Bảo vệ sức khỏe trước dịch tả lợn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ CK II Nguyễn Thị Thu Hà - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Trong thời gian trở lại đây, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên diện rộng với diễn biến phức tạp, khó lường, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi và hoang mang cho người tiêu dùng. Bệnh mặc dù không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người nhưng sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc một số bệnh khác do bội nhiễm.

1. Dịch tả lợn châu phi có diễn biến phức tạp, khó lường

Dịch tả lợn châu Phi đang là vấn đề nóng hiện nay, mặc dù hoang mang trước tình hình dịch bệnh nhưng nhiều người vẫn chưa biết dịch tả lợn châu phi đã chấm dứt chưa. Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đầu tháng 02/2019 đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại hơn 8.300 xã thuộc 660 huyện của 63 tỉnh, thành phố với trên 5,7 triệu con lợn bị mắc bệnh và bị tiêu hủy với tổng trọng lượng là 327.000 tấn. Đến tháng 10, số lợn buộc phải tiêu hủy đã giảm 36% so với tháng 9 và giảm 66% so với tháng 5 là tháng cao điểm nhất.

Dịch tả lợn Châu Phi có diễn biến phức tạp
Dịch tả lợn Châu Phi có diễn biến phức tạp

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh tả lợn châu Phi do một loạị virus gây ra , virus xâm nhập vào cơ thể lợn gây sốt xuất huyết . Bệnh có thể lây truyền trực tiếp hoặc qua vật trung gian như bọ ve , ruồi, chuột ..

3. Triệu chứng

Lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi gồm 2 dạng:

  • Tả lợn thể cấp tính: Lợn nhiễm bệnh có thể sẽ bị sốt cao 40.5 - 42 độ C, sau đó lợn dần mất đi sự thèm ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn da trắng, chi của nó có thể chuyển sang màu xanh tím kèm theo xuất huyết trên vành tai, đuôi và ngực, bụng. Trước khi chết, chúng sẽ có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, thở gấp bất thường, khó thở, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón,... Lợn thường chết trong vòng 6 - 13 ngày hoặc thậm chí là 20 ngày kể từ khi nhiễm virus.
  • Thể bán cấp: Lợn sốt nhẹ, tâm trạng ủ rũ, lúc tăng lúc giảm, ho khó thở, lười ăn sụt cân, đi lại khó khăn, lợn nái mang thai sẽ sảy thai. Lợn nhiễm tả thể á cấp thường chết trong vòng 15 - 45 ngày, tỷ lệ chết từ khoảng 30 - 70 %. Lợn có thể khỏi bệnh hoặc bị bệnh mãn tính sẽ là vật chủ mang virus dịch tả lợn châu Phi suốt đời.
Bảo vệ sức khỏe gia đình khỏi tả lợn Châu Phi
Người dân cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe trước dịch tả lợn Châu Phi

4. Dịch tả lợn có ảnh hưởng đến người không?

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây dịch tả lợn gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%.

Không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người, nghĩa là dịch bệnh tả lợn châu Phi không lây lan trực tiếp sang cơ thể người. Tuy nhiên, dịch tả có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt.

Tuy không lây lan trực tiếp sang con người nhưng đó lại là một tác nhân gây ra phát tán bệnh. Bởi dịch tả lợn có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn... Khi nhiễm những vi khuẩn liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hóa, nhiễm trùng máu, viêm não, viêm màng não, suy đa tạng. Do vậy, người dân cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân mình và gia đình trước dịch tả lợn châu phi.

5. Phòng ngừa bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát

Chưa có vắc-xin và thuốc để điều trị đặc hiệu cho lợn bị dịch tả nên người chăn nuôi cần thực hiện những phương pháp như:

  • Tại các cơ sở trực tiếp chăn nuôi lợn cần phải được sát trùng và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt là những dụng cụ chăn nuôi, các phương tiện giúp vận chuyển lợn ra, vào trong khu chăn nuôi. Có thể sát trùng xung quanh chuồng trại bằng vôi bột hoặc bất cứ hóa chất nào được khuyến cáo sử dụng sát trùng trong chăn nuôi.
  • Khi phát hiện lợn mắc bệnh dịch tả cần tiêu hủy và cách ly chúng nhanh chóng để tránh lây lan và dịch bệnh bùng phát.
  • Không mua bán, vận chuyển và tiêu thụ lợn đã bị nhiễm bệnh hoặc lợn nghi bị bệnh
  • Tiêu diệt những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như ruồi, muỗi để tránh mang bệnh đi phát tán.
  • Người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

762 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan