Chỉ số đường huyết của người bị tiểu đường

Chỉ số đường huyết giúp cho biết lượng đường trong máu hiện tại của bạn, đây là một xét nghiệm máu đơn giản có thể thực hiện tại nhà để theo dõi nồng độ đường trong máu. Vậy chỉ số đường huyết của người bị tiểu đường bao nhiêu?

1. Tiểu đường là gì?

Tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh mạn tính mà lượng đường trong máu tăng cao không thể kiểm soát, cần phải can thiệp điều trị. Bệnh được phân thành nhiều nhóm trong đó đái tháo đường type 2 là nhóm thường gặp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường:

  • Do tụy không còn khả năng sản xuất Insulin, một hormon giúp các mô tế bào thu nhận đường vào bên trong, làm hạ đường máu xuống (type 1).
  • Do các mô không còn đáp ứng tốt với insulin (type 2).
  • Ngoài ra còn một số phân nhóm khác liên quan tới các bệnh tự miễn, di truyền và các bệnh lý mạn tính khác.

Sau nhiều năm, với đường huyết không kiểm soát, bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng và vấn đề sức khỏe nghiêm trọng:

  • Bạn có thể gặp các vấn đề về mắt, bao gồm nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, nặng hơn có thể dẫn tới mù lòa.
  • Bệnh tiểu đường có thể khiến việc kiểm soát huyết áp và mỡ trong máu của bạn trở nên khó khăn hơn dẫn tới nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các vấn đề khác. Đôi khi, máu có thể trở nên khó lưu thông đến chân và bàn chân gây thiếu máu nuôi dẫn tới hoại tử, hoặc lâu lành vết thương.
  • Do tổn thương thần kinh, bạn có thể gặp vấn đề trong việc tiêu hóa thức ăn. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc khó đi vệ sinh. Tổn thương dây thần kinh có thể ảnh hưởng tới vấn đề sinh lý của bạn.
  • Lượng đường trong máu cao kéo dài có thể dẫn đến tổn thương chức năng thận, thậm chí có thể ngừng hoạt động dẫn tới bệnh thận mạn do tiểu đường, khiến bạn cần phải chạy thận hoặc ghép thận.
  • Lượng đường trong máu cao làm hệ thống miễn dịch của bạn suy yếu, kém đáp ứng với các tác nhân nhiễm trùng, điều này có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng da và nấm đe dọa tính mạng.

Vì vậy, việc theo dõi chỉ số đường huyết ở người bị tiểu đường là một việc rất quan trọng và cần thiết.

2. Kiểm tra chỉ số đường huyết

Để kiểm tra chỉ số đường huyết ở người bị tiểu đường, bạn cần sử dụng một thiết bị gọi là máy đo đường huyết. Thông thường, bạn chích vào ngón tay của mình bằng một cây kim nhỏ. Sau đó chấm máu lên một que thử và đưa que đó vào máy đo. Máy đo cung cấp số đọc cho bạn biết mức đường trong máu hiện tại.

Cách quy đổi chỉ số đường huyết ở người bị tiểu đường: 1 mmol/L = 18 mg/dL.

Theo dõi lượng đường trong máu (glucose) là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Theo dõi đường huyết bao gồm việc kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo chỉ dẫn và ghi lại nhật ký hoặc hồ sơ kết quả theo thời gian.

Kiểm tra đường huyết thường xuyên và ghi nhật ký đường huyết có thể:

  • Giúp bạn và bác sĩ điều chỉnh kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường khi cần thiết, bao gồm cả thuốc hoặc insulin.
  • Giúp bạn hiểu thức ăn, tập thể dục, bệnh tật và thuốc men ảnh hưởng như thế nào đến lượng đường trong máu.
  • Cho bạn biết lượng đường trong máu bất cứ lúc nào. Bạn có thể nhanh chóng phát hiện xem mình có đường huyết thấp (hạ đường huyết) hay đường huyết cao (tăng đường huyết).

Bác sĩ sẽ đặt ra các mục tiêu điều trị riêng dựa trên tuổi, tình trạng y tế... Nói chung, mục tiêu của điều trị là duy trì mức đường huyết sau:

  • Trước bữa ăn (đường huyết sáng đói): 80 - 130 mg / dL (4,4 - 7,2 mmol/L).
  • Sau bữa ăn (sau ăn ít nhất 2 giờ): dưới 180 mg/ dL (10 mmol/L).
  • Mức A1C: dưới 7%.

3. Thời điểm kiểm tra đường huyết

Bệnh tiểu đường loại 1. Kiểm tra chỉ số đường huyết ở người bị tiểu đường type 1 là 4 lần trở lên mỗi ngày nếu đang điều trị insulin chuyên sâu với nhiều lần tiêm hàng ngày hoặc nếu đang sử dụng máy bơm insulin trước khi ăn các bữa ăn chính trong ngày và các bữa nhẹ. Trước giờ ngủ.

Đồng thời kiểm tra chỉ số đường huyết trong máu nếu bạn có triệu chứng hạ đường huyết, trước và sau khi vận động....

Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 chỉ cần kiểm tra lượng đường trong máu một hoặc hai lần một ngày. Nếu lượng đường trong máu được kiểm soát, bạn có thể chỉ cần kiểm tra một vài lần một tuần. Bạn có thể tự kiểm tra khi thức dậy, trước bữa ăn và trước khi đi ngủ hoặc cũng có thể thường xuyên hơn khi bị ốm hoặc bị căng thẳng.

4. Cách để kiểm soát chỉ số đường huyết

4.1 Kiểm soát chế độ ăn uống

Phối hợp chặt chẽ với bác sĩ dinh dưỡng để biết bạn cần bao nhiêu chất béo, protein và carbohydrate trong chế độ ăn uống của mình. Kế hoạch bữa ăn của bạn phải phù hợp với lối sống, thói quen và nên bao gồm các loại thực phẩm mà bạn thích.

Kiểm soát cân nặng của bạn và có một chế độ ăn uống cân bằng là rất quan trọng. Một số người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể ngừng dùng thuốc sau khi giảm cân. Điều này không có nghĩa là bệnh tiểu đường của họ được chữa khỏi. Họ vẫn bị tiểu đường.

Những người béo phì mà bệnh tiểu đường không được quản lý tốt bằng chế độ ăn uống và thuốc men có thể cân nhắc phẫu thuật giảm cân.

4.2 Hoạt động thể chất thường xuyên

Hoạt động thường xuyên là quan trọng đối với tất cả mọi người. Và tập thể dục rất tốt cho người bị tiểu đường vì:

  • Giúp giảm lượng đường trong máu mà có thể không cần dùng thuốc
  • Đốt cháy thêm calo và chất béo để giúp kiểm soát cân nặng của bạn
  • Cải thiện tưới máu và huyết áp tới các cơ quan
  • Tăng thể lực của bạn
  • Giúp bạn giải tỏa căng thẳng

Nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình thể chất nào. Những người mắc bệnh tiểu đường cần thực hiện các bài tập và những thao tác đặc biệt trước, trong và sau khi hoạt động thể chất hoặc tập thể dục, bao gồm điều chỉnh liều insulin nếu cần.

4.3 Thuốc điều trị bệnh tiểu đường

Nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục không giúp giữ lượng đường trong máu của bạn ở mức bình thường hoặc gần bình thường, bác sĩ có thể kê đơn thuốc. Vì những loại thuốc này giúp giảm lượng đường trong máu theo những cách khác nhau. Để đạt được kết quả tốt bạn cần dùng thuốc theo đúng chỉ định bác sĩ đã kê đơn.

Dưới đây là một số loại thuốc thường được sử dụng:

  • Thuốc ức chế alpha-glucosidase
  • Biguanides
  • Chất cô lập axit mật
  • Chất ức chế DPP-4
  • Thuốc tiêm (chất tương tự GLP-1)
  • Meglitinides
  • Thuốc ức chế SGLT2
  • Sulfonylureas
  • Thiazolidinediones

Bạn có thể cần dùng insulin nếu không thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng một số loại thuốc trên. Thông thường nhất, insulin được tiêm dưới da bằng ống tiêm, bút tiêm insulin hoặc máy bơm. Một dạng khác của insulin là dạng hít.

Theo dõi chỉ số đường huyết của người bệnh tiểu đường là một phần quan trọng trong việc quản lý bệnh tiểu đường. Vì thế người bệnh hãy lưu ý làm việc này thường xuyên và đầy đủ để có được kết quả điều trị bệnh tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan