Bệnh bướu cổ: Khi nào cần điều trị?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bệnh bướu cổ là bệnh lý tuyến giáp phổ biến, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới thường cao hơn nam giới. Đa số bệnh bướu cổ đều là bệnh lành tính, khi được phát hiện và điều trị kịp thời thì tỷ lệ khỏi bệnh khá cao.

1. Bệnh bướu cổ là gì?

Bướu cổ là danh từ chung để chỉ bướu xuất phát từ tuyến giáp, trong y học gọi là bướu giáp, bao gồm nhiều loại như phình giáp lan tỏa hay có hạt, viêm giáp, cường giáp, suy giáp, bướu lành, ung thư. Tất cả được xếp làm 3 nhóm: Bướu lành tính, ung thư và rối loạn chức năng tuyến giáp, mỗi nhóm lại có nhiều loại.

2. Bướu cổ ảnh hưởng như nào đến sức khỏe?

Có đến 70% dân số mắc bệnh bướu cổ, nhưng hầu hết bướu cổ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Một số ít trường hợp bướu to gây chèn ép, hoặc ung thư xâm lấn xung quanh hay di căn, hoặc có rối loạn chức năng tuyến giáp như suy giáp hoặc cường giáp thì lúc này mới ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bướu chèn ép hoặc xâm lấn gây khó thở, khó nuốt, khàn tiếng, đau nhức. Khi bướu gây rối loạn chức năng dẫn đến tăng cân hoặc sụt cân, mệt mỏi, hồi hộp ở ngực, rối loạn nhịp tim, rung tay, đổ mồ hôi...

Khó nuốt
Bệnh bướu cổ gây cảm giác khó nuốt và khó thở cho người mắc phải

3. Nguyên nhân gây bệnh bướu cổ

Nguyên nhân gây bệnh bướu cổ bao gồm:

  • Thiếu hụt i-ốttrong cơ thể là nguyên nhân chủ yếu gây ra bướu cổ.
  • Rối loạn tuyến giáp bẩm sinh có thể gây nên bướu cổ, rối loạn này có tính chất gia đình.
  • Do dùng thuốc và thức ăn, do dùng kéo dài một số loại thuốc như: Muối lithi dùng trong chuyên khoa tâm thần; thuốc kháng giáp tổng hợp; thuốc có chứa Iot như thuốc cản quang; thuốc trị hen; thuốc trị thấp khớp; thuốc chống loạn nhịp hoặc do ăn thức ăn có tác dụng ức chế tổng hợp hóc môn tuyến giáp như: Các loại rau họ cải, măng, khoai mì...
  • Ngoài ra, những phụ nữ bị kích thích thần kinh trong thời kỳ phát triển hoặc có thai và cho con bú cũng dễ bị bướu cổ.

4. Triệu chứng của bệnh bướu cổ

Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà kích thước bướu cổ khác nhau, trong đa số các trường hợp bướu có kích thước nhỏ và hầu như không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Một số trường hợp nặng hơn có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Ho
  • Thay đổi giọng nói (khàn đặc giọng)
  • Khó nuốt, cảm giác như bị thắt chặt vùng hầu họng
  • Khó thở có thể đi kèm âm thanh khò khè khi thở.
Ho kéo dài
Người bệnh có thể gặp tình trạng ho khi gặp bệnh bướu cổ

5. Chẩn đoán bệnh bướu cổ

Để xác định bạn có bị bướu cổ hay không, Bác sĩ sẽ thăm khám trực tiếp vùng cổ để kiểm tra xem có bất kỳ những bất thường nào tại vùng cổ hay không. Bướu to có thể trực tiếp nhìn thấy hoặc sờ thấy, bướu nhỏ có thể phát hiện bằng cách sờ thấy thông qua động tác nuốt nước bọt. Một số bướu nhỏ, không thể khám thấy mà cần phải thực hiện các chỉ định chẩn đoán hình ảnh để phát hiện.

Các chỉ định cận lâm sàng như:

  • Siêu âm tuyến giáp để đánh giá về kích thước, hình thể của tuyến giáp. Siêu âm doppler có thể phát hiện sự tăng sinh mạch máu trong tuyến giáp.
  • Các xét nghiệm chức năng tuyến giáp nhằm đánh giá nồng độ của một số hormone trong máu của bạn. Nếu nồng độ này thấp hoặc cao hơn so với mức bình thường đều có thể liên quan đến bệnh bướu cổ.
  • ​Các xét nghiệm máu kiểm tra chức năng tuyến giáp thông thường bao gồm: Đo hoạt độ hormon kích thích tuyến giáp (TSH), hormon tuyến giáp (T3,T4, FT3, FT4). Nếu các chỉ số cao hoặc thấp hơn mức trung bình có nghĩa rằng bạn đang bị rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc cảnh báo nguy cơ phát triển bướu giáp trong tương lai.
  • Trường hợp cần thiết các Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán chính xác tình trạng bướu cổ như TRAb (trong Basedow), MRI tuyến yên(trong U tuyến yên tiết TSH), xạ hình và đo độ tập trung Iod (tăng độ tập trung iod lan tỏa trong Basedow, tăng độ tập trung khu trú trong nhân độc tuyến giáp),.. và các xét nghiệm kiểm tra biến chứng như: Đo độ loãng xương, điện tim (để phát hiện biến chứng rối loạn nhịp tim trong cường giáp), lipid máu, calci máu..

6. Các phương pháp điều trị bệnh bướu cổ

Điều trị bướu cổ bao gồm các phương pháp: Uống thuốc, thuốc xạ trị, mổ hoặc chỉ theo dõi mà không điều trị gì.

  • Uống thuốc: Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có các loại khác nhau.
  • Thuốc xạ trị là dạng Iot phóng xạ, thuốc này có tác dụng phá hủy tế bào tuyến giáp.
  • Mổ là cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, tùy loại bướu cổ mà lựa chọn một trong các phương pháp cắt thùy, cắt giáp gần trọn, cắt giáp toàn phần, cắt eo giáp.
  • Theo dõi: Khi bướu lành, nhỏ, không gây khó chịu, thường được chọn theo dõi, không cần bất cứ điều trị gì và theo thời gian hầu hết không gây biến chứng. Phương pháp theo dõi là tái khám định kỳ, mỗi 1 - 2 năm đi khám một lần nếu bản thân không thấy bất cứ thay đổi nào trên cơ thể.
xạ trị
Người bệnh có thể được sử dụng phương pháp xạ trị trong điều trị bướu cổ

Lưu ý: Cắt bướu, còn gọi là bóc nhân giáp, ngày nay không còn sử dụng nữa do không đảm bảo lấy hết gốc rễ và an toàn phẫu thuật, hoặc khi cần mổ lại vì kết quả ác tính sau lần mổ trước sẽ khó khăn và dễ gây biến chứng khàn tiếng hoặc tê tay chân.

7. Khi nào cần điều trị bệnh bướu cổ?

7.1 Các trường hợp phải điều trị

  • Suy giáp TSH (Hormone kích thích tuyến giáp) > 10 mIU/ml (Viêm giáp mạn, bán cấp, thay thế).
  • Cường giáp/nhiễm độc giáp lâm sàng (bệnh cường giáp, viêm giáp bán cấp/mạn, phình giáp hạt, u tuyến ).
  • Ung thư, nghi ngờ ung thư ≥ 1 cm.
  • Ung thư < 1cm có di căn.
  • Bướu lành có dấu hiệu chèn ép.

7.2 Các trường hợp cân nhắc điều trị

  • Cường giáp/nhiễm độc giáp dưới lâm sàng.
  • Ung thư, nghi ngờ ung thư nhỏ <1cm.
  • Bướu lành to không dấu hiệu chèn ép.

7.3 Các trường hợp không cần điều trị

  • Suy giáp nhẹ TSH < 10 mIU/mL.
  • Bướu lành nhỏ.
viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto
Người có triệu chứng suy giáp nhẹ không cần điều trị

7.4 Khi nào mổ?

Chỉ mổ trong các trường hợp:

  • Bướu lành gây chèn ép khó thở, khó nuốt, hoặc gây mất thẩm mỹ.
  • Ung thư hoặc nghi ngờ ung thư.
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp loại cường giáp: Mổ là một lựa chọn với 2 phương pháp uống thuốc hoặc Iot phóng xạ.

Không mổ trong các trường hợp:

  • Bướu lành nhỏ.
  • Bướu lành to nhưng không chèn ép khó thở khó nuốt, không khó chịu vùng cổ.
  • Bướu lành không gây mất thẩm mỹ, tính thẩm mỹ do bệnh nhân quyết định.

8. Các phương pháp phòng bệnh

Các biện pháp phòng bệnh đưa ra nhằm hạn chế các trường hợp bướu cổ lành tính và phát hiện sớm các loại bướu cổ khác để nâng cao kết quả điều trị. Bao gồm các phương pháp sau

  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ Iot cho cơ thể bằng cách ăn các thức ăn giàu Iot như: Cá biển, mắm tôm, nước mắm. Sử dụng muối Iot là cách đơn giản dễ thực hiện để làm giảm nguy cơ thiếu Iot.
  • Đối với các đối tượng mắc các bệnh lý tuyến giáp, sau điều trị các bệnh lý tâm thần, mắc các bệnh tiêu hóa và bệnh thận mạn tính có nguy cơ cao mắc bệnh bướu cổ cần được khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh.
  • Khi có các dấu hiệu biểu hiện của bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan