Chăm sóc các vấn đề tim mạch ở người bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường

Bệnh tiểu đường là bệnh lý mạn tính và có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc chăm sóc và thăm khám sức khỏe tim mạch ở người bệnh tiểu đường là cần thiết để hạn chế các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

1. Bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính có liên quan tới rối loạn chuyển hóa carbohyrate trong cơ thể với đặc trưng là chỉ số đường trong máu cao.

Bệnh tiểu đường có thể chia thành hai phân loại chính dựa trên tình trạng thiếu hụt insulin – hormon giúp giảm đường huyết trong cơ thể được sản xuất từ tế bào beta đảo tụy. Tiểu đường type 1 liên quan đến suy giảm tế bào beta đảo tụy gây thiếu hụt insulin tuyệt đối. Tiểu đường type 2 liên quan đến tình trạng giảm tiết insulin của cơ thể và giảm nhạy cảm insulin hay đề kháng insulin dẫn tới insulin hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, một số người có thể mắc tiểu đường thai kỳ hoặc tiểu đường thứ phát do bệnh lý khác hoặc do thuốc.

Tiền tiểu đường là tình trạng tăng đường máu nhưng chưa tới ngưỡng để chẩn đoán bệnh tiểu đường với đặc trưng là đường máu đói từ 5,6-6,9mmol/l và/hoặc đường máu sau 2 giờ thử nghiệm uống 75g đường (thử nghiệm dung nạp đường huyết) nằm trong khoảng 7,8-11mmol/l và/hoặc HbA1C nằm trong khoảng 5,7-6,5%. Những người dễ bị tiền tiểu đường bao gồm những người béo phì, tăng huyết áp, triglycerid cao, HDL thấp, có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh tiểu đường...

2. Tại sao bệnh tiểu đường lại ảnh hưởng tới hệ tim mạch của bạn?

Bệnh tiểu đường đang ngày càng gia tăng trên thế giới. Ước tính đến năm 2045, trên toàn thế giới có hơn 600 triệu người mắc tiểu đường type 2 và số lượng người ở tình trạng tiền tiểu đường cũng tương tự. Trong tương lai, số lượng người tiểu đường sẽ tiếp tục tăng mạnh ở các Quốc gia Châu Á do sự gia tăng của lối sống ít hoạt động và thực phẩm chế biến sẵn.

Bệnh đái tháo đường gây ảnh hưởng tới hệ mạch máu trong cơ thể do làm tăng nhanh quá trình xơ vữa mạch máu do stress oxy hóa, phản ứng viêm và vi huyết khối, ảnh hưởng tới chức năng bình thường của nội mạc mạch máu.

Theo dữ liệu từ các nghiên cứu, bệnh tiểu đường là yếu tố nguy cơ độc lập làm tăng gấp 2 lần nguy cơ tai biến tim mạch (bao gồm tử vong do bệnh mạch máu, nhồi máu cơ tim và đột quỵ). Đường máu cao còn dẫn tới các bệnh mạch máu nhỏ như bệnh lý võng mạc, bệnh lý cầu thận và bệnh thần kinh.

người bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là bệnh lý mạn tính và có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm

3. Làm gì để phòng tránh bệnh tiểu đường?

Để phòng tránh bệnh tiểu đường, bạn nên thực hiện chế độ ăn lành mạnhluyện tập thể lực thường xuyên, duy trì mức cân nặng tối ưu hoặc giảm cân nếu BMI ≥23kg/m2 hoặc vòng bụng ≥94cm ở nam và ≥80cm ở nữ. Cai thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường do giảm đáp ứng viêm hệ thống.

Người khỏe mạnh nên đi kiểm tra sức khỏe mỗi 6-12 tháng để tầm soát nguy cơ và phát hiện sớm bệnh tiểu đường. Người mắc tiền tiểu đường nên được kiểm tra đánh giá lại hằng năm. Thông thường, bác sĩ sẽ tư vấn và tầm soát bằng xét nghiệm các chỉ số đường huyết đói hoặc chỉ số đường máu trung bình 3 tháng HbA1C ở người ≥ 45 tuổi, phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, người lớn có BMI ≥23kg/m2 (đối với người Việt Nam) và những người có ít nhất một yếu tố nguy cơ tiểu đường như:

Nếu bạn có những yếu tố nguy cơ tương tự, hãy chủ động tới bệnh viện để được tư vấn và tầm soát nguy cơ.

người bệnh tiểu đường
Việc chăm sóc và thăm khám sức khỏe tim mạch ở người bệnh tiểu đường là cần thiết

4. Làm gì để giảm thiểu nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường?

Lối sống lành mạnh không chỉ giúp giảm nguy cơ và trì hoãn khởi phát tiểu đường mà còn giúp bệnh nhân tiểu đường giảm thiểu nguy cơ mắc các tai biến tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Kiểm soát đường huyết tối ưu, thông thường đích đường huyết dựa vào chỉ số đường huyết trung bình 3 tháng HbA1C <7%, tránh để tụt đường huyết. Người lớn tuổi có nhiều bệnh mắc kèm, HbA1C có thể cân nhắc để 7,0-7,5% để tránh tụt đường huyết.

Metformin, liraglutide và các thuốc thuộc nhóm ức chế SGLT2 như dapagliflozin hoặc empagliflozin có thể được cân nhắc lựa chọn kiểm soát đường huyết đơn độc hoặc phối hợp từ đầu trên các đối tượng bệnh nhân dựa trên đánh giá nguy cơ tim mạch. Trong đó, với các bằng chứng khoa học hiện tại, lợi ích giảm nguy cơ biến cố tim mạch, nhập viện do suy tim và giảm tiến triển bệnh thận mạn, các thuốc nhóm ức chế SGLT2 đang trở thành lựa chọn đầu tay ở bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ tim mạch cao đến rất cao.

Sử dụng thuốc kiểm soát mỡ máu lâu dài không chỉ để hạ mỡ máu mà còn giảm nguy cơ tai biến tim mạch. Bác sĩ sẽ đánh giá từng bệnh nhân cụ thể và trao đổi về mục tiêu giảm LDL <2,6mmol/l hoặc <1,8mmol/l hoặc <1,4mmol/l tùy theo từng mức nguy cơ tim mạch trung bình, cao hoặc rất cao.

Trong trường hợp bệnh nhân tiểu đường mắc kèm tăng huyết áp, bác sĩ sẽ tư vấn mục tiêu hạ huyết áp tối ưu trên từng bệnh nhân cụ thể, cân nhắc dựa trên nguy cơ tim mạch, tuổi, khả năng dung nạp thuốc... Thông thường, huyết áp tâm thu nên đạt trong khoảng 120-130mmHg, huyết áp tâm trương nên đạt trong khoảng 70-80mmHg. Ở người lớn tuổi (>65 tuổi), huyết áp tâm thu nên đạt trong khoảng 130-139mmHg.

Lắng nghe tư vấn từ nhân viên y tế, tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ là chìa khóa để bệnh nhân tiểu đường sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

175 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan