Bướu cổ giai đoạn đầu có dễ nhận diện?

Bướu cổ là bệnh lý nội tiết phổ biến ở trên lâm sàng, bướu cổ là sự gia tăng thể tích tuyến giáp có tính chất lan tỏa hoặc khu trú. Đây là một rối loạn tuyến giáp phổ biến, đa số người bệnh mắc bướu cổ lành tính và không cần điều trị hoặc điều trị đơn giản. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng hơn như ung thư tuyến giáp.

1. Tổng quan về bệnh bướu cổ

Bướu cổ là bệnh lý nội tiết phổ biến trên lâm sàng, đặc biệt là ở phụ nữ. Bướu cổ là sự gia tăng thể tích tuyến giáp có tính chất lan tỏa hoặc khu trú do bất kể nguyên nhân gì. Bướu cổ có thể lớn lan tỏa, hoặc một thùy lớn hơn rõ rệt, có một hay nhiều nhân, có thể là do bẩm sinh hoặc mắc phải, lành tính hoặc ác tính. Chức năng giáp trong bệnh bướu cổ có thể có bình thường (bình giáp), hoặc tăng/ giảm chức năng.

2. Triệu chứng bướu cổ

Bướu cổ thường hay gặp ở nữ hơn nam giới, có thể có yếu tố gia đình kết hợp. Hầu hết, những người mắc bệnh bướu cổ không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác ngoài cảm giác sưng to ở vùng giữa cổ. Trong nhiều trường hợp, bướu cổ được phát hiện tình cờ bởi người xung quanh hoặc đi khám sức khỏe.

Phân loại bướu cổ của Tổ chức Y tế thế giới (1993) như sau:

Độ bướu giáp Đặc điểm lâm sàng
0 Tuyến giáp không lớn
I Bướu phát triển bằng sờ nắn nhưng không nhìn thấy khi cổ bệnh nhân ở tư thế bình thường.
II Bướu giáp ngoài phát hiện qua sờ nắn còn có thể nhìn thấy ở tư thế cổ bình thường.

Cần kết hợp với siêu âm tuyến giáp để đánh giá thể tích tuyến giáp chính xác hơn, đặc biệt là bướu cổ ở giai đoạn đầu.

Các dấu hiệu bướu cổ khác phụ thuộc vào việc chức năng tuyến giáp có thay đổi hay không, tốc độ bướu cổ phát triển nhanh như thế nào và có gây chèn ép cơ quan lân cận như khí quản, thực quản hay không.

Các dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp, thường không đặc hiệu và gây khó khăn cho chẩn đoán, bao gồm: Mệt mỏi, không chịu được lạnh, buồn ngủ, da khô, táo bón, yếu cơ, các vấn đề về trí nhớ hoặc tập trung.

Các dấu hiệu và triệu chứng của cường giáp bao gồm: Giảm cân, nhịp tim nhanh, không chịu được nóng, đổ mồ hôi nhiều, run, khó chịu, lo lắng, yếu cơ, rối loạn kinh nguyệt, khó ngủ, huyết áp cao, tăng cảm giác thèm ăn.

  • Bướu cổ gây chèn ép cơ quan lân cận

Kích thước hoặc vị trí của bướu cổ có thể cản trở đường hô hấp. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

  • Chèn ép thực quản gây khó nuốt.
  • Chèn ép khí quản gây khó thở, ho.
  • Chèn ép dây thần kinh quặt ngược gây khàn giọng, nói đôi.
  • Ngáy.

3. Nguyên nhân của bệnh bướu cổ

Một số yếu tố ảnh hưởng đến chức năng hoặc sự phát triển của tuyến giáp có thể dẫn đến bướu cổ.

  • Thiết hụt iod: iod cần cho việc sản xuất hormone tuyến giáp. Nếu không có cung cấp đủ iod trong chế độ ăn uống, việc sản xuất hormone giảm xuống.Do đó tuyến giáp phát triển làm tăng kích thước nhằm đáp ứng nhu cầu cơ thể.
  • Viêm tuyến giáp Hashimoto: Viêm tuyến giáp Hashimoto là một rối loạn tự miễn, do hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh. Các mô bị tổn thương và bị viêm của tuyến giáp không sản xuất đủ hormone (suy giáp), qua đó thúc đẩy tuyến giáp tạo ra nhiều hormone gây phì đại tuyến giáp.
  • Bệnh Graves: đây cũng là rối loạn tự miễn dịch khác của tuyến giáp khi hệ thống miễn dịch sản xuất một loại protein bắt chước TSH. Loại protein giả mạo này thúc đẩy tuyến giáp sản xuất quá mức hormone (cường giáp) và có thể dẫn đến tăng kích thước tuyến giáp.
  • Bướu giáp nhân: Nhân giáp là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp tạo thành. Một người có thể có một nốt hoặc nhiều nốt (bướu cổ đa nhân). Nguyên nhân của các nhân giáp này không rõ ràng, nhưng có thể có nhiều yếu tố - di truyền, chế độ ăn uống, lối sống và môi trường. Hầu hết các nhân giáp không phải là ung thư (lành tính).
  • Ung thư tuyến giáp: ung thư tuyến giáp ít phổ biến hơn các loại ung thư khác và thường có thể điều trị được. Khoảng 5% người có nhân giáp được phát hiện là ung thư.
  • Thai kỳ: Hrmone được sản xuất trong thời kỳ mang thai - HCG, có thể khiến tuyến giáp hoạt động quá mức và hơi to ra.
  • Tình trạng viêm nhiễm: Viêm tuyến giáp là tình trạng viêm tuyến giáp do rối loạn tự miễn dịch, nhiễm vi khuẩn, virus hoặc do thuốc. Tình trạng viêm có thể gây ra cường giáp hoặc suy giáp.

4. Các yếu tố nguy cơ của bướu cổ

Một số yếu tố nguy cơ phổ biến đối với bệnh bướu cổ bao gồm:

  • Chế độ ăn uống thiếu iot.
  • Phụ nữ có nhiều khả năng bị bướu cổ hoặc các rối loạn tuyến giáp khác hơn nam giới.
  • Mang thai và mãn kinh: Một số bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ dễ xảy ra hơn trong thời kỳ mang thai và mãn kinh.
  • Tuổi: Bướu cổ phổ biến hơn người từ 40 tuổi trở lên.
  • Tiền sử gia đình: có người mắc bệnh bướu cổ hoặc các rối loạn tuyến giáp khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh bướu cổ.
  • Thuốc: Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm amiodarone và thuốc điều trị tâm thần lithium, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Tiếp xúc với phóng xạ: Nguy cơ tăng lên nếu bạn có tiền sử điều trị bằng phóng xạ cho vùng cổ hoặc ngực.

5. Chẩn đoán bệnh bướu cổ

Bướu cổ thường được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ. Đôi khi, bướu cổ được phát hiện khi bạn đang kiểm tra xét nghiệm hình ảnh cho tình trạng bệnh lý khác.

Lưu ý rằng khám lâm sàng tuyến giáp không lớn không có nghĩa là không có bướu giáp. Bạn nên thực hiện siêu âm tuyến giáp trước khi kết luận, đặc biệt ở người lớn tuổi. Mặc dù thể tích và kích thước tuyến giáp bình thường nhưng siêu âm có thể phát hiện có cấu trúc bất thường trong tuyến giáp.

Các xét nghiệm được thực hiện trong chẩn đoán bệnh bướu cổ nhằm mục đích sau:

  • Đo kích thước của tuyến giáp
  • Phát hiện nhân tuyến giáp
  • Đánh giá chức năng tuyến giáp
  • Xác định nguyên nhân gây ra bệnh bướu cổ

Các xét nghiệm có thể được thực hiện bao gồm:

  • Kiểm tra chức năng tuyến giáp: Xét nghiệm đánh giá nồng độ TSH, nồng độ hormon giáp T4, T3.
  • Xét nghiệm kháng thể: Thuộc vào kết quả của xét nghiệm chức năng tuyến giáp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để phát hiện kháng thể có liên quan đến rối loạn tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc bệnh Graves.
  • Siêu âm tuyến giáp: giúp đánh giá kích thước của tuyến giáp và phát hiện các nhân giáp.
  • Chụp xạ hình tuyến giáp: Có thể giúp xác định chức năng tuyến giáp và nguyên nhân của bướu cổ.
  • Sinh thiết: Sự hiện diện của các tế bào ung thư trong nhân giáp.

Bướu cổ là sự gia tăng thể tích tuyến giáp có tính chất lan tỏa hoặc khu trú, bệnh đa số là lành tính. Hầu hết, người bệnh không có triệu chứng nào ngoài cảm giác sưng to ở vùng cổ. Các triệu chứng khác tuỳ thuộc vào việc chức năng tuyến giáp có thay đổi hay không. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân nên bướu cổ để có phương pháp điều trị thích hợp, do đó khi nhận thấy khối bất thường nào ở vùng cổ, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và đến cơ sở y tế để được xác định chính xác tình trạng bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan