CÁC THỤ CẢM ĐAU LÀ GÌ? VÌ SAO BẠN CÓ CẢM GIÁC ĐAU?

Đau có vai trò sinh lý "tích cực" vì cung cấp một cảnh báo tổn thương mô, làm bệnh nhân cũng như phần chi thể bị đau bất động để phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, đau gây ra rất nhiều ảnh hưởng bất lợi cho quá trình phục hồi của người bệnh, vậy, cơ chế cảm nhận và phản ứng đau là gì?

1. Thụ cảm đau là gì?

Các thụ thể cảm giác đau, còn được gọi là cơ quan thụ cảm, là một nhóm các tế bào thần kinh cảm giác với các đầu dây thần kinh chuyên biệt phân bố rộng rãi trong da, các mô sâu (bao gồm cả cơ và khớp) và hầu hết các cơ quan nội tạng. Chúng phản ứng với chấn thương mô hoặc các kích thích có khả năng gây tổn hại bằng cách gửi các tín hiệu thần kinh đến tủy sống và não để bắt đầu quá trình cảm nhận cơn đau. Cơ quan thụ cảm được trang bị các cảm biến phân tử cụ thể, giúp phát hiện nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh và một số hóa chất có hại. Cơ quan thụ cảm cơ học cũng có thể phản ứng với các kích thích gây tổn thương mô, chẳng hạn như véo da hoặc căng cơ quá mức. Các nhà khoa học đang dần làm sáng tỏ các quá trình bên trong cơ thể dẫn đến cảm giác đau đớn khó chịu.

Dưới đây là một ví dụ về những gì xảy ra về cơn đau.

  1. Bạn chẳng may chọc ngón tay vào vật gì đó sắc nhọn. Điều này gây ra tổn thương mô, được ghi nhận bởi các thụ thể đau cực nhỏ trên da của bạn. Mỗi thụ thể đau tạo thành một đầu của tế bào thần kinh (nơron). Nó được kết nối với đầu kia của tủy sống bằng một sợi thần kinh dài hoặc sợi trục. Khi thụ thể đau bị kích hoạt, nó sẽ gửi tín hiệu điện lên sợi thần kinh.
  2. Sợi thần kinh được bó lại với nhiều sợi khác để tạo thành dây thần kinh ngoại vi. Tín hiệu điện đi qua nơ-ron bên trong dây thần kinh ngoại vi để đến tủy sống ở cổ.
  3. Trong một khu vực của tủy sống được gọi là sừng lưng, các tín hiệu điện được truyền từ nơron này sang nơron khác qua các điểm nối (khớp thần kinh) nhờ các chất dẫn truyền thần kinh. Các tín hiệu sau đó được truyền từ tủy sống đến não.
  4. Tại não, các tín hiệu truyền đến đồi thị. Đây là một trạm phân loại có chức năng chuyển tiếp các tín hiệu đến các phần khác nhau của não. Các tín hiệu được gửi đến vỏ não cảm giác xúc giác (chịu trách nhiệm về cảm giác thể chất), vỏ não trước (phụ trách suy nghĩ) và hệ viền (hệ limbic) (liên quan đến cảm xúc).
Tế bào nào dài nhất trong cơ thể người
Cơ quan thụ cảm là một nhóm các thế bào thần kinh cảm giác

Kết quả cuối cùng là bạn cảm thấy ngón tay có cảm giác đau nhức, và nghĩ rằng ‘Oái! Đó là gì?’ và phản ứng theo cảm xúc với nỗi đau; Ví dụ: Bạn cảm thấy khó chịu hoặc cáu kỉnh. Tuy nhiên, có thể bạn đã vô tình phản ứng ngay cả trước khi bạn ý thức được chấn thương. Khi bị đau đột ngột mạnh như thế do bạn dùng ngón tay đâm vào, một phản xạ xảy ra trong tủy sống. Tế bào thần kinh vận động được kích hoạt và các cơ của cánh tay của bạn co lại, đưa tay bạn ra khỏi vật sắc nhọn. Điều này xảy ra trong một phần của giây - trước khi tín hiệu được chuyển tiếp đến não - vì vậy bạn sẽ rút cánh tay của mình ra trước khi thậm chí còn nhận thức được cơn đau.

2. Cơn đau được kiểm soát như thế nào?

Có rất nhiều điểm trên đường truyền tín hiệu đau có thể can thiệp để kiểm soát cơn đau. Một trong số các điểm đó là sừng lưng của tủy sống. Trong khu vực này, cơ chế “cánh cổng” vừa có thể để tín hiệu đau đi qua hoặc chặn tín hiệu lại. Đây là nền tảng của lý thuyết kiểm soát đau “cánh cổng” được mô tả dưới đây.

Lý thuyết về cổng kiểm soát đau được hai nhà nghiên cứu Ronald Melzack và Patrick Wall đưa ra vào năm 1965. Họ đưa ra ý kiến rằng có một cơ chế 'cánh cổng' trong hệ thống thần kinh trung ương mở ra để cho phép tín hiệu đau đi qua để đến não và đóng lại để ngăn những tín hiệu này.

Khi chúng ta cảm thấy đau, chẳng hạn như khi chúng ta chạm vào bếp nóng, các thụ thể cảm giác trên da sẽ gửi một tín hiệu qua các sợi thần kinh đến tủy sống và thân não, sau đó lên não nơi thụ lý cảm giác đau, thông tin được xử lý và chúng ta cảm nhận được nỗi đau.

Lý thuyết cánh cổng cho rằng khi những tín hiệu đau này đi vào tủy sống và hệ thống thần kinh trung ương (trước khi chúng đến não), chúng có thể được khuếch đại, giảm thiểu hoặc thậm chí bị chặn lại. Có rất nhiều lời kể về cách những người bị thương trên chiến trường hoặc trong các trò chơi thể thao không cảm thấy đau đớn vì bị thương cho đến sau đó. Điều này liên quan đến việc bộ não bận rộn làm những việc khác và đóng cổng cho đến khi nó có thể chú ý đến các tín hiệu.

Các sợi thần kinh đường kính lớn (sợi A-beta) chịu trách nhiệm truyền tín hiệu xúc giác đến não có khả năng đóng cổng đau và do đó chặn các tín hiệu từ các sợi thần kinh có đường kính nhỏ hơn khác truyền cảm giác đau. Một ví dụ khác là khi một đứa trẻ bị ngã và bị đau đầu gối - nếu bé xoa đầu gối, tín hiệu từ cảm giác chạm vào đó tạm thời chặn tín hiệu đau truyền từ đầu gối bị thương đến não.

điện não thần kinh
Não là nơi xử lý thông tin và khiến chúng ta cảm nhận được nỗi đau

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến cảm thụ đau

Cơn đau dữ dội sẽ nhanh chóng thu hút sự chú ý của bạn và thường tạo ra phản ứng thể chất mạnh hơn cơn đau nhẹ. Vị trí của cơn đau cũng có thể ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận nó. Ví dụ, cơn đau đến từ đầu khó bỏ qua hơn cơn đau bắt nguồn từ những vị trí khác trên cơ thể.

Vị trí của cơn đau trên cơ thể không phải lúc nào cũng cho biết nó đến từ đâu. Ví dụ, cơn đau do nhồi máu cơ tim có thể được cảm thấy ở cổ, hàm, cánh tay hoặc bụng. Đây được gọi là cơn đau xuất chiếu và xảy ra bởi vì các tín hiệu từ các bộ phận khác nhau của cơ thể thường hội tụ về cùng tế bào thần kinh trong tủy sống.

Lý thuyết cổng kiểm soát đau giúp giải thích cách bộ não ảnh hưởng đến cách bạn cảm thụ cơn đau. Một số yếu tố sau có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể cảm giác đau:

  • Trạng thái cảm xúc và tâm lý;
  • Ký ức về nỗi đau trước đây;
  • Giáo dục;
  • Mong đợi và thái độ đối với cơn đau;
  • Niềm tin và giá trị;
  • Tuổi tác;
  • Giới tính; và
  • Ảnh hưởng xã hội và văn hóa

4. Phân loại đau

4.1. Đau do cảm thụ thần kinh (Nociceptive pain)

Đau do cảm thụ thần kinh là đau bởi bất kỳ chấn thương nào đối với các mô cơ thể, chẳng hạn như vết cắt, vết bỏng hoặc gãy xương. Đau sau phẫu thuật và đau do ung thư là các dạng đau khác của đau cảm thụ thần kinh. Loại đau này có thể nhức nhối, buốt hoặc nhói. Cảm giác đau có thể liên tục hoặc không liên tục và có thể nặng hơn khi cử động hoặc ho, tùy thuộc vào vị trí gốc gác của cơn đau.

Trẻ ngã, trẻ đau khớp
Đau do cảm thụ thần kinh là đau bởi bất kỳ chấn thương nào đối với các mô cơ thể

4.2. Đau do nguyên nhân thần kinh (Neuropathic pain)

Nguyên nhân là do sự bất thường trong hệ thống truyền và giải thích cơn đau - vấn đề có thể là ở dây thần kinh, tủy sống hoặc não. Đau thần kinh có thể là cảm giác bỏng rát, ngứa ran, đau chói giật hoặc điện. Một dạng đau thần kinh là đau do bệnh zona - một bệnh lý da do vi rút varicella zoster gây ra. Virus gây viêm dây thần kinh và tình trạng viêm này có thể gây ra cảm giác đau nhức, ngứa ran hoặc bỏng rát liên tục ở một số người, có thể trong nhiều tháng sau khi hết phát ban zona. Những người bị đau thần kinh có thể cảm thấy đau do các kích thích mà bình thường không gây đau, chẳng hạn như chạm nhẹ hoặc lạnh. Họ cũng có thể nhạy cảm hơn bình thường với các kích thích thường gây đau đớn. Ví dụ, khi vùng bị ảnh hưởng chạm vào ga giường người bệnh cảm thấy đau và có thể cảm thấy cực kỳ đau dù chỉ bị châm kim.

Đau thần kinh có thể do nhiều quá trình khác nhau gây ra.

  • Tổn thương thực thể đối với dây thần kinh, gây ra tín hiệu bất thường.
  • Tủy sống hay não không làm giảm đau đớn xuống thành công.
  • ‘Giăng gió’. Khi tủy sống liên tục bị bắn phá bởi các thông điệp đau đến từ các sợi C, nó sẽ khuếch đại tín hiệu đau mà nó gửi đến não. Vì vậy, bạn cảm thấy đau dữ dội hơn. Đây là một thay đổi ngắn, chỉ kéo dài vài giây hoặc vài phút, nhưng nó có thể tạo ra tiền đề cho những biến đổi lâu dài hơn.
  • Sự tăng hiệu quả truyền tín hiệu tại các điểm nối (khớp thần kinh) giữa các nơron. Đây là một quá trình phức tạp có thể kéo dài trong nhiều tháng.

4.3. Đau do căn nguyên tâm lý (Psychogenic pain)

Loại đau này do yếu tố tâm lý gây ra hoặc bị khiến trở nên trầm trọng hơn. Thường thì cơn đau có nguyên nhân thực thể, nhưng mức độ đau và giảm thiểu chức năng hoạt động không tương xứng với những gì mà hầu hết những người mắc tình trạng tương tự phải trải qua. Điều này không có nghĩa là cơn đau là không có thật, ngay cả khi không tìm được nguyên nhân thực thể. Bất kỳ loại đau nào cũng có thể bị làm phức tạp hơn do yếu tố tâm lý. Các bác sĩ cũng sẽ phân biệt giữa đau cấp tính và mãn tính.

+ Đau cấp tính (Acute pain)

Đây là cơn đau ngắn ngủi cảnh báo cơ thể đang bị tổn thương. Đây là một triệu chứng của chấn thương hoặc bệnh tật ở cấp độ mô và có xu hướng tự khỏi như chấn thương hoặc bệnh tật.

Chống chỉ định thuốc với những trường hợp đau bụng chưa rõ nguyên nhân
Đau cấp tính là những cơn đau ngắn ngủi báo hiệu cơ thể đang bị tổn thương

+ Đau mãn tính (Chronic pain)

Đau mãn tính (còn được gọi là đau kéo dài) có thể do tổn thương mô liên tục, chẳng hạn như viêm xương khớp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân thực thể nào gây ra cơn đau hoặc cơn đau vẫn tồn tại rất lâu sau khi vết thương đã lành. Trong nhiều trường hợp, cơn đau mãn tính tự bản thân nó đã là một bệnh lý chứ không phải là triệu chứng của một quá trình bệnh.

Ở cấp độ tế bào, một số quá trình có thể khiến cơn đau trở thành đau mãn tính.

  • Các thụ thể đau và tế bào thần kinh dọc theo đường đau dễ bị kích thích.
  • Kết nối giữa các tế bào thần kinh trong đường dẫn có thể bị biến đổi.
  • Não và tủy sống không giảm được tín hiệu đau.
  • Các thụ thể đau (thường ở trạng thái không hoạt động) có thể bị kích hoạt do viêm.
  • Sau chấn thương dây thần kinh, dây thần kinh có thể mọc lại nhưng hoạt động không bình thường.

Đau mãn tính có thể tồn tại trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau chấn thương ban đầu và có thể khó điều trị. Những người bị đau mãn tính có thể bị mất ngủ, lo lắng và trầm cảm, tất cả đều có thể làm vấn đề thêm trầm trọng. Đau mãn tính là một lĩnh vực đang được nghiên cứu chuyên sâu, với hy vọng sẽ giúp người bệnh hạn chế được những cơn đau này trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: sciencedirect.com, mydr.com.au

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan