Bị bệnh gút ăn đậu que, đậu nành được không?

Đối với những bệnh nhân bị bệnh gout, họ thường nhận được những lời khuyên rằng cần hạn chế việc sử dụng những chế phẩm từ đậu nành cùng những loại đậu khác. Tuy nhiên, đã có những nghiên cứu chứng minh rằng đậu nành giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Vậy thực hư chuyện ăn đậu khi bị gút như thế nào? Bị bệnh gút có được ăn đậu nành không?

1. Những nhóm thực phẩm an toàn đối với người bệnh gout

Để kiểm soát được bệnh gout, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cần phải tuân thủ theo nguyên tắc chế độ ăn dành riêng cho người bệnh. Đồng thời cần tránh hay hạn chế những thực phẩm có hàm lượng purine cao. Nhưng vẫn có nhiều loại thực phẩm chứa hàm lượng purin thấp có thể sử dụng một cách an toàn. Cụ thể:

1.1. Rau xanh và trái cây

Hầu hết các loại rau và trái cây đều có chứa ít hàm lượng purin an toàn cho người sử dụng, chỉ trừ một số loại cần lưu ý (trái cây có vị chua và các loại có chứa nhiều fructose như nho, táo, lê, đào). Đặc biệt, quả cherry còn có thể giúp bệnh nhân ngăn ngừa được các cơn gout cấp do có chứa các hợp chất tự nhiên được gọi là Anthocyanins có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.

Các loại rau và đậu cũng rất tốt cho người bị bệnh gout, đặc biệt là: khoai tây, đậu nành, đậu Hà Lan, đậu phụ, cà tím và các loại rau có lá màu xanh đậm. Mặc dù một số loại rau như: đậu lăng, đậu Hà Lan, nấm, rau bina, yến mạch, súp lơ vốn có chứa nhiều hàm lượng purin. Tuy nhiên đã có nghiên cứu cho thấy rằng chúng không làm tăng lên các nguy cơ dẫn đến mắc bệnh gout như các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Cho nên người bệnh không cần phải tránh hay hạn chế bất cứ loại rau nào trong chế độ ăn hàng ngày, tuy nhiên vẫn cần sử dụng đúng lượng để đảm bảo không vượt ngưỡng purin cho phép hàng ngày.

1.2. Thực phẩm giàu Vitamin C

Vitamin C vốn được biết đến là một chat có khả năng chống oxy hóa tuyệt vời. Ngoài ra nó còn có tác dụng rất lớn trong việc làm giảm nồng độ của acid uric có trong máu. Có một số thử nghiệm trên lâm sàng và một số nghiên cứu cho thấy rằng, việc bổ sung Vitamin C có thể giúp làm giảm mức acid uric có trong huyết thanh từ có làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout.

Vì những tác dụng như trên, người bệnh gout nên lựa chọn những thực phẩm giàu vitamin C để bổ sung và chế độ ăn hàng ngày của mình như: những loại trái cây thuộc họ cam quýt (bưởi, cam, quýt), cải xoăn, rau bina, bông cải xanh, cherry, ớt chuông ngọt, dâu cây, cà chua, ....

1.3. Người bị bệnh gout nên uống sữa ít béo

Tất cả các loại sữa đều an toàn khi sử dụng cho người bệnh gout, nhưng loại sữa có chứa ít béo đặc biệt còn có lợi cho người bị bệnh gout.

Những loại sữa ít béo hoặc không béo giúp hỗ trợ trong việc ngăn ngừa các đợt tái phát của bệnh gout. Chúng có thể làm giảm đi nồng độ của acid uric, ngoài ra chúng có chứa một số đặc tính giúp chống viêm nhất định từ đó làm giảm các phản ứng viêm đối với các tinh thể muối natri urat ở trong khớp.

1.4. Nước đóng một vai trò quan trọng với người bị bệnh gout

Việc uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp cho bạn có một cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt đối với người bị bệnh gout, uống đủ nước theo nhu cầu sẽ giúp cho cơ thể loại bỏ được hàm lượng acid uric dư thừa trong máu và thải chúng ra ngoài cơ thể theo đường nước tiểu.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng nước mà bệnh nhân sử dụng có mối liên quan với việc giảm nồng độ của acid uric trong máu ở những người bị bệnh gout. Có thể việc này có liên quan đến sự tăng đào thải acid uric bằng đường nước tiểu khi bệnh nhân uống nhiều nước hơn.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, việc sử dụng đủ nước trong khoảng 24 giờ trước khi xuất hiện cơn gout có liên quan đến việc làm giảm đáng kể các cơn gout có nguy cơ tái phát.

2. Bị bệnh gút có được ăn đậu nành không?

Theo thống kê số liệu tại Singapore, dân số trên 45 tuổi có khoảng 4% mắc bệnh gout và phổ biến nhất là ở nam giới. Bệnh gout khởi phát là do nồng độ của acid uric trong máu tăng cao vượt ngưỡng bình thường, kéo dài trong một khoảng thời gian mà không được điều chỉnh lại. Từ đó đã có sự hình thành các tinh thể natri urat tại khớp và gây ra những cơn đau khớp dữ dội. Do đó những thực phẩm có chứa nhiều hàm lượng purin như đậu nành và các loại đậu khác sẽ dễ khiến lượng acid uric trong máu tăng cao. Do đó, thực phẩm này được khuyến cáo là không nên sử dụng. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của tiến sĩ Teng Gim Gee cùng đồng nghiệp lại cho kết quả đi ngược lại với quan điểm này.

Kết quả nghiên cứu đã khẳng định, việc sử dụng đậu nành cũng như các sản phẩm được chế biến từ đậu nành không thể khiến cho người bệnh mắc bệnh gout, mà ngược lại còn giúp giảm đi nguy cơ mắc căn bệnh này. Thông tin trên có thể giúp bạn có câu trả lời tương tự cho câu hỏi: Bệnh gout ăn đậu que được không?

Điều đầu tiên và quan trọng cho người bị bệnh gout cần chú ý là lựa chọn những thực phẩm có chứa hàm lượng thấp purine. Bên cạnh đó, mặc dù là các sản phẩm có hàm lượng thấp hay cao, người bệnh cũng cần lưu ý lượng sử dụng hợp lý trong mức cho phép hàng ngày để đảm bảo hỗ trợ hiệu quả quá trình điều trị bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan