Chế độ ăn cho người mắc hội chứng ruột kích thích

Bài viết được viết bởi ThS.BS Phạm Thị Thu Hương - Đơn nguyên Nội tiêu hóa - Nội soi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Hội chứng ruột kích thích - irritable bowel syndrome (IBS) là một rối loạn chức năng của đường tiêu hóa đặc trưng bởi đau bụng mãn tính và thay đổi thói quen đại tiện. Bệnh có liên quan đến trạng thái thần kinh lo lắng, căng thẳng và tình trạng nhạy cảm với một số loại thực phẩm.

Có một số phương pháp điều trị và trị liệu khác nhau cho hội chứng ruột kích thích (IBS). Các phương pháp điều trị thường được đưa ra để giảm đau và giảm các triệu chứng khác của IBS, và có thể cần phải thử nhiều phương pháp kết hợp để tìm ra phương pháp hữu ích nhất cho bạn.

Điều trị bệnh IBS có thể cần nhiều thời gian. Trong quá trình điều trị, điều quan trọng là bạn phải trao đổi với bác sĩ của bạn về các triệu chứng, mối quan tâm và bất kỳ yếu tố gây căng thẳng hoặc các vấn đề khác làm cho bệnh phát triển.

Stress có thể kích hoạt hội chứng ruột kích thích
Stress có thể kích hoạt hội chứng ruột kích thích

1.Quá trình điều trị IBS

1.1 Theo dõi các triệu chứng

Bước đầu tiên trong điều trị IBS thường là theo dõi các triệu chứng, thói quen đi tiêu hàng ngày và bất kỳ yếu tố nào khác có thể ảnh hưởng đến đường ruột của bạn. Điều này có thể giúp xác định các yếu tố làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở một số người bị IBS, chẳng hạn như thực phẩm chứa lactose hoặc các loại thực phẩm không được dung nạp và những căng thẳng đang có. Ghi nhật ký hàng ngày để theo dõi chế độ ăn uống và các triệu chứng bất thường ở đường ruột của bạn có thể rất hữu ích.

1.2 Thay đổi chế độ ăn uống

Điều hợp lý là thử loại bỏ các loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm IBS, mặc dù bạn nên nói chuyện với bác sĩ của mình trước khi bạn thực hiện những thay đổi đáng kể đối với chế độ ăn uống của mình.

Loại bỏ thực phẩm mà không có sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hoặc gây ra các vấn đề mới nếu các nhóm thực phẩm quan trọng bị bỏ qua.

1.3 Lactose

Không dung nạp lactose
Trong quá trình điều trị IBS bạn nên tạm thời loại bỏ các sản phẩm sữa

Nhiều bác sĩ lâm sàng khuyên bạn nên tạm thời loại bỏ các sản phẩm sữa, vì tình trạng không dung nạp lactose là phổ biến và có thể làm trầm trọng thêm IBS hoặc gây ra các triệu chứng tương tự như IBS.

Hàm lượng lớn nhất của lactose được tìm thấy trong sữa và kem, mặc dù nó có với số lượng ít hơn trong sữa chua, pho mát và các loại pho mát khác, và bất kỳ thực phẩm chế biến sẵn nào có chứa các thành phần này.

Nếu bác sĩ đề nghị loại bỏ lactose, bạn nên tránh tất cả các sản phẩm có chứa lactose trong hai tuần. Nếu các triệu chứng IBS được cải thiện, việc tiếp tục tránh dùng lactose là hợp lý. Nếu các triệu chứng không cải thiện, bạn có thể tiếp tục ăn thực phẩm chứa lactose.

1.4 Thực phẩm gây đầy hơi

Nhiều loại thực phẩm chỉ được tiêu hóa một phần ở ruột non. Khi chúng đến ruột kết (ruột già hay đại tràng), quá trình tiêu hóa tiếp tục diễn ra, có thể gây đầy hơi và co thắt đường ruột. Loại bỏ những thực phẩm này tạm thời là hợp lý nếu đầy hơi hoặc chướng bụng gây khó chịu cho bạn.

Các loại thực phẩm sinh hơi phổ biến nhất là các loại đậu (chẳng hạn như đậu quả, đậu đỏ) và các loại rau thuộc họ cải (như bắp cải, cải Brussels, súp lơ và bông cải xanh). Ngoài ra, một số người gặp rắc rối với hành tây, cần tây, cà rốt, nho khô, chuối, mơ, mận khô, rau mầm và lúa mì.

2.Thực phẩm được dung nạp tốt hơn cho IBS

Chất xơ
Tăng bổ sung các thực phẩm chất xơ có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh

Một số loại thực phẩm có thể được dung nạp tốt hơn ở những người mắc IBS: nước khoáng, bia gừng, sữa đậu nành, sữa gạo rang, các thực phẩm chế biến từ gạo và đậu nành; mì pasta, mì noodles, gạo trắng, khoai tây luộc/hấp hoặc nướng bỏ lò, bánh mì Pháp, bánh mỳ Ý; cá đồng, thịt gà, thịt lợn; trứng hấp; salads rau diếp cá, cà chua hay rau chân vịt với trứng hấp, dầu và giấm gạo; đậu Hà lan hay carrots đã được nấu chín; Số lượng ít nước hoa quả ép...

Tăng chất xơ

Tăng chất xơ (bằng cách thêm một số loại thực phẩm vào chế độ ăn hoặc sử dụng chất bổ sung chất xơ) có thể làm giảm các triệu chứng của IBS, đặc biệt nếu bạn bị táo bón. Tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng giúp bạn có thể xác định số gam chất xơ trong mỗi khẩu phần ăn. Chất xơ cũng có thể hữu ích ở một số người có các triệu chứng tiêu chảy chủ yếu vì nó có thể cải thiện độ đặc của phân.

Một chất bổ sung chất xơ tạo thành khối lượng lớn (chẳng hạn như psyllium hoặc methylcellulose) cũng có thể được khuyến nghị để tăng lượng chất xơ vì rất khó tiêu thụ đủ chất xơ trong chế độ ăn uống.

Bổ sung chất xơ nên được bắt đầu với liều lượng thấp và tăng từ từ trong vài tuần để giảm các triệu chứng của quá nhiều khí trong ruột, có thể xảy ra ở một số người khi bắt đầu điều trị bằng chất xơ.

Chất xơ có thể làm cho một số người bị IBS đầy hơi và khó chịu hơn. Nếu điều này xảy ra, nên giảm lượng chất xơ và xem xét các phương pháp điều trị táo bón nhuận tràng khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan