Để chẩn đoán viêm đường tiết niệu cần thực hiện những xét nghiệm nào?


Viêm đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến các phần khác nhau của giải phẫu đường tiết niệu, bao gồm bàng quang, niệu đạo hoặc cả thận. Hầu hết các trường hợp viêm đường tiết niệu đều có thể dễ dàng điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, để được như vậy, cần biết sớm chẩn đoán viêm đường tiết niệu cần thực hiện những xét nghiệm nào mới là điều quan trọng.

1. Viêm đường tiết niệu là gì?

Về nguyên tắc, nước tiểu trong lòng bàng quang là vô trùng. Điều này có nghĩa là nước tiểu không chứa bất kỳ vi khuẩn hoặc các sinh vật nào khác. Tuy nhiên, vi khuẩn có thể xâm nhập vào niệu đạo theo ngược dòng và gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Một cách khác, vi trùng trong máu đi đến thận cũng có thể bám dính, tăng sinh và gây nhiễm trùng tại thận, hệ quả là viêm đường tiết niệu.

Như vậy, viêm đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ phần nào trong hệ tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng thường liên quan đến đường tiết niệu dưới là bàng quang và niệu đạo.

Nhiễm trùng tiểu thường gặp ở phụ nữ và trẻ em gái hơn nam giới. Điều này có thể một phần là do niệu đạo nữ ngắn hơn và gần hậu môn hơn, cho phép vi khuẩn từ ruột tiếp xúc dễ dàng hơn với niệu đạo. Trong khi đó, nam giới lại cho chất kháng khuẩn tự nhiên trong tuyến tiền liệt, sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu. Theo đó, các trường hợp viêm đường tiết niệu trên nam giới cần khảo sát các dị tật, tắc nghẽn đường tiểu tiềm ẩn.

Về điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ nhanh chóng được kiểm soát bằng loại kháng sinh thích hợp. Tuy nhiên, để hiệu quả điều trị cao và độ nhạy kháng sinh đạt sớm từ ban đầu, việc xét nghiệm chẩn đoán viêm đường tiết niệu càng sớm càng tốt là điều cần thiết. Theo đó, các xét nghiệm nhằm mục đích nêu trên sẽ được trình bày trong các phần tiếp theo.

Vệ sinh cho trẻ khi trẻ bị viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu thường gặp ở trẻ em gái

2. Chẩn đoán viêm đường tiết niệu bằng những xét nghiệm nào?

2.1 Xét nghiệm nước tiểu thông thường

Bác sĩ có thể yêu cầu một mẫu xét nghiệm nước tiểu thông thường, vừa có mục đích khảo sát sức khỏe tổng quát nói chung, vừa để tìm kiếm các tế bào bạch cầu, hồng cầu hoặc vi khuẩn trong chẩn đoán viêm đường tiết niệu.

Tuy nhiên, để tránh ô nhiễm mẫu bệnh phẩm có thể xảy ra và làm sai lệch kết quả, trước tiên người bệnh cần được hướng dẫn vệ sinh khu vực bộ phận sinh dục ngoài kỹ lưỡng và phải thu thập nước tiểu giữa dòng.

Đối với xét nghiệm nước tiểu nhằm mục tiêu chẩn đoán viêm đường tiết niệu, mẫu bệnh phẩm sẽ được đánh giá theo ba cách: kiểm tra bằng thị giác, kiểm tra với que nhúng và kiểm tra bằng kính hiển vi. Đối với quan sát trực tiếp, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể làm cho nước tiểu trông đục, lợn cợn thay vì trong suốt; có màu đỏ nếu nhiễm trùng gây chảy máu. Đồng thời, mẫu nước tiểu cũng sẽ có mùi bất thường.

Đối với kiểm tra bằng que nhúng, một que nhựa mỏng, có dải hóa chất sẽ được đặt trong nước tiểu để phát hiện những bất thường. Các dải hóa chất thay đổi màu sắc nếu một số chất có mặt hoặc nếu mức độ của chúng là trên mức bình thường. Lúc này, que nhúng sẽ cho biết bằng chứng của nhiễm trùng là khi có nitrit hoặc leukocyte esterase - một sản phẩm của bạch cầu - được phát hiện trong nước tiểu.

Cuối cùng là kiểm tra bằng kính hiển vi, khi quan sát thấy các tế bào bạch cầu có thể là dấu hiệu gián tiếp của nhiễm trùng. Sự hiện diện của vi khuẩn hoặc nấm men có thể chỉ ra nhiễm trùng đường tiết niệu là dấu hiệu trực tiếp.

Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu chấn đoán viêm nhiễm tiết niệu

2.2 Xét nghiệm cấy nước tiểu

Nuôi cấy nước tiểu là một xét nghiệm để tìm vi trùng trong nước tiểu có thể là tác nhân gây nhiễm trùng.

Đây được xem là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu. Kết quả nuôi cấy nước tiểu thường thu nhận được sau 2 đến 3 ngày. Tuy nhiên, một số vi trùng sẽ mất nhiều thời gian hơn để nuôi cấy thành công nhằm tránh kết luận sai lệch là âm tính giả. Vì vậy, kết quả có thể không có sẵn trong vài ngày nhưng thông qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể phát hiện tác nhân gây bệnh hiện diện trong đường tiểu cũng như giải thích được cho sự hiện diện của các triệu chứng lâm sàng có liên quan.

Tương tự như xét nghiệm nước tiểu thông thường, một mẫu nước tiểu sẽ được thu thập đúng quy cách và thêm vào một chất thúc đẩy sự phát triển của vi trùng. Nếu không có vi trùng phát triển, kết quả cấy là âm tính, tức không có nhiễm trùng tiểu.

Ngược lại, nếu có vi trùng phát triển, kết quả cấy là dương tính, người bệnh nhiễm trùng tiểu. Nhiều phòng thí nghiệm xác định 105 đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU) / mL nước tiểu là ngưỡng. Tuy nhiên, ngưỡng này bỏ lỡ nhiều bệnh lý nhiễm trùng có liên quan. Do đó, có những đề nghị khác chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu là từ số lượng 103 CFU / mL, tùy thuộc vào loại vi khuẩn được phát hiện.

Trong trường hợp mẫu nước tiểu có số lượng từ 100 đến 100.000, kết quả này có thể được lý giải là do nhiễm trùng từ bên ngoài hoặc do nhiễm bẩn mẫu. Lúc này, người bệnh cần phải lặp lại quy trình nuôi cấy nước tiểu đúng theo tiêu chuẩn. Nếu số lượng vi trùng là 100 hoặc ít hơn, chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu là hiếm khi được nghĩ đến. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể được nhận định là nhiễm trùng đường tiết niệu nếu đã dùng thuốc kháng sinh.

Mặc dù xét nghiệm cấy nước tiểu không cho biết vị trí nhiễm trùng, kết quả này cũng giúp xác định loại vi trùng gây bệnh cũng như tìm ra loại kháng sinh phù hợp để điều trị nhiễm trùng. Khi đó, bước tiếp theo là đánh giá độ nhạy của chủng vi khuẩn với các loại kháng sinh đang được lưu hành để giúp đưa ra quyết định về điều trị. Một số loại vi khuẩn hoặc nấm có khả năng đề kháng với một số loại kháng sinh nhất định do sự khác biệt về vật liệu di truyền của chúng, nếu vẫn dùng loại kháng sinh đó, việc điều trị sẽ không có hiệu quả. Như vậy, việc lựa chọn kháng sinh trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở từng đối tượng kháng nhau là khác nhau.

Nuôi cấy nước tiểu
Nuôi cấy nước tiểu giúp tìm ra vi trùng gây bệnh

2.3 Hình ảnh học của hệ niệu

Nếu bị viêm đường tiết niệu thường xuyên hay viêm đường tiết niệu xảy ra trên các đối tượng có ít nguy cơ như nam giới, trẻ em... các nguyên nhân bất thường trong đường tiết niệu cần phải nghi ngờ.

Lúc này, người bệnh cần phải được siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ ổ bụng và tái dựng hình ảnh hệ niệu. Bác sĩ cũng có thể sử dụng thuốc nhuộm tương phản để làm nổi bật các cấu trúc trong đường tiết niệu.

Trong trường hợp có bất thường cấu trúc trên hệ niệu như xuất hiện các khối chèn ép tại chỗ hay xâm lấn, các dị tật bẩm sinh..., việc can thiệp ngoại khoa giải thoát tắc nghẽn cần được xem xét chỉ định, phòng ngừa viêm đường tiết niệu tái phát. Mặt khác, các phương tiện hình ảnh học của hệ niệu cũng giúp phát hiện ra biến chứng tổn thương cấu trúc do những lần viêm đường tiết niệu thường xuyên trước đó, có thể cần phải phẫu thuật.

2.4 Nội soi bàng quang

Toàn bộ niêm mạc đường tiểu dưới, bao gồm bàng quang và niệu đạo, sẽ được thám sát bằng nội soi bàng quang.

Chỉ định này cũng sẽ được thực hiện nếu bạn bị nhiễm trùng tiểu tái phát. Trong đó, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi bàng quang bằng cách sử dụng một ống dài, mỏng, có gắn nguồn sáng và máy thu hình để quan sát bên trong niệu đạo và bàng quang. Bất kỳ những thương tổn trên bề mặt niêm mạc niệu đạo và bàng quang cũng có thể là điều kiện thuận lợi để vi trùng bám dính, tăng sinh và gây bệnh. Chính vì vậy, nếu không giải quyết được những nguyên nhân tiềm ẩn này, người bệnh sẽ được chẩn đoán viêm đường tiết niệu và điều trị nhiều đợt kháng sinh nhưng kém đáp ứng.

Nội soi bàng quang bằng ống mềm
Nội soi bàng quang được áp dụng chẩn đoán bệnh

2.5 Các xét nghiệm khác trong chẩn đoán viêm đường tiết niệu

Tương tự như nhiễm trùng tại các hệ cơ quan khác, chẩn đoán viêm đường tiết niệu cũng cần đòi hỏi các xét nghiệm hỗ trợ, nhằm xác định mức độ nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng lây lan cũng như loại trừ khả năng bội nhiễm tại các vị trí khác. Ngoài ra, các xét nghiệm này cũng giúp bác sĩ đánh giá chức năng tim phổi, gan thận của người bệnh, định hướng sử dụng thuốc và đánh giá đáp ứng thuốc.

Các xét nghiệm này bao gồm tổng phân tích tế bào máu, đo nồng độ protein C phản ứng viêm, men gan, sản phẩm chuyển hóa của thận,... cùng với một phim X-quang phổi và một điện tâm đồ, siêu âm tim ở người lớn tuổi, có tiền căn bệnh lý tim mạch nhằm dự phòng nguy cơ khởi phát biến cố do nhiễm trùng từ viêm đường tiết niệu.

Tóm lại, việc điều trị viêm đường tiết niệu nhìn chung là khá đơn giản với công cụ là kháng sinh. Tuy nhiên, trong các trường hợp viêm đường tiết niệu tái phát, vai trò của các xét nghiệm chẩn đoán viêm đường tiết niệu trở nên rất quan trọng. Chính vì vậy, biết cách sử dụng các xét nghiệm này sẽ góp phần điều trị hiệu quả cũng như phòng ngừa trong tương lai.

Quý khách có dấu hiệu nghi ngờ bệnh viêm đường tiết niệu có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Ngoại tiết niệu được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.

Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

45.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: