Gây mê nội khí quản phẫu thuật lấy thai trên sản phụ bị động kinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Quang - Trưởng đơn nguyên Gây mê - Giảm đau - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Gây mê nội khí quản phẫu thuật lấy thai trên sản phụ động kinh hay người có tiền sử động kinh là kỹ thuật gây mê toàn thân có đặt nội khí quản. Mục đích của phương pháp này là kiểm soát hô hấp của sản phụ trong suốt cuộc phẫu thuật và hỗ trợ hồi sức sau phẫu thuật.

1. Gây mê nội khí quản ở bà bầu bị động kinh được chỉ định khi nào?

Gây mê nội khí quản phẫu thuật lấy thai được chỉ định:

  • Sản phụ bị bệnh động kinh
  • Sản phụ có tiền sử động kinh
  • Sản phụ có cơn co giật trong chuyển dạ.

Động kinh được định nghĩa là một rối loạn tâm thần, trong đó hoạt động của não bị thay đổi, gây co giật hoặc có thời gian hành vi và cảm giác bất thường, đôi khi bệnh nhân còn mất ý thức trong thời gian ngắn.

Lưu ý không thực hiện gây mê nội khí quản mổ lấy thai ở sản phụ bị động kinh tại các cơ sở y tế không đủ phương tiện gây mê - hồi sức hoặc kỹ thuật viên thực hiện không thành thạo kỹ thuật chuyên môn.

Gây mê nội khí quản
Gây mê nội khí quản giúp lấy thai an toàn ở bà bầu bị động kinh

2. Chuẩn bị gây mê nội khí quản khi mổ lấy thai

Người thực hiện

  • Bác sĩ
  • Điều dưỡng chuyên khoa gây mê hồi sức

Chuẩn bị phương tiện

  • Hệ thống máy gây mê kèm thở
  • Nguồn oxy bóp tay
  • Hệ thống máy theo dõi chức năng sống (theo dõi điện tâm đồ, đo huyết áp động mạch, khí máu động mạch SpO2, EtCO2, đo nhịp thở, đo thân nhiệt)
  • Máy phá rung tim
  • Máy hút
  • Đèn soi thanh quản
  • Ống nội khí quản
  • Ống hút
  • Mask
  • Bóng bóp
  • Canul miệng hầu
  • Kìm Magill, mandrin mềm.
  • Thuốc tê Lidocain 10% dạng xịt
  • Thuốc Salbutamol dạng xịt.
  • Phương tiện dự phòng trường hợp đặt nội khí quản khó: ống Cook, mask thanh quản, ống soi phế quản mềm, bộ mở khí quản, kìm mở miệng...
Thuốc tê Lidocain 10% dạng xịt
Trong quá trình gây mê cần chuẩn bị thuốc tê Lidocain 10% dạng xịt

Chuẩn bị người bệnh trước phẫu thuật lấy thai

  • Thăm khám tiền mê để phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ co giật toàn thân hay co giật từng phần
  • Giải thích cho bệnh nhân
  • Đánh giá việc đặt nội khí quản khó
  • Cho bệnh nhân sử dụng thuốc an thần vào buổi tối hôm trước mổ lấy thai (nếu cần thiết).

3. Quy trình thực hiện kỹ thuật gây mê nội khí quản phẫu thuật lấy thai trên người bệnh động kinh

3.1 Các bước tiến hành chung

  • Kiểm tra hồ sơ bao gồm: phiếu tư vấn, biên bản hội chẩn (nếu có), giấy cam đoan...
  • Kiểm tra số nhập viện trên vòng đeo tay của sản phụ, kiểm tra thời gian nhịn ăn của sản phụ và răng giả.
  • Cho sản phụ nằm ở tư thế nằm ngửa, thở oxy 100% 3-6 lít/phút, bắt đầu thực hiện trước khởi mê ít nhất 5 phút.
  • Lắp máy theo dõi
  • Thiết lập đường truyền.
  • Thực hiện tiền mê (nếu cần).

3.2 Quy trình thực hiện khởi mê

  • Thuốc ngủ: thuốc mê tĩnh mạch (propofol, etomidate...), thuốc mê bay hơi (Isoflurane...).
  • Thuốc giảm đau: fentanyl, sufentanil
  • Thuốc giãn cơ (nếu cần) gồm: succinylcholin, rocuronium, vecuronium.
Vết tiêm gây tê đau nhức
Thuốc giảm đau được thực hiện khi khởi mê

3.3 Quy trình đặt nội khí quản

  • Điều kiện đặt ống nội khí quản đường miệng cho sản phụ gây mê nội khí quản khi mổ lấy thai là người bệnh phải ngủ sâu và đạt đủ độ giãn cơ.
  • Kỹ thuật viên mở miệng sản phụ, tay đặt dưới cổ để cổ ngửa thẳng, đưa đèn soi thanh quản vào bên phải miệng bệnh nhân rồi gạt lưỡi sang trái, đẩy đèn sâu vào, tay phải phối hợp đè sụn giáp nhẫn để tìm nắp thanh môn và lỗ thanh môn.
  • Tiến hành thực hiện khởi mê nhanh và làm thủ thuật Sellick trong trường hợp dạ dày đầy (ấn sụn nhẫn 20-30 N) ngay khi bệnh nhân mất tri giác đến khi đặt ống nội khí quản xong).
  • Tiếp tục luồn ống nội khí quản nhẹ nhàng đi qua lỗ thanh môn, ngừng lại khi bóng của ống nội khí quản đi qua dây thanh âm từ 2-3 cm rồi rút đèn soi thanh quản nhẹ nhàng, bơm bóng nội khí quản.
  • Kiểm tra vị trí của ống nội khí quản (dựa vào việc nghe phổi cả hai phế trường và dựa trên kết quả EtCO2)
  • Cố định ống nội khí quản bằng băng dính.
  • Đặt canul vào miệng để tránh trường hợp bệnh nhân cắn ống (nếu cần)
  • Trường hợp đặt nội khí quản khó thì cần áp dụng quy trình đặt ống nội khí quản khó.

3.4 Kỹ thuật duy trì mê

  • Duy trì mê bằng các loại thuốc mê tĩnh mạch (cần tránh thuốc ketamin), thuốc mê bốc hơi Isoflurane (cần tránh thuốc sevoflurane vì có thể gây động kinh), sử dụng thêm thuốc giảm đau thuốc giãn cơ (nếu cần).
  • Kiểm soát hô hấp của sản phụ bằng máy hoặc bóp bằng tay.
  • Theo dõi độ sâu của gây mê (theo dõi nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, chảy nước mắt, MAC, BIS, Entropy...).
  • Theo dõi dấu hiệu sinh tồn: nhịp tim, huyết áp, thân nhiệt, SpO2, EtCO2
  • Thận trọng với ống nội khí quản sai vị trí, gập, tắc.
thuốc mê tĩnh mạch
Thuốc mê tĩnh mạch được sử dụng để duy trì mê

4. Thời điểm có thể rút ống nội khí quản

  • Sản phụ tỉnh, có thể thực hiện theo lệnh, các thuốc giãn cơ đã được hóa giải hoàn toàn.
  • Nâng đầu bệnh nhân trên 5 giây, chỉ số TOF >0.9 (nếu có).
  • Bệnh nhân sau mổ có thể tự thở đều.
  • Tần số thở nằm trong giới hạn bình thường.
  • Mạch và huyết áp ổn định.
  • Thân nhiệt trên 35 độ C.
  • Không có bất kỳ biến chứng nào của gây mê và phẫu thuật.

5. Tai biến khi thực hiện kỹ thuật gây mê nội khí quản

  • Trào ngược dịch dạ dày vào đường thở: cần hút sạch dịch, cho sản phụ nằm đầu thấp và nghiêng sang 1 bên, đặt nhanh ống nội khí quản vào và hút sạch dịch, theo dõi sản phụ và đề phòng nhiễm trùng phổi.
  • Rối loạn huyết động: tăng giảm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim
  • Tai biến do không đặt được nội khí quản, đặt nhầm vào dạ dày, do co thắt thanh-khí-phế quản, chấn thương khi đặt ống...
  • Biến chứng về hô hấp: tụt, gập hoặc ống nội khí quản bị đẩy sâu vào một phổi, hở hệ thống hô hấp, hết nguồn oxy...
  • Biến chứng sau rút ống: suy hô hấp sau, đau họng khàn tiếng, co thắt thanh-khí-phế quản, viêm đường hô hấp trên, hẹp thanh-khí quản...
Trào ngược dạ dày
Trào ngược dịch dạ dày có thể xảy ra khi thực hiện kỹ thuật gây mê nội khí quản

6. Lưu ý khi mổ lấy thai ở bà mẹ bị động kinh

  • Chú ý các loại thuốc sản phụ dùng để điều trị động kinh như Carbamazepine, Phenytoin, Valproate, Phenobarbital, gabapentin hay lamotrigine...
  • Chú ý tác dụng phụ do thuốc chống động kinh gây ra như buồn ngủ, chóng mặt, trầm cảm và làm gia tăng cơn co giật trong thai kỳ, giảm tiểu cầu hoặc thiếu máu do suy tủy.
  • Lưu ý tránh dùng Ketamine, Enflurane và Meperidine vì thuốc có thể làm giảm ngưỡng co giật, dễ dẫn đến co giật
  • Thuốc Sevorane có tính chất gây động kinh cao hơn Isoflurane.
  • Điều trị cơn co giật khi đặt nội khí quản có thể dùng benzodiazepine.
  • Dẫn mê có thể dùng thiopental và succinylcholine, duy trì oxy, nitrous oxide và isoflurane.
  • Sản phụ dùng thuốc Phenytoin thường đề kháng với Vecuronium, không đề kháng với Atracurium.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.

Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt nhất trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan