Các tai biến của truyền máu khối lượng lớn

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ánh Hiền - Bác sĩ Gây mê Giảm đau - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Truyền máu là quá trình nhận máu hoặc các sản phẩm máu vào hệ tuần hoàn theo đường tĩnh mạch để thay thế các thành phần máu bị mất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn có thể xảy ra những tai biến khi truyền máu.

1. Truyền máu khối lượng lớn là gì?

Truyền máu khối lượng lớn là truyền thể tích máu lớn trong một thời gian ngắn ở một bệnh nhân xuất huyết nặng hoặc không kiểm soát được.

Ở người lớn:

  • Truyền một lượng máu tương đương với thể tích máu của bệnh nhân trong vòng 24 giờ hoặc truyền hơn 10 đơn vị hồng cầu lắng trong 24 giờ.
  • Truyền từ 4 đơn vị hồng cầu lắng trong 1 giờ và dự đoán cần truyền máu tiếp tục.
  • Thay thế hơn 50% tổng thể tích máu của bệnh nhân trong 3 giờ

Ở trẻ em:

  • Truyền trên 100% thể tích máu toàn bộ trong 24 giờ.
  • Truyền máu hỗ trợ để thay thế lượng máu tiếp tục mất trên 10% tổng thể tích máu toàn bộ/phút.
  • Truyền trên 50% thể tích máu toàn bộ của bệnh nhân trong 3 giờ

Lợi ích truyền máu là duy trì sự tưới máu và cung cấp oxy đến các mô. Truyền máu khối lượng lớn còn hỗ trợ hồi sức các trường hợp sốc mất máu nặng gây tụt huyết áp, các phẫu thuật khẩn cấp để khống chế tổn thương, điều trị nâng đỡ tránh suy đa các cơ quan.

Truyền máu là vấn đề cần thiết đảm bảo sự sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể gây nhiều biến chứng truyền máu nguy hiểm, nếu không được thực hiện đúng và kiểm soát kịp thời. Các tai biến, biến chứng truyền máu khối lượng lớn có thể xảy ra như: tan máu cấp do bất đồng nhóm máu, dị ứng- phản vệ, nhiễm trùng,...

Truyền máu là gì

2. Những tai biến khi truyền máu khối lượng lớn

Trong khi truyền máu khối lượng lớn, các nguy cơ có thể xảy ra cần điều chỉnh chính bao gồm:

2.1. Quá tải tuần hoàn

Nguyên nhân là do truyền một khối lượng lớn máu với tốc độ nhanh gây ra quá tải tuần hoàn, nhất là trên nhóm bệnh nhân có bệnh tim phổi trước đó.

Dự phòng:

  • Tính toán lượng máu cần truyền hợp lý.
  • Theo dõi lưu lượng nước tiểu và áp lực tĩnh mạch trung tâm
  • Điều chỉnh theo xét nghiệm công thức máu.

2.2 Rối loạn đông máu

Nguyên nhân:

  • Bệnh nhân mất máu, làm giảm, thiếu các yếu tố đông máu nội sinh, thiếu tiểu cầu.
  • Thiếu yếu tố đông máu xảy ra khi truyền máu khối lượng lớn vì máu dự trữ chứa ít yếu tố đông máu, đặc biệt là yếu tố V, VIII.

Dự phòng:

  • Xét nghiệm đông máu cơ bản: APTT, PT, Fibrinogen.
  • Xét nghiệm ROTEM (Rotation Thrombo ElastoMetry) được chỉ định rộng rãi trong các trường hợp truyền máu khối lượng lớn nhằm điều trị đích, điều chỉnh các thiếu hụt yếu tố đông máu bằng: thuốc cầm máu transamic, huyết tương tươi, tiểu cầu, tủa lạnh

2.3. Rối loạn toan kiềm

Nguyên nhân là do tình trạng mất máu kéo dài làm thiếu hụt hồng cầu vận chuyển oxy tới các mô và cơ quan, giảm oxy máu tổ chức, hình thành quá trình chuyển hóa yếm khí, gây nhiễm toan máu.

Dự phòng:

  • Điều chỉnh sớm tình trạng toan chuyển hóa bằng Nabicarbonat.
  • Phát hiện tổn thương lồng ngực, phổi kết hợp, thông khí cơ học phù hợp.

2.4. Rối loạn thân nhiệt

Nguyên nhân: Hồng cầu lắng được dự trữ ở 4 độ C, tiểu cầu ở 20-24 độ C, huyết tương tươi đông lạnh ở -18 độ C

Dự phòng:

  • Làm ấm máu bằng cách truyền máu cùng nước muối sinh lý ấm (39-43 độ C) để vừa làm ấm, vừa pha loãng máu.
  • Ủ ấm bệnh nhân: máy thổi khí nóng, chăn bạc,...
Biến chứng truyền máu
Rối loạn thân nhiệt là một biến chứng truyền máu

2.5. Rối loạn điện giải

Nguyên nhân gây rối loạn điện giải là do:

  • Giảm Calci do tác dụng phụ của chất chống đông Citrate. Khi truyền một lượng máu lớn trong thời gian ngắn, canxi gắn nhiều với citrat làm giảm đáng kể lượng ion canxi máu. Dấu hiệu nhiễm độc citrat chính là những dấu hiệu của hạ canxi máu. Hạ canxi máu nặng trên lâm sàng gây ức chế tim: Hạ huyết áp, mạch yếu, áp lực cuối tâm trương trong tâm thất và áp lực tĩnh mạch trung tâm tăng.
  • Tăng kali máu do tăng kali trong máu truyền vào sau quá trình bảo quản, hiện tượng vỡ hồng cầu, giải phóng kali ra túi máu.

Dự phòng

  • Bù calci clorid hoặc calci gluconate nếu có giảm calci. Thường trên lâm sàng nên dùng clorua canxi hơn vì khi dùng gluconat canxi, gan phải chuyển hóa gluconat trước
  • Theo dõi lượng kali trong truyền máu khối lượng lớn. Điều trị thải kali nếu cần

Để đảm bảo an toàn, tránh các tai biến xảy ra do truyền máu, phải tuân thủ đúng chỉ định, nguyên tắc truyền máu và theo dõi sát bệnh nhân trong quá trình truyền máu. Nguyên tắc lựa chọn máu và các sản phẩm máu trong truyền máu khối lượng lớn:

  • Đảm bảo tối ưu về phù hợp nhóm máu ABO và Rh giữa người cho và người nhận, thực hiện chứng nghiệm phù hợp trên từng đơn vị máu truyền.
  • Trường hợp không có máu đồng nhóm có thể sử dụng máu nhóm O có hiệu giá kháng thể thấp còn gọi là máu O không nguy hiểm để truyền cho bệnh nhân có nhóm máu A, B; hoặc sử dụng máu nhóm A hay máu nhóm B để truyền cho bệnh nhân có nhóm máu AB hoặc khối hồng cầu nhóm O để truyền cho bệnh nhân có nhóm máu A, B, AB.
  • Nếu đã sử dụng máu toàn phần khác nhóm để truyền cho bệnh nhân và không có khối hồng cầu nhóm O thì phải tìm mọi cách đảm bảo nhóm máu đó suốt thời gian cấp cứu cho bệnh nhân.
  • Máu truyền phải được đảm bảo ở nhiệt độ 370C bằng các phương tiện ủ ấm máu.
  • Máu sử dụng trong truyền máu khối lượng lớn cần phải được lưu trữ trong vòng 72 giờ hoặc không quá 5 ngày là tốt nhất.

Truyền máu khối lượng lớn là truyền thể tích máu lớn trong một thời gian ngắn ở một bệnh nhân xuất huyết nặng hoặc không kiểm soát được. Để tránh những tai biến khi truyền máu bệnh nhân nên chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan