Cách dùng thuốc chữa rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình gây ra sự mất cân bằng về tư thế, làm cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, ù tai và buồn nôn... Tình trạng thường này rất hay tái phát, làm ảnh hưởng đến công việc, chất lượng cuộc sống. Dùng thuốc chữa rối loạn tiền đình đúng cách là 1 biện pháp giúp giảm nhanh chóng các triệu chứng bệnh và phòng ngừa tái phát bệnh hiệu quả.

1. Rối loạn tiền đình là gì?

Hệ thống tiền đình có chức năng chính là giúp giữ thăng bằng cho cơ thể khi thực hiện các động tác chuyển động như xoay người, cúi người, di chuyển...do đó, khi chức năng này không được đảm bảo sẽ gây ra mất thăng bằng, dễ bị chóng mặt...

Rối loạn tiền đình là một dấu hiệu bệnh do rất nhiều nguyên nhân và yếu tố gây ra. Bệnh thường được chia thành hai dạng đó là rối loạn tiền đình ngoại biên và trung ương.

Khi bị rối loạn tiền đình bệnh nhân hay gặp các triệu chứng như mất thăng bằng, đi đứng không vững, cảm giác chóng mặt, mọi vật xung quanh đang quay hay di động; đầu óc lâng lâng, muốn ngã, xỉu, mệt, kém tập trung; mắt mờ khi quay cổ hay cử động đầu, buồn nôn và nôn...

Nếu bạn bị rối loạn tiền đình thì cần thăm khám để tìm được nguyên nhân gây bệnh, từ đó kết hợp điều trị cả triệu chứng và nguyên nhân thì hiệu quả tăng cao.

2. Cách dùng các loại thuốc chữa rối loạn tiền đình

Dùng thuốc là một trong những biện pháp điều trị rối loạn tiền đình hiệu quả. Tùy theo từng triệu chứng rối loạn tiền đình mà người bệnh có thể được kê đơn điều trị bằng những loại thuốc khác nhau. Các loại thuốc chữa rối loạn tiền đình thường được chia thành các nhóm, tùy vào tác dụng của thuốc.

2.1 Nhóm thuốc chống nôn và giảm chóng mặt

  • Thuốc kháng histamin H1 Cinnarizin: Thuốc cinnarizin thường được chỉ định để kiểm soát các cơn say tàu xe và điều trị triệu chứng rối loạn tiền đình bao gồm chóng mặt, choáng váng, buồn nôn và ù tai. Thuốc này cũng có tác dụng điều trị đối với chứng đau nửa đầu và tình trạng rối loạn tuần hoàn ngoại biên. Người ta chưa rõ thực sự cơ chế của thuốc giúp giảm chóng mặt và buồn nôn. Khi dùng Cinnarizin bạn cần chú ý có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng. Bạn nên uống thuốc với nước sau khi ăn no để làm giảm thiểu tình trạng này.
  • Thuốc chẹn kênh calci: Flunarizin có tác dụng phòng ngừa và điều trị triệu chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình, giúp làm giảm đau nửa đầu, thiểu năng tuần hoàn não. Tuy nhiên, thuốc này lại có thể làm gia tăng triệu chứng trầm cảm, buồn ngủ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tiêu hóa và gia tăng triệu chứng bệnh Parkinson ở người bệnh Pakinson. Do đó thuốc cần được bác sĩ kê toa và kiểm soát quá trình uống thuốc cho bệnh nhân.
  • Acetyl-DL-leucin: Đây thuốc chữa rối loạn tiền đình tốt nhất hiện nay. Nó giúp giảm nhanh triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, hoa mắt do rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não hay do thay đổi thời tiết. Thuốc cũng được dùng để điều trị các trường hợp chóng mặt mà không rõ nguyên nhân như chóng mặt sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật...Chất này có tác dụng là nhờ tránh cho cơ quan tiền đình nhận sự kích thích từ bên ngoài. Khi dùng thuốc có thể bắt đầu từ liều thấp sau đó tăng liều để đạt hiệu quả mong muốn. Chú ý, Acetyl-DL-leucine có tương tác với một số thuốc khác, do vậy người bệnh nên thông báo với bác sĩ các loại thuốc khác đang sử dụng.
  • Nhóm benzodiazepines (diazepam): Nhóm thuốc an thần giúp bệnh nhân giảm sự lo lắng, trấn tĩnh, có thể kê đơn cho bệnh nhân dùng trong những ngày đầu để giảm lo lắng và từ đó giúp giảm chóng mặt. Tuy nhiên, thuốc dùng lâu dài có thể gây quen thuốc và lệ thuộc thuốc. Do đó nhóm thuốc này cần được kiểm soát chặt chẽ và bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh sự lạm dụng thuốc, dẫn đến lệ thuộc. Thuốc thường được chỉ định dùng một lần vào buổi tối.

2.2 Nhóm thuốc tăng tuần hoàn não

  • Piracetam: Thuốc này có thể dùng ở nhiều dạng khác nhau như tiêm hay dạng uống. Piracetam có tác dụng tăng tuần hoàn não, tăng tổng hợp năng lượng ở não, giảm nguy cơ thiếu máu não và hỗ trợ tăng cường trí nhớ. Tùy thuộc vào dạng thuốc mà người bệnh có thể sử dụng cho phù hợp. Đối với đường tiêm cần thực hiện tại các cơ sở y tế.
  • Ginkgo biloba: Hay còn gọi là bạch quả, thảo dược này có chứa nhiều flavonoid, một chất chống oxy hóa mạnh và terpenoid giúp cải thiện lưu thông máu bằng cách làm giãn mạch máu và giảm độ kết dính của tiểu cầu, do đó có thể giúp điều trị rối loạn tiền đình. Theo một số nghiên cứu, Ginkgo biloba còn có thể giúp điều trị hoặc phòng ngừa một số vấn đề sức khỏe như bệnh Alzheimer, ù tai, trầm cảm....Ngoài ra, thảo dược này cũng giúp duy trì trí nhớ, giúp phục hồi sau khi bị đột quỵ. Liều thường dùng của Ginkgo biloba là 1 viên và ngày 1- 2 lần. Lưu ý nên tránh dùng cho những người đang có triệu chứng chảy máu, phụ nữ mang thai.
  • Almitrin-raubasin (duxil, vectarion): Đây là thuốc kết hợp có hai thành phần phối hợp giúp làm giãn mạch, tăng tuần hoàn máu não. Khi dùng cần chú ý cho người mắc bệnh gan thận.

Đơn thuốc chữa rối loạn tiền đình sẽ bao gồm các loại thuốc này được kết hợp sử dụng với nhau, chỉ định sao cho phù hợp với từng trường hợp bệnh nhân và mức độ nặng của bệnh.

3. Các biện pháp khác điều trị tiền đình tại nhà

Ngoài việc dùng thuốc hỗ trợ giúp tưới máu đi khắp đến các vùng não hoạt động kém để cải thiện chứng rối loạn tiền đình thì bạn có thể kết hợp các biện pháp phòng ngừa rối loạn tiền đình như:

  • Trong giai đoạn cấp, khi đang chóng mặt, nôn mửa, mất thăng bằng tư thế cần: Người bệnh cần ở phòng có ánh sáng dịu dàng vừa phải, yên tĩnh và nằm đầu thấp, tránh xoay lắc đầu nhiều. Nôn nhiều dùng các thuốc chống nôn đường tiêm và bù dịch đủ.
  • Chế độ dinh dưỡng: Cần bổ sung cho cơ thể các thực phẩm giàu axit folic, chất xơ, sắt và các loại vitamin cần thiết cho cơ thể như vitamin A, B6, C, D, và E. Nguồn thực phẩm giàu nên dùng là các loại rau củ quả, các loại trái cây, các loại đậu và hạt, các loại thịt, cá, trứng, sữa giúp người bệnh tránh các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, hoa mắt...Ngoài ra, nên tránh thức uống có cồn, kích thích, thuốc lá, đồ ăn dầu mỡ, nhiều gia vị, đồ ngọt...
  • Uống đủ nước: Bạn nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Để hạn chế sự mất nước.
  • Tập các bài tập giúp giảm tái phát bệnh như tập yoga, bài tập phục hồi chức năng tiền đình...
  • Ngủ đủ giấc: Bạn nên ngủ đủ giấc, tránh thức khuya để không làm cơ thể kiệt sức, từ đó làm giảm khả năng tập trung cũng như hoa mắt.
  • Nằm nghỉ khi thấy chóng mặt: Nếu thấy chóng mặt hay mất thăng bằng, tốt nhất là bạn nên nằm nghỉ ở những nơi yên tĩnh và thoáng mát. Bạn cũng nên hạn chế lái xe và trèo cao nếu cảm thấy chóng mặt hay không khoẻ.
  • Không thay đổi tư thế đột ngột: Người bệnh rối loạn tiền đình không nên đứng lên, ngồi xuống hoặc thay đổi tư thế quá đột ngột, vì sẽ gây ra tình trạng mất thăng bằng, thậm chí té xỉu.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Nên sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

Trên đây là thông tin về cách dùng các loại thuốc chữa rối loạn tiền đình và một số biện pháp hiệu quả khác giúp giảm các triệu chứng rối loạn tiền đình. Hi vọng những thông tin Vinmec mang đến sẽ thực sự hữu ích cho bạn. Các thuốc thuốc chữa rối loạn tiền đình tốt nhất đa số là thuốc kê đơn, nên bạn cần được dùng dưới chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

567 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan