Các dấu hiệu cảnh báo hội chứng chuyển hóa

Hội chứng chuyển hóa tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, bệnh mạch vành, đột quỵ não,... Do vậy cần nắm được các dấu hiệu cảnh báo hội chứng chuyển hóa nhằm kiểm soát các yếu tố nguy cơ, ngăn chặn hội chứng chuyển hóa xảy ra.

1. Hội chứng chuyển hóa là gì?

Hội chứng chuyển hóa dùng để chỉ những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và tiểu đường như tình trạng béo phì, tăng huyết áp, mỡ máu tăng cao, tăng đường huyết. Các yếu tố này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự đề kháng insulin; đây là yếu tố dẫn đến đái tháo đường type 2 thực sự do vậy cần phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ này.

Để ngăn chặn hội chứng chuyển hóa xảy ra thì việc điều trị các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng, trước khi chúng gây tác hại cho sức khỏe. Do vậy bệnh nhân cần được tư vấn của người thầy thuốc về chế độ ăn, chế độ luyện tập, các loại thuốc kiểm soát các yếu tố nguy cơ

kháng insulin
Kháng insulin là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hội chứng chuyển hóa

2. Các dấu hiệu cảnh báo hội chứng chuyển hóa

  • Tuổi cao. Hội chứng chuyển hóa thể gặp ở tuổi niên thiếu, bệnh có tỷ lệ mắc tăng lên với tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tăng 10% ở lứa tuổi 20, tăng lên đến 40% ở lứa tuổi 60.
  • Béo phì. Chỉ số khối cơ thể (BMI) dựa trên chiều cao và cân nặng. BMI > 23, đặc biệt tình trạng béo bụng với vòng bụng >90 đối với nam, >80 đối với nữ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa
  • Rối loạn lipid máu như tăng triglyceride máu, HDL cholesterol máu thấp, LDL cholesterol cao
  • Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường. Nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn ở người trong gia đình có người bị đái tháo đường type 2 hoặc bản thân có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ
  • Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa như tăng huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang
  • Mãn kinh ở nữ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa
  • Hút thuốc lá nhiều năm
  • Chế độ ăn nhiều tinh bột
  • Lối sống thụ động, ít tập thể dục
Thực phẩm chứa tinh bột
Chế độ ăn nhiều tinh bột tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa

3. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng chuyển hóa

Hội chứng chuyển hóa có liên quan tới tình trạng đề kháng insulin. Cụ thể

  • Insulin là một hormon do tụy sản xuất ra có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu ở mức bình thường. Insulin đưa glucose vào trong tế bào để các tế bào sử dụng glucose làm nguồn năng lượng. Glucose này vào được trong tế bào là nhờ insulin.
  • Ở người có đề kháng insulin, insulin không thể đưa glucose vào tế bào một cách dễ dàng. Kết quả là nồng độ insulin tăng cao trong máu. Nồng độ insulin máu tăng lên sẽ làm tăng triglyceride máu và các chất béo khác. Tất cả các yếu tố 3 đó ảnh hưởng tới thận và làm cho huyết áp cao hơn lên gây ra nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường và các bệnh khác.
Bệnh thận xảy ra khi thận hoạt động không tốt
Nồng độ insulin máu tăng gây ảnh hưởng đến thận gây ra nhiều bệnh lý

4. Chẩn đoán hội chứng chuyển hóa

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chẩn đoán hội chứng chuyển hóa khi người bệnh có từ 3 yếu tố trở lên trong các yếu tố sau:

  • Nam có vòng bụng ≥ 90cm, nữ có vòng bụng ≥ 80cm.
  • Triglycerid máu ≥ 150mg/dl.
  • HDL-C < 40mg/dl (nam) và <50mg/dl (nữ).
  • Huyết áp ≥ 130/85mmHg.
  • Tăng glucose máu khi đói ≥ 100mg/dl.

5. Hậu quả của hội chứng chuyển hóa

  • Hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường nếu người bệnh không thay đổi thói quen sống có hại để điều chỉnh tình trạng đề kháng insulin và đường huyết cứ tiếp tục tăng cao.
  • Cholesterol máu cao và tăng huyết áp trong hội chứng chuyển hóa sẽ góp phần tạo nên mảng xơ vữa trong thành động mạch, mảng xơ vữa này làm cho động mạch bị cứng lên và hẹp lại dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ não,...
Đối tượng nào có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim?
Nhồi máu cơ tim là tai biến nguy hiểm ở bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa

6. Phòng bệnh

Mục đích của dự phòng hội chứng chuyển hóa là giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường týp 2. Bệnh nhân cần được nghe tư vấn từ bác sĩ về việc thay đổi lối sống, tái khám theo định kỳ, dùng các thuốc điều chỉnh yếu tố nguy cơ. Việc can thiệp để điều chỉnh các thói quen có hại cho sức khỏe bao gồm:

  • Giảm cân nặng để đạt được cân nặng lý tưởng (BMI 18,5 - 22,9kg/m2). Đặc biệt chú trọng việc giảm vòng bụng ở cả nam và nữ, giảm cân từ từ hợp lý
  • Tăng cường hoạt động thể lực, với đích cần đạt là phải hoạt động thể lực mức độ vừa phải ít nhất 30 phút như chạy bộ, đạp xe, đi bộ mỗi ngày
  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh. Hạn chế mỡ động vật thay bằng mỡ thực vật, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, nội tạng động vật,...tăng cường rau xanh, hoa quả, các loại hạt như đậu, đỗ,...
  • Ngừng hút thuốc lá. Thuốc lá làm tăng đề kháng insulin.
  • Hạn chế uống rượu bia, cà phê, tránh các căng thẳng stress
  • Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, không dùng các đồ uống chứa nhiều đường tinh chế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan