Các giai đoạn của bệnh võng mạc tiểu đường

Việc tìm hiểu kỹ lưỡng về những nguy cơ cũng như giai đoạn tiến triển của bệnh võng mạc tiểu đường sẽ giúp bạn sớm lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp cho bản thân trước khi chúng gây ra các biến chứng nặng nề hơn.

1. Bệnh võng mạc tiểu đường là gì?

Bệnh võng mạc tiểu đường là một tình trạng về mắt, có thể dẫn đến những thay đổi bất thường đối với các mạch máu trong võng mạc.

Võng mạc là một lớp lót nằm ở phía sau mắt, có chứa năng giúp thay đổi ánh sáng thành hình ảnh. Khi bị võng mạc tiểu đường, các mạch máu trong mắt sẽ sưng lên, gây rò rỉ chất lỏng hoặc chảy máu, dẫn đến những thay đổi nguy hiểm về thị lực, thậm chí gây mù loà. Bệnh võng mạc tiểu đường thường ảnh hưởng đến cả 2 bên mắt, làm suy giảm thị lực nghiêm trọng. Nếu không được điều trị sớm, căn bệnh này có thể để lại sẹo và làm hỏng võng mạc của người bệnh.

Hiện nay, võng mạc tiểu đường được xem là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực cho những người mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân, dấu hiệu, cũng như cách mà nó phát triển thành 1 vấn đề nghiêm trọng về mắt, để cách ngăn ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.

2. Các triệu chứng phổ biến của bệnh võng mạc tiểu đường

Trong giai đoạn đầu, bệnh võng mạc tiểu đường thường không có bất kỳ dấu hiệu đáng chú ý nào. Tuy nhiên, khi ở mức độ nghiêm trọng, bệnh có thể gây ra một số triệu chứng phổ biến như:

  • Mờ mắt;
  • Không thể nhìn thấy màu sắc, suy giảm thị lực;
  • Bị mất thị lực trung tâm;
  • Có lỗ hoặc điểm đen trong tầm nhìn của bạn;
  • Xuất hiện những đốm nổi trong tầm nhìn của bạn.

3. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh võng mạc tiểu đường?

Nguyên nhân dẫn đến võng mạc tiểu đường bắt đầu từ lúc mức đường huyết của bạn tăng quá cao trong một thời gian dài, làm ngăn chặn các mạch máu nhỏ bảo vệ võng mạc của mắt. Lúc này, mắt sẽ phải cố gắng phát triển ra các mạch máu mới, nhưng những mạch máu này phát triển bất thường và bắt đầu yếu đi, chúng có thể làm rò rỉ máu và các chất lỏng vào võng mạc của bạn, gây ra biến chứng mắt của bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, võng mạc tiểu đường còn có thể dẫn đến một tình trạng khác được gọi là phù hoàng điểm. Khi phù hoàng điểm trở nên nghiêm trọng sẽ kéo theo nhiều mạch máu bị tắc nghẽn hơn. Mô sẹo bắt đầu hình thành do các mạch máu mới trong mắt đã phát triển. Áp lực tăng thêm này có thể khiến cho võng mạc bị rách hoặc bong ra, làm gia tăng nguy cơ mù lòa ở người bệnh võng mạc tiểu đường.

Bất kỳ dạng bệnh tiểu đường nào, bao gồm tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ đều có thể làm phát triển thành biến chứng mắt của bệnh tiểu đường. Rủi ro mắc bệnh sẽ tăng lên khi tình trạng tiểu đường đã kéo dài trong nhiều năm.

Một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh võng mạc tiểu đường bao gồm:

  • Mức cholesterol cao trong máu;
  • Huyết áp cao;
  • Hút thuốc lá thường xuyên;
  • Là người Tây Ban Nha, Mỹ gốc Phi hoặc người Mỹ bản địa.
Võng mạc tiểu đường
Võng mạc tiểu đường được xem là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực cho những người mắc bệnh tiểu đường

4. Bệnh võng mạc tiểu đường có mấy giai đoạn?

Bệnh võng mạc tiểu đường được chia thành 4 giai đoạn chính, bao gồm:

4.1 Giai đoạn 1: Bệnh võng mạc không tăng sinh nhẹ

Đây là giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường, hay còn được gọi là bệnh võng mạc nền. Trong giai đoạn này, các mạch máu trong võng mạc đã xuất hiện một số chỗ phồng nhỏ. Các khối phồng này được gọi là phình mao mạch, có thể khiến cho các mạch máu rò rỉ một lượng máu nhỏ vào trong võng mạc.

Ở giai đoạn đầu tiên, bệnh nhân có thể không gặp phải bất kỳ vấn đề nào về thị lực, do đó chưa cần phải điều trị bệnh. Tuy nhiên, mỗi người vẫn nên trao đổi với bác sĩ về các biện pháp giúp giữ cho tình trạng võng mạc tiểu đường không trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời, tích cực kiểm soát mức huyết áp, lượng đường trong máu và mức cholesterol của mình.

Lên kế hoạch kiểm tra tầm soát bệnh trong 12 tháng là việc bắt buộc phải làm. Nếu tình trạng tiến triển ở cả 2 bên mắt, người bệnh sẽ có khoảng 25% nguy cơ tiến triển sang giai đoạn thứ 3 của bệnh trong vòng 3 năm tới.

4.2 Giai đoạn 2: Bệnh võng mạc không tăng sinh vừa phải

Giai đoạn thứ hai còn được gọi là bệnh võng mạc tiền tăng sinh. Trong giai đoạn này, các mạch máu trong võng mạc bị sưng lên và không thể mang máu hiệu quả như trước đây. Điều này có thể gây ra những thay đổi vật lý đối với võng mạc và gây ra tình trạng phù hoàng điểm do tiểu đường (DME).

Theo nghiên cứu, một nửa số người mắc bệnh võng mạc tiểu đường sẽ bị phù hoàng điểm, nó có thể xảy ra trong bất cứ giai đoạn nào, nhưng nguy cơ nhiều khi tình trạng bệnh võng mạc tiểu đường ngày càng tiến triển.

Ở giai đoạn võng mạc tiền tăng sinh cũng đồng nghĩa với khả năng bệnh sẽ ảnh hưởng đến thị lực nhiều hơn. Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh đi kiểm tra mắt từ 3 – 6 tháng một lần.

4.3 Giai đoạn 3: Bệnh võng mạc không tăng sinh nặng

Giai đoạn này còn được gọi là bệnh võng mạc tăng sinh. Khi đó, các mạch máu sẽ trở nên tắc nghẽn nhiều hơn trước, làm cho lượng máu đến võng mạc cũng ít hơn và làm hình thành nên các mô sẹo. Việc thiếu máu sẽ kích hoạt các tín hiệu đến võng mạc để tạo ra các mạch máu mới. Nếu những mạch máu bị đóng hoàn toàn sẽ dẫn đến một tình trạng được gọi là thiếu máu cục bộ điểm vàng. Điều này có thể khiến cho tầm nhìn của người bệnh bị mờ và xuất hiện các điểm tối, hay còn gọi là hiện tượng ruồi bay trước mắt.

Ở giai đoạn thứ 3, người bệnh sẽ có nguy cơ rất cao bị mất thị lực 1 phần. Việc điều trị kịp thời vào lúc này sẽ giúp ngăn chặn được tình trạng mất thị lực toàn bộ. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, 1 phần thị lực bị mất đi sẽ không thể phục hồi được nữa.

4.4 Giai đoạn 4: Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh (PDR)

Đây là giai đoạn tiến triển nhất của bệnh, các mạch máu mới phát triển trong võng mạc và tạo thành những chất lỏng giống như gel, lấp đầy mắt. Sự tăng trưởng này được gọi là tân mạch (neovascularization – những mạch máu mới phát triển). Các tân mạch này thường rất mỏng và yếu, có thể bị chảy máu và tạo thành các mô sẹo. Khi các mô sẹo bắt đầu hình thành, nó có thể kéo theo võng mạc ra khỏi mô bên dưới mắt của người bệnh, dẫn đến bong võng mạc. Tình trạng này có thể gây mất vĩnh viễn cả thị lực nhìn thẳng và nhìn nghiêng (mù vĩnh viễn).

5. Chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường

Để chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường, bác sĩ sẽ tiến hành khám mắt để kiểm tra khả năng nhìn của người bệnh ở các khoảng cách khác nhau. Đồng thời, có thể kiểm tra áp suất bên trong mắt và cho người bệnh sử dụng thuốc nhỏ mắt giúp giãn đồng tử để tìm kiếm những thay đổi bất thường trong các mạch máu và xem có mạch máu mới nào phát triển hay không, kiểm tra xem liệu võng mạc có bị sưng hay bong ra không?

Bên cạnh việc khám mắt, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thực hiện chụp cắt lớp quang học (OCT). Phương pháp này sẽ sử dụng các sóng ánh sáng để chụp hình ảnh bên trong mắt và tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh.

Xét nghiệm cuối cùng để chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường là chụp mạch huỳnh quang. Kỹ thuật này sẽ giúp phát hiện ra tình trạng phù hoàng điểm do tiểu đường (DME) hoặc biến chứng mắt của bệnh tiểu đường nặng. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc nhuộm vào tĩnh mạch của người bệnh (thường là ở cánh tay), sau đó thuốc nhuộm sẽ đi đến mắt và bác sĩ có thể nhìn thấy hình ảnh của các mạch máu trong võng mạc, từ đó giúp phát hiện được các vết rò rỉ và tổn thương ở mắt.

võng mạc tiểu đường
Giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường còn được gọi là bệnh võng mạc nền

6. Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường

Việc điều trị bệnh võng mạc tiểu đường thường căn cứ vào mức độ và tình trạng sức khỏe ở người bệnh, một số phương pháp có thể chỉ định bao gồm:

  • Liệu pháp kháng VEGF: Đây là liệu pháp sử dụng thuốc để ngăn chặn các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF), giúp đảo ngược sự phát triển của các mạch máu và giảm tích tụ chất lỏng trong võng mạc của người bệnh. Các loại thuốc kháng VEGF thường dùng trong điều trị bệnh võng mạc tiểu đường bao gồm: Bevacizumab (Avastin), aflibercept (Eylea) và ranibizumab (Lucentis).
  • Phẫu thuật laser: Các tia laser có thể tạo ra những vết bỏng nhỏ trên các vùng mạch máu bị rò rỉ ở điểm vàng của mắt. Người bệnh võng mạc tiểu đường có thể cần phải sử dụng liệu pháp kháng VEGF sau khi thực hiện phẫu thuật này.
  • Phẫu thuật laser phân tán: Phương pháp điều trị này có thể tạo ra tới 2.000 vết bỏng nhỏ để điều trị cho những điểm mà võng mạc đã tách ra khỏi hoàng điểm. Phương pháp phẫu thuật laser phân tán có thể giúp thu nhỏ các mạch máu bất thường trong võng mạc và cứu được vùng thị lực trung tâm của người bệnh võng mạc tiểu đường. Việc điều trị này thường đạt được hiệu quả cao nhất nếu người bệnh thực hiện nó trước khi các tân mạch bắt đầu chảy máu.
  • Sử dụng thuốc corticoid: Các bác sĩ chuyên khoa có thể cấy hoặc tiêm các loại thuốc corticoid ngắn hạn và dài hạn vào mắt của người bệnh võng mạc tiểu đường để điều trị. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đục thuỷ tinh thể và tăng nhãn áp, do đó cần phải theo dõi áp lực trong mắt thường xuyên khi sử dụng thuốc.
  • Loại bỏ dịch kính trong mắt: Người bệnh sẽ cần phải thực hiện loại bỏ dịch kính (pha lê thể) trong mắt nếu các mạch máu rò rỉ vào võng mạc và thuỷ tinh thể. Thủ thuật này sẽ p loại bỏ máu bị rò rỉ vào võng mạc, giúp người bệnh nhìn rõ hơn, đồng thời điều trị chứng mờ mắt hiệu quả.

7. Phòng ngừa bệnh võng mạc tiểu đường

Để ngăn ngừa và làm chậm sự tiến triển của bệnh võng mạc tiểu đường, người bệnh cần

  • Đi khám bác sĩ nhãn khoa ít nhất mỗi năm 1 lần để kiểm tra mắt toàn diện;
  • Nếu bị tiểu đường và đang mang thai, nên đi kiểm tra mắt thường xuyên trong 3 tháng đầu thai kỳ;
  • Không hút thuốc lá nếu đang mắc bệnh tiểu đường hoặc võng mạc tiểu đường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: modernod.com, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

232 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan