Các loại xét nghiệm miễn dịch thường dùng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Thị Hồng Khang - Bác sĩ Giải phẫu bệnh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Xét nghiệm miễn dịch là 1 trong những bước thường quy cần phải làm trong quá trình khám bệnh. Việc thực hiện xét nghiệm miễn dịch sẽ giúp đánh giá đúng hơn về tình hình sức khỏe của mỗi người, từ đó có phương hướng điều trị bệnh lý thích hợp.

1. Xét nghiệm miễn dịch là gì?

Một số chất hay tác nhân gây bệnh trong cơ thể có thể được phát hiện với sự giúp đỡ của xét nghiệm miễn dịch. Khi cơ thể bị nhiễm các tác nhân gây bệnh hay những gì mà cơ thể cho là vật lạ (gọi là kháng nguyên) thì hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tự sinh ra các kháng thể tương ứng để chống lại các kháng nguyên ấy.

Xét nghiệm miễn dịch là các xét nghiệm dựa vào tình trạng miễn dịch của cơ thể để tìm ra các căn nguyên như nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virus), hormone, sắc tố hemoglobin trong máu,... từ đó giúp chẩn đoán được các bệnh khác nhau dựa vào kết quả của phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể tổng hợp.

Hiện nay có các loại xét nghiệm miễn dịch khác nhau với các mục đích và kết quả chẩn đoán bệnh khác nhau như: thử thai, tầm soát ung thư tiêu hóa, chẩn đoán tình trạng dị ứng, xét nghiệm nước tiểu,...

Điện giải đồ nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện bệnh lý

2. Các loại xét nghiệm miễn dịch

Hiện nay các loại xét nghiệm miễn dịch phổ biến đang được sử dụng là:

2.1. Tầm soát ung thư tiêu hóa

Tầm soát ung thư đường tiêu hóa là phương pháp giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó đưa ra những biện pháp điều trị kịp thời và giúp người bệnh có cơ hội chữa bệnh và kéo dài sự sống cao hơn.

Xét nghiệm miễn dịch giúp tìm kiếm sắc tố hemoglobin có trong máu, báo hiệu có máu trong phân. Máu hiện diện trong phân có thể do nhiều nguyên nhân như bệnh trĩ, polyp thậm chí là ung thư ruột. Một số đối tượng nên thực hiện tầm soát ung thư đường tiêu hóa sớm bao gồm:

2.2. Xét nghiệm dị ứng

Dị ứng là một phản ứng “thái quá” của hệ miễn dịch trước những tác nhân từ môi trường, biểu hiện ở các triệu chứng như chảy nước mắt, nước mũi, hắt hơi,...

Người ta dựa vào các con đường có thể gây ra dị ứng như qua hô hấp (phấn hoa, khói bụi...), qua đường tiêu hóa (hải sản, đậu nành, đậu phộng,...), qua tiếp xúc (phát ban, ngứa ngáy,...) để tìm ra các phương pháp xét nghiệm dị ứng như xét nghiệm máu, qua thức ăn và xét nghiệm da,...

2.3. Thử thai

Que thử thai là một dụng cụ hữu ích để xác định chính xác bạn đã mang thai hay chưa. Que thử thai giúp phát hiện ra hormone thai kỳ HCG có trong nước tiểu. Nếu que hiện 2 vạch nghĩa là bạn đã mang thai, ngược lại que chỉ hiện 1 vạch tức là vẫn chưa mang thai. Cơ chế là do các kháng thể trong que thử có phản ứng gắn kết với kháng nguyên là bêta HCG (có trong nước tiểu của phụ nữ có thai) khi đến vạch thứ nhất sẽ làm đổi màu lần 1, các kháng thể còn lại không gắn được với bêta HCG khi đến vạch thứ 2 sẽ làm đổi màu lần 2. Vì vậy khi có thai sẽ hiện 2 vạch. Trường hợp không có thai, tức không có bêta HCG trong nước tiểu, sẽ không có phản ứng gắn kết giữa kháng nguyên bêta HCG trong nước tiểu và kháng thể trong que thử, sẽ chỉ làm đổi màu 1 lần nên que hiện lên chỉ 1 vạch.

Xét nghiệm da tuberculin - lao
Xét nghiệm dị ứng qua da được sử dụng khá phổ biến

2.4. Nhận diện tác nhân gây nhiễm khuẩn:

Xét nghiệm miễn dịch cũng được sử dụng để phát hiện tác nhân virus như HPV, HIV, viêm gan C, Streptococcus (gây viêm amidan). Việc tìm ra chính xác loại vi trùng gây bệnh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị đạt được hiệu quả.

Ngoài ra trong một số trường hợp, phụ nữ mang thai cũng được chỉ định xét nghiệm miễn dịch để xác định có bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma Gondii hay không.

2.5. Xét nghiệm chẩn đoán nhồi máu cơ tim và huyết khối

Nếu bị nhồi máu cơ tim hoặc bị huyết khối, một số protein đặc hiệu trong cơ thể sẽ tăng lên và các loại xét nghiệm miễn dịch được thực hiện để phát hiện các loại protein đó.

2.6. Xét nghiệm nước tiểu

Sự có mặt của đường, protein, máu hoặc tế bào viêm trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tổn thương vùng thận. Những dấu hiệu trên có thể xác định thông qua thực hiện xét nghiệm miễn dịch.

2.7. Thử nhanh các loại thuốc kích thích

Các xét nghiệm miễn dịch có thể giúp xác định một người có đang sử dụng các loại chất kích thích như doping, cần sa, morphin, cocain, thuốc lắc, ma túy tổng hợp gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương hay không.

Ngoài các loại xét nghiệm miễn dịch đã nêu trên, xét nghiệm miễn dịch còn được sử dụng để đánh giá các vấn đề khác như phát hiện các chất độc, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm...sẽ được khuyến cáo trong các trường hợp khác nhau.

Xét nghiệm sốt xuất huyết có cần nhịn ăn không
Xét nghiệm đánh giá tình trạng miễn dịch của cơ thể

3. Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm miễn dịch

Xét nghiệm miễn dịch là một trong những phương pháp giúp chẩn đoán các bệnh thường quy tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên trước khi thực hiện xét nghiệm miễn dịch, cần lưu ý một số việc:

  • Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn để chuẩn bị cho xét nghiệm miễn dịch của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên (ví dụ: nhịn ăn trong vài giờ trước xét nghiệm hoặc nhịn qua đêm, tăng giảm số lượng nước uống trong 10-12 giờ trước giờ xét nghiệm,...để không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm).
  • Khi thực hiện các xét nghiệm miễn dịch, nên trả lời thành thật mọi câu hỏi của bác sĩ như bệnh sử, thói quen, lượng thuốc lá hay hút, bia rượu hay uống và các chất cấm mà bạn sử dụng.
  • Báo cho bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào (bao gồm các thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng, thuốc từ thảo dược) mà bạn đang sử dụng. Và tốt nhất nên thông báo cả về thời gian bạn sử dụng thuốc (thuốc chống đông máu, thuốc chống động kinh,...) để đảm bảo không làm sai lệch kết quả chẩn đoán bệnh của bạn.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: