Bị sẹo phì đại thì bao lâu khỏi?

Sẹo lồi và sẹo phì đại đều là tình trạng tăng sinh quá mức của mô đối với những tổn thương da, đặc trưng bởi tăng sinh nguyên bào sợi tại chỗ và sản xuất collagen quá mức. Tuy nhiên trong khi sẹo lồi là khối u dạng sợi vượt ra ngoài vùng tổn thương ban đầu thì sẹo phì đại vẫn nằm trong ranh giới vết thương và có xu hướng thoái triển theo thời gian. Vậy sẹo phì đại bao lâu thì hết?

1. Sẹo phì đại là gì?

Sẹo phì đại cũng có cơ chế hình thành do sự tích tụ collagen dư thừa trong quá trình lành vết thương khiến bề mặt da nhô cao và hình thành các khối sẹo. Sẹo phì đại khi mới hình thành có màu nâu nhạt, dần dần chuyển sang màu hồng đỏ hoặc nâu đỏ. Mặc dù cũng hình thành khối trên da như sẹo lồi nhưng sẹo phì đại không cứng như sẹo lồi, chúng mềm và hoàn toàn có thể tự biến mất trở thành sẹo thâm sau 1 thời gian mà không cần điều trị. Nguyên nhân là do sẹo phì đại không phát triển vượt ra khỏi vị trí sẹo ban đầu mà còn nằm trong ranh giới vết thương ban đầu. Tuy vậy để vết sẹo phì đại mau chóng được làm mờ cũng cần phải có các phương pháp điều trị sẹo càng sớm càng tốt vì nếu để lành tự nhiên sẽ mất một khoảng thời gian rất dài.

2. Nguyên nhân gây ra sẹo phì đại

Sẹo phì đại thường hình thành sau vết phỏng sâu (độ II-III) hoặc vết thương do tại nạn, phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn da. Nguyên nhân là do sự căng da quá mức, nhiễm trùng, chậm lành vết thương, chuyển hóa nguyên bào sợi bất thường và di truyền. Các yếu tố nguy cơ gây ra sẹo phì đại gồm:

  • Da sẫm màu;
  • Yếu tố gia đình;
  • Người trẻ tuổi, phụ nữ mang thai;
  • Vị trí tổn thương: Da vùng ức, vai và cánh tay;
  • Loại chấn thương và vết thương chậm lành (> 3 tuần).

3. Sẹo phì đại bao lâu thì khỏi?

Mặc dù về bản chất sẹo phì đại có thể tự khỏi mà không điều trị nhưng vết sẹo phì đại sẽ có xu hướng trở thành sẹo thâm trên da sau khoảng ít nhất 1 năm. Tuy nhiên khi vết sẹo phì đại tồn tại càng lâu sẽ càng trở nên đậm màu và có thể để lại vết sẹo thâm rất khó trị sau khi biến mất. Chính vì vậy việc loại bỏ vết sẹo sớm giúp lấy lại làn da mịn màng và hạn chế tối đa việc hình thành sẹo thâm sau đó.

Thực tế sẹo phì đại không khó điều trị như sẹo lồi và thời gian điều trị cũng sẽ được rút ngắn hơn khi có phương pháp phù hợp, cụ thể như sau:

  • Với vết sẹo phì đại mới hình thành thì thời gian điều trị có thể mất 1- 2 tháng và hiệu quả có thể là 100%.
  • Sẹo dưới 6 tháng thời gian điều trị là 2-3 tháng.
  • Sẹo từ 6 tháng -1 năm thì thời gian điều trị là 3-4 tháng.
  • Sẹo từ 1 năm trở lên có thể mất 5-6 tháng để điều trị.

4. Chữa sẹo phì đại đúng cách như thế nào?

Tuỳ thuộc vào giai đoạn và mức độ tổn thương của vùng da bị sẹo mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau:

Tiêm corticosteroid nội tổn sẹo:

  • Là lựa chọn hàng đầu của bác sĩ, giúp ngăn chặn viêm và phân bào, giảm tổng hợp glycosaminoglycan, đồng thời làm tăng co mạch. Các sẹo phì đại mới hình thành đáp ứng với điều trị tốt hơn sẹo cũ.
  • Dùng hỗn hợp Triamcinolone acetonide (TCA) 10-40mg/ml được tiêm trong sẹo, Lidocain có thể được pha kết hợp với corticosteroid để giảm đau. Thường mỗi lần điều trị cách nhau 4-6 tuần, số lần điều trị để đạt hiệu quả làm phẳng sẹo từ 3-6 lần, tổng liều không quá 40mg/lần.
  • Sử dụng áp lạnh trước khi tiêm có thể giúp tiêm dễ dàng hơn bằng cách làm mềm sẹo, đồng thời cải thiện hiệu quả điều trị hơn là điều trị đơn độc
  • Kết hợp thêm 5-fluorouracil giúp tăng hiệu quả điều trị sẹo và giảm tỷ lệ tái phát
  • Tác dụng phụ: Teo da, loét da, giãn mạch và tăng giảm sắc tố nhưng có thể kiểm soát được nhờ tiêm đúng kỹ thuật, đánh giá sẹo và lựa chọn liều thuốc điều trị thích hợp.

Dùng silicon (tấm dán, gel):

  • Cơ chế tác dụng: Làm tăng nhiệt độ, hydrat hoá lớp sừng, giảm sức căng oxy mô... giúp sẹo mềm mại và phẳng.
  • Thường được dùng điều trị sẹo phì đại giai đoạn sớm, dự phòng sẹo tái phát sau phẫu thuật hoặc điều trị bổ trợ cho các phương pháp khác.
  • Cách dùng: Dán/bôi silicon trên bề mặt sẹo từ 12-24 giờ mỗi ngày trong 2-3 tháng, tránh áp dụng trên vết thương hở. Tấm dán silicon được cắt vừa kích thước của sẹo và cố định bằng băng dính. Các tấm có thể được tái sử dụng cho đến khi chúng bắt đầu phân huỷ. Gel silicon được bôi lên vùng sẹo, thành một lớp mỏng, sau khi khô lại tạo thành một màng silicon trong suốt, mềm dẻo, có thể thấm khí nhưng không thấm nước.

Liệu pháp áp lực:

  • Cơ chế: Dùng áp lực ép làm giảm sức căng oxy trong sẹo do tắc các mạch máu nhỏ, dẫn đến giảm tăng sinh nguyên bào sợi và tổng hợp collagen. Áp lực tối ưu thường từ 20-30mmHg.
  • Chỉ định dự phòng sẹo tái phát sau phẫu thuật, sẹo lồi lan tỏa, sẹo lồi dái tai
  • Bằng chứng về hiệu quả của phương pháp áp lực còn hạn chế.
  • Tuy nhiên phương pháp này có thời gian áp dụng lâu, gây ra khó khăn và không thoải mái cho hầu hết bệnh nhân, bằng chứng về hiệu quả chưa cao.

Liệu pháp áp lạnh:

  • Cơ chế là gây thiếu máu cục bộ dẫn đến hoại tử và làm phẳng mô sẹo.
  • Thường dùng điều trị đơn độc hoặc kết hợp cho sẹo phì đại, phương pháp này thường thích hợp cho sẹo lồi kích thước nhỏ, không quá dày, khuyến cáo chỉ nên điều trị từ 8-16 cm2 sẹo/ đợt điều trị.
  • Khoảng 50% bệnh nhân có thể đáp ứng với phương pháp áp lạnh đơn thuần, với kỹ thuật áp lạnh nội tổn thương hiệu quả cao hơn.
  • Tác dụng phụ: Đau, phù nề, giảm cảm giác và đặc biệt gây giảm sắc tố vĩnh viễn dẫn đến hạn chế việc sử dụng ở những bệnh nhân có làn da sẫm màu.

Dùng laser PDL (585 nm, 595 nm):

  • Là loại laser được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị sẹo phì đại, phương pháp này thích hợp cho những trường hợp sẹo mới, đỏ và chủ yếu cải thiện màu sắc và độ mềm mại sẹo.
  • Cơ thể: Thông qua hiệu ứng quang nhiệt chọn lọc trên hemoglobin, dẫn tới hình thành huyết khối vi mạch, làm giảm oxy mô sẹo, giảm tân sinh tạo mô sợi và sẹo ít đỏ hơn, mềm hơn và giảm phì đại.
  • Tuy nhiên đây là phương pháp chi phí cao và cần trang bị hiện đại, hiệu quả hơn khi thực hiện phối hợp với các phương pháp khác như tiêm TCA, phẫu thuật. Thời gian điều trị cách nhau 4-6 tuần với tỷ lệ cải thiện là 57-58%.
  • Tác dụng phụ có thể gặp xuất huyết vùng điều, bong vảy, tăng sắc tố sau viêm, đặc biệt là type da tối màu.

Dùng laser, ánh sáng khác:

  • Ánh sáng xung cường độ cao (IPL- intense pulsed light): Là giải pháp điều trị thay thế cho các điều trị laser đắt tiền khác như laser PDL và fCO2 nhưng bằng chứng về hiệu quả của nó trong điều trị sẹo phì đại là rất ít
  • Laser phân đoạn: là loại laser chính được sử dụng để làm bốc bay mô và đông tụ các protein ngoại bào xung quanh, gây chết theo chương trình của nguyên bào sợi, giảm các yếu tố tăng trưởng biến đổi và yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi,...

Phẫu thuật:

  • Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không thành công hoặc không có khả năng cải thiện đáng kể, sẹo co kéo ảnh hưởng tới chức năng và thẩm mỹ, sẹo lồi lớn và đáy nhỏ thì có thể phẫu thuật để điều trị.
  • Tuy nhiên tỷ lệ tái phát cao và hiếm khi được sử dụng như một phương thức đơn độc.
  • Có thể kết hợp tiêm corticosteroid nội sẹo sau phẫu thuật làm giảm tỷ lệ tái phát nhỏ hơn 50%. Xạ trị bề mặt bổ trợ sau phẫu thuật cho tỷ lệ tái phát là 0-8,6%.

5. Một số thuốc tiêm khác điều trị sẹo phì đại

Tiêm Bleomycin:

  • Cơ chế tác dụng: gây chết tế bào theo chương trình, hoại tử tế bào sừng, xơ hoá tế bào nội mô, ức chế tổng hợp collagen
  • Tiêm nội sẹo nồng độ 1,5 UI/ml, mỗi lần tiêm không quá 6 UI. Các lần tiêm cách nhau 4-6 tuần, có thể ủ tê tại chỗ bằng kem lidocain trước khi tiêm giảm đau. Thuốc có thể áp dụng đơn độc hoặc kết hợp với tiêm corticosteroid
  • Chống chỉ định: Phụ nữ có thai, cho con bú, suy giảm chức năng phổi, suy thận, người > 70 tuổi
  • Tác dụng phụ thường gặp là sưng, đau tại vị trí tiêm, tăng sắc tố, loét,...
  • Hiệu quả trị sẹo của bleomycin lên tới 84%, thậm chí cho hiệu quả cao hơn so với tiêm corticosteroid

Tiêm 5-fluorouracil (5-FU):

  • Thường được chỉ định cho các trường hợp sẹo lồi không đáp ứng tiêm corticoid, có thể kết hợp với corticosteroid để giảm tác dụng phụ của corticosteroid. Tiêm nội sẹo nồng độ 50 mg/ml, tiêm 2-3 lần/tuần, mỗi lần tiêm 50-150 mg
  • Chống chỉ định: thiếu máu, suy tuỷ, nhiễm trùng và cần xét nghiệm công thức máu trước khi điều trị và sau 4 lần tiêm
  • Tác dụng phụ: đau tại vị trí tiêm, tăng sắc tố, kích ứng và loét, chưa ghi nhận các tác dụng phụ toàn thân

Tiêm Botulinum toxin (BoNT):

  • Trước đây BoNT thường được ứng dụng chủ yếu cho điều trị nếp nhăn, trẻ hoá da và tạo hình cơ thể. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra vai trò của BoNT trong việc dự phòng và điều trị sẹo phì đại, sẹo lồi.
  • Cơ chế tác dụng: Giảm sức căng da, vi chấn thương và viêm nhờ giảm co cơ vùng sẹo, ức chế hoạt động nguyên bào sợi, giảm sự biểu hiện TGF-beta (điều chỉnh sự hình thành sẹo).

Tóm lại, mặc dù về bản chất sẹo phì đại có thể tự khỏi mà không điều trị nhưng vết sẹo phì đại sẽ có xu hướng trở thành sẹo thâm trên da sau khoảng ít nhất 1 năm. Tuy nhiên khi vết sẹo phì đại tồn tại càng lâu sẽ càng trở nên đậm màu và có thể để lại vết sẹo thâm rất khó trị sau khi biến mất. Chính vì vậy việc loại bỏ vết sẹo sớm giúp lấy lại làn da mịn màng và hạn chế tối đa việc hình thành sẹo thâm sau đó.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan