Các dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ

Đột quỵ là căn bệnh cấp tính, đột ngột với tính chất nguy hiểm cao. Có một số dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ mà mỗi người cần chú ý để kịp thời phát hiện và cấp cứu sớm, tránh những biến chứng khó lường.

1. Đột quỵ là gì?

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng bệnh lý xảy ra do tổn thương mạch máu não, xuất hiện khi việc cung cấp máu lên 1 phần của não bộ bị ngừng lại đột ngột.

Đột quỵ có thể xuất hiện do: Nhồi máu não (tắc mạch) gây ngừng trệ dòng máu nuôi não hoặc chảy máu não (vỡ mạch) làm máu trong lòng mạch bị thoát ra ngoài, tràn vào mô não, gây chèn ép và phá hủy mô não.

Đột quỵ là căn bệnh đột ngột, cấp tính, có độ nguy hiểm cao. Bệnh có thể khiến phần não liên quan bị tổn thương hoặc thậm chí và không thể hoạt động được. Người bệnh có thể ngay lập tức rơi vào tình trạng ngã gục, hôn mê, đối diện với di chứng tàn tật hoặc tử vong.

Chính vì tính chất nguy hiểm của đột quỵ nên việc phòng ngừa đột quỵ là rất quan trọng. Đồng thời, việc phát hiện sớm những dấu hiệu trước khi bị đột quỵ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu biến chứng nguy hiểm của bệnh và giúp rút ngắn thời gian điều trị bệnh.

Xem ngay: Có biết được dấu hiệu đột quỵ trước 30 ngày, 1 tuần hay 1 ngày không?

dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ
Việc phát hiện sớm những dấu hiệu trước khi bị đột quỵ cũng đóng vai trò rất quan trọng

2. Một số dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ

Do đột quỵ không có triệu chứng báo hiệu kéo dài nên không ai có thể biết trước được khi nào mình sẽ bị đột quỵ. Vì vậy, bạn nên tham khảo, nắm vững những dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ để phát hiện sớm tình trạng này và cấp cứu kịp thời:

  • Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực bị giảm, nhìn mờ 1 mắt hoặc cả 2 mắt. Tuy nhiên, đây là biểu hiện không rõ ràng nên khó nhận ra. Nếu người bệnh nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được đi cấp cứu ngay;
  • Dấu hiệu ở mặt: Mặt bệnh nhân có biểu hiện đột nhiên không cân xứng, nhân trung hơi lệch qua 1 bên, miệng méo, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt, khi bệnh nhân nói hoặc cười sẽ nhìn thấy rõ dấu hiệu méo miệng, thiếu cân xứng trên mặt;
  • Dấu hiệu ở giọng nói: Dấu hiệu báo trước của tai biến đột quỵ có thể biểu hiện qua giọng nói. Người bệnh có thể bị nói ngọng bất thường, môi lưỡi tê cứng, khó mở miệng, gắng sức mới nói được;
  • Dấu hiệu ở tay, chân: Người bệnh có thể cảm thấy tay bị tê mỏi, khó cử động và thao tác. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể đi lại khó khăn, khó nhấc chân lên. Các dấu hiệu này thường xảy ra ở 1 bên của cơ thể;
  • Dấu hiệu nhận thức: Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn trí nhớ, mắt mờ, tai ù nghe không rõ, không nhận thức được;
  • Dấu hiệu thần kinh: Bệnh nhân cảm thấy đau đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng, phổ biến ở bệnh nhân đột quỵ, đặc biệt là ở những người có tiền sử bị đau nửa đầu.

Ngoài ra, có thể sử dụng từ viết tắt FAST nhằm nhận biết những dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ:

  • Face (mặt): Bệnh nhân có bị xệ mặt 1 bên khi cố gắng mỉm cười không?
  • Arms (tay): 1 cánh tay của người bệnh có bị thấp hơn nếu cố gắng giơ cả 2 tay lên không?
  • Speech (lời nói): Bệnh nhân có thể nói, nhắc lại 1 câu đơn giản không, có nói lắp hoặc nói những lời khó hiểu không?
  • Time (thời gian): Thời gian đột quỵ tính theo từng giây, từng phút. Nếu phát hiện bệnh nhân có các dấu hiệu như trên, cần gọi cấp cứu ngay.

Nếu gặp những dấu hiệu điển hình kể trên thì đó là những biểu hiện của tiền đột quỵ, sắp xảy ra đột quỵ nguy hiểm tới tính mạng.

dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ
Thị lực bị giảm, nhìn mờ 1 mắt hoặc cả 2 mắt là dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ

3. Biện pháp phòng tránh đột quỵ

Nếu đã nắm được các dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ, bạn nên chú ý tới việc phòng tránh nguy cơ đột quỵ như sau:

  • Kiểm soát, điều trị các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ như: Tiểu đường, mỡ máu cao, cao huyết áp, bệnh tim mạch;
  • Duy trì một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh: Việc ăn uống điều độ giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ và ngăn ngừa bệnh tái phát. Vì vậy, bạn nên chú ý ăn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe và tránh các món ăn có thể khiến bệnh đột quỵ thêm trầm trọng. Cụ thể:
    • Ăn thực phẩm phòng tránh đột quỵ: Thực phẩm giàu Omega - 3 (cá ngừ, cá hồi, cá thu), thực phẩm giàu folate (đậu lăng, rau màu xanh sẫm, bông cải, măng tây, củ cải, các loại hạt), thực phẩm giàu magie (ngũ cốc, quả bơ, chuối, các loại đậu, rong biển, quả mâm xôi), uống nhiều nước lọc và nước trái cây;
    • Những thực phẩm nên tránh: Thức ăn đóng hộp và chế biến sẵn; các món quá mặn (cà muối, dưa muối,... dễ khiến huyết áp tăng cao); thịt, sữa, sản phẩm từ thịt và sữa (có nhiều chất béo bão hòa, tác động tiêu cực tới sức khỏe tim mạch); thực phẩm chứa nhiều cholesterol (lòng đỏ trứng, bơ thực vật, khoai tây chiên, gan động vật,...); hạn chế bia rượu, thuốc lá để ngăn chặn xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ tái phát đột quỵ;
  • Thay đổi lối sống: Để phòng tránh đột quỵ, cần cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, không nên stress hay nóng giận; sinh hoạt hợp lý, không tắm đêm hay thức quá khuya; giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa;
  • Chăm chỉ tập thể dục: Bạn nên tập thể dục ít nhất 5 ngày/tuần, tối thiểu 30 phút/ngày để tăng cường sức khỏe, tránh béo phì, giảm huyết áp và phòng ngừa đột quỵ. Tốt nhất bạn không nên chọn những bài tập nặng hay vận động mạnh như tập tạ, quần vợt mà ưu tiên bài tập nhẹ nhàng hơn như đi bộ, chạy bộ, tập dưỡng sinh, yoga, đạp xe,...;
  • Định kỳ khám sức khỏe: Bạn nên định kỳ khám sức khỏe mỗi 6 - 12 tháng/lần để tầm soát bệnh kịp thời (các bệnh tim mạch, tiểu đường,...). Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ và những bệnh lý tiềm ẩn. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra các biện pháp can thiệp chủ động để bệnh nhân phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Phát hiện sớm các dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ và điều trị kịp thời là biện pháp tốt nhất để hạn chế những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi có những triệu chứng bất thường nghi ngờ là dấu hiệu đột quỵ, người nhà nên ngay lập tức đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan