Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh bạch hầu (Phần 1)

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Vân Hạnh - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp (từ cuối thời kỳ nung bệnh), do tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp hoặc các dịch tiết nhỏ bắn ra không khí, lây qua đồ dùng, quần áo, đồ chơi, thức ăn có dính dịch tiết. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, dễ lây lan thành dịch, nếu không điều trị kịp thời có thể khiến người bệnh tử vong.

1. Định nghĩa về bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu (Diphtheria) là bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria thuộc họ Corynebacteriaceae), gây tổn thương chủ yếu là màng giả ở tuyến hạnh nhân (amidan), hầu họng, thanh quản, mũi. Hiếm hơn gây tổn thương ở da, niêm mạc khác (kết mạc mắt, bộ phận sinh dục) và gây nhiễm độc do ngoại độc tố làm tổn thương tế bào tại chỗ và tổn thương toàn thân nghiêm trọng ở cơ tim, dây thần kinh ngoại biên, thận và thượng thận

Người bệnh và người lành mang trùng là nguồn bệnh duy nhất. Bệnh lây qua đường hô hấp (từ cuối thời kỳ nung bệnh), do tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp hoặc các dịch tiết nhỏ bắn ra không khí, lây qua đồ dùng, quần áo, đồ chơi, thức ăn có dính dịch tiết. Bệnh gây dịch ở các nước đang phát triển, điều kiện sống thấp, vệ sinh kém, tỷ lệ tiêm chủng thấp. Bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vắc-xin.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra bệnh bạch hầu
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra bệnh bạch hầu

2. Căn nguyên bệnh bạch hầu

C. Diphtheriae là trực khuẩn hình que, hơi cong, bắt màu Gram (+), ái khí, không sinh nha bào, sống bền vững ở ngoại cảnh, điều kiện thiếu ánh sáng có thể sống được 6 tháng, vi khuẩn bạch hầu nhạy với nhiệt độc cao, ánh sáng mặt trời. C. Diphtheriae có khả năng tiết ra ngoại độc tố gây tình trạng nhiễm độc nặng.

Vi khuẩn bạch hầu có 4 typ sinh học là: Mitis, Gravis , Belfanti và Intermedius, khác nhau về hình thái, khả năng gây tan máu, lên men, sinh độc tố và độc tính.

3. Sinh bệnh học

Trực khuẩn xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, da, niêm mạc sinh dục, kết mạc mắt, tiết niệu gây tổn thương viêm tại chỗ. Từ đây vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố theo máu và bạch huyết đến gây các biến chứng nặng. Độc tố của bạch hầu khi vào tế bào sẽ ngăn cản tổng hợp Protein và gây hoại tử tổ chức. Trong vòng vài ngày sau khi xâm nhập đường hô hấp hình thành màng giả (VKBH, TB biểu mô, fibrin, Bạch cầu và hồng cầu). Màng giả dính chặt, khi bóc gây chảy máu, lan xuống làm hẹp, tắc gây khó thở thanh quản. Khi vào máu độc tố gây hoại tử ống thận, nhu mô gan, thoái hoá cơ tim, giảm tiểu cầu, thoái hoá Myelin, tổn thương sừng trước và sau tủy sống. Tổn thương cơ tim và thần kinh thường xảy ra vào tuần 2 đến tuần thứ 10 sau khi có nhiễm trùng đầu tiên do tổn thương hoại tử tổ chức (có thể có cả cơ chế qua trung gian miễn dịch)

Ung thư máu
Ngoại độc tố theo máu và bạch huyết vào tế bào gây ra các biến chứng nặng

Trên cơ tim, độc tố làm biến dưỡng Carnitine và giảm Oxi hoá các acid béo có chuỗi dài. Hậu quả triglyceride tích tụ lại gây thoái hoá mỡ ở tế bào cơ tim. Dùng kháng độc tố chỉ có khả năng trung hoà khi độc tố còn đang lưu hành trong máu hoặc khi mới gắn vào màng tế bào mà chưa xâm nhập vào tế bào chất.

4. Giải phẫu bệnh

Vi khuẩn phát triển ở phần trên niêm mạc, giai đoạn cuối xâm nhập sâu vào hệ bạch huyết và tĩnh mạch. Ít khi gây bệnh cảnh nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc. Tại họng, vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây nhiễm độc tại tim, thận, dây thần kinh... Tổn thương họng, thanh, khí, phế quản là tình trạng gây nhiễm độc nặng nhất.

Giả mạc: Tế bào thượng bì hoại tử, thực bào, fibrin và vi khuẩn, chung quanh màng giả là tổ chức viêm, có khuynh hướng dính sâu vào lớp mô bên dưới nên khi bong rất dễ chảy máu. Rất hay gây viêm hạch dưới hàm và lân cận.

Tim: Viêm cơ tim: Tim to, cơ tim nhão, hiếm khi có tắc mạch. Vi thể: sợi cơ tim phình to, thoái hoá hyaline, thoái hoá dạng hạt, dạng cục gây tổn thương từng vùng, lan tỏa ở cơ tim. Thâm nhiễm tế bào viêm tại mô kẽ, gây hình ảnh mô sẹo nhiều nơi ở cơ tim .

Các dây thần kinh ngoại biên bị thoái hoá Myelin, lớp tuỷ bị mất, sừng trước và sừng sau tủy sống bị tổn thương gây tổn thương hệ vận động (nhiều hơn cảm giác). Có thể gây xuất huyết não, viêm não, màng não (hiếm).

đột quỵ xuất huyết não
Vi khuẩn làm thoái hóa các dây thần kinh và tổn thương hệ vận động

Khác: Tổn thương thận (phù nề mô kẽ), hoại tử tế bào gan. Bội nhiễm phế quản phế viêm, xuất huyết thượng thận từng mảng, tổn thương da, viêm nội tâm mạc

Nguyên nhân tử vong: Do giả mạc, phù nề làm tắc nghẽn đường thở hoặc do độc tố gây tổn thương cơ tim, hệ thần kinh, thượng thận...

5. Dịch tễ học

Bạch hầu được Hippocrates mô tả vào thế ký thứ 5 trước Công Nguyên. Một số tài liệu đã nêu về dịch bạch hầu ở Syria và Ai Cập cổ đại. Bệnh bạch hầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng gây chết người hàng loạt nhất là trẻ em, thời kỳ chưa có vac xin. Vào thế kỷ 17, bệnh gây dịch ở châu Âu, được gọi là kẻ treo cổ (El garatillo – Tây Ban Nha), “ bệnh cổ họng – Ý”. Năm 1735 gây dịch ở Mỹ. Vi khuẩn gây bệnh được tìm ra vào khoảng năm 1883 – 1884 và kháng độc tố được phát minh vào cuối thế kỷ 19. Mặc dù đã có vắc-xin nhưng đến nay vi khuẩn bạch hầu vẫn gây bệnh và tử vong ở những nơi chưa được tạo miễn dịch đầy đủ. (1966, 1973 tại Hoa kỳ, Canada). Tỷ lệ mắc hiện đã giảm rõ nhờ tiêm chủng mở rộng phòng bệnh. Tỷ lệ tử vong từ 5-7%, có nơi đến 20% (WHO)

Tại Việt Nam: Khi chưa có vắc-xin, bệnh gây dịch tại tất cả các tỉnh. Từ sau 1984, tỷ lệ mắc giảm nhiều (1985. tỷ lệ nhiễm là 3,95/100.000 dân, năm 2000 là 0,14/100.000 dân). Từ sau năm 2012. Việt Nam đã khống chế tỷ lệ mắc bạch hầu xuống < 0,01/100.000 dân. Thường tản phát hoặc tạo các ổ bệnh nhỏ ở các nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tỷ lệ tiêm vắc-xin 5 trong 1 ở trẻ <5 tuổi ở nước ta đạt trên 90%. Tuy nhiên nhiều nơi tỷ lệ này còn thấp, vắc-xin phòng bạch hầu cho người lớn chỉ có trong tiêm chủng dịch vụ nên có hạn chế dẫn đến khả năng bảo vệ trong cộng đồng này sẽ thấp

Năm 2019 xuất hiện một số trường hợp mắc bạch hầu ở Tây Nguyên. Tháng 6/ 2020, bệnh xuất hiện tại Đăk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, hiện vẫn lan ra một số tỉnh lân cận. Tỷ lệ tiêm chủng Tây Nguyên hiện là 48- 52%.. (tỷ lệ tiêm chủng đủ /số mắc là 6%.)

Trễ lịch tiêm vắc-xin 6 trong 1
Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bạch hầu cho trẻ nhỏ ở nhiều nơi vẫn còn thấp

Ổ chứa vi khuẩn: Người bệnh và người lành mang vi khuẩn (từ khởi phát đến sau 2 tuần). Người lành mang vi khuẩn sau vài ngày đến 3, 4 tuần vẫn truyền bệnh.

Đối tượng cảm thụ: Trẻ 1 đến 9 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao ở trẻ em và người lớn chưa tiêm phòng, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, điều kiện sống đông, mất vệ sinh và bất cứ ai đi đến vùng đang có dịch.

Đường lây: (giọt bắn) + (tiếp xúc), lây truyền qua đường hô hấp khi ho, nói chuyện,tiếp xúc với đồ chơi hoặc vật dụng, xâm nhập qua da gây bạch hầu da

Tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu lần 2 thường hiếm mặc dù có tới 10% người sau khi mắc bạch hầu vẫn còn phản ứng SCHICK dương tính.

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp đa dạng các dịch vụ tiêm vắc-xin bạch hầu dành cho trẻ nhỏ và người lớn với 5 loại phối hợp, gồm:

Để đảm bảo hiệu quả tiêm chủng và an toàn, trước khi tiêm, khách hàng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

861 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan