Cách chăm sóc da khi bị thuỷ đậu

Khi bị thuỷ đậu, các nốt mụn nước vỡ ra và bội nhiễm sẽ dễ để lại sẹo, các vết lồi lõm gây mất thẩm mỹ. Vậy người bệnh thuỷ đậu cần chăm sóc da khi bị thuỷ đậu như thế nào để tránh để lại sẹo?

1. Bệnh thuỷ đậu là gì?

Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra. Mặc dù bệnh không quá nguy hiểm, phần lớn sẽ khỏi mà không để lại biến chứng gì nhưng trong quá trình phát bệnh, da sẽ xuất hiện các nốt mụn nước trong khoảng 3 ngày đầu, từ ngày thứ 4 đến thứ 7 nốt thuỷ đậu sẽ đóng vảy, sậm màu và dần bong ra. Thường các nốt mụn nước này sẽ không để lại sẹo nhưng nếu nốt nước thuỷ đậu bị vỡ và bội nhiễm thì khả năng cao sẽ gây ra sẹo.

Vì sẹo thuỷ đậu được hình thành sau khi mụn thuỷ đậu bị viêm, do đó việc kiêng nước, không tắm giặt, không giữ vệ sinh da sạch có thể khiến cho mụn thuỷ đậu bị vỡ và gây viêm. Khi đó nguy cơ bị sẹo xấu sẽ cao hơn.

Ngoài ra, bị thuỷ đậu sẽ khiến cho da ngứa ngáy, khó chịu dẫn đến hành động dùng tay gãi làm thuỷ đậu trở nên nặng hơn. Đáng chú ý hơn là tác động này còn trực tiếp đưa vi khuẩn lên bề mặt da, khiến da nhiễm khuẩn và nốt thuỷ đậu mới càng dễ dàng xuất hiện.

2. Các dạng sẹo thuỷ đậu thường gặp:

Có 2 dạng sẹo thuỷ đậu thường gặp đó là:

  • Sẹo rỗ lõm: Là dạng sẹo thuỷ đậu phổ biến, nằm sâu dưới bề mặt da và tạo ra các vết lõm ở da. Sẹo có đáy vuông hoặc tròn, màu nâu đỏ.
  • Sẹo lồi thuỷ đậu: Là dạng sẹo hiếm gặp hơn và nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng sinh collagen quá mức trong quá trình tái tạo da. Sẹo nhô cao hơn bề mặt da và thường có xu hướng phát triển kích thước lớn hơn so với tổn thương ban đầu. Với người bệnh có cơ địa dễ bị sẹo lồi thì nguy cơ sẹo lồi thuỷ đậu cũng cao hơn.

Do tồn tại nhiều dạng sẹo với đặc điểm khác nhau về cả kích thước, tính chất, số lượng, độ nông sâu và các vấn đề liên quan đến cơ địa nên việc chăm sóc da khi bị thuỷ đậu nhằm nâng cao hiệu quả điều trị sẹo cũng có những sự khác biệt.

3. Cách chăm sóc da sau khi bị thuỷ đậu

Dù là người lớn hay trẻ em thì sau khi bị thuỷ đậu vẫn có nguy cơ để lại sẹo nhưng ở trẻ em sẽ lành nhanh hơn nhờ tốc độ tái tạo của mô. Thực tế các nốt bọng nước do thuỷ đậu gây ra là vô trùng và chỉ tạo sẹo khi bị bội nhiễm từ bên ngoài. Do đó, cần thực hiện các nguyên tắc chăm sóc da khi bị thuỷ đậu như sau:

  • Không gãi, sờ và động đến các vùng da bị thuỷ đậu: Khi gãi, vết bẩn từ móng tay chứa nhiều vi khuẩn sẽ tạo ra các vết xước trên da, gây bội nhiễm mụn nước. Đây là nguyên tắc hầu hết người bệnh đều biết nhưng thường không thực hiện. Nguyên nhân là do người bệnh bị thuỷ đậu trong mùa nắng ở Việt Nam, thời tiết nóng ẩm khiến cơ thể ngứa ngáy và khó chịu. Ngoài ra, việc lành da cũng tiết ra các yếu tố kích thích cảm giác ngứa ở vùng da đang hồi phục.
  • Để các bóng nước tự đóng vảy và rụng: Sau khi các nốt thuỷ đậu se lại sẽ đóng vảy. Đây chính là lúc quá trình lành sẹo da đang hồi phục và gây ngứa, do đó người bệnh sẽ có xu hướng đưa tay lên gãi hoặc thậm chí dùng tay gỡ, bóc các vảy khiến lớp da non bên dưới chưa lành hẳn, bị bội nhiễm và tạo sẹo. Ở trường hợp nhẹ hơn, việc bong vảy quá sớm khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nguồn nhiệt cũng sẽ khiến vết sẹo bị thâm nhiễm do các yếu tố làm kích thích tăng sản xuất melanin ở biểu bì đang tái tạo.
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thường xuyên: Có nhiều quan điểm từ xưa về việc bị thuỷ đậu cần kiêng gió, kiêng nước nhưng sự thật thì trong thời gian bị thuỷ đậu, nếu thời tiết không nóng bức làm người bệnh ra nhiều mồ hôi thì có thể lau người. Nếu không thì cần tắm bằng xà phòng trung tính hoặc nước muối pha loãng. Không khuyến khích tắm nước lá ở bệnh nhân thuỷ đậu. Việc tắm rửa đòi hỏi cẩn thận và tỉ mỉ, giúp rửa trôi vi khuẩn thường trú trên da. Đặc biệt, nên tắm bằng nước ấm vì sẽ làm giảm cảm giác ngứa do da tái tạo.
  • Chăm sóc da ở giai đoạn sau khi rụng vảy: Lúc này, bệnh nhân cần đối diện với cơ thể đầy những chấm hồng nhạt của phần da đang lên da non. Việc bôi thuốc hay tắm nước lá không vệ sinh cũng có thể làm lớp da non bị dị ứng. Thậm chí loét da và nhiễm trùng gây ra sẹo xấu .
  • Chế độ ăn khi bị thuỷ đậu: Nhiều quan điểm cho rằng khi bị thuỷ đậu cần kiêng thịt gà, hải sản, đồ chua, rau muống, nếp,... vì có thể gây ngứa, sẹo lồi và mủ nhưng thực tế thì không đúng. Quan trọng nhất là bệnh nhân vẫn cần ăn đầy đủ các nhóm thức ăn, trái cây,... để có đủ dưỡng chất phục hồi nhanh chóng. Nếu các thức ăn gây ngứa thì có thể các món này đã chứa yếu tố gây dị ứng từ trước đó. Bạn cần nhớ các món ăn đó để tránh.
  • Hạn chế ra nắng: Đây là việc tối kỵ đối với chăm sóc da mới phục hồi vì lớp da non đang chứa nhiều dưỡng chất và lớp sừng mỏng. Khi gặp ánh sáng mặt trời hoặc nhiệt độ cao, phần biểu bì này sẽ gia tăng sản sinh melanin làm thâm da. Việc thâm da sẽ gần như tồn tại vĩnh viễn.

4. Bị sẹo sau mắc thuỷ đậu cần phải làm gì?

Dù đã thực hiện các biện pháp chăm sóc da khi bị thuỷ đậu nhưng cũng không tránh khỏi việc bị một số nốt sẹo nhất định, nhất là với bệnh nhân có cơ địa sẹo. Do đó có một số phương pháp để điều trị vấn đề này như sau:

Công nghệ Laser CO2 kết hợp tế bào gốc PRP điều trị sẹo lõm do thuỷ đậu:

  • Đây là phương pháp lấy máu cho vào máy quay ly tâm PRP, lọc li tâm lấy tiểu cầu sau đó tiêm trực tiếp vào vùng da bị sẹo lõm giúp kích thích các phân tử collagen dưới da phát triển.
  • Còn công nghệ laser CO2 sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại có bước sóng 10600nm tác động sâu vào vùng da bị sẹo lõm. Qua đó bóc tách, thúc đẩy quá trình hình thành tế bào mới. Các vết sẹo lõm nhanh chóng được làm đầy, đồng màu với màu da tự nhiên.

Chăm sóc da bằng công nghệ tế bào gốc P’cell kết hợp lăn vi kim:

  • Tế bào gốc P’cell được chiết xuất từ niêm mạc miệng chim yến giúp sửa chữa, tái tạo tế bào da mới. Từ đó vùng da bị sẹo lõm sẽ nhanh chóng phục hồi và trở nên mịn màng hơn.
  • Để sản phẩm tế bào gốc này thẩm thấu tốt vào da và đem lại hiệu quả tối ưu thì cần sự trợ giúp của thiết bị lăn vi kim. Thiết bị này sẽ tạo vi tổn thương giả trên da, khi thoa dưỡng chất lên sẽ thấm sâu xuống lớp thượng bì và trung bì của da, tái tạo vùng da bị tổn thương

Công nghệ cấy da siêu vi điểm:

  • Là cách trị sẹo lõm mới và hiệu quả cao dựa trên khả năng tự chữa lành vết thương của cơ thể, công nghệ này hỗ trợ thúc đẩy quá trình tăng trưởng của tế bào collagen và elastin. Đồng thời, một nguồn dưỡng chất được chiết tách từ chính cơ thể khách hàng, hoàn toàn tương thích và đảm bảo an toàn cho cơ thể cũng như vùng sẹo lõm.
  • Quá trình tạo tổn thương giúp đẩy mạnh tăng sản nguyên bào sợi và mạng lưới collagen sâu dưới bề mặt da. Đây cũng chính là nền tảng của mọi công nghệ làm đẹp da và trẻ hoá đang hiện hành.
  • Ngoài ra, cấy da siêu vi điểm còn có khả năng hỗ trợ tái cấu trúc toàn bộ bề mặt da, nâng cao độ đàn hồi.

Chữa sẹo với vitamin E:

  • Phần da nhận vitamin E và khoáng chất qua việc thẩm thấu từ mạch máu. Vì vậy biện pháp bôi, đắp sẽ có hiệu quả. Nên dùng các phương pháp đặc chế cho việc bôi, dùng ngoài da thì hiệu quả mới tốt.
  • Nhiều nơi hiện nay dùng chính viên nang uống vitamin E để lấy dầu, đắp mặt nhưng hoạt chất trong thuốc chỉ đặc chế cho đường uống. Việc sử dụng sai mục đích sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn.

Nhìn chung, các biện pháp chăm sóc da khi bị thuỷ đậu dù tốt đến đâu thì cũng khó để tránh khỏi việc bị một số nốt sẹo nhất định, nhất là với bệnh nhân có cơ địa sẹo. Do đó, cách tốt nhất để không bị sẹo thủy đậu đó là tiêm vắc-xin thủy đậu và phòng ngừa tác nhân gây bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan