11 dấu hiệu cảnh báo tái phát trầm cảm

Có nhiều người chỉ xuất hiện triệu chứng của trầm cảm một lần trong đời, nhưng những người khác có thể tái phát nếu như xuất hiện một biến cố liên quan tới cảm xúc hoặc không được điều trị một cách triệt để. Những người càng tái phát nhiều lần thì nguy cơ tái phát những lần sau càng cao, cho nên khi có các dấu hiệu tái phát trầm cảm cần điều trị trầm cảm tái phát sớm để giảm nguy cơ tăng nặng bệnh.

1. Bệnh trầm cảm có tái phát không?

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến với triệu chứng như giảm hứng thú, mệt mỏi, mất ngủ, khí sắc trầm... Kéo dài trên 2 tuần. Bệnh được điều trị bằng thuốc và tâm lý trị liệu, tuy nhiên theo thống kê trầm cảm sau khi được điều trị khỏi vẫn có nguy cơ tái phát cao khoảng 50%, với những người đã tái phát 1 lần là 70%.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tái phát trầm cảm bao gồm tự ý ngưng điều trị khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ điều trị; gặp một biến cố cảm xúc như người thân mất, ly hôn, phá sản, thất nghiệp...; sống trong môi trường quá u ám...

Khi bệnh quay lại điều quan trọng là chúng ta nhận ra nó sớm và gặp chuyên gia để có những biện pháp điều trị trầm cảm tái phát sớm tránh nguy cơ tử tự vì bệnh.

bệnh trầm cảm tái phát
Một số yếu tố có thể khiến bệnh trầm cảm tái phát ở người bệnh

2. Những dấu hiệu cảnh bảo bệnh trầm cảm tái phát

Khi trầm cảm quay lại nó có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, có thể tương tự như lần đầu mắc bệnh. Dưới đây là 11 dấu hiệu thường thấy khi bệnh trầm tái phát:

  • Thường xuyên cảm thấy chán nản: Chúng ta hoàn toàn có thể cảm thấy thất vọng vì một sự kiện cụ thể, chẳng hạn như mất việc làm hoặc ly hôn, chia tay người yêu...đó có thể là điều bình thường nhưng thường diễn ra trong thời gian ngắn. Nhưng nếu bạn cảm thấy tuyệt vọng, rất chán nản và điều đó xảy ra mỗi ngày trong hơn 2 tuần và cảm xúc đó cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn thì đó có thể là một dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
  • Tự cô lập bản thân: Bạn hạn chế việc ra ngoài gặp gỡ bạn bè, một cuộc nói chuyện bình thường trước đây cũng khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thường tự ở một mình không muốn giao tiếp với người trong gia đình...điều này khiến bạn lại càng cảm thấy chán nản và giảm những điều tích cực trong cuộc sống hơn. Đó là một trong những dấu hiệu của trầm cảm nếu nó kéo dài.
  • Thay đổi giấc ngủ: Sự thay đổi thói quen ngủ như mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ hoặc có khi là ngủ quá nhiều thì đều có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Việc thiếu ngủ thường có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng khác liên quan đến trầm cảm, chẳng hạn như mệt mỏi. Bạn có đang nằm thao thức vào ban hay bạn ngủ quá nhiều, không muốn ra khỏi giường không? Đây đều là những dấu hiệu cảnh báo của việc tái phát trầm cảm.
  • Hay cáu gắt hơn: Bạn cảm thấy những điều nhỏ nhặt không đáng nói trước đây cũng có thể làm bạn cảm thấy khó chịu, bạn có thể vì lý do nhỏ mà gây gổ với bạn bè và gia đình hoặc thường xuyên tức giận. Trầm cảm thể hiện ở trạng thái cáu kỉnh và tức giận và điều đó làm cho bạn khó khăn để giải quyết những căng thẳng hàng ngày. Cho nên nếu như tình trạng cáu giận và khó chịu của bạn kéo dài thì hãy cẩn thận với nó.
  • Giảm hứng thú với mọi hoạt động: Những hoạt động bạn từng yêu thích giờ đây có thể giống như một gánh nặng, bạn mất hoàn toàn hứng thú với nó. Ngại giao tiếp bạn bè, giảm nhu cầu tình dục, không quan tâm tới công việc yêu thích hay bất kỳ điều gì trước đây bạn thấy hứng thú. Triệu chứng này nếu như kéo dài trên 2 tuần thì bạn có thể đang bị bệnh trầm cảm tái phát.
  • Cảm thấy vô dụng: Bạn thường xuyên thấy bản thân rất vô dụng, nghĩ về những tội lỗi trước đây, luôn chú ý tới những thất bại của bản thân hoặc có thể cảm thấy mình đáng trách vì những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Khi đó bạn thực sự cần một liệu pháp tâm lý để giúp nâng cao lòng tự trọng và xây dựng điểm mạnh của bạn.
  • Tăng cảm giác đau và đau mãn tính: Bạn cảm thấy bị đau lưng dù chưa bị căng cơ hay bị bệnh ở vùng lưng, đau đầu kinh niên, đau bụng, đau ngực, đau nhức chân tay mà không có những nguyên nhân cụ thể nào gây ra. Trầm cảm cũng có thể có các triệu chứng đau nhức trên cơ thể. Nếu tình trạng đau nhức của bạn không thuyên giảm sau khi điều trị, hãy trao đổi với bác sĩ xem liệu bạn có đang tái phát trầm cảm không.
  • Tăng hoặc giảm cân đột ngột: Trầm cảm có thể thay đổi thói quen ăn uống của bạn. Bạn có thể quên đã đến giờ ăn và phải ép mình ăn một bữa. Hoặc đôi khi triệu chứng ngược lại bạn có thể ăn quá nhiều hoặc ăn không thể ngừng. Nếu bạn từng bị trầm cảm, hãy chú ý đến những thay đổi mạnh mẽ về thói quen ăn uống, sự thèm ăn và cân nặng của bạn.
  • Mệt mỏi: Trầm cảm có thể khiến bạn cảm thấy quá mệt mỏi hoặc không thể làm việc thậm chí những việc như rửa bát, mặc quần áo, ăn uống... Để hạn chế triệu chứng này bạn cần có dinh dưỡng đầy đủ, tập thể dục và ngủ đủ giấc.

  • Suy nghĩ chậm lại: Bạn thấy mình phản ứng với mọi thứ một cách chậm chạp, dễ bị mất tập trung, cảm thấy khó tập trung, khó khăn khi nhớ mọi thứ và có thể gặp khó khăn khi đưa ra quyết định như mặc gì vào buổi sáng hoặc giải quyết vấn đề tại nơi làm việc... là những dấu hiệu cảnh báo việc bệnh trầm cảm tái phát.
  • Suy nghĩ tự tử: Đây là một dấu hiệu rất nghiêm trọng, có thể đồng nghĩa là bạn bị trầm cảm nặng. Một số người thường nghĩ về việc tự tử, một số người khác lập kế hoạch làm thế nào để tự tử hoặc đã từng tự tử. Nhiều khả năng bạn sẽ làm ra điều này nếu cảm thấy tuyệt vọng và không còn hứng thú với những thứ bạn đã từng yêu thích. Nếu bạn hoặc người quen của bạn có ý định tự tử hoặc nói về việc tự sát, hãy tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức từ bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần khác.
bệnh trầm cảm tái phát
Bệnh trầm cảm tái phát có thể xuất hiện với nhiều dấu hiệu khác nhau

Không phải ai bị trầm cảm cũng có những cảm giác thấy giống nhau. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng cảnh báo nào khiến bạn cảm thấy lo lắng, hãy nói chuyện với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị trầm cảm tái phát sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan