Cách phòng ngừa tăng kali máu ở bệnh nhân có bệnh thận mạn

Bài viết của Dược sĩ Nguyễn Thu Giang - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tăng kali máu là một trong những biến chứng của tình trạng suy giảm chức năng thận và gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe. Thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa tăng kali máu, nhất là ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính là rất cần thiết. Tham khảo bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc tìm ra câu trả lời hữu ích để phòng ngừa tăng kali máu.

1. Tại sao bệnh nhân có bệnh thận mạn dễ bị tăng kali máu?

Kali là ion dương nằm chủ yếu trong tế bào có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động bình thường của tế bào. Kali giúp duy trì cân bằng nước trong cơ thể, duy trì hoạt động bình thường của tim, thần kinh và cơ.

Để duy trì hoạt động bình thường, nồng độ kali ngoại bào (nồng độ kali máu) là 3,5 – 5 mmol/l, nồng độ kali nội bào (nồng độ kali trong tế bào) là 120-140mmol/l. Kết quả xét nghiệm kali máu chính là giá trị nồng độ kali ngoại bào.

Tăng kali máu là khi nồng độ kali trong máu cao hơn 5mmol/l. Tình trạng tăng kali máu có thể không có triệu chứng hoặc có một số triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, suy nhược, đánh trống ngực, dị cảm...

Tình trạng tăng kali cấp cứu là khi xảy ra một trong các tình trạng: nồng độ kali máu cao trên 7mmol/l, tăng kali máu có triệu chứng như liệt hoặc yếu cơ, rối loạn nhịp tim hoặc có sự thay đổi trên điện tâm đồ.

Kali được điều hòa thông qua 2 cơ chế. Cơ chế cân bằng kali trong tế bào, kali được vận chuyển từ môi trường ngoại bào vào môi trường nội bào. Cơ chế cân bằng kali trong máu hay ngoại bào, kali hấp thu được đào thải qua thận và ruột. Hằng ngày, khi cơ thể của chúng ta hấp thu 100mmol kali từ chế độ ăn, thận sẽ chịu trách nhiệm đào thải 90-95mmol, ruột chịu trách nhiệm đào thải 5-10mmol.

Ở bệnh nhân có chức năng thận suy giảm, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh thận mạn giai đoạn cuối, khả năng đào thải kali tại ruột tăng lên nhưng không thể tương xứng với khả năng đào thải của thận. Chính vì vậy, tăng kali máu thường gặp chủ yếu ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận do giảm khả năng đào thải kali qua nước tiểu. Đặc biệt, những bệnh nhân sử dụng các thuốc làm tăng kali máu hoặc chế độ ăn uống, thực phẩm chức năng chứa nhiều kali sẽ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng này.

Bảng 1- Phân độ mức lọc cầu thận ở người lớn [KDIGO 2012]

Phân độ mức lọc cầu thận Mức lọc cầu thận (GFR) (ml/phút/1,73 m2 da) Phiên giải phân độ
G1 ≥90 Mức lọc cầu thận bình thường hoặc cao
G2 60-89 Mức lọc cầu thận giảm nhẹ
G3a 45-59 Mức lọc cầu thận giảm nhẹ đến trung bình
G3b 30-44 Mức lọc cầu thận giảm trung bình đến nặng
G4 15-29 Mức lọc cầu thận giảm nặng
G5 <15 Suy thận

2. Các biện pháp hạn chế tăng kali máu ở bệnh nhân có bệnh thận mạn

Một số biện pháp có thể áp dụng để phòng ngừa tăng kali máu ở bệnh nhân có bệnh thận mạn, đặc biệt ở bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Tùy theo mức độ nặng của bệnh thận mạn và tình trạng tăng kali máu, bác sĩ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng sẽ tư vấn cho bạn các biện pháp phù hợp.

2.1 Chế độ ăn giảm kali

Chế độ ăn của người bình thường cần ít nhất 4700mg kali một ngày. Người có bệnh thận mạn từ trung bình tới nặng với mức lọc cầu thận (GFR) dưới 45ml/phút nên có chế độ ăn hàng ngày chứa lượng kali thấp hơn 3000mg. Chế độ ăn chứa 2000-3000mg kali mỗi ngày được gọi là chế độ ăn giảm kali.

Khi thận của bạn không hoạt động tốt nữa, việc đào thải kali để đảm bảo cân bằng kali trong máu trở nên khó khăn hơn. Thực hiện một chế độ ăn giảm kali sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ tăng kali máu. Đặc biệt, điều này sẽ có lợi đối với người đang dùng các thuốc có thể làm tăng kali máu như các thuốc ức chế men chuyển (ví dụ như perindopril, lisinopril...), ức chế thụ thể angiotensin 2 (ví dụ như valsartan, telmisartan, irbesartan...), thuốc lợi tiểu giữ kali (ví dụ như spironolactone), thuốc chẹn beta không chọn lọc (ví dụ như propranolol, labetalol)... hoặc những người có tiền sử tăng kali máu nhiều lần, tăng kali máu mạn tính.

Thực phẩm giàu kali thường là những thực phẩm giàu chất xơ, tốt cho hệ tim mạch, chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Do đó, bạn cần hiểu biết về các loại thực phẩm chứa nhiều kali, cách đo lường khẩu phần ăn được hướng dẫn bởi chuyên gia dinh dưỡng, cũng như nắm được cách chế biến thực phẩm để đảm bảo chế độ ăn hạn chế kali nhưng không loại bỏ chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Thực phẩm chứa lượng kali nhiều nhất bao gồm dưa ruột vàng, dưa hấu, bưởi, trái cây khô và nước ép trái cây, bơ, cà chua, khoai tây, khoai lang, cải Brussel, sữa, sữa chua, đậu lăng, hầu hết các loại hạt trừ lạc (đậu phộng). Bạn nên tránh hoặc chỉ sử dụng một lượng rất nhỏ các loại thực phẩm này. Các thực phẩm chứa nhiều kali là những thực phẩm chứa nhiều hơn 200mg kali trong 1 khẩu phần ăn (thường khoảng 100 gram hoặc theo quy chuẩn khẩu phần đối với một số thực phẩm cụ thể). Bạn có thể chia sẻ thói quen ăn uống và các thực phẩm hay sử dụng để bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng tư vấn và hỗ trợ bạn xây dựng thực đơn phù hợp.

Đối với các loại rau củ chứa nhiều kali (ví dụ như măng, củ cải đường, súp lơ xanh, cải bắp, cải Brussel, cải bó xôi, cà rốt, su hào, khoai tây, khoai lang, bí đỏ, cà chua...), bạn có thể loại bỏ bớt kali bằng cách ngâm rau củ trong nước ấm ít nhất 2 giờ trước khi nấu. Rau củ nên được loại bỏ vỏ (nếu có), cắt thành khúc hoặc miếng vừa ăn ngâm trong lượng nước lớn (1 phần rau, 10 phần nước ấm không pha muối) ít nhất 2 giờ hoặc qua đêm. Trước khi nấu, bạn rửa sạch lại một lần nữa bằng nước ấm. Khi chế biến, bạn cũng nên dùng lượng nước lớn (1 phần rau, 5 phần nước) và không nên sử dụng thêm nước luộc các loại rau củ chứa nhiều kali này trong chế độ ăn. Bạn cũng không nên ăn các loại rau củ chứa nhiều kali này quá thường xuyên (ví dụ sử dụng hàng ngày) và không nên sử dụng quá nhiều trong một lần ăn (ví dụ nhiều hơn 1 khẩu phần ~ 100gram).

2.2 Tránh để bị đói

Để phòng ngừa tăng kali máu, người bệnh cần tránh để cơ thể bị đói quá lâu dẫn tới lượng kali di chuyển từ trong tế bào ra ngoài tế bào tăng lên và làm tăng nồng độ kali máu. Điều này có thể phần nào do phản xạ giảm tiết insulin của cơ thể khi bị đói. Theo một nghiên cứu trên 10 bệnh nhân có bệnh thận mạn đang chạy thận nhân tạo ổn định, nhịn đói 18 giờ làm tăng nồng độ kali máu thêm 0,6mmol/l. Vì vậy, những bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối (không mắc kèm tiểu đường) cần phẫu thuật có chuẩn bị và nên được truyền đường qua đêm để tránh kéo dài thời gian nhịn đói quá mức.

2.3 Tránh sử dụng các thuốc có thể gây tăng kali

Một số thuốc có thể làm tăng kali như các thuốc ức chế men chuyển (ví dụ như enalapril, perindopril, lisinopril...), ức chế thụ thể angiotensin 2 (ví dụ như valsartan, telmisartan, irbesartan...), thuốc lợi tiểu giữ kali (ví dụ như spironolactone), thuốc chẹn beta không chọn lọc (ví dụ như propranolol, labetalol)...

Bác sĩ cần theo dõi và đánh giá cẩn thận hơn khi sử dụng các thuốc này nếu bạn có bệnh thận mạn. Thông thường, bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ kali máu của bạn trước khi điều trị bằng các thuốc có thể làm tăng kali, kiểm tra đánh giá lại sau 1 tuần dùng thuốc và tái đánh giá mỗi lần tăng liều rồi đánh giá định kỳ như các bệnh nhân có bệnh thận mạn khác. Bác sĩ có thể bắt đầu kê đơn thuốc cho bạn ở liều thấp hơn, tăng liều chậm hơn và để liều tối đa thấp hơn so với những bệnh nhân không có bệnh thận mạn.

Nếu mắc bệnh thận mạn kèm theo tăng huyết áp hoặc suy tim hay rối loạn nhịp tim, bạn không được tự ý thay đổi liều thuốc của mình khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Đặc biệt, không dùng theo thuốc của bạn bè người thân để tránh những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra, bao gồm tăng kali máu.

Bác sĩ thường tránh kê cho bạn các thuốc có thể gây tăng kali máu khi nồng độ kali máu của bạn trước điều trị cao hơn 5,5 mmol/l. Người bệnh nên trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa về tình trạng tăng kali của mình trong trường hợp thăm khám nhiều bác sĩ.

Người bệnh luôn cần tuân thủ điều trị thuốc theo đơn kê của bác sĩ, tái khám và đánh giá định kỳ hoặc theo hướng dẫn để được điều trị hiệu quả và an toàn nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

620 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan