được cải thiện rõ rệt. Cần lưu ý không nên tự ý ngừng kháng sinh quá sớm, nhất là trong những ngày đầu của sốt có thể khiến bệnh tái phát.

5. Biện pháp phòng bệnh

sot-mo-o-tre-em-2
Dùng thuốc diệt mò tẩm quần áo hoặc sử dụng kem thoa da xua diệt côn trùng
  • Xử lý ổ dịch: Phát quang bụi rậm xung quanh nhà, phun thuốc diệt mò, diệt chuột theo mùa.
  • Bảo vệ cá nhân: Khi đi làm nương rẫy hay đi rừng cần mặc quần áo dài tay, mang ủng, đội mũ che chắn kỹ lưỡng; tránh ngồi, nằm, đặt dụng cụ cá nhân trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây.
  • Dự phòng bằng thuốc: Dùng thuốc diệt mò tẩm quần áo hoặc sử dụng kem thoa da xua diệt côn trùng.

Sốt mò ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây ra bởi ấu trùng mò bị nhiễm vi khuẩn Orientia tsutsugamushi. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, bệnh sốt ve mò sẽ khỏi sau 3-5 ngày. Khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đến khám ngay tại cơ sở y tế, tránh tự ý dùng các loại thuốc hạ sốt sẽ khiến bệnh nặng thêm. Hơn nữa, bệnh lý này cũng khó phân biệt và dễ chẩn đoán nhầm, nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ gây tử vong.

Trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan