Các thói quen khiến bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) tốt lên hoặc xấu đi

Bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) thường khiến bạn cảm thấy khó tập trung và không có động lực để làm một nhiệm vụ nào đó. Một số thói quen hàng ngày có thể giúp bạn phần nào cải thiện được các triệu chứng của bệnh ADHD, tuy nhiên cũng có những thói quen gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng bệnh.

1. Tổng quan về bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD)

Bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) là một tình trạng về sức khỏe với các triệu chứng điển hình như bốc đồng, không chú ý và tăng động. Trước đây, bệnh ADHD được gọi chung là ADD (chứng rối loạn thiếu tập trung). Cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD), nhưng hầu hết các triệu chứng của bệnh đều bắt đầu ngay từ thời thơ ấu. Đối với người lớn mắc bệnh ADHD có thể gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian, đặt mục tiêu và sắp xếp công việc trong cuộc sống thường ngày.

2.Những thói quen giúp cải thiện bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD)

Dưới đây là một số thói quen nhỏ nhưng có thể giúp bạn cải thiện đáng kể được bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý của mình, bao gồm:

2.1. Thấu hiểu bản thân

Những người mắc bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể biết được bản thân mình thực sự đang gặp phải vấn đề phiền phức nào thông qua việc tự đặt và trả lời một số câu hỏi sau đây:

  • Thời điểm hoặc vị trí nào giúp bạn hoàn thành tốt nhất công việc của mình?
  • Bạn thường cảm thấy tỉnh táo và tràn đầy năng lượng nhất vào buổi sáng hay ngay sau bữa trưa?
  • Liệu tiếng ồn xung quanh có khiến bạn bị phân tâm hay giúp tập trung hơn?
  • Làm việc chung với những người khác giúp bạn có động lực hoàn thành công việc hơn hay khiến bạn khó tập trung hơn?

Nếu bạn là người dễ bị phân tâm và cảm thấy khó tập trung trong công việc cũng như bất kỳ hoạt động thường ngày khác, bạn cần cố gắng loại bỏ những yếu tố gây phiền nhiễu bằng các cách như mua tai nghe khử tiếng ồn, dọn dẹp bàn làm việc bừa bộn và không sử dụng mạng xã hội quá thường xuyên.

2.2. Học cách nói “không”

Những người mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý không cần phải cố gắng gồng mình chấp nhận thực hiện tất cả mọi nhiệm vụ từ dễ đến khó. Bạn càng đảm nhận nhiều việc cùng một lúc sẽ khiến cho kết quả càng trở nên tệ hại. Thay vào đó, bạn nên thiết lập danh sách những việc ưu tiên và cắt giảm “việc cần làm” thành “việc phải làm” sẽ giúp xóa bỏ được sự lộn xộn về tinh thần, đồng thời giúp tập trung hơn vào việc quan trọng nhất.

2.3. Cho bản thân thêm thời gian

Một số nhiệm vụ đối với người mắc bệnh ADHD sẽ cần mất nhiều thời gian hơn. Dù là việc gì đi chăng nữa, bạn cũng không nên cố gắng hoàn thành chúng một cách vội vàng. Thay vào đó, hãy cho bản thân mình thêm một chút thời gian để có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Các thói quen khiến bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) tốt lên hoặc xấu đi
Một số nhiệm vụ đối với người mắc bệnh ADHD sẽ cần mất nhiều thời gian hơn

2.4.Thực hiện nhiệm vụ từng bước một

Việc tạo ra một sự thay đổi lớn hoặc bắt đầu một nhiệm vụ phức tạp có thể gây ra một số khó khăn cho những người mắc bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD). Đôi khi, bạn nên bỏ qua một việc trong danh sách những nhiệm vụ cần làm sẽ tiếp thêm động lực giúp bạn tiếp tục tiến lên và hoàn thành công việc được giao.

Ngoài ra, bạn cũng có thể chia một nhiệm vụ lớn thành các phần nhỏ hơn nhằm làm giảm bớt áp lực và giúp thực hiện chúng tốt hơn. Những người mắc bệnh ADHD cũng nên áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh hơn với những công thức nấu ăn mới mẻ vào mỗi tuần. Thêm vào đó, bạn cũng cần sắp xếp và dọn dẹp nơi học tập cũng như làm việc gọn gàng và ngăn nắp hơn, giúp tạo một không gian thoải mái cho tinh thần.

2.5. Tận dụng các công cụ giúp lập kế hoạch

Thực tế cho thấy, việc ghi nhớ các cuộc hẹn và những điều cần làm trong đầu là một điều khá khó khăn đối với những người mắc chứng bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Bạn nên vận dụng những công cụ giúp lên kế hoạch cụ thể, chẳng hạn như ứng dụng trên điện thoại hoặc đơn giản là sổ tay ghi chép. Những công cụ này sẽ giúp bạn không phải cố gắng ghi nhớ tất cả những nhiệm vụ trong một ngày hoặc một tuần. Tốt nhất, bạn nên dành một chút thời gian vào đầu buổi của ngày mới để cập nhật lịch, sắp xếp lịch trình và thiết lập các công việc cần ưu tiên.

2.6. Nghĩ đến thành tựu mà bản thân sẽ đạt được

Đôi khi, việc hoàn thành một nhiệm vụ sẽ giúp bạn có được thành tựu ngay lập tức. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc duy trì ý chí và nghị lực của bản thân, hãy cố gắng hình dung ra kết quả mà mình mong muốn. Điều này sẽ tiếp thêm “sức mạnh”, giúp bạn vượt qua nhiệm vụ dễ dàng hơn.

3. Những thói quen ảnh hưởng xấu tới bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD)

Bên cạnh những thói quen tích cực giúp cải thiện bệnh ADHD, một vài thói quen sau đây có thể gây ảnh hưởng xấu tới những người mắc phải tình trạng này, bao gồm:

3.1. Đặt kỳ vọng quá cao vào bản thân

Nhiều người mắc bệnh ADHD có tính cầu toàn, nhưng thực tế không phải công việc nào cũng cần hoàn thành một cách hoàn hảo. Nếu bạn bị cuốn vào công việc và đang cố gắng làm cho mọi thứ trở nên hoàn mỹ hơn, khả năng cao bạn sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Tốt nhất, bạn nên cho phép bản thân thực hiện và hoàn thành công việc ở mức đủ tốt và tiếp tục duy trì chúng, tránh đặt kỳ vọng quá cao sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng thất vọng khi không đạt được điều mà mình mong muốn.

3.2. Bỏ bữa sáng

Việc bỏ bữa sáng có thể khiến cho các triệu chứng của bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) trở nên tồi tệ hơn. Bữa sáng có thể giúp bạn xử lý các tình huống xã hội một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, nó cũng giúp người mắc bệnh ADHD suy nghĩ và giữ được độ tập trung lâu hơn trong công việc vào đầu ngày.

Ngay cả khi việc sử dụng thuốc ADHD khiến bạn cảm thấy không muốn ăn sáng, bạn vẫn nên cố gắng ăn một chút gì đó, chẳng hạn như một quả trứng luộc hoặc một hộp sữa chua.

Các thói quen khiến bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) tốt lên hoặc xấu đi
Việc bỏ bữa sáng có thể khiến cho các triệu chứng của bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) trở nên tồi tệ hơn

3.3. Sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều

Việc sử dụng các thiết bị điện tử quá mức có thể khiến cho các triệu chứng của tăng động giảm chú ý (ADHD) trở nên trầm trọng hơn. Hơn nữa, thời gian sử dụng máy tính hoặc điện thoại trước khi đi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.

3.4. Mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực

Những suy nghĩ tiêu cực có thể khiến cho người mắc bệnh ADHD cảm thấy lo lắng và tuyệt vọng hơn về mục tiêu của mình. Khi bạn bắt đầu nghĩ những điều tiêu cực như “tôi sẽ không bao giờ làm được công việc này “ hoặc “tôi không thể hoàn thành được bất cứ việc gì”, hãy thử đưa ra một suy nghĩ tích cực hơn rằng bạn hoàn toàn có khả năng làm tốt các nhiệm vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan