Cảnh giác viêm mao mạch hoại tử

Viêm mao mạch hoại tử là biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm mao mạch dị ứng. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những tổn thương không thể phục hồi.

1. Viêm mao mạch hoại tử - biến chứng của viêm mao mạch dị ứng

Hầu hết các trường hợp viêm mao mạch hoại tử là biến chứng viêm mao mạch dị ứng. Đây là dạng bệnh tự miễn, gây ra phản ứng viêm mạch máu với biểu hiện sưng đau, tổn thương, tiến triển nặng dẫn tới hoại tử. Đa phần các trường hợp viêm mao mạch xảy ra ở các chi, đặc biệt là chi dưới (do các mạch máu nằm xa tim, chịu nhiều tác động từ trọng lực cơ thể và hoạt động hằng ngày).

Thông thường, viêm mao mạch dị ứng chỉ gây viêm, sưng đỏ, đau nhức tại mạch máu và các cơ liên quan. Rất ít trường hợp viêm mao mạch dị ứng tiến triển nặng. Sau khi loại bỏ tác nhân gây tổn thương thì mạch máu bị viêm sẽ tự phục hồi. Tuy nhiên, viêm mao mạch dị ứng nếu không được điều trị tốt sẽ tiến triển thành viêm mao mạch hoại tử (khi mạch máu và các tế bào liên quan không được cung cấp máu trong thời gian dài). Biểu hiện cụ thể là xuất hiện các mảng màu đỏ nâu, tím đậm, có bờ nổi cao trên da.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm: Dị ứng môi trường sống, nhiễm khuẩn đường ruột, dị ứng thời tiết,... Đa phần bệnh viêm mao mạch hoại tử tiến triển từ viêm mao mạch dị ứng nhưng tùy trường hợp mà biến chứng này xuất hiện nhanh hoặc chậm.

2. Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm mao mạch hoại tử

Tình trạng viêm mao mạch hoại tử là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, vì các tế bào và cơ đã bị tổn thương vĩnh viễn, không thể phục hồi. Lúc này, việc điều trị là cần thiết để giúp cơ thể tự thải lọc tế bào chết, sản sinh các tế bào mới thay thế, phòng ngừa hoại tử tái diễn.

Tuy nhiên, khá nhiều người bệnh còn chưa hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh viêm mao mạch hoại tử nên thường đi thăm khám muộn, dẫn tới nguy cơ gặp phải nhiều di chứng. Cụ thể:

  • Viêm mao mạch hoại tử gây ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng cơ quan mắc bệnh, tiêu biểu là chi dưới, gây khó khăn cho việc đi lại. Trong nhiều trường hợp nặng, người bệnh bị đau đớn nên lười đi lại, thường nằm yên một chỗ. Tuy nhiên, chính việc nghỉ ngơi nhiều mà không điều trị tích cực đã khiến bệnh càng lan rộng và dẫn tới biến chứng nặng hơn;
  • Ngoài đau nhức xương khớp, viêm mao mạch hoại tử càng lan sâu và rộng sẽ gây suy yếu nhiều cơ quan trong cơ thể, tiêu biểu là gan, thận,... Nếu bệnh nặng và hoại tử ăn sâu thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định tháo khớp chi, cắt cụt chi để giảm mức độ lan rộng của bệnh.

Nhìn chung hầu hết các trường hợp mắc bệnh viêm mao mạch hoại tử đều không quá nguy hiểm, người bệnh chỉ cần thăm khám và điều trị tích cực một thời gian là bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu để bệnh tiến triển nặng mới thăm khám thì việc điều trị sẽ kéo dài hơn và cơ hội phục hồi cũng thấp hơn.

3. Điều trị viêm mao mạch hoại tử như thế nào?

Đa phần các bệnh tự miễn (bao gồm cả viêm mao mạch hoại tử) đều là bệnh khó điều trị triệt để. Hiện chưa có biện pháp nào giúp xử lý tận gốc căn bệnh này mà việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và bảo tồn. Nếu nguyên nhân gây bệnh không được loại bỏ thì bệnh có thể tái phát nhiều lần và vì thế việc điều trị triệu chứng cũng cần kéo dài theo. Với trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với điều trị thì người bệnh có thể phải chung sống với căn bệnh này trong thời gian dài.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán mức độ viêm mao mạch hoại tử và ảnh hưởng của bệnh tới cơ quan mắc bệnh rồi đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Phương pháp điều trị nội khoa thường được ưu tiên lựa chọn với một số loại thuốc hay sử dụng là:

  • Thuốc ức chế miễn dịch: Có tác dụng làm giảm phản ứng viêm tạo mao mạch, giảm sự tiến triển của bệnh và mức độ lan rộng của hoại tử. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng khi người bệnh không đáp ứng với Corticoid và các phương pháp điều trị chăm sóc thông thường. Một số loại thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng trong điều trị bệnh viêm mao mạch hoại tử là: Cyclophosphamid, Azathioprin, Cyclosporin,... Nếu thuốc dùng đường uống không phát huy được hiệu quả, người bệnh có thể được truyền tĩnh mạch Immunoglobulin hoặc gạn huyết tương;
  • Corticoid: Là nhóm thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh viêm mao mạch hoại tử và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc lâu dài hoặc không đúng cách có thể khiến người bệnh phải đối diện với một số tác dụng phụ khó lường. Do đó, người bệnh không được tự ý mua và sử dụng thuốc mà cần dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

4. Một số lưu ý trong điều trị và phòng ngừa viêm mao mạch hoại tử

Ngoài việc tuân thủ điều trị và theo dõi bệnh cùng bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cần chú ý tới việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp để phòng ngừa bệnh viêm mao mạch hoại tử tái phát hoặc tiến triển nặng hơn. Cụ thể:

  • Dinh dưỡng phù hợp: Bệnh viêm mao mạch hoại tử có thể tiến triển nặng hơn nếu người bệnh ăn các loại hải sản như mực, tôm, cua,... hoặc thức ăn cay nóng vì chúng gây kích thích phản ứng viêm. Thay vào đó, bệnh nhân nên tăng cường sử dụng các loại hoa quả giàu vitamin và khoáng chất như cam, quýt, măng cụt,... Ngoài ra, các thực phẩm mát như nước, sữa chua,... cũng góp phần làm dịu tình trạng viêm;
  • Hạn chế đồ uống gây kích thích: Các loại đồ uống có ga, bia, rượu,... không chỉ gây kích thích thần kinh mà còn có thể khiến phản ứng viêm mao mạch nặng hơn, gây hoại tử và ảnh hưởng tới chức năng cơ - xương - khớp. Do đó, người bệnh nên hạn chế sử dụng các loại đồ uống này trong và sau khi điều trị để phòng bệnh hiệu quả;
  • Hạn chế đồ ăn ngoài: Thực phẩm chế biến không hợp vệ sinh, thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn,...;
  • Không hút thuốc lá: Khói thuốc lá có chứa nhiều chất kích thích và hóa chất độc hại gây tổn thương phổi và mạch máu. Việc hút thuốc lá chủ động và thụ động đều gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe bệnh nhân nên cần phải hạn chế.

Nhìn chung, viêm mao mạch hoại tử không phải là bệnh lý nguy hiểm đe dọa tới tính mạng bệnh nhân nhưng nếu chủ quan để bệnh tiến triển thì người bệnh có thể gặp phải khá nhiều di chứng ảnh hưởng tới sinh hoạt và thẩm mỹ. Do đó, khi có triệu chứng cảnh báo viêm mao mạch, người bệnh nên đi thăm khám và điều trị sớm, kết hợp với việc duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp để hạn chế biến chứng của bệnh.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan