Các thuốc cần có khi điều trị chân tay miệng tại nhà cho trẻ

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc trưng bởi sốt, đau họng, bọng nước ở tay, chân, miệng. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng cao sức đề kháng cho bệnh nhi. Hãy cùng tìm hiểu về các thuốc điều trị chân tay miệng tại nhà trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Enterovirus (E71, E68), Coxsackievirus (B, A16) gây ra. Bệnh tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng rất dễ lây, virus lan truyền từ người này sang người khác qua nước bọt, dịch từ bọng nước, phân, dịch tiết đường hô hấp. Vì vậy, các yếu tố nguy cơ dễ lây truyền bệnh và phát thành ổ dịch là sinh hoạt tập thể như trẻ học mẫu giáo, nhà trẻ, khu vui chơi trẻ em, ..

Cho tới nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh chân tay miệng. Đa số các trường hợp thường nhẹ và tự hết sau vài ngày, một số trường hợp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Điều trị bệnh tay chân miệng chủ yếu là điều trị triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, tăng cường miễn dịch cho trẻ. Với các trường hợp nhẹ, bố mẹ và người chăm sóc trẻ có thể sử dụng thuốc điều trị chân tay miệng tại nhà như thuốc hạ sốt, thuốc sát khuẩn, bù nước và điện giải, ...

2. Bệnh tay chân miệng có triệu chứng gì?

Bệnh tay chân miệng thường khởi phát trong vòng 1 – 2 ngày sau khi nhiễm virus với triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, tiêu chảy, biếng ăn.

  • Giai đoạn toàn phát kéo dài từ 3 – 10 ngày với các triệu chứng điển hình là:
    • Loét miệng: các vết loét đỏ, phỏng nước xuất hiện ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi, đau miệng, trẻ bỏ ăn, bỏ bú, quấy khóc, tăng tiết nước bọt.
    • Phát ban dạng bọng nước: thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông và tồn tại khoảng 7 ngày sau đó để lại vết thâm.
    • Triệu chứng toàn thân: sốt nhẹ, nôn mửa. Khi trẻ sốt cao, cần chú ý các biến chứng có thể xảy ra.
  • Giai đoạn lui bệnh: 3 – 5 ngày sau giai đoạn toàn phát, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng gì.

Nếu trẻ có sốt cao kèm li bì, khó đánh thức, giật mình, co giật, run tay chân, ... thì bố mẹ không nên tiếp tục sử dụng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà mà phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị.

Các trẻ có biến chứng nặng thường do chủng EV71 gây ra, các biến chứng có thể có như:

Biến chứng về não như: viêm não, viêm màng não, viêm thân não, viêm não tủy, giật mình, ngủ gà, đi loạng choạng, run chi, rung giật nhãn cầu, mắt nhìn ngược, yếu liệt, co giật, hôn mê, ...

Biến chứng tim mạch, hô hấp: viêm cơ tim, tăng huyết áp, phù phổi cấp, suy tim, trụy mạch, có thể dẫn đến tử vong.

3. Các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà

Không có thuốc điều đặc hiệu điều trị bệnh tay chân miệng, chủ yếu là điều trị triệu chứng và đợi bệnh qua đi, có thể sử dụng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ như thuốc hạ sốt, sát khuẩn,... Trường hợp trẻ có biến chứng cần được phát hiện sớm và đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

Các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em:

  • Thuốc hạ sốt: khi trẻ sốt từ 38 độ C trở lên, bố mẹ cần sử dụng thuốc điều trị chân tay miệng tại nhà là paracetamol để hạ sốt với liều 10 – 15mg/kg cân nặng, dùng liều tiếp theo sau 4 – 6 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt cao. Với những trẻ khó uống hoặc không uống được, có thể dùng thuốc hạ sốt dạng viên đạn đặt hậu môn. Lưu ý không dùng aspirin cho trẻ bị nhiễm virus vì có thể gây ra hội chứng Reye, là một tình trạng nguy hiểm ở gan và não, có thể dẫn đến tử vong.
  • Sát khuẩn: các vết loét, bọng nước có thể nhiễm trùng và làm trẻ khó ăn uống, vì vậy cần sát khuẩn và giảm đau bằng các loại gel rơ miệng (kamistad, zyttee, ...). Các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà cần bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ là vitamin C, kẽm, nước muối sinh lý, súc miệng benzydamine, xịt miệng Benzydamine,...
  • Bù nước và điện giải: bổ sung nước và điện giải cho trẻ bằng dung dịch oresol hoặc hydrite...
  • Dung dịch khử khuẩn: ngoài dùng thuốc sát khuẩn, trẻ mắc bệnh và những người chăm sóc trẻ cần vệ sinh sạch sẽ:
    • Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, xà phòng diệt khuẩn trước khi nấu ăn, cho trẻ ăn, sau khi tiếp xúc với trẻ, sau khi đi vệ sinh.
    • Lau nhà, đồ chơi, quần áo, đồ dùng của trẻ bằng dung dịch cloramin 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
    • Hấp sôi và tiệt trùng dụng cụ ăn uống của trẻ (bình sữa, thìa, bát, ...) sau mỗi lần ăn.

Các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em khác sẽ được sử dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị chân tay miệng tại nhà:

  • Không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ. Dùng thuốc đúng theo liều lượng, đường dùng và chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Chỉ dùng thuốc kháng sinh trong trường hợp xác định có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn và có chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc kháng sinh tùy tiện sẽ gây hại cho sức khỏe, tạo ra hiện tượng kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị.
  • Acyclovir và các thuốc kháng virus khác không có công dụng trong điều trị virus gây bệnh chân tay miệng.

4. Các phương thuốc thảo dược điều trị tay chân miệng tại nhà

Ngoài việc dùng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà, bố mẹ có thể sử dụng các bài thuốc dân gian sau:

  • Chanh muối và ô mai chanh: chanh có công dụng diệt khuẩn, kháng viêm rất tốt. Kết hợp chanh muối và mật ong giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, thúc đẩy các tổn thương da nhanh liền. Phương thuốc này chỉ dùng cho trẻ chưa bị biến chứng loét niêm mạc miệng. Không dùng trong trường hợp trẻ có loét miệng, sưng miệng, ... vì có thể làm trẻ đau, khó chịu do acid trong chanh chạm vào vết loét.
  • Cây bạc hà: có công dụng thanh nhiệt, diệt khuẩn, chống viêm. Bạc hà rất có hiệu quả trong điều trị tay chân miệng. Đun một nắm nhỏ bạc hà với 1 lít nước trong 15 phút, mỗi ngày uống 2 tách rất tốt cho trẻ bệnh.
  • Rau diếp cá: trong Đông ý, diếp cá có tính mát, vị cay chua, mùi tanh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng virus, tăng cường miễn dịch, lợi tiểu, sát trùng. Giã nát rau diếp cá rồi cho vào nước sôi để tắm, xay rau diếp cá uống từ 5 – 7 ngày, nước cốt có thể dùng bôi vào các vết mụn nước, lở loét.
  • Rau sam: lá rau sam có tác dụng làm lành vết thương. Đun sôi lá rau sam dùng để lau người, chấm lên vết thương.
  • Củ tỏi: có tác dụng tốt trong điều trị cac vết loét trên miệng, mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Đồng thời, tỏi còn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do có tính kháng khuẩn mạnh.

Ngoài ra, nên hạn chế cho trẻ sử dụng các chất tanh như tôm, cá, mực vì những thực phẩm trên có thể gây ngứa vết loét.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan