CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO KHÔNG MỔ CÓ ẢNH HƯỞNG GÌ?

Chấn thương sọ não nhẹ có thể ảnh hưởng tạm thời đến chức năng não bộ. Tuy nhiên trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến bầm tím, xuất huyết não và các tổn thương thực thể khác cho não. Những tổn thương thực thể này có thể dẫn đến các di chứng lâu dài hoặc tử vong nếu không được phẫu thuật kịp thời.

1. Chấn thương sọ não là gì?

Chấn thương sọ não là một chấn thương đột ngột gây tổn thương não. Đây là một chấn thương não kín xảy ra khi có một cú đánh hoặc va đập vào đầu hoặc do một vết thương xuyên thấu xảy ra khi một vật thể xuyên qua hộp sọ.

Các triệu chứng của bệnh có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng. Chấn thương sọ não nhẹ gọi là chấn động. Ảnh hưởng của chấn động đôi khi có thể nghiêm trọng, nhưng hầu hết mọi người hoàn toàn bình phục trong thời gian ngắn. Các chấn thương sọ não nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng về thể chất và tâm lý, hôn mê, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân chính của chấn thương sọ não phụ thuộc vào loại chấn thương đầu.

Chấn thương đầu kín thường do các nguyên nhân:

  • Té ngã là nguyên nhân chấn thương đầu kín phổ biến nhất ở người lớn từ 65 tuổi trở lên.
  • Tai nạn giao thông là nguyên nhân phổ biến nhất ở thanh niên.
  • Bạo hành ở trẻ em là nguyên nhân phổ biến nhất ở trẻ em dưới 4 tuổi.
  • Chấn thương trong thể thao hoặc bị tấn công.
  • Thương tích do vụ nổ.

Các nguyên nhân phổ biến của vết thương xuyên thấu bao gồm:

  • Bị trúng đạn hoặc mảnh bom.
  • Bị đánh bởi vũ khí như búa, dao hoặc gậy bóng chày.
  • Chấn thương đầu gây ra một mảnh xương xuyên qua hộp sọ.
  • Một số tai nạn như cháy nổ, thiên tai, hoặc các sự kiện cực đoan khác có thể gây ra chấn thương sọ não dạng mở và đóng cùng một lúc.

2. Bị chấn thương sọ não có sao không?

Vậy bị chấn thương sọ não có sao không? Vỡ sọ não có thể gây ra các tổn thương hàng loạt khác nhau bao gồm:

  • Tụ máu là cục máu đông trong não hoặc trên bề mặt của nhu mô não. Tụ máu ngoài màng cứng là tập hợp máu giữa màng cứng (lớp phủ bảo vệ của não) và bên trong hộp sọ. Tụ máu dưới màng cứng là tập hợp máu giữa màng cứng và lớp màng nhện (lớp màng não trong cùng, nằm sát nhu mô não).
  • Dập não là bầm tím nhu mô não quanh vùng não bị thương hoặc sưng lẫn với máu bị rò rỉ từ động mạch, tĩnh mạch hoặc mao mạch.
  • Xuất huyết não là chảy máu trong mô não. Kích thước và vị trí của khối xuất huyết giúp xác định liệu có thể loại bỏ bằng phẫu thuật hay không.
  • Xuất huyết khoang dưới nhện xuất hiện khi máu lan tỏa mỏng trên bề mặt não. Hầu hết các trường hợp xuất huyết khoang dưới nhện liên quan đến chấn thương đầu đều nhẹ.
  • Tổn thương não lan tỏa.
  • Tổn thương sợi trục lan tỏa: nếu các sợi trục bị tổn hại đủ nhiều có thể khiến bệnh nhân bị tàn tật nặng.
  • Thiếu máu cục bộ do không cung cấp đủ máu cho nhu mô não, thường xảy ra do não vừa trải qua chấn thương nên rất nhạy cảm với việc thiếu máu nuôi. Vì vậy, những thay đổi về huyết áp trong vài ngày đầu sau chấn thương sọ não có thể gây những ảnh hưởng nặng nề.
  • Vỡ sọ não: Các lực đủ mạnh gây vỡ sọ não có thể làm tổn thương phần nhu mô não bên dưới. Gãy xương ở đáy sọ có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh, động mạch hoặc các cấu trúc não khác. Nếu vỡ sọ não vào xoang, có thể gây ra rò rỉ dịch não tủy từ mũi hoặc tai, dẫn đến viêm màng não.

Bất kỳ ai có dấu hiệu chấn thương sọ não mức độ trung bình hoặc nặng nên được đưa đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt. Các nhân viên y tế sẽ cố gắng ổn định sinh hiệu bệnh nhân và ngăn ngừa tổn thương lan tỏa thêm.

Đầu tiên, bạn sẽ được đánh giá chức năng tim phổi. Tiếp theo là một cuộc kiểm tra nhanh toàn bộ cơ thể được thực hiện, đặc biệt là kiểm tra toàn bộ hệ thần kinh. Khám thần kinh bao gồm đánh giá sử dụng thang điểm hôn mê Glasgow, đánh giá phản xạ đồng tử dưới ánh sáng. Ở những bệnh nhân có tổn thương não lớn hoặc có tăng áp lực nội sọ, đồng tử có thể giãn rộng. Ngoài ra, cần kiểm tra các phản xạ thân não bao gồm phản xạ hầu họng và giác mạc (chớp mắt) và các phản xạ thần kinh khu trú khác.

Ngoài ra, người bệnh sẽ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính. Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) là tiêu chuẩn vàng để đánh giá thương tổn của một bệnh nhân chấn thương sọ não. Hiện nay, chụp cắt lớp vi tính được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng tại các bệnh viện để phát hiện sớm xuất huyết, huyết khối và gãy xương.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) không thường được sử dụng cho chấn thương đầu cấp tính vì việc thực hiện MRI mất nhiều thời gian hơn so với chụp CT. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đã ổn định, MRI có thể chứng minh sự tồn tại của các tổn thương không được phát hiện trên CT scan để xác định tiên lượng.

Tàn tật do chấn thương sọ não phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thương tích, vị trí thương tích, tuổi tác và tình trạng bệnh nền của cá nhân.

Khoảng một nửa số bệnh nhân bị thương nặng ở đầu sẽ cần phẫu thuật để loại bỏ các khối máu tụ (mạch máu bị vỡ) hoặc các khối tụ máu (mô não bị bầm tím).

3. Chấn thương sọ não không mổ có ảnh hưởng gì không?

Chấn thương sọ não không mổ sẽ để lại di chứng, có thể gặp:

  • Các vấn đề về nhận thức (suy nghĩ, trí nhớ và lý luận).
  • Các vấn đề xử lý giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác).
  • Các vấn đề giao tiếp (diễn đạt và hiểu biết).
  • Rối loạn hành vi hoặc sức khỏe tâm thần (trầm cảm, lo lắng, thay đổi tính cách, gây hấn, hành động không phù hợp với quy chuẩn xã hội).
  • Các chấn thương đầu nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến trạng thái không phản ứng.
  • Một số bệnh nhân có thể bị kích thích mạnh trong thời gian ngắn, chẳng hạn như đau buốt, hôn mê, bất tỉnh, không phản ứng và không nhận biết.
  • Trạng thái thực vật là trạng thái bất tỉnh và không nhận thức được môi trường xung quanh mình, nhưng vẫn có chu kỳ ngủ - thức và các giai đoạn tỉnh táo. Trạng thái thực vật dai dẳng khi một cá thể ở trạng thái thực vật trong hơn một tháng.

4. Phương pháp điều trị chấn thương sọ não

Các phương pháp điều trị chấn thương sọ não phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kích thước, mức độ nặng và vị trí của tổn thương.

  • Đối với chấn thương sọ não nhẹ: Phương pháp điều trị chính là nghỉ ngơi, có thể dùng thuốc giảm đau đầu theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu bạn bắt đầu việc quá sớm, có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. Liên hệ ngay với nhân viên y tế nếu các triệu chứng của bạn không thuyên giảm hoặc nếu bạn có các triệu chứng mới.
  • Đối với chấn thương sọ não mức độ trung bình đến nặng: Nhân viên y tế sẽ ổn định sinh hiệu để ngăn ngừa chấn thương tăng thêm. Mục tiêu điều trị ban đầu là kiểm soát huyết áp và áp lực nội sọ đảm bảo cung cấp đủ máu và oxy đến não. Khi bạn đã ổn định, cần cân nhắc các phương pháp phẫu thuật để giảm tổn thương não tiến triển thêm như: loại bỏ máu tụ (máu đông), loại bỏ mô não bị đã chết, sửa chữa các tổn thương vỡ sọ não, giảm áp lực trong hộp sọ.

Một số thuốc để điều trị các triệu chứng của chấn thương sọ não như:

  • Thuốc chống lo âu để giảm bớt cảm giác lo lắng và sợ hãi.
  • Thuốc chống đông ngăn ngừa huyết khối.
  • Thuốc chống co giật.
  • Thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc giãn cơ để giảm co thắt cơ.

Người bệnh không nên chủ quan với các chấn thương sọ não nhẹ, cần đến cơ sở y tế thăm khám để đánh giá chính xác. Các chấn thương sọ não trung bình - nặng cần được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời vì một số chấn thương sọ não không mổ có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và tiên lượng lâu dài của người bệnh.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan