Các thuốc giảm ho kích ứng do thời tiết, dị ứng

Ho do kích ứng khá là tình trạng khá phổ biến và có thể bắt gặp ở bất kỳ ai. Ho do kích ứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ dẫn đến tình trạng nặng hơn như viêm phế quản, viêm phổi... Vậy có thể dùng thuốc giảm ho kích ứng nào hiệu quả?

1. Như thế nào là ho do kích ứng?

Ho do kích ứng xảy ra khi niêm mạc họng bị kích ứng bởi các yếu tố từ bên ngoài như nhiệt độ, thời tiết, các loại thức ăn, lông của động vật, phấn hoa... Ho do kích ứng sẽ có những triệu chứng nhận biết sau đây:

  • Khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố có khả năng gây kích ứng, bệnh nhân thường bắt đầu bằng dấu hiệu ngứa mũi, hắt xì hơi, thậm chí còn kèm theo tình trạng ngứa họng và ho thành từng cơn. Triệu chứng ho do kích ứng nếu kéo dài lâu sẽ khiến cho cổ họng người bệnh bị đau rát.
  • Ho do kích ứng khi xảy ra có thể là ho khan hoặc ho có đờm, trong trường hợp này xét nghiệm sẽ không thấy bạch cầu tăng. Những cơn ho thường kéo đến tại thời điểm trước khi bệnh nhân đi ngủ và sau khi thức dậy.

Khi cơ thể hít phải hoặc tiếp xúc tác nhân gây kích ứng, cơ thể của người bệnh sẽ phản ứng lại với những chất đó và gây nên phản ứng ho để đẩy những chất gây kích ứng ra ngoài.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với hương nước hoa hoặc phấn hoa. Phấn hoa thường có kết cấu vô cùng nhỏ bé, chúng có thể bay lơ lửng trong không trung và phát tán trên diện rộng. Nếu hít phải phấn hoa ở cơ địa người nhạy cảm, các hạt phấn hoa sẽ bám vào lớp niêm mạc mũi gây ngứa ngáy, cứ muốn hắt hơi để đẩy chúng ra ngoài. Khi phấn hoa tiếp xúc được với vùng cổ họng, lúc này hiện tượng ho do kích ứng sẽ xảy ra, ho lâu dần sẽ khiến bệnh nhân chảy nước mắt, đau họng.

Ngoài ra, một tác nhân gây ho kích ứng khác cũng rất phổ biến hiện nay đó là lông thú cưng. Trên thực tế, có rất nhiều người mẫn cảm với lông thú do chúng dễ bám dính vào các đồ vật trong nhà, quần áo, sofa, thảm... Nếu chúng ta hít phải lông thú cưng sẽ có khả năng gây ho do kích ứng. Tương tự như phấn hoa, lông thú không chỉ bám vào đồ vật mà còn có thể bay lơ lửng trong không khí, vì vậy kể cả không ôm thú cưng vẫn có thể hít phải lông của chúng dẫn đến tình trạng ho kéo dài.

Ho do dị ứng thời tiết cũng có thể xảy ra vào thời điểm giao mùa. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng rất dễ gây ra ho do kích ứng. Đặc biệt đối với những người có vùng cổ họng vốn nhạy cảm với môi trường sống, lúc này những cơn ho sẽ bắt đầu, thường là ho khan kèm theo ngứa rát cổ họng.

Thêm vào đó, môi trường sống nhiều bụi bẩn hay ẩm ướt lâu ngày có khả năng tồn tại nhiều vi khuẩn, nấm mốc, chúng có thể len lỏi qua đường hô hấp gây ra tình trạng kích ứng cổ họng gây ho. Đối với trường hợp ho do kích ứng với nấm mốc, bụi bẩn, bệnh nhân thường có biểu hiện hắt hơi, nghẹt mũi, lên cơn hen suyễn, ngay cả vùng mắt cũng bị kích ứng.

Ho do kích ứng có khi sẽ kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm, việc sử dụng các thuốc chống viêm thông thường vẫn không khỏi. Đôi khi ho còn kèm theo rát bỏng ở họng, cay họng, xuất hiện phản xạ co thắt họng - thanh quản, một số trường hợp còn bị khó thở, phù Quincke ở họng - thanh quản.

2. Các thuốc giảm ho kích ứng do thời tiết, dị ứng

Các thuốc giảm ho hoặc thuốc điều trị ho kích ứng với các tác nhân từ môi trường, thuốc chữa ho dị ứng thời tiết thường rất được người bệnh quan tâm với mong muốn giải quyết dứt điểm tình trạng khó chịu này.

Ho do kích ứng là tình trạng niêm mạc cổ họng của bệnh nhân bị kích thích do các dị nguyên gây dị ứng như thức ăn, đồ uống, phấn hoa, thuốc... tiếp xúc với niêm mạc họng gây kích ứng và hình thành phản xạ ho. Khi bệnh nhân bị ho do dị ứng, bác sĩ thường chỉ định người bệnh sử dụng các thuốc kháng histamin H1 để điều trị. Thuốc kháng histamin H1 được xếp thành 2 thế hệ:

  • Thuốc kháng histamin H1 thế hệ I: thuốc này có tác dụng trên receptor H1 ở cả trung ương và ngoại vi, thuốc có tác dụng an thần mạnh, chống nôn, kháng cholinergic gồm các hoạt chất như: promethazin hydrochloride, clorpheniramin maleat, brompheniramine maleate, diphenhydramine hydrochloride, hydroxyzine hydrochloride...
  • Thuốc kháng histamin H1 thế hệ II: nhóm thuốc này có thời gian bán thải dài, ít tác dụng trên các thụ thể H1 trung ương, mà chỉ có tác dụng trên H1 ngoại vi, vì vậy thuốc không gây buồn ngủ. Một số thuốc kháng histamin thế hệ 2 thường dùng trên lâm sàng như loratadin, cetirizin hydroclorid, fexofenadin, acrivastin...

Thuốc có tác dụng ức chế có cạnh tranh với histamin tại receptor H1, từ đó làm mất tác dụng của histamin trên receptor và làm mất đi những triệu chứng dị ứng. Thuốc kháng histamin H1 nhìn chung có tác dụng dự phòng tốt hơn là tác dụng điều trị, vì khi histamin đã được cơ thể giải phóng tạo hàng loạt sẽ giải phóng đồng thời với các chất trung gian khác mà thuốc kháng histamin H1 không có tác dụng đối kháng được.

Tuy nhiên trong trường hợp này, thuốc kháng histamin H1 được xem là một loại thuốc giảm ho kích ứng nhờ tác dụng chống ho theo cơ chế ngoại biên: ức chế sự co phế quản gây phản xạ ho. Các thuốc giảm ho kích ứng thuộc nhóm kháng H1 thường dùng là promethazin, oxomemazin, doxylamine, dexclorpheniramin...), thuốc còn mang lại hiệu quả làm giảm nhẹ các triệu chứng dị ứng đi kèm. Thuốc kháng histamin H1 còn có khả năng làm tăng tiềm lực của các thuốc giãn phế quản khác như các amin cường giao cảm loại ephedrin.

Trường hợp bệnh nhân ho có nhiều đờm, lúc này bệnh nhân cần sử dụng thêm các biện pháp giúp khạc đờm dễ dàng hơn, đối với trẻ nhỏ cần dùng thuốc giảm ho kích ứng cho bé có khả năng giúp trẻ sổ đờm dễ dàng hơn: thuốc long đờm, siro long đờm... kết hợp vỗ rung long đờm cho bé. Siro ho dị ứng thường bào gồm các thảo dược tự nhiên giúp giảm ho nhanh như siro mật ong quất, siro quất đường phèn...

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đang có những sai lầm trong sử dụng thuốc điều trị ho kích ứng. Một số trường hợp bệnh nhân cần dùng thuốc long đờm nhưng người bệnh lại tự ý mua thuốc giảm ho, điều này vô tình làm đờm bị quánh lại, không thể khạc ra ngoài được khiến bệnh nhân mệt mỏi, khó thở. Do đó tốt nhất người bệnh không nên tự ý dùng thuốc giảm ho nếu chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ho. Trong trường hợp bệnh nhân ho dị ứng kèm theo đờm, đờm nhiều, đặc, dính và khó khạc cần dùng đến thuốc long đờm để giúp đờm loãng, dễ tống xuất ra ngoài và làm thông thoáng đường thở.

Nếu bị ho kích ứng không kèm dấu hiệu sốt, mệt mỏi, bệnh nhân có thể dùng thuốc ho long đờm và chú ý quan sát nguyên nhân gây ho, ho do dị ứng thời tiết hay dị ứng thực phẩm để có biện pháp xử trí đúng đắn nhất.

3. Một số phương pháp khác giúp giảm tình trạng ho do kích ứng

  • Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý: Những trường hợp ho dị ứng cần được chăm sóc và vệ sinh vùng mũi họng đúng cách, tránh dẫn đến tình trạng bội nhiễm như viêm phế quản, viêm phổi... Do đó người bệnh cần vệ sinh mũi và cổ họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và vận động hợp lý.
  • Ngậm chanh muối: bệnh nhân bị ho do kích ứng có thể thái lát quả chanh và ngâm với một chút muối, sau đó ngậm trong miệng để giảm ho. Bên cạnh đó, người bệnh có thể pha nước ấm kết hợp với chanh và mật ong/đường cũng có tác dụng rất tốt.
  • Gừng: đun sôi khoảng 10 lát gừng tươi với 3 ly nước trong 20 phút, sau đó cho thêm một chút chanh hoặc mật ong để uống sẽ giúp giảm ho rất đáng kể.
  • Đến gặp bác sĩ chuyên khoa: Nếu sau 3 ngày dùng thuốc mà người bệnh chưa đỡ ho, lúc này bệnh nhân cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán đúng bệnh và có biện pháp sử dụng thuốc phù hợp.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu hơn về các thuốc giảm ho kích ứng do thời tiết, dị ứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan