Điều trị rối loạn lo âu không dùng thuốc

Rối loạn lo âu là một chứng bệnh không còn xa lạ với nhiều người và đang có xu hướng ngày càng tăng cao. Việc điều trị rối loạn lo âu thường kéo dài và khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi tác dụng không mong muốn của thuốc. Hiện nay, các phương pháp chữa rối loạn lo âu không dùng thuốc đang được áp dụng hiệu quả giúp người bệnh tránh khỏi những khó khăn khi phải dùng thuốc.

1. Rối loạn lo âu là gì?

Lo lắng là một trạng thái cảm xúc bình thường của cơ thể, đặc biệt trong giai đoạn gặp khó khăn, căng thẳng. Tuy nhiên, khi sự lo lắng trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày thì đây có thể là dấu hiệu của rối loạn lo âu.

Rối loạn lo âu có thể gặp ở người lớn và cả trẻ em. Sống chung với dạng rối loạn tâm thần này là một thách thức. Tuy nhiên, nếu được tư vấn tâm lý sớm và điều trị rối loạn lo âu kịp thời thì tình trạng này có thể được cải thiện.

Các triệu chứng của rối loạn lo âu có thể khác nhau ở từng cá thể, chúng bao gồm:

  • Lo lắng liên tục, thậm chí ám ảnh về một vấn để nhỏ hoặc lớn
  • Mệt mỏi, chóng mặt,
  • Khó tập trung, không thể giữ bình tĩnh
  • Cảm giác khó chịu, bồn chồn, hoảng loạn, bất an, sợ hãi
  • Khó ngủ
  • Run, bối rối hoặc dễ bị giật mình
  • Ra mồ hôi, tê hoặc ngứa ran, bàn tay và bàn chân lạnh
  • Buồn nôn, tiêu chảy
  • Khó thở
  • Tim đập nhanh, đánh trống ngực
  • Đau nhức bắp thịt, căng cơ
  • Đôi khi, cơn lo lắng không hoàn toàn biến mất, người bệnh lo lắng về những vấn đề không rõ ràng.
  • Ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể lo lắng quá nhiều về việc đúng giờ, các hoạt động tại trường, động đất, chiến tranh hoặc các sự kiện chấn động khác.

2. Các nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến rối loạn lo âu bao gồm:

  • Sang chấn tâm lý: Những người trải qua chấn động về tâm lý như bị lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động, chứng kiến các sự kiện đau thương có nguy cơ mắc rối loạn lo âu cao hơn tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống.
  • Căng thẳng: Gặp khó khăn trong công việc, tài chính, có bệnh mãn tính trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu.
  • Tính cách: Những người sống nội tâm, ngại tiếp xúc có xu hướng bị rối loạn lo âu nhiều hơn.
  • Các rối loạn sức khỏe tâm thần khác: Những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, ... cũng có nguy cơ mắc rối loạn lo âu nhiều hơn.
  • Có thành viên trong gia đình bị rối loạn lo âu.

Xác định được yếu tố nguy cơ gây rối loạn lo âu trên người bệnh sẽ giúp các bác sĩ đưa ra được liệu trình điều trị rối loạn lo âu phù hợp.

3. Điều trị rối loạn lo âu

Phương pháp điều trị rối loạn lo âu bao gồm thuốc và tâm lý trị liệu.

3.1. Điều trị rối loạn lo âu bằng thuốc

Các thuốc thường được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm: Gồm các thuốc như Paroxetine, Sertraline, Venlafaxine. Các thuốc này tác động đến hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh trong não và có vai trò điều trị rối loạn lo âu.
  • Buspirone: Thường được sử dụng liên tục trong điều trị rối loạn lo âu, thường mất đến vài tuần để phát huy hiệu quả. Các tác dụng không mong muốn thường gặp của Buspirone là chóng mặt, ít gặp hơn là đau đầu, căng thẳng, mất ngủ, buồn nôn.
  • Benzodiazepin: Các thuốc an thần (ví dụ diazepam, chlordiazepoxide, alprazolam, lorazepam, ...) đôi khi được chỉ định để điều trị ngắn hạn rối loạn lo âu. Trong đó, Benzodiazepin chỉ được dùng trong thời gian ngắn để làm giảm các triệu chứng lo âu cấp tính.

3.2. Điều trị rối loạn lo âu không dùng thuốc

Dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu đôi khi gây ra một số tác dụng không mong muốn cho người bệnh, vì vậy người bệnh có xu hướng lựa chọn các phương pháp chữa rối loạn lo âu không dùng thuốc. Ưu điểm của các phương pháp này là có hiệu quả cao, an toàn và không gây ra tác dụng không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Phần lớn các triệu chứng tâm thần của người bệnh đều giảm sau khi được áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như: giật mình, bồn chồn, mất kiềm chế, cáu gắt, ... Một số phương pháp chữa rối loạn lo âu không dùng thuốc thường được áp dụng bao gồm:

3.2.1. Liệu pháp nhận thức hành vi:

  • Còn được gọi là liệu pháp nói chuyện, tư vấn tâm lý, là cách chữa rối loạn lo âu không dùng thuốc phổ biến nhất. Cơ sở của liệu pháp này là khái niệm cho rằng con người đều có các suy nghĩ tiêu cực dẫn đến đau khổ về cảm xúc, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi có hiệu quả tương đương với thuốc điều trị rối loạn lo âu nhưng lại có lợi ích lâu dài hơn. Nhược điểm của liệu pháp này là hiệu quả phụ thuộc vào động lực của bản thân người bệnh, thời gian điều trị, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ trị liệu.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi giúp người bệnh hiểu được ảnh hưởng của suy nghĩ, cảm xúc đến hành vi và giúp người bệnh thấy được rằng họ có thể kiểm soát cách họ giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

3.2.2. Thay đổi lối sống tích cực hơn

Thực hiện lối sống lành mạnh cũng là một phương pháp điều trị rối loạn lo âu không dùng thuốc có hiệu quả và an toàn. Dưới đây là những việc người bệnh có thể làm để có một lối sống tích cực hơn:

  • Tập Yoga: Yoga giúp con người thư giãn, điềm tĩnh hơn trong cuộc sống. Đồng thời, yoga giúp người bệnh có năng lượng để ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống, kiểm soát lo âu, căng thẳng.
  • Tập thể dục: Tập thể dục có thể làm giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và nâng cao sức đề kháng. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng hoặc chơi các môn thể thao đơn giản như đi bộ, đạp xe, ... Nên tập thể dục đều đặn và với cường độ hợp lý.
  • Có chế độ ăn lành mạnh: Nên tăng cường rau xanh, trái cây tươi trong khẩu phần ăn hằng ngày để cung cấp nguồn vitamin và khoáng chất, chất xơ dồi dào. Ngoài ra, nên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, dầu tốt cho sức khỏe như dầu oliu, dầu hạt cải, dầu hướng dương, ... Đồng thời, hạn chế sử dụng chất béo bão hòa, thức ăn nhiều đường và thức ăn chế biến sẵn.
  • Hạn chế tối đa sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích.
  • Ngủ đủ giấc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan