Bệnh đậu mùa khỉ có thuốc chữa không?

Bệnh đậu mùa khỉ đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức họp khẩn cấp và đưa ra những cảnh báo về nguy cơ căn bệnh này có thể bùng phát. Hiện bệnh đã xuất hiện tại 12 quốc gia trên thế giới và có nguy cơ lan sang nhiều nước khác. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm bệnh đậu mùa khỉ là gì, bệnh đậu mùa khỉ có thuốc chữa không, cũng như thuốc điều trị và cách phòng lây nhiễm căn bệnh này.

1. Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh tương đối hiếm gặp gây ra bởi virus lây truyền từ động vật sang người cùng chi (Orthopoxvirus) với bệnh đậu mùa. Bệnh gây phát ban và có triệu chứng giống như bệnh cúm thông thường.

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958. Nguồn lây bệnh chủ yếu qua việc tiếp xúc của con người với các loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh, nhưng đôi khi đường lây có thể qua tiếp xúc da liền kề da với người bị nhiễm bệnh. Có hai loại virus đậu mùa khỉ đã được biết - một loại có nguồn gốc từ Trung Phi và một loại có nguồn gốc từ Tây Phi. Sự bùng phát trên thế giới hiện nay (2022) là do nhóm Tây Phi ít nghiêm trọng hơn.

Ở Châu Phi, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều là trẻ em dưới 15 tuổi. Còn ở bên ngoài Châu Phi, đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất là nam giới có quan hệ đồng giới, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp ở những đối tượng khác.

Triệu chứng:

Sau khi tiếp xúc với nguồn lây, thời gian xuất hiện các triệu chứng có thể mất vài ngày đến vài tuần. Các triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm các triệu chứng giống với bệnh cúm như:

  • Giai đoạn xâm lấn (kéo dài từ 0 - 5 ngày) được đặc trưng bởi sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược dữ dội (thiếu năng lượng) và nổi hạch (sưng hạch bạch huyết). Nổi hạch chính là một đặc điểm để phân biệt bệnh đậu mùa khỉ so với các bệnh có biểu hiện tương tự (như bệnh sởi, bệnh thủy đậu, bệnh đậu mùa).
  • Phát ban trên da thường xuất hiện sau 1 - 3 ngày sau khi có biển hiện sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều hơn ở mặt (chiếm đến 95%) và tứ chi hơn là ở thân. Ở một số trường hợp phát ban ở màng nhầy miệng, cơ quan sinh dục, và kết mạc và giác mạc. Phát ban tiến triển tuần tự từ rát, sẩn, mụn nước, mụn mủ, đóng vảy khô, bong vảy. Trong một số trường hợp tổn thương nghiêm trọng, các tổn thương có thể liên kết lại với nhau cho đến khi các mảng da lớn bong ra.

2. Bệnh đậu mùa khỉ có thuốc chữa không?

Bệnh đậu mùa khỉ thường tự khỏi, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Các trường hợp nghiêm trọng xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em liên quan đến mức độ phơi nhiễm của virus cao hay thấp, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và tính chất của các biến chứng. Sự thiếu hụt miễn dịch tiềm ẩn có thể khiến cho kết quả tồi tệ hơn. Mặc dù trước đây việc tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa có tác dụng bảo vệ cho người tiêm nhưng ngày nay những người trong độ tuổi dưới 40 đến 50 tuổi (tùy theo từng khu vực và quốc gia) có thể vẫn dễ bị bệnh đậu mùa hơn do các chiến dịch tiêm phòng đậu mùa trên toàn cầu đã chấm dứt từ sau khi thế giới đã loại trừ dịch bệnh.

Các biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể bao gồm các nhiễm trùng thứ phát, nhiễm trùng huyết, viêm phế quản phổi, viêm não và nhiễm trùng giác mạc có kèm theo mất thị lực.

Tỉ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ trước đây dao động từ 0 đến 11% trong dân số nói chung và tỉ lệ này cao hơn ở trẻ nhỏ. Trong vài năm gần đây, tỉ lệ tử vong theo ca dao động trong khoảng 3 đến 6%.

Việc tiêm phòng bệnh đậu mùa đã được chứng minh qua một số nghiên cứu quan sát là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa ở khỉ lên đến khoảng 85%. Do đó, việc tiêm phòng đậu mùa có thể khiến các triệu chứng của bệnh nhẹ hơn. Vào thời điểm hiện tại, vắc-xin đậu mùa ban đầu (thuộc thế hệ đầu tiên) không còn được cung cấp cho người dân. Một số nhân viên y tế hoặc các tình nguyện viên đã được nhận được tiêm phòng một loại vắc-xin đậu mùa để bảo vệ họ trong trường hợp có tiếp xúc với virus orthopoxvirus tại nơi làm việc. Vào năm 2019, một loại vắc xin mới đã được phê duyệt để phòng chống bệnh đậu mùa vẫn mới hơn dựa trên một loại virus vắc-xin giảm độc lực đã được sửa đổi (chủng Ankara) ở khỉ. Đây là loại vắc xin hai liều mà tính sẵn có vẫn còn hạn chế.

Hiện nay, có một loại thuốc kháng virus đường uống có tên Tecovirimat đã được Liên minh Châu Âu chấp thuận vào đầu năm 2022 để điều trị bệnh đậu mùa, bệnh đậu khỉ, bệnh đậu bò do thuốc có thể hạn chế sự lây lan của virus cũng như mức độ nghiêm trọng của những nhiễm trùng.

Một loại vắc-xin mới hơn do Bavarian Nordic phát triển sản xuất để phòng ngừa cả bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ đã được chấp thuận ở liên minh Châu Âu EU, Hoa Kỳ và Canada (dưới các tên thương mại Jynneos, Imvanex và Imvamune), nhưng nó vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.

3. Điều trị và phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

3.1. Điều trị

Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, có thể dùng những loại thuốc không kê đơn để giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, bao gồm:

  • Thuốc hạ sốt và giảm đau: Như ibuprofen (Motrin, Advil) và acetaminophen (Tylenol)
  • Tắm bột yến mạch: Ngâm mình trong bồn nước ấm có pha bột yến mạch tạo thành hỗn hợp keo có thể làm giảm cảm giác khô, ngứa do phát ban trên da.
  • Cách ly bản thân với người xung quanh nếu bạn bị nhiễm bệnh: Tránh tiếp xúc gần với người khác cho đến khi tất cả các tổn thương trên da của bạn đã đóng vảy.
  • Che phủ các tổn thương: Dùng gạc mỏng hoặc băng để hạn chế sự lây lan của virus cho người khác và môi trường.
  • Chăm sóc tốt: Điều quan trọng là cần phải nghỉ ngơi trong thời gian bị bệnh, đeo khẩu trang, uống nhiều nước, tăng cường vitamin.
  • Tránh tiếp xúc với các loại vật nuôi (đặc biệt là nhóm động vật gặm nhấm).

3.2. Phòng bệnh

Vắc xin đậu mùa cung cấp sự bảo vệ cho bạn chống lại virus bệnh đậu mùa khỉ, nhưng việc sử dụng nó hiện chỉ được giới hạn ở một số nước. Bởi vậy, việc phòng ngừa vẫn luôn là quan trọng nhất đó là giảm sự tiếp xúc của con người với động vật bị nhiễm bệnh và hạn chế sự lây lan của virus từ người sang người. Cách tốt nhất để giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus đậu mùa khỉ là:

  • Tránh tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh (đặc biệt là động vật ốm hoặc chết).
  • Tránh tiếp xúc với bộ đồ dùng và các vật liệu khác bị nhiễm virus mà không có đồ phòng hộ cá nhân.
  • Nấu chín kỹ tất cả các loại thực phẩm đặc biệt là thịt hoặc các bộ phận của động vật.
  • Thường xuyên thực hiện rửa tay bằng nước và xà phòng. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
  • Tránh tiếp xúc với những người có thể đã bị nhiễm virus.
  • Thực hành tình dục an toàn, đặc biệt là sử dụng bao cao su khi quan hệ.
  • Luôn đeo khẩu trang che miệng và mũi ở nơi đông người.
  • Làm sạch và khử trùng các bề mặt vật dụng thường xuyên chạm vào.
  • Sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) khi chăm sóc người bị nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm virus.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medlatec.vn; www.medicinenet.com; www.euronews.com.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan