Chụp CT: 6 ứng dụng phổ biến cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trường Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp cắt lớp vi tính (Computed tomography) hay chụp CT là kỹ thuật chụp X quang cắt lớp, dữ liệu thu về sẽ được hệ thống máy tính để tạo ra hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ thấy nhiều chi tiết hơn so với X-quang thông thường. Kỹ thuật này không mất nhiều thời gian và không gây đau. Vậy chụp CT có tốt không và chụp CT để làm gì?

1. Chụp CT hoạt động như thế nào?

Chụp cắt lớp vi tính (tên tiếng Anh là Computed tomography và viết tắt là CT) sử dụng kỹ thuật chụp X quang cắt lớp, dữ liệu thu về sẽ được hệ thống máy tính xử lý để tạo ra các hình ảnh. Với sự phát triển của các thuật toán và tốc độ máy tính, hệ thống máy tính sẽ tạo ra các hình ảnh ở các hướng khác nhau (MPR), tạo ảnh theo thể tích 3D, MIP hay tạo ảnh nội soi ảo.

Kết hợp với các loại thuốc cản quang theo đường tĩnh mạch, động mạch, đường tiêu hóa... cho phép bác sĩ đánh giá chi tiết hơn về cấu trúc các cơ quan, động học tưới máu của các tạng.

Quá trình này được lặp đi lặp lại để tạo ra một số lát cắt của cơ thể. Máy tính xếp chồng các bản quét này lên nhau để tạo ra hình ảnh xóa nền ứng dụng trong chụp cắt lớp vi tính động mạch CTA (computed tomographic angiography), chi tiết về các khối u hoặc mạch máu của bệnh nhân.

Với kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính hai mức năng lượng (Dual Source CT - DSCT) cho phép bác sĩ đánh giá về cấu trúc hóa học một số tổn thương trong cơ thể như đánh giá tinh thể urat ở bao khớp hay thành phần sỏi tiết niệu... Hiện nay, CT có rất nhiều ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị. Ví dụ, bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng chụp CT để xem xét tất cả các mặt của khối u, chuẩn bị cho ca phẫu thuật.

chụp CT
Máy chụp CT tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec

2. Chụp CT thường được ứng dụng trong trường hợp nào?

Có rất nhiều lý do để các bác sĩ chỉ định chụp CT, sau đây là 6 ứng dụng phổ biến nhất của chụp CT:

● Trong bệnh lý chấn thương: Chụp CT có thể phát hiện các vấn đề về chấn thương toàn bộ cơ thể như: chấn thương sọ não, chấn thương đầu mặt cổ. Trong các chấn thương hệ thống xương khớp cũng như chấn thương khoang ngực, bụng, chậu.

● Trong các bệnh lý ung thư: chụp CT rất có giá trị trong sàng lọc, chẩn đoán các bệnh lý khối u cũng như phân loại, định hướng điều trị và theo dõi sau điều trị như các khối u sọ não, vùng đầu cổ, u phổi, u trung thất, u gan, tụy, u dạ dày, u đại tràng, u thận, u bàng quang...

● Trong bệnh lý tim mạch, chụp CT rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh mạch vành, bệnh lý mạch não, mạch thận, mạch chi... nhờ kỹ thuật không xâm nhập nên ít gây tổn hại cho bệnh nhân hơn các kỹ thuật chẩn đoán can thiệp khác.

● Chụp CT có thể giúp xác định chính xác vị trí, số lượng, kích thước của sỏi tiết niệu cũng như cấu trúc của sỏi, chụp CT hai mức năng lượng có thể định hướng tới bản chất hóa học của sỏi giúp bác sĩ tiết niệu chẩn đoán và định hướng điều trị bệnh lý sỏi tiết niệu.

● Trong cấp cứu bụng, chụp CT có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán một số bệnh thường gặp trong cấp cứu bụng ngoại khoa mà siêu âm hạn chế đánh giá như viêm tụy cấp, viêm ruột thừa, viêm ruột hoại tử, tắc ruột, viêm phúc mạc, áp xe trong ổ bụng và tiểu khung...

● Các bác sĩ sử dụng chụp CT để lên kế hoạch và quy trình điều trị, chẳng hạn như định hướng sinh thiết, phẫu thuật và xạ trị.

3. Chụp CT được thực hiện như thế nào?

Bệnh nhân cần được khám bởi một bác sĩ chuyên khoa hoặc đa khoa để đánh giá tình trạng bệnh tật và ra chỉ định chụp CT an toàn và hợp lý.

Bệnh nhân có thể được yêu cầu không ăn hoặc uống trong vài giờ trước khi chụp, hoặc không sử dụng các chất cản quang trong vòng 1-3 ngày trước khi chụp.

Bệnh nhân cũng có thể cần mặc áo choàng bệnh viện và loại bỏ bất kỳ vật kim loại nào mang theo trên người, chẳng hạn như đồ trang sức.

Một kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh sẽ hướng dẫn bệnh nhân phối hợp trong quá trình thực hiện chụp CT. Trong quá trình chụp, bệnh nhân sẽ nằm trên bàn bên trong một máy CT lớn có hình tròn. Khi bàn từ từ di chuyển qua máy quét, các tia X xoay quanh cơ thể bệnh nhân.

chan-doan-va-dieu-tri-suy-tim-o-nguoi-cao-tuoi-3
Chụp CT giúp chẩn đoán các bệnh lý về tim mạch

Thông thường bệnh nhân sẽ nghe thấy tiếng ồn hoặc ù ù trong quá trình chụp. Nếu bệnh nhân chuyển động có thể làm mờ hình ảnh, vì vậy bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm yên và thậm chí đôi khi cần phải nín thở. Những trường hợp bệnh nhân mất ý thức hoặc trẻ nhỏ có thể cần phải sử dụng an thần để bệnh nhân nằm yên.

Thời gian chụp sẽ phụ thuộc vào kỹ thuật cần được kiểm tra, từ vài phút đến nửa giờ. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân sẽ về nhà trong ngày.

4. Chụp CT với chất cản quang là gì?

Trong chụp CT, việc kết hợp sử dụng các chất cản quang sẽ đem lại hình ảnh rõ nét hơn cũng như đánh giá động học ngấm thuốc, lưu thông các chất cản quang trong các tạng theo thời gian thực. Các chất này có tỷ trọng cao và xuất hiện màu trắng trên ảnh, làm nổi bật các mạch máu, các cơ quan hoặc các cấu trúc khác.

Chất cản quang thường được làm bằng các chế xuất có thành phần iốt hoặc bari sulfat. Chất cản quang được đưa vào cơ thể qua nhiều đường tùy theo mục đích chẩn đoán:

● Tiêm: Chất cản quang được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc động mạch sẽ làm cho các mạch máu, thận và đường tiết niệu, gan hoặc túi mật của bệnh nhân nổi bật lên trong hình ảnh.

● Chất cản quang có thể đưa vào cơ thể qua các ống dẫn lưu hoặc các đường rò tự nhiên để giúp chẩn đoán chính xác một số trường hợp bệnh lý.

● Đường uống: Uống chất lỏng với chất cản quang có thể tăng cường khả năng chụp đường tiêu hóa của bệnh nhân rõ nét hơn.

● Đường thụt: chất cản quang có thể được đưa vào trực tràng.

Sau khi chụp CT, bệnh nhân sẽ cần uống nhiều nước để giúp thận loại bỏ chất cản quang ra khỏi cơ thể.

Uống nước
Người bệnh cần uống nhiều nước để giúp thận loại bỏ chất cản quang ra khỏi cơ thể

5. Có rủi ro nào không?

Chụp CT sử dụng tia X nên tạo ra bức xạ ion hóa. Nghiên cứu cho thấy loại phóng xạ này có thể làm hỏng ADN của bệnh nhân và dẫn đến đột biến gen và ung thư. Nhưng rủi ro vẫn còn rất nhỏ, khả năng bệnh nhân bị ung thư gây tử vong vì chụp CT là khoảng 1 trên 2.000.

Nhưng hiệu ứng bức xạ lại ảnh hưởng cộng dồn và diễn ra trong suốt cuộc đời của bạn. Vì vậy, nguy cơ của bệnh nhân tăng lên với mỗi lần chụp CT. Do đó, trước khi chụp, bệnh nhân có thể cần nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ tiềm tàng, lợi ích, và hỏi tại sao bệnh nhân cần chụp CT.

Bức xạ ion hóa có thể có hại cho trẻ em hơn, do trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển. Nếu tính tổng số thời gian tiếp xúc với bức xạ, trẻ càng nhỏ mà đã tiếp xúc bức xạ sớm thì trẻ đó có nhiều năm tiếp xúc với bức xạ hơn so với những trẻ khi lớn lên mới bắt đầu tiếp xúc với bức xạ. Vì vậy, để giảm nguy cơ biến chứng cộng dồn cho nhiều lần tiếp xúc với bức xạ, bố mẹ nên hỏi bác sĩ hoặc kỹ thuật viên có thể cài đặt máy chụp CT sang chế độ dành cho trẻ em hay không.

Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai. Nếu bệnh nhân cần chẩn đoán hình ảnh cho vùng bụng, bác sĩ có thể chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác mà không sử dụng bức xạ, chẳng hạn như siêu âm.

Đau tức bụng khi mang thai
Nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ có mang cần thông báo cho bác sĩ

6. Các tác dụng phụ của chụp CT là gì?

Một số người bị dị ứng với chất cản quang nhưng hầu hết các trường hợp có phản ứng nhẹ như ngứa hoặc phát ban. Trong rất ít trường hợp, chất cản quang có thể gây ra phản ứng nặng và đe dọa tính mạng. Bởi vậy, bệnh nhân cần ở lại bệnh viện trong một thời gian ngắn sau khi chụp CT để theo dõi. Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế về bất kỳ tình trạng dị ứng nào như dị ứng thuốc, hải sản hoặc iốt.

Sử dụng thuốc cản quang đường tĩnh mạch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thận ở những bệnh nhân bị suy thận từ trước, do vậy người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng bệnh tật của mình cũng như cần có xét nghiệm đánh giá chức năng thận trước khi sử dụng cản quang đường tĩnh mạch.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần cung cấp thông tin cho bác sĩ về tình trạng bệnh lý hiện tại như: tiểu đường và đang dùng thuốc metformin; hoặc mắc các bệnh lý về tim mạch, thận.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • sử dụng thuốc  Aralast
    Tác dụng của thuốc Aralast

    Thuốc aralast thuộc nhóm thuốc hô hấp được sử dụng trong điều trị bệnh lý về đường hô hấp như khí phế thũng, khi cơ thể thiếu một loại protein có tên là alpha 1-antitrypsin. Thuốc aralast thay thế protein ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp cho người tổn thương gan do sử dụng bia rượu

    Kanzou Ukon mang lại nhiều công dụng nhờ sự kết hợp của 4 thành phần độc đáo như Mầm súp lơ, nghệ vàng,...

    Đọc thêm
  • alupent
    Công dụng thuốc Alupent

    Metaproterenol là hoạt chất thuộc họ thuốc giãn phế quản adrenergic, làm mở ống phế quản trong phổi, tăng lưu lượng khí qua các ống phế quản. Đây cũng là thành phần hoạt chất chính có trong thuốc Alupent. Vậy ...

    Đọc thêm
  • Salbutral
    Công dụng thuốc Salbutral

    Salbutral thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp, bào chế dưới dạng hỗn dịch khí dung chia liều, quy cách đóng gói hộp 1 ống khí dung 250 liều. Để dùng thuốc Salbutral an toàn và hiệu quả ...

    Đọc thêm
  • airbuter
    Công dụng thuốc Airbuter

    Airbuter 20 là thuốc thuộc nhóm thuốc giãn phế quản có tác động chọn lọc trên thụ thể beta 2 adrenergic. Thuốc giúp đường thở được mở rộng từ đó giảm triệu chứng của một số bệnh lý như hen ...

    Đọc thêm
  • Piafager
    Công dụng thuốc Piafager

    Thuốc Piafager thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp và được bào chế ở dạng siro. Thuốc Piafager có thành phần chính là Salbutomol được chỉ định trong điều trị các chứng co thắt phế quản trong hen ...

    Đọc thêm