Bệnh cứng lưỡi (Ankyloglossia): Chẩn đoán, điều trị

Bệnh cứng lưỡi là một trong những bệnh lý về lưỡi. Đây là dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ nhỏ. Một số trường hợp trẻ có thể tự khỏi khi lớn lên. Một số trẻ khác thì cần chữa cứng lưỡi bằng phẫu thuật do gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

1. Chẩn đoán

Cứng lưỡi là dị tật thường được kết luận sau sự thăm khám của bác sĩ. Đối với trẻ sơ sinh, bác sĩ có thể sử dụng một công cụ sàng lọc dựa trên hình dạng và khả năng di chuyển của lưỡi.

2. Điều trị

Điều trị bệnh cứng lưỡi như thế nào vẫn còn là 1 vấn đề gây tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng thời điểm điều trị càng sớm thì càng có lợi cho trẻ. Tốt nhất là ngay lập tức, trước khi trẻ sơ sinh được xuất viện. Tuy nhiên một số chuyên gia khác lại cho rằng nên lùi lại để cân nhắc thời gian điều trị nhất định.

Hãm lưỡi có thể tự nới lỏng dần dần theo thời gian và tật cứng lưỡi có thể tự khỏi ở trẻ. Trong một số trường hợp cứng lưỡi vẫn tồn tại mà không gây ra bất kỳ vấn đề gì. Bố mẹ nên tư vấn lời khuyên từ chuyên gia cho con bú và chuyên gia trị liệu ngôn ngữ để giúp trẻ sớm cải thiện âm thanh và lời nói.

Điều trị bằng phẫu thuật để giải quyết tật cứng lưỡi có thể cần thiết đối với trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn trong trường hợp cứng lưỡi gây ra hạn chế trong sinh hoạt hàng ngày hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bệnh cứng lưỡi
Bệnh cứng lưỡi có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật

3. Phẫu thuật cắt hãm lưỡi

Một tiểu phẫu đơn giản gọi là cắt hãm lưỡi có thể được thực hiện có hoặc không có gây mê tại bệnh viện hoặc tại văn phòng làm việc của bác sĩ.

Phẫu thuật viên sẽ kiểm tra hãm lưỡi và dùng kéo vô trùng để cắt hãm lưỡi. Thủ thuật này diễn ra rất nhanh chóng. Đây là thủ thuật ít gây cảm giác khó chịu nhất vì có rất ít đầu dây thần kinh hoặc mạch máu ở hãm lưỡi.

Thủ thuật này thường không gây chảy máu, hoặc chỉ chảy một hoặc hai giọt máu. Sau khi làm thủ thuật, bà mẹ có thể cho trẻ bú ngay lập tức.

Các biến chứng của tiểu phẫu dạng này rất hiếm gặp - nhưng có thể bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương lưỡi hoặc tuyến nước bọt. Cũng có thể để lại sẹo hoặc hãm lưỡi bị gắn trở lại vào gốc lưỡi.

4. Phẫu thuật tạo hình hãm lưỡi

Một thủ thuật khác được tiến hành phổ biến hơn để giải quyết tật cứng lưỡi gọi là tạo hình hãm lưỡi. Phẫu thuật này sẽ được chỉ định nếu hãm lưỡi quá dày và không thể tiến hành cắt hãm lưỡi được.

Phẫu thuật tạo hình này sẽ được thực hiện cùng với các thủ thuật gây mê toàn thân bằng các dụng cụ phẫu thuật. Sau khi hãm lưỡi được cắt bỏ, vết thương sẽ được đóng lại bằng chỉ khâu tự tiêu.

Các biến chứng có thể xảy ra của phẫu thuật tạo hình hãm lưỡi giống như trong phẫu thuật cắt bỏ hãm lưỡi và rất hiếm gặp. Các biến chứng đó là chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương lưỡi hoặc tuyến nước bọt. Sẹo cũng có thể xảy ra sau phẫu thuật này do phản ứng với thuốc gây mê/gây tê.

Sau phẫu thuật tạo hình, bác sĩ sẽ hướng dẫn các bài tập lưỡi nhằm giúp bệnh nhân tăng cường sự chuyển động của lưỡi và giảm khả năng để lại sẹo

Lưỡi
Tạo hình hãm lưỡi có thể gây nhiễm trùng lưỡi

5. Bạn cần chuẩn bị gì khi hẹn bác sĩ

Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn chuẩn bị tốt cho một cuộc hẹn tư vấn với Bác sĩ. Bạn cần chuẩn bị một danh sách các câu hỏi như:

  • Bệnh cứng lưỡi nghiêm trọng đến mức nào?
  • Có cần điều trị không?
  • Các lựa chọn điều trị là gì?
  • Tôi có nên cần thiết phải phẫu thuật không?
  • Các yếu tố dẫn đến sự cần thiết phải phẫu thuật? Những rủi ro có thể gặp phải là gì?
  • Phẫu thuật có cần gây mê không?
  • Phẫu thuật có giúp con tôi có khả năng bú sữa mẹ/bú bình tốt hơn không?
  • Phẫu thuật cần tiến hành tại văn phòng bác sĩ hay tại khoa phẫu thuật.
  • Tôi có cần tham khảo ý kiến bác sĩ tai mũi họng hoặc các chuyên gia khác không?
Khám bệnh
Khám bệnh sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc về bệnh cứng lưỡi

6. Những thông tin bạn nên cung cấp cho bác sĩ

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi. Ví dụ:

  • Khi trẻ bú trẻ có gặp khó khăn gì không?
  • Trẻ có gặp khó khăn gì khi phát âm hoặc khi tự chăm sóc răng miệng không?
  • Hai răng cửa dưới của trẻ có bị thưa không?
  • Trẻ có lo lắng về các hoạt động bị hạn chế do lưỡi khó di chuyển không?

Bạn nên dự đoán các câu hỏi của bác sĩ và nên chuẩn bị trước bằng cách viết ra một tờ giấy. Việc đó sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian của mình để bày tỏ thắc mắc và sự lo lắng của mình với bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan