Sốt virus ở bà bầu có nguy hiểm không?

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Sốt virus ở bà bầu tùy theo tuổi thai và loại bệnh mà cả thai phụ và thai nhi có thể bị ảnh hưởng theo nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ gây ra dị tật nặng nề cho trẻ sơ sinh. Vậy bà bầu bị sốt virus phải làm sao?

1. Bệnh sốt virus ở bà bầu

Trong suốt khoảng thời gian mang thai, người phụ nữ có khả năng mắc phải một số bệnh nội - ngoại khoa và bệnh nhiễm (do tác nhân vi trùng, siêu vi, ký sinh trùng) tương tự như lúc không mang thai. Tuy nhiên, với đối tượng bà bầu, cơ thể đang có một số biến đổi nhất định và sức khỏe nói chung thường yếu hơn, nên bệnh đa phần sẽ diễn biến nặng nề hơn. Bên cạnh đó khả năng gây ra nhiều biến chứng hơn cho người mẹ lẫn em bé cũng cao hơn so với lúc chưa mang thai, nhất là với bệnh sốt virus ở bà bầu.

Khái niệm sốt virus ở bà bầu dùng để chỉ chung những trường hợp người mẹ mang thai bị sốt do nhiễm các loại siêu vi trùng (virus) khác nhau. Do đó, thai phụ trong quá trình mang bầu mà bị sốt phát ban kéo dài 7 ngày, sốt xuất hiện từng cơn, sốt cao từ 38 - 39oC thì nên nghĩ đến tình trạng sốt siêu vi ở bà bầu. Các nguyên nhân gây ra sốt virus ở phụ nữ mang thai có thể là do sởi, nhiễm sốt xuất huyết, nhiễm parvovirus, bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng, Rubella.

Thai phụ khi đã bị nhiễm bệnh sốt virus thì tùy theo tuổi thai và tùy theo từng loại bệnh mà mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau, thường gây hại cho cả mẹ và con.

Sốt siêu vi
Tình trạng sốt siêu vi ở bà bầu thường xuất hiện từng cơn, sốt cao từ 38 - 39oC

2. Sốt virus có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Nếu bà bầu nhiễm các loại sốt siêu vi trong giai đoạn khi chưa đến 12 tuần thai (trong 3 tháng đầu - tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ) thì em bé trong bụng có thể bị ảnh hưởng rất nặng nề, chẳng hạn như sảy thai, thai chết lưu, thai nhi chậm phát triển, dị tật bẩm sinh... Một số tác nhân chính gây bệnh sốt virus ở bà bầu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến con, bao gồm virus cúm, sốt xuất huyết, zika, thủy đậu, rubella. Trong các loại này, sốt do nhiễm Rubella cấp tính được xem là nguy hiểm nhất vì có thể dẫn đến hội chứng Rubella bẩm sinh (kèm theo dị tật bẩm sinh bào thai), với nguy cơ xảy ra lên đến 90%. Các loại sốt virus khác có khả năng gây ra sảy thai nhưng không thể để lại di chứng dị tật bẩm sinh.

Từ thời điểm em bé được khoảng 12 tuần tuổi trở đi thì tỷ lệ các biến chứng nói chung sẽ giảm đi. Thông thường, thai càng lớn càng an toàn vì lúc đó thai nhi và bánh nhau đã phát triển đến mức độ tương đối lớn, giúp tăng khả năng chống chịu các bệnh truyền sang từ mẹ. Mặc dù vậy, vẫn có một tỷ lệ nhỏ em bé bị ảnh hưởng. Riêng sốt xuất huyết, nếu bà bầu mắc phải vào đúng kỳ sinh nở cũng rất nguy hiểm, dễ dẫn đến nguy cơ chảy máu sau sinh có ảnh hưởng đến thai nhi.

Tuy nhiên, nếu thai nhi đã được hơn 3 tháng tuổi nhưng chẳng may bà bầu bị lây nhiễm sốt virus thì vẫn cần được đưa đi khám ngay để làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác, được hướng dẫn cách điều trị bệnh an toàn cho thai phụ cũng như tiến hành theo dõi chặt chẽ hơn đối với sự phát triển của em bé.

Mẹ bầu nhiễm rubella gây ra dị tật thai nhi
Hình ảnh triệu chứng sốt Rubella khi mang thai, là loại sốt virus nguy hiểm dễ gây ra dị tật cho thai nhi

3. Bà bầu bị sốt virus phải làm sao?

Điều trị sốt virus ở bà bầu chủ yếu là giảm sốt và cải thiện thể trạng chứ không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Mặt khác, nhiều bà bầu lo sợ bệnh sẽ khiến cho thai bị dị tật nên đề nghị dùng biện pháp chấm dứt thai kỳ. Thực tế, không phải trường hợp nào mắc bệnh sốt siêu vi trong khi mang thai cũng phải tiến hành phá thai. Các bác sĩ sản khoa chỉ tư vấn phá thai đối với trường hợp thai chưa đủ 18 tuần tuổi và có kèm các bằng chứng rõ ràng đủ để kết luận nguy cơ thai bị dị tật hoặc theo nghiên cứu dịch tễ học cho thấy em bé có nhiều khả năng sẽ bị dị tật (ví dụ như khi nhiễm virus Rubella). Dù vậy, việc có thực hiện phá thai hay không vẫn do thai phụ quyết định, song cần cân nhắc kỹ với những lời khuyên từ bác sĩ điều trị..

Bên cạnh đó, bà bầu bị sốt virus vẫn nên tiếp tục cẩn thận phòng chống bệnh: Dùng khẩu trang thường xuyên, hạn chế tiếp xúc người bệnh, tránh đám đông, ngăn ngừa muỗi chích, giữ ấm cơ thể, tăng cường bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để duy trì sức đề kháng, giữ vệ sinh cơ thể và môi trường xung quanh nơi sinh sống. Trước khi mang thai lần sau từ 3 - 6 tháng, sản phụ nên chủ động tiêm phòng các loại vắc-xin cần thiết để phòng ngừa: cúm, thủy đậu, rubella, viêm gan siêu vi B...Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường trong thai kỳ, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

90.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan