Chụp động mạch thận chẩn đoán nhiều bệnh lý phức tạp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thục Vỹ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh -
Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Chụp mạch máu thận hay còn gọi là chụp động mạch thận bằng cách sử dụng tia X chụp mạch máu ở thận khi tiêm chất cản quang vào mạch máu của thận. Kỹ thuật này được sử dụng để phát hiện các dấu hiệu của tắc nghẽn hay hẹp động mạch thận hoặc triệu chứng bất thường ảnh hưởng đến khả năng cung cấp máu cho thận. Vậy cụ thể là các bệnh lý nào của thận?

1. Tại sao người bệnh cần chụp động mạch thận?

Sau khi khám sức khỏe, nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh có vấn đề trong các mạch máu của thận thì bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện chụp động mạch thận (tên tiếng Anh là renal angiogram), đặc biệt là các bệnh lý phức tạp như:

Phình động mạch thận

● Hẹp động mạch thận

● Tắc động mạch thận

● Co thắt động mạch thận

● Dị dạng động tĩnh mạch (Arteriovenous malformation)

● Cục máu đông (huyết khối)

● U thận

Nang thận

● Chảy máu

● Biến chứng do ghép thận.

Ngoài ra, trong trường hợp chụp CT hoặc MRI nhưng không cung cấp đủ thông tin để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác, thì người bệnh cũng có thể cần sử dụng chụp động mạch thận.

U thận - ung thư thận
Bệnh nhân có khối u ở thận cần được chỉ định chụp động mạch thận

2. Nguy cơ khi chụp động mạch thận

Trước khi thực hiện chụp động mạch thận, người bệnh nên hỏi bác sĩ về lượng phóng xạ được sử dụng trong quá trình chụp và các rủi ro có thể gặp. Người bệnh cần nói rõ cho bác sĩ biết tiền sử các lần chụp tia X trước và có những vấn đề như:

● Đang mang thai hoặc người bệnh nghĩ mình đang mang thai. Do tiếp xúc với bức xạ trong thai kỳ có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi

● Bị dị ứng hoặc nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, thuốc tương phản hoặc iốt. Do các thuốc tương phản được sử dụng trong chụp động mạch thận có nguy cơ gây phản ứng dị ứng

● Bị suy thận hoặc các bệnh lý về thận khác. Trong một số trường hợp, thuốc tương phản có thể gây suy thận, đặc biệt nguy cơ này càng cao hơn khi người bệnh có sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường.

Các biến chứng có thể gặp khi chụp động mạch thận bao gồm:

● Chảy máu

● Tổn thương thần kinh

● Cục máu đông

● Khối máu tụ (hematoma)

Nhiễm trùng

● Suy thận tạm thời (Temporary kidney failure)

● Tổn thương động mạch hoặc thành động mạch, có thể dẫn tới tạo điều kiện để hình thành cục máu đông.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp những rủi ro khác tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người bệnh. Do đó, người bệnh nên được bác sĩ tư vấn trước khi thực hiện chụp động mạch thận.

Một số điều kiện khác có thể làm cho chụp động mạch thận kém chính xác hơn như:

● Thuốc tương phản vẫn còn trong cơ thể người bệnh từ lần chụp chẩn đoán hình ảnh gần đây

● Có hơi hoặc phân trong ruột.

Khám bệnh
Trước khi chụp động mạch thận, người bệnh được bác sĩ tư vấn về một số nguy cơ khi chụp động mạch thận

3. Người bệnh cần chuẩn bị trước khi chụp động mạch thận?

Nhìn chung, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong khoảng tám giờ trước khi chụp động mạch thận.

Người bệnh cần cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm các chế phẩm thảo dược và thuốc không kê đơn. Ngay cả một số loại thuốc dường như vô hại cũng có thể ảnh hưởng đến quy trình thực hiện hoặc phản ứng cơ thể người bệnh với thuốc cản quang, như thuốc Aspirin có thể ảnh hưởng đến khả năng đông máu của người bệnh. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh tạm thời ngừng dùng một số hoặc tất cả các loại thuốc đang sử dụng trước khi chụp động mạch thận.

Ngoài ra, người bệnh cũng nên nói với bác sĩ nếu bị dị ứng với:

● Bất kỳ loại thuốc nào khác

● Mủ cao su

● Iốt

Thuốc gây mê

Thuốc cản quang.

Hình ảnh chụp động mạch thận
Kết quả chụp cho thấy một số bất thường tại động mạch thận

4. Quá trình chụp động mạch thận được thực hiện như thế nào?

Trước khi chụp động mạch thận, người bệnh sẽ cần phải ký một mẫu đơn đồng ý thực hiện và thay quần áo để mặc áo choàng của bệnh viện, tháo tất cả đồ trang sức.

Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ được dùng thuốc an thần trước khi tiến hành thủ thuật. Thuốc an thần này sẽ giúp người bệnh thư giãn nhưng không khiến người bệnh ngủ hoàn toàn.

Sau đó, bác sĩ sau đó sẽ chèn một loại ống thông dài (catheter) vào động mạch của người bệnh và tiêm thuốc cản quang qua ống này vào cơ thể.

Trước khi tiêm thuốc cản quang, bác sĩ phải đặt ống thông vào đúng vị trí. Bác sĩ sẽ đặt ống catheter vào động mạch và điều khiển ống catheter đi tới động mạch chủ gần động mạch thận. Khi ống thông ở đúng vị trí, thuốc cản quang sẽ được tiêm vào cơ thể người bệnh. Bác sĩ sẽ chụp nhiều tia X khi thuốc nhuộm đi qua các mạch máu của người bệnh. Thuốc nhuộm có tác dụng làm cho các mạch xuất hiện trên X-quang rõ ràng hơn để phát hiện các vấn đề bệnh lý.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể điều trị trong khi thực hiện chụp động mạch thận. Ví dụ, nếu phát hiện cục máu đông hoặc khối u, bác sĩ có thể tiêm thuốc ngay tại chỗ để điều trị.

Sau khi bác sĩ kết thúc chụp động mạch thận, ống thông sẽ được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan