Chẩn đoán chấn thương cột sống cổ

Chấn thương cột sống cổ là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với những hoạt động trong cuộc sống thường ngày của bệnh nhân. Chẩn đoán chấn thương cột sống cổ sớm sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm.

1. Chấn thương cột sống cổ là gì và dấu hiệu nhận biết

Chấn thương cột sống cổ là những tổn thương xuất hiện tại vùng ống sống cổ và thường được chia thành 2 giai đoạn, gồm tổn thương tủy sống cổ và tổn thương cột sống chưa tổn thương tủy.

Về dấu hiệu chấn thương cột sống cổ, trong trường hợp xuất hiện tổn thương cột sống chưa tổn thương tủy, người bệnh thường có dấu hiệu hoa mắt, yếu hoặc liệt các cơ do phân đoạn vai gáy, cánh tay chi phối.

Trong khi đó, với những trường hợp tổn thương tủy sống cổ sẽ gây liệt các cơ do phân đoạn tủy cổ chi phối, rối loạn cơ tròn. Đồng thời, người bệnh có thể bị rối loạn cảm giác, mất phản xạ gân xương giai đoạn choáng tủy.

2. Cách chẩn đoán chấn thương cột sống cổ

Để xác định bệnh nhân có bị chấn thương đốt sống cổ hay không, các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán như sau:

2.1. Hỏi thông tin từ bệnh nhân

Ngoài việc hỏi những thông tin bắt buộc đối với bệnh nhân bị chấn thương nói chung, bác sĩ cần yêu cầu người bệnh trả lời một số câu hỏi để xác định chính xác tình trạng bệnh.

Cụ thể, khi bệnh nhân xuất hiện những dấu hiệu sau, nguy cơ chấn thương cột sống cổ sẽ là rất cao:

  • Đau cổ, cơn đau lan lên chẩm do thương tổn rễ thần kinh C1 và C2.
  • Cứng cổ, việc thực hiện động tác xoay cổ bị hạn chế.
  • Một số người sẽ có cảm giác nuốt vướng ở cổ.
  • Có cảm giác tê bì hoặc dị cảm ở một hay 2 chi trên.

2.2. Tiến hành thăm khám

  • Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám dọc theo cột sống cổ phía sau để tìm các điểm đau chói, khối tụ máu hay bầm tím.
  • Chụp X-Quang và đây cũng là phương pháp bắt buộc đối với tất cả những bệnh nhân nghi ngờ có thương tổn cột sống cổ. Bệnh nhân sẽ được chụp các tư thế thẳng, nghiêng, tư thế thẳng mồm há để có thể phát hiện được thương tổn xương.
  • Chụp cắt lớp được chỉ định trong một số trường hợp với mục đích xác định chính xác thương tổn nghi ngờ trên X-Quang quy ước, các thương tổn xương không thấy được trên X-Quang. Bên cạnh đó, thông qua quá trình chụp cắt lớp còn có thể phát hiện được các thương tổn phối hợp.
  • Chụp cộng hưởng từ được thực hiện với mục đích phát hiện các thương tổn tủy. Tuy nhiên nếu đã xuất hiện thương tổn tủy, tình trạng bệnh nhân sẽ thường rất nặng.

3. Giải pháp điều trị chấn thương cột sống cổ

3.1. Xử trí ban đầu

Việc cấp cứu ban đầu khi có dấu hiệu chấn thương cột sống cổ nói chung và các đốt sống cổ cao nói riêng là điều vô cùng quan trọng, góp phần hạn chế hậu quả của các thương tổn tiên phát và phòng các thương tổn thứ phát của tủy.

Khi nghi ngờ cột sống cổ chấn thương, bệnh nhân cần được bất động cột sống cổ, đặc biệt với bệnh nhân hôn mê do chấn thương sọ não sẽ chỉ được phép bỏ bất động sau khi đã chắc chắn loại trừ thương tổn bằng X-Quang quy ước.

Nếu bệnh nhân có dấu hiệu của thương tổn thần kinh như liệt, rối loạn hô hấp và huyết động cần được tiến hành hồi sức.

Truyền dịch cho bệnh nhân để duy trì huyết động, đảm bảo huyết áp 110-140mmHg, thở oxy cho bệnh nhân và nếu cần thì hô hấp hỗ trợ, đặt ống thông dạ dày tránh trào ngược.

3.2. Giải pháp điều trị

Thực tế có nhiều phương pháp điều trị khác nhau tùy thương tổn và tùy các trường phái khác nhau. Do đó, bệnh nhân cần lắng nghe lời khuyên từ phía bác sĩ để tìm được phương án điều trị tốt.

Chấn thương cột sống cổ là vấn đề khá nguy hiểm, cần được cấp cứu và có phương pháp điều trị kịp thời. Điều này sẽ tránh được những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe của người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan