Đặt nội khí quản cấp cứu đường thở khó

Đặt nội khí quản là kĩ thuật được sử dụng để cấp cứu đường thở khó, đảm bảo lưu thông khí của các nhịp thở, đường thở thông thoáng và tránh biến chứng. Kỹ thuật đặt nội khí quản là kĩ thuật khó, yêu cầu thiết bị và bác sĩ tay nghề cao, hạn chế tối đa nguy cơ.

1. Đặt nội khí quản là gì?

Đặt nội khí quản là kĩ thuật hồi sức nội khoa, nhằm làm thông thoáng đường thở trong các trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở cấp tính do chấn thương, co thắt thanh quản, phù, khối u, nhiễm trùng thanh quản,...

2. Đặt nội khí quản có lợi ích gì?

  • Duy trì sự thông thoáng của đường thở, cung cấp oxy nồng độ cao;
  • Đảm bảo cung cấp đủ thể tích khí lưu thông theo các nhịp thở được cài đặt trước khi thông khí nhân tạo;
  • Cung cấp PEEP (áp lực dương cuối thì thở ra), cô lập phổi;
  • Tạo thuận lợi để hút chất tiết, đàm nhớt đồng thời ngăn ngừa hít sặc các chất tiết từ họng, miệng, dạ dày, và đường hô hấp trên;
  • Tạo ra đường sử dụng các thuốc để hồi sức khi đường truyền tĩnh mạch hoặc trong xương không thể có liền.

3. Nguy cơ của thủ thuật đặt nội khí quản

Hầu họng
Thủ thuật đặt nội khí quản có nguy cơ chấn thương hầu họng

  • Chấn thương hầu họng;
  • Giảm oxy hóa máu do thời gian làm thủ thuật quá dài, hoặc đặt ống nội khí quản sai vị trí mà không phát hiện ra.

Tỉ lệ biến chứng của thủ thuật tăng nếu cố gắng thử áp dụng ở các trường hợp không được đào tạo bài bản hoặc nếu các thủ thuật viên không có kinh nghiệm. Trong trường hợp không nhìn thấy dây thanh âm, thủ thuật viên thực hiện cần sử bóp bóng qua mặt nạ hoặc các dụng cụ khai thông đường thở khác.

4. Chỉ định đặt nội khí quản cấp cứu đường thở khó

Chỉ định đặt nội khí quản khi:

  • Tắc nghẽn đường thở cấp do bị chấn thương, bỏng, mắc dị vật, nhiễm trùng, phù mạch ở đường hô hấp trên hoặc bị co thắt, u thanh quản;
  • Bệnh nhân chấn thương đầu, tai biến mạch máu não, dùng thuốc quá liều hoặc nhiễm trùng hệ thần kinh, dẫn đến mất phản xạ bảo vệ đường thở;
  • Suy hô hấp dẫn tới giảm oxy máu, tăng CO2;
  • Ngừng hô hấp tuần hoàn.

Bệnh nhân chấn thương đầu cần được đặt nội khí quản ngay khi có 1 trong các tiêu chuẩn sau:

  • GCS ≤ 8
  • Suy hô hấp
  • Mất các phản xạ bảo vệ đường thở
  • Tăng thông khí tự phát
  • Loạn nhịp thở như ngưng thở

Chỉ định đặt nội khí quản không bắt buộc làm ngay nhưng có thể cần làm trước khi di chuyển bệnh nhân:

  • Suy giảm mức độ ý thức đáng kể
  • Chảy máu nhiều vào miệng hay khoang họng
  • Gãy xương hàm cả 2 bên
  • Co giật cơn lớn

5. Quy trình đặt nội khí quản

Đặt ống nội khí quản
Hình ảnh mô tả quy trình đặt nội khí quản

Chuẩn bị

Bệnh nhân cần được chuẩn bị tư thế và đánh giá như sau:

  • Lập đường truyền tĩnh mạch hay xương;
  • Đánh giá khả năng đặt nội khí quản dựa trên giải phẫu;
  • Cung cấp oxy trước khi đặt nội bằng việc dùng nhịp thở bình thường trong 3 phút hay hơn với FiO2, thường gần 1 hay 8 nhịp thở sâu trong 1,5 phút;
  • Lấy bỏ răng giả (nếu có).

Chuẩn bị dụng cụ gồm:

  • Kiểm tra dụng cụ cần thiết: ống nội khí quản, que dẫn đường, bóng bóp
  • Lắp cán đèn vào lưỡi đèn
  • Chọn ống nội khí quản với kích thước phù hợp
  • Chọn lưỡi đèn với loại và kích cỡ phù hợp
  • Kiểm tra bóng chèn

Kích thước ống nội khí quản và lưỡi đèn như sau:

Kích thước ống nội khí quản và lưỡi đèn như sau:

Kỹ thuật đặt nội khí quản

  • Bôi trơn và cố định que dẫn bên trong ống nội khí quản;
  • Đặt đầu bệnh nhân trong tư thế trung tính, giữ thẳng trục cổ để làm thẳng trục miệng-thanh quản-hầu họng;
  • Dùng kỹ thuật ngón cái - ngón trỏ mở miệng bệnh nhân;
  • Đặt nhẹ nhàng lưỡi đèn vào bên phải miệng bệnh nhân, gạt lưỡi sang trái, nâng nắp thanh quản;
  • Quan sát thanh môn mở và các dây thanh;
  • Hút sạch chất tiết nếu có trong đường thở bằng tay phải;
  • Đưa ống nội khí quản vào bằng tay phải, đồng thời quan sát khi ống đi qua 2 dây thanh;
  • Bơm bóng chèn nội khí quản (khoảng 5 - 10 mL không khí);
  • Lấy lưỡi đèn ra ngoài;
  • Dùng 1 tay giữ ống nội khí quản và rút que dẫn đường bằng tay còn lại;
  • Đặt dụng cụ ngăn cắn;
  • Nối bóng thở vào ống nội khí quản;
  • Bóp bóng thở, đồng thời quan sát cử động của lồng ngực;
  • Đánh giá vị trí của ống nội khí quản;
  • Dùng dây vải cố định ống nội khí quản;
  • Thông khí, tiếp tục theo dõi vị trí ống nội khí quản và tình trạng bệnh nhân (bằng lâm sàng hoặc X-quang ngực thẳng);
  • Nếu đang xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hạn chế tối đa gián đoạn. Đưa lưỡi đèn vào, để sẵn ống nội khí quản ngay khi tạm ngưng xoa bóp tim. Quan sát các dây thanh và đưa ống nội khí quản vào trong không quá 10 giây. Ngay khi ống nội khí quản đi qua giữa 2 dây thanh cần quay trở lại xoa bóp tim;
  • Nếu không đặt được nội khí quản trong 30 giây, tiếp tục thông khí bằng bóp bóng qua mặt nạ với oxy 100%, sau đó cố gắng đặt lại trong 20-30 giây. Cần giữ cho SpO2 bệnh nhân luôn > 95% mọi lúc;
  • Độ sâu thích hợp của ống nội khí quản là 23cm tại cung răng hay khóe miệng với bệnh nhân nam và 21-22cm với bệnh nhân nữ. Trên phim X-quang, quan sát đầu ống nội khí quản nên ở vị trí 2-7 cm trên carina, là 4-7 cm trên carina với đầu và cổ ở vị trí trung tính;
  • Bóng chèn: áp lực bóng chèn tối ưu ở khoảng từ 20-30 cmH2O.

6. Dấu hiệu có khả năng đường thở khó

viêm thanh thiệt
Viêm thanh thiệt là dấu hiệu có khả năng đường thở khó

  • Khó ngửa cổ: viêm khớp, chấn thương hoặc từng mổ trước đó;
  • Bất thường giải phẫu: miệng nhỏ, cổ đầy, lưỡi lớn, vòm khẩu cái cao, hàm dưới thụt ra sau, béo phì;
  • Miệng không mở lớn được;
  • Thở rít hoặc có dấu hiệu khác của viêm hô hấp trên như: viêm thanh thiệt, bỏng hoặc nhiễm trùng thanh quản;
  • Chấn thương thanh quản hoặc khí quản;
  • Biến dạng bẩm sinh đầu, mặt và cổ.

Có thể thấy, đặt nội khí quản cấp cứu đường thở khó là kỹ thuật không hề đơn giản, việc đặt sai vị trí nội khí quản có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, khiến bệnh nhân tử vong. Do đó, chỉ thực hiện kĩ thuật này với bác sĩ đã được huấn luyện, cùng đội ngũ hỗ trợ được đào tạo tốt.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan