Đau tức bụng dưới bàng quang: Dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?

Đau tức bụng dưới bàng quang là một triệu chứng thường gặp trên lâm sàng, xuất hiện trong nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau. Nguyên nhân gây ra đau bụng dưới bàng quang rất phổ biến, có thể là nhiễm trùng, bệnh lý đường tiết niệu hoặc cũng có thể là dấu hiệu của ung thư.

1. Tình trạng đau tức bụng dưới bàng quang

Vùng bụng dưới của cơ thể người bao gồm một số cơ quan như bàng quang, buồng trứng và tử cung đối với nữ, đại trực tràng... Cơn đau bụng dưới bàng quang có thể bị nhầm lẫn với cơn đau ở các vị trí khác vùng bụng dưới, vì vậy cần thăm khám kỹ và có các phương tiện cận lâm sàng khác để hỗ trợ chẩn đoán được chính xác nhất.

Bàng quang là một tạng rỗng, nằm ở vùng bụng dưới. Cơn đau bụng dưới bàng quang xảy ra khi có sự tăng áp lực một cách đột ngột ở trong lòng bàng quang hoặc do cơ chóp bàng quang co thắt một cách quá mức. Cơn đau xuất hiện đầu tiên ở vùng bụng dưới, co thắt tăng dần, mất đi sau khi đi tiểu. Biểu hiện kèm theo cơn đau bụng dưới bàng quang là các triệu chứng của rối loạn tiểu tiện.

2. Đau tức bụng dưới bàng quang cảnh báo bệnh gì?

Cơn đau bụng dưới bàng quang là triệu chứng của một số bệnh lý như sau:

2.1. Viêm bàng quang kẽ

Đây là bệnh lý thường gặp ở nữ giới nhiều hơn vì cấu trúc giải phẫu vùng niệu đạo của nữ giới ngắn, dễ bị nhiễm khuẩn gây ra tình trạng viêm nhiễm hơn. Một nguyên nhân khác dẫn đến viêm bàng quang ở nữ giới đó là việc dùng thuốc tránh thai. Thuốc này làm giảm bài tiết, thay đổi hệ vi sinh vùng sinh dục tiết niệu nên cũng là yếu tố nguy cơ gây viêm nhiễm.

Ngoài ra, trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc thường ngày nếu không vệ sinh thường xuyên và đúng cách thì cũng sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm. Triệu chứng của viêm bàng quang là đau tức vùng bụng dưới bàng quang, tiểu khó, tiểu gấp, tiểu máu, nước tiểu có mùi hôi, màu nước tiểu đục...

Viêm bàng quang kẽ gặp nhiều ở phụ nữ ngoài 40 tuổi nhưng có thể gặp cả ở nam giới. Đối với bệnh nhân nam bị viêm bàng quang kẽ thì có thêm triệu chứng đau tức bàng quang khi quan hệ tình dục, xuất tinh và đau vùng giữa bìu, hậu môn.

2.2. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Bệnh lý này cũng dễ gặp ở nữ giới hơn, với tác nhân là vi khuẩn ở các cơ quan đường tiết niệu như thận, bàng quang, niệu quản hay niệu đạo. Bệnh biểu hiện bằng cơn đau bàng quang và những triệu chứng rối loạn tiểu tiện khác như tiểu ngắt quãng, tiểu buốt, tiểu rắt, đi tiểu nhiều lần trong ngày, đôi khi sẽ gặp phải tình trạng tiểu ra mủ. Nữ giới khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu còn có thể có triệu chứng đau xương mu.

2.3. Ung thư bàng quang

Đây là bệnh lý nguy hiểm và tiềm ẩn, gặp ở nam giới nhiều hơn và nhất là người ngoài 50 tuổi. Yếu tố nguy cơ gây bệnh có thể kể đến là hút thuốc lá, tuổi cao, môi trường làm việc có hóa chất độc hại, nghề nghiệp đặc thù như tài xế lái xe, người đã bị nhiễm ký sinh trùng.

Triệu chứng ung thư bàng quang dễ chẩn đoán nhầm với những bệnh lý tiết niệu – sinh dục khác như tiểu máu, rối loạn tiểu tiện, đau bàng quang, đau thắt lưng khi tiểu... Nếu ung thư bàng quang phát hiện ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể có các triệu chứng như không còn khả năng bài tiết nước tiểu, chán ăn, sụt cân bất thường không rõ nguyên nhân, suy nhược cơ thể, đau xương...

2.4. Sỏi thận

Sỏi thận bản chất là các tinh thể rắn từ các muối không tan tạo thành trong thận, sau đó di chuyển theo đường đi của niệu quản và đến bàng quang. Nếu sỏi mắc kẹt ở những điểm trên đường đi này sẽ khiến dòng tiểu bị tắc nghẽn tạo nên áp lực ở bàng quang và biểu hiện lâm sàng bằng cơn đau bụng dưới bàng quang. Thông thường, cơn đau do sỏi thận có thể xảy ra ở 1 bên hoặc 2 bên, đau khi đi tiểu, kèm theo đó là triệu chứng tiểu nhiều, tiểu có màu sẫm hay màu đỏ, buồn nôn, nôn, nếu là nam giới sẽ có thể bị đau phần đầu dương vật.

Đau tức ở bàng quang mặc dù không phải là triệu chứng cấp cứu nhưng cũng báo hiệu cơ quan tiết niệu gặp phải một số bệnh lý nhất định, trong đó có cả bệnh ung thư. Vì vậy, khi có cơn đau bụng dưới bàng quang xuất hiện kèm theo những biểu hiện khác thì cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán nguyên nhân, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan