Đặc điểm hình ảnh học của liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính (Bell’s palsy)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Dịu Hường - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bell’s palsy khiến một bên mặt bị xệ xuống hoặc cứng đơ. Nó xảy ra khi dây thần kinh điều khiển các cơ ở mặt bị viêm, sưng hoặc bị đè ép. Trong hầu hết các trường hợp, Bell’s palsy chỉ là tạm thời và các triệu chứng thường biến mất sau vài tuần, thường là 6-8 tuần.

1. Liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính là gì?

Liệt mặt Bell (Bell’s palsy) được đặt theo tên của nhà giải phẫu người Scotland Charles Bell, người đầu tiên mô tả tình trạng này.

Bell’s palsy là một tình trạng gây ra yếu tạm thời hoặc liệt các cơ ở mặt. Nó xảy ra khi dây thần kinh điều khiển các cơ ở mặt bị viêm, sưng hoặc bị đè ép.

Tình trạng này khiến một bên mặt bị xệ xuống hoặc cứng đơ. Có thể gặp khó khăn khi cười hoặc nhắm mắt ở bên bị ảnh hưởng. Trong hầu hết các trường hợp, Bell’s palsy chỉ là tạm thời và các triệu chứng thường biến mất sau vài tuần, thường là 6-8 tuần.

Liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính
Hình ảnh minh hoạ liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính

2. Đặc điểm của bệnh Bell’s palsy

Đa số trường hợp liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính là vô căn, nguyên nhân còn lại phổ biến nhất được cho là do nhiễm virus trong trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên gần đây hoặc sự tái hoạt của virus herpes simplex tiềm ẩn. Bệnh Lyme (borreliosis) cũng được coi là một tác nhân gây bệnh.

Nhiễm trùng dây thần kinh mặt có thể dẫn đến các triệu chứng thông qua hai cơ chế chính:

  • Sưng dây thần kinh lan tỏa dẫn đến chèn ép trong kênh mặt
  • Huỷ myelin

Các yếu tố khác bao gồm mang thai, tiểu đường và một số thủ thuật nha khoa.

3. Dịch tễ học

Tỷ lệ mắc liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính là khoảng 20 đến 30 người trên 100.000 người hàng năm. Khoảng 1 trong số 60 cá nhân sẽ bị ảnh hưởng trong suốt cuộc đời của họ.

Tuổi khởi phát trung bình là 40 tuổi.

Mặc dù liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính thường ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ như nhau, tỷ lệ mắc bệnh gần như cao gấp đôi ở phụ nữ mang thai.

4. Biểu hiện lâm sàng

Liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính thường xuất hiện trong vài ngày và thường chỉ ảnh hưởng đến một bên của khuôn mặt.

Biểu hiện lâm sàng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí của tổn thương dọc theo dây thần kinh mặt, nhưng các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Yếu / liệt mặt,
  • Khô mắt và miệng,
  • Tăng tiết khí quản
  • Mất vị giác ở 2/3 phía trước của lưỡi.

Cả phần mặt trên và phần mặt dưới hầu như đều bị ảnh hưởng. Nếu yếu/liệt chỉ giới hạn ở phần mặt dưới, thì điều này có nghĩa là yếu/liệt ở trung ương, có thể là do một bệnh lý xảy ra ở hệ thần kinh trung ương như đột quỵ.

5. Các đặc điểm hình ảnh

Thông thường, hình ảnh học không cần thiết để chẩn đoán liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính vì chỉ cần dựa vào vào bệnh sử và khám lâm sàng nói chung là đủ để chẩn đoán.

Tuy nhiên, trong trường hợp có các triệu chứng không điển hình (liệt tiến triển chậm, liệt dây thần kinh mặt tái phát, liên quan đến các dây thần kinh sọ khác) hoặc phục hồi chậm (không cải thiện triệu chứng trong 6-8 tuần), hình ảnh có thể hữu ích để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác.

MRI thường là phương thức hình ảnh được lựa chọn vì nó có khả năng mô tả cấu trúc mô mềm.

Đặc điểm hình ảnh phổ biến nhất của bệnh liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính trên MRI là sự ngấm thuốc tương phản đoạn mê cung của dây thần kinh mặt (the labyrinthine portion of the facial nerve), nơi ống thần kinh mặt hẹp nhất.

Liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính
Hình minh họa các đoạn của dây thần kinh mặt

Lưu ý: Bình thường cũng có thể thấy sự ngấm thuốc mờ nhạt ở các đoạn hạch gối (geniculate ganglion), đoạn nhĩ (tympanic) và đoạn chũm (mastoid segments) của dây thần kinh mặt. Sự ngấm thuốc được xem là bất thường khi ngấm thuốc tương phản ở các đoạn bể lớn (cisternal), đoạn trong lỗ tai trong (intracanalicular), đoạn mê cung (labyrinthine), và đoạn mang tai (parotid).

Liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính
Hình ảnh MRI của bệnh nhân bị liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính. Sự ngấm thuốc không đối xứng dọc theo dây thần kinh mặt bên phải, liên quan đến các đoạn: phần xa đoạn ngách (distal meatal), đoạn mê cung (labyrinthine), đoạn hạch gối (geniculate ganglion), đoạn nhĩ (tympanic)

Sự ngấm thuốc có thể tồn tại đến một năm mặc dù đã có sự cải thiện về lâm sàng.

Nếu thấy dây thần kinh mặt có dạng nốt, cần nghi ngờ một quá trình u. Chẩn đoán phân biệt:

  • Cần cẩn thận để không nhầm sự ngấm thuốc tương phản bình thường của dây thần kinh mặt trên MRI với sự ngấm thuốc bất thường trong bệnh liệt mặt Bell; ngấm thuốc khu trú ở phần lớn mặt ngoài của ngách tai trong có lẽ là đặc điểm hữu ích nhất và đã được đề xuất như một marker cho mức độ nghiêm trọng và tiên lượng bệnh.
  • U máu của dây thần kinh mặt
  • Sự lan rộng quanh màng cứng của khối u

6. Điều trị

Trong khi liệu pháp điều trị bệnh liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cấp tính đang gây tranh cãi, các nhóm đồng thuận khuyến nghị sử dụng corticosteroid và thuốc kháng vi-rút để giúp tăng tốc độ phục hồi và ngăn ngừa biến chứng.

Khoảng 80% đến 90% bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, trong khi chỉ có một số ít tiếp tục bị liệt mặt mãn tính. Các yếu tố nguy cơ đối với sự phục hồi không hoàn toàn bao gồm tuổi khởi phát lớn hơn và liệt hoàn toàn.

Điều trị dự phòng liệt mặt Bell cho tới thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp điều trị dự phòng hiệu quả. Vì thế bệnh nhân nên chủ động phòng tránh để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và mất tự tin trong cuộc sống.

Chuyên khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh nhân bị liệt liệt dây thần kinh mặt do nhiều nguyên nhân gây nên. Bệnh viện hiện có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm được đào tạo bài bản, đặc biệt có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp mang đến hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao, hạn chế tối đa biến chứng cho người bệnh.

Do đó, bệnh viện Vinmec hiện là trung tâm chăm sóc sức khỏe uy tín cho mọi đối tượng khách hàng có thể đến khám khi gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan